Phó thủ tướng Thường trực Nguyễn Hòa Bình khẳng định việc không tổ chức HĐND cấp xã ở đô thị giúp tăng thẩm quyền và trách nhiệm của Chủ tịch UBND trong các quyết định cấp bách.
Ngày 5/2, Chính phủ trình Thường vụ Quốc hội dự án Luật Chính quyền địa phương sửa đổi, trong đó đề xuất quận, phường, xã thuộc đô thị (bao gồm thị xã, thành phố thuộc tỉnh và thành phố trực thuộc trung ương) chỉ tổ chức UBND, không tổ chức HĐND.
“Chúng ta đã thực hiện thành công ở nhiều chính quyền đô thị. Việc này là đề cao trách nhiệm của chủ tịch, không phải đi xin ý kiến lòng vòng, nhất là những vấn đề của Ủy ban để quyết khẩn trương, chờ đến kỳ họp HĐND thì lỡ cơ hội”, Phó thủ tướng Nguyễn Hòa Bình giải thích.
Đại diện cơ quan thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng nói Luật Tổ chức chính quyền địa phương đã cho phép không tổ chức HĐND ở một số đơn vị hành chính đô thị. Chính phủ đã sơ kết báo cáo Quốc hội, cho thấy hiệu quả rất tốt, tác động tích cực. “Chúng tôi ủng hộ đề xuất này vì không phải tất cả các đơn vị hành chính xã không tổ chức HĐND mà chỉ thực hiện ở các đơn vị thuộc địa bàn đô thị”, ông nói.
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đề nghị Chính phủ làm rõ các lợi ích và hạn chế của việc không tổ chức HĐND xã ở đô thị để có cơ sở thuyết phục Quốc hội. Ông nhấn mạnh rằng nhà nước cần phát huy quyền làm chủ tập thể của nhân dân, mà nhân dân bầu ra HĐND. Do đó, không tổ chức HĐND ở cấp nào cần giải thích cụ thể.
Tuy nhiên, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Y Thanh Hà Niê Kđăm bày tỏ băn khoăn về việc này. Ông cho rằng cần xác định xã thuộc đô thị chưa phải là đơn vị hành chính đô thị và HĐND ở nông thôn có vai trò khác biệt so với đô thị.
HĐND cấp xã có nhiều nhiệm vụ gắn với các chính sách về đầu tư cơ sở hạ tầng, đất đai, phát triển nông nghiệp, bảo vệ rừng và chính sách về cơ cấu kinh tế trong khu vực; thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia phù hợp với điều kiện của địa phương. Vì vậy, ông đề nghị Chính phủ xem xét kỹ cơ sở chính trị và pháp lý, đánh giá tác động và xin ý kiến Bộ Chính trị trước khi quyết định.
Nhằm bảo đảm tinh gọn tổ chức bộ máy, Bộ Nội vụ cũng đề xuất nguyên tắc xác định số lượng đại biểu HĐND trên cơ sở quy mô dân số, đặc điểm vùng miền và điều kiện kinh tế xã hội của từng địa bàn. UBND hoạt động theo chế độ tập thể kết hợp với trách nhiệm cá nhân của chủ tịch UBND và từng thành viên.
Ngoài ra, dự luật hướng đến mở rộng thẩm quyền riêng của chủ tịch UBND; bổ sung quy định về giao phụ trách, điều hành hoạt động của UBND (trong thời gian khuyết chủ tịch UBND và chưa giao quyền chủ tịch UBND) nhằm đáp ứng yêu cầu của thực tiễn.
Dự án luật này sẽ được Chính phủ trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp bất thường ngày 12-18/2.
Nguồn tin: https://vnexpress.net/khong-to-chuc-hdnd-cap-xa-o-do-thi-de-tang-cuong-trach-nhiem-chu-tich-4846104.html