Khu thương mại tự do của Đà Nẵng nếu được thành lập sẽ gồm 3 khu chức năng chính là sản xuất, hậu cần cảng – logistics và thương mại – dịch vụ.
Ngày 7/6, Quốc hội thảo luận hội trường về dự thảo Nghị quyết sửa đổi chính sách thí điểm đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng. Một trong số các cơ chế thành phố đề xuất là được thành lập khu thương mại tự do gắn với cảng Liên Chiểu.
Đà Nẵng cho biết các khu thương mại tự do điển hình trên thế giới có hai hướng phát triển. Một là mô hình truyền thống thiên về chế xuất, gồm hệ sinh thái cảng biển – logistics – công nghiệp. Hai là mô hình hiện đại, gồm đô thị kinh doanh tích hợp hoạt động chế xuất và dịch vụ giá trị cao.
Với tiềm năng sẵn có, thành phố mong muốn lựa chọn mô hình thứ hai, trong đó có ba khu chức năng: sản xuất, hậu cần cảng – logistics và thương mại – dịch vụ. Muốn vậy, Đà Nẵng cần có hệ thống chính sách đặc biệt trong giám sát hàng hóa, quản lý ngoại hối, chính sách thuế và thành lập doanh nghiệp. Với các ưu đãi phù hợp, thành phố sẽ thúc đẩy ngoại thương, thu hút đầu tư nước ngoài và hội nhập quốc tế.
“Khu thương mại tự do cần được thiết kế các chính sách thực sự vượt trội để thu hút đầu tư, tài chính, thương mại, du lịch và dịch vụ chất lượng cao, trong đó quan trọng nhất là ưu đãi đầu tư về thuế thu nhập doanh nghiệp, miễn giảm tiền thuê đất”, UBND TP Đà Nẵng báo cáo.
Thành phố dẫn kinh nghiệm của Trung Quốc cho thấy để thúc đẩy phát triển các ngành sản xuất giá trị cao, nước này đã cho miễn thuế nhập khẩu nguyên, vật liệu vào Khu công nghiệp công nghệ cao Hải Khẩu thuộc Khu thương mại tự do Hải Nam. Hàng hóa được gia công trên 30% tại khu thương mại tự do này còn được miễn thuế khi bán vào nội địa Trung Quốc.
Khu thương mại trung tâm Tam Á của Hải Nam cũng miễn thuế cho khách du lịch nội địa với hạn ngạch mua hàng lên đến 100.000 CNY/năm (khoảng 360 triệu đồng). Khách du lịch nước ngoài tham quan Hải Nam sẽ được kéo dài thời hạn miễn thị thực 15-30 ngày.
Trong giai đoạn ban đầu thí điểm, Đà Nẵng mong muốn được phân cấp cho UBND thành phố quyết định chủ trương đầu tư các dự án xây dựng kết cấu hạ tầng khu chức năng. Doanh nghiệp được tiếp cận chế độ ưu tiên về thủ tục hải quan. Ban quản lý Khu công nghệ cao và Khu công nghiệp Đà Nẵng thực hiện chức năng quản lý nhà nước về Khu thương mại tự do Đà Nẵng, quản lý theo cơ chế “một cửa, tại chỗ”.
“Cơ chế này giúp giảm đáng kể chi phí về thời gian và thủ tục hành chính trong việc xây dựng quy định pháp luật”, thành phố cho hay.
Về vấn đề kiểm soát, quản lý đối với Khu thương mại tự do là vấn đề lớn, không chỉ về kinh tế mà còn liên quan đến quốc phòng, an ninh. Vì vậy, Đà Nẵng xác định phát triển khu thương mại tự do sẽ kết hợp hài hòa mô hình kinh tế tương đồng đã có khung pháp luật với thí điểm các chính sách mới. Các chính sách chưa rõ nhưng thông lệ quốc tế đang áp dụng thì thành phố cho áp dụng thí điểm gắn với các điều kiện và thường xuyên kiểm tra, giám sát.
Theo chương trình, Quốc hội sẽ biểu quyết thông qua dự thảo Nghị quyết sửa đổi chính sách thí điểm đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng ngày 26/6.
Sáng 7/6, Quốc hội cũng thảo luận về Phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2022. Buổi chiều, đại diện Chính phủ trình bày Tờ trình về dự án Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi). Sau đó, các đại biểu họp riêng về Quy hoạch không gian biển quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Nguồn tin: https://vnexpress.net/khu-thuong-mai-tu-do-cua-da-nang-se-la-do-thi-kinh-doanh-tich-hop-4755342.html