Hà NộiSau hơn 8 tháng thi công và với tổng mức đầu tư gần 89 tỷ đồng, dự án vườn hoa hồ Thiền Quang được khánh thành vào sáng 18/10.
Phát biểu tại lễ gắn biển, Phó chủ tịch UBND quận Hai Bà Trưng Nguyễn Mạnh Hùng nói dù phải đối mặt với nhiều khó khăn như xử lý các phát sinh trong quá trình thi công và ảnh hưởng của bão Yagi, nhưng các đơn vị thi công đã nỗ lực hoàn thành dự án đúng tiến độ, chào mừng kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô. Ngày 7/10, công trình đã nghiệm thu hoàn thành để bàn giao đưa vào sử dụng trước hạn 120 ngày.
Theo ông Hùng, dự án không chỉ là vườn hoa đơn thuần mà còn kết nối khu vực hồ Thiền Quang, đường dạo, công viên Thống Nhất, thành một không gian xanh liên hoàn. Việc kết nối vườn hoa với các di tích lịch sử như chùa Quang Hoa, Thiền Quang, Pháp Hoa và Cung Thanh Niên sẽ tạo nên quần thể văn hóa độc đáo, góp phần bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa, lịch sử của Thủ đô. Với không gian xanh rộng lớn, nơi đây sẽ tổ chức nhiều hoạt động văn hóa, thể thao, nghệ thuật, đáp ứng nhu cầu vui chơi giải trí của người dân.
Việc cải tạo đô thị khu vực xung quanh hồ Thiền Quang tỷ lệ 1/500 nằm trong Đề án không gian đi bộ hồ Thiền Quang và vùng phụ cận. Sau khi cải tạo, quận Hai Bà Trưng sẽ mở rộng phố đi bộ quanh hồ. Hiện một số hạng mục đã được sửa chữa, cải tạo theo đề án không gian đi bộ như cụm di tích ba chùa Thiền Quang, Quang Hoa, Pháp Hoa và nâng cấp Cung Thanh niên tại khu bán đảo, dự kiến hoàn thành trong 2024.
Không có 5 quảng trường
Trước đây, quận Hai Bà Trưng tổ chức lấy ý kiến nhân dân về đồ án Thiết kế đô thị khu vực xung quanh hồ Thiền Quang với 5 quảng trường. Tuy nhiên, sau khi tiếp thu ý kiến của chuyên gia và người dân, quận Hai Bà Trưng đã bỏ tên gọi 4 quảng trường Xuân – Hạ – Thu – Đông.
Các vị trí quảng trường cũ được đổi tên thành Cụm cảnh quan từ số 1 đến số 4. Cụ thể cụm cảnh quan số 1 (góc ngã tư Trần Bình Trọng – Nguyễn Du) được giữ ổn định các vị trí cây bóng mát hiện trạng, trồng bổ sung các thảm cây hoa bụi tạo cảnh quan, cải tạo đèn chiếu sáng trang trí, đồng thời bổ sung các bộ bàn ghế bằng đá tự nhiên có khắc mặt bàn cờ phục vụ nhu cầu của người dân.
Cụm cảnh quan số 2 (khu vực không gian mở tại góc giao giữa đường phố Quang Trung và phố Nguyễn Du) có diện tích khoảng 5.000 m2 là không gian rộng nhất xung quanh khu vực hồ. Đơn vị tư vấn nói có thể coi đây là điểm thở của không gian tuyến hiện nay quanh hồ. Do đó bố cục không gian được cải tạo đặc trưng bởi các bồn cây bóng mát hiện hữu, các bồn cây thảm cỏ được bố trí gọn gàng hai bên tạo khoảng không gian trống rõ ràng tại lõi khu đất.
Cụm cảnh quan số 3 (khu vực không gian mở tại khu vực ngã 3 giao phố Quang Trung và phố Trần Nhân Tông). Đây là không gian kết nối phố đi bộ chính với các tuyến đi bộ còn lại quanh hồ Thiền Quang. Được quy hoạch phù hợp một số ô thảm cỏ hiện trạng tạo các lối giao thông rõ ràng, tạo không gian sân cộng đồng đủ rộng để có thể tổ chức các hoạt động đông người (diện tích khoảng 700 m2).
Ngoài quảng trường, nhiều điểm nhấn kiến trúc được nêu trong đồ án thiết kế lấy ý kiến người dân cũng chưa được xây dựng. Khu vực cụm di tích các chùa Quang Hoa, Thiền Quang, Pháp Hoa được giải phóng mặt bằng nên tổng thể cảnh quan khu vực chưa đồng bộ.
Hồ Thiền Quang, từng mang tên là hồ Liên Thủy, tên tiếng Pháp là hồ Halais. Vào thời Pháp, hồ bị lấp dần để mở rộng các con phố. Đến những năm 1930, hồ mới ổn định được diện mạo như bây giờ với diện tích khoảng 5 ha.
Theo thống kê của Hà Nội năm 2020, diện tích quảng trường trên số dân của thành phố rất thấp, trung bình khoảng 0,02 m2 mỗi người. Thành phố hiện chỉ có một số quảng trường như: Ba Đình, Đông Kinh Nghĩa Thục, 1/5 ở cung văn hóa hữu nghị Việt – Xô (trên đất nhà đấu xảo) và Cách mạng tháng Tám. Trong đó, ngoài Ba Đình, ba quảng trường còn lại đều hình thành từ thời Pháp.
Võ Hải
Nguồn tin: https://vnexpress.net/khanh-thanh-vuon-hoa-ho-thien-quang-4805669.html