Nghệ AnTừ 1,3 ha đất bỏ hoang của gia đình, Lê Lưu Thắng mất 3 năm cải tạo thành trang trại trồng bí xanh, cho thu nhập 400 triệu đồng một năm.
Tốt nghiệp ngành Quản lý tài nguyên môi trường của Đại học Vinh năm 2018, Lê Lưu Thắng, quê xã Nam Thanh, huyện Nam Đàn, được nhà trường cử sang Israel thực tập tại các trang trại. Sau một năm du học, với kết quả loại tốt, chàng trai sinh năm 1996 đầu quân về một doanh nghiệp chuyên về nông nghiệp sạch và thuốc bảo vệ thực vật ở Hà Nội, lương tháng hơn 10 triệu đồng.
Thấy thị trường tiêu thụ phân bón, thuốc bảo vệ thực vật tại Nghệ An còn hạn chế, Thắng ấp ủ dự định trở thành đối tác phân phối sản phẩm cho công ty. Nhưng lúc được chuyên gia chuyển giao kỹ thuật làm nông nghiệp sạch, đặc biệt là cách trồng và tiêu thụ bí xanh, anh lại tự hỏi: “Tại sao không thực hiện mô hình này trên đất của mình?”, bởi gia đình còn 1,3 ha trang trại bỏ hoang.
Thắng gửi đơn thôi việc lên lãnh đạo công ty, về quê khởi nghiệp tháng 6/2020. “Em mất 5 tháng suy nghĩ. Bạn bè, hàng xóm bảo lương hơn 10 triệu đồng một tháng với người mới ra trường là đáng mơ ước, nghỉ thì khó kiếm nghề nào hơn. Riêng bố mẹ ủng hộ, bảo làm thế nào đừng để hối hận”, Thắng kể.
Thắng đặt vấn đề làm đối tác với công ty cũ, nhận phân phối phân bón và thuốc bảo vệ thực vật tại Nghệ An nhằm tích lũy vốn. Anh thuê 3 nhân viên, hàng ngày lái xe máy đi tiếp thị bán hàng. Sau 6 tháng, anh nhẩm tính tháng lời hơn 15 triệu đồng, nhưng suy cho cùng vẫn là làm thuê. “Phải làm chủ thôi”, Thắng nhớ lại quyết định ngừng làm đại lý, về nhà đầu tư mô hình nông nghiệp sạch.
Tích góp được 50 triệu đồng, Thắng dồn hết cải tạo đất hoang. Ban đầu anh định trồng thêm dưa chuột hay mướp đắng để xen canh, song thấy không phù hợp thổ nhưỡng nên tập trung vào cây bí. Loài cây này thích nghi tốt với đất pha cát ở Nam Thanh, quả được nhiều cơ sở ưa chuộng, mua số lượng lớn về phơi khô làm nước giải khát.
Ngoài 1,3 ha đất vườn của gia đình ở xã Nam Thanh, Thắng thuê thêm 0,35 ha đất trồng hoa màu của người dân để cải tạo trồng bí. Đất vườn của gia đình trước đó trồng cam, chanh, nhưng cây chậm phát triển nên bỏ hoang. Thắng thuê máy xúc về san gạt cho bằng phẳng, sau đó tự mình nhặt cỏ, tạo luống, bón phân vi sinh để tiết kiệm chi phí.
Cải tạo đất đến đâu Thắng trồng bí đến đó nhằm kiếm tiền đầu tư cho đợt kế tiếp. Ròng rã một năm, hơn 1,3 ha đất từ chỗ bỏ hoang đã phủ màu xanh của cây bí.
Lứa đầu tiên bỏ ra gần 30 triệu đồng gồm cả giống và vật tư, Thắng mất trắng do giàn dựng chưa đúng kỹ thuật bị đổ, năng suất dự kiến 50 tấn giảm còn một nửa. Những vụ sau nhờ rút được kinh nghiệm nên cây phát triển, cho quả ổn định, nhưng giá bí xanh giảm từ 6.000 xuống 2.000 đồng/kg.
Có hôm bí tồn đọng không thể tiêu thụ, Thắng ngồi giữa ruộng rưng rưng nước mắt, bố mẹ trông thấy động viên “thôi chịu khó chờ giá lên rồi tính tiếp”. Sau vài tháng giá cải thiện, nhưng bí hỏng phân nữa.
“Khó khăn nhất là giữa năm 2021, do Covid-19 nên thị trường đóng băng, tôi lỗ gần 100 triệu đồng”, Thắng nói. Giai đoạn này anh chủ yếu làm cầm chừng. Đến cuối năm, khi Covid-19 dần qua, thị trường tiêu thụ mở trở lại, Thắng trồng bí hết diện tích và bắt đầu có đối tác ở Hà Nội đến tận ruộng thu mua.
Cây bí xanh trồng sau 2,5 tháng thì cho thu hoạch. Hiện Thắng sở hữu gần 3 ha, mỗi năm làm hai vụ, đầu và cuối năm, sản lượng 70-90 tấn. Bí trồng tại ruộng và trang trại năng suất tốt, quả trung bình dài hơn một mét, dùng để làm thực phẩm, phơi khô ép nước giải khát, bán giá 4.000-6.000 đồng một kg.
Để trồng bí hơn 1,6 ha bí, Thắng phải mua rất nhiều phân bón, chất lượng cũng trồi sụt. Vì thế, anh quyết định lập xưởng sản xuất phân bón, mua phân gà từ Hà Tĩnh đem về ủ theo công thức riêng, sau đó phối trộn với axit humic rồi đem ép viên, bán mỗi năm hơn 70 tấn. Sản phẩm được đánh giá giúp kích thích rễ cây phát triển, đa phần làm ra không đủ cấp cho đối tác.
Hai năm đầu khó khăn, đến nay việc trồng bí và làm phân bón của Thắng đã ổn định. Nhiều cửa hàng nông sản sạch, công ty và đại lý nông nghiệp lớn ở trong và ngoài tỉnh thường đặt vấn đề với anh để thu mua các sản phẩm theo từng đợt. Doanh thu một năm khoảng 1,5 tỷ đồng, sau khi trừ chi phí lời gần 400 triệu.
Những đợt thu hoạch bí hay cao điểm làm phân bón, Thắng thuê 9 lao động, trả công theo ngày, 200.000-1.000.000 đồng tùy tính chất và độ khó công việc.
Thắng lập gia đình hồi cuối năm 2021, đã có con nhỏ 8 tháng. Vợ chồng dự kiến sang năm xây nhà trên miếng đất mới mua được ở trung tâm xã Nam Thanh và mở rộng diện tích trồng bí.
Lãnh đạo Hội Nông dân huyện Nam Đàn đánh giá Thắng kiên trì, chịu khó tìm hiểu, luôn có những sáng kiến mang tính đột phá trong làm nông nghiệp. Năm 2022, Thắng nhận giải thưởng Lương Định Của tôn vinh thanh niên có thành tích xuất sắc trong phát triển ngành nghề, xây dựng nông thôn mới. “Sắp tới đơn vị sẽ hỗ trợ kết nối thêm nhiều đối tác, kiến nghị chính quyền bố trí thêm quỹ đất để giúp Thắng có vùng sản xuất chuyên canh, đa thời vụ”, vị lãnh đạo nói.
Nguồn tin: https://vnexpress.net/ky-su-bat-dat-hoang-de-ra-tien-4689999.html