59 dự án bao gồm xây cao tốc, quốc lộ, vành đai… được đề xuất ưu tiên đầu tư trong 7 năm tới với tổng vốn hơn 230.000 tỷ đồng nhằm phát triển giao thông ở thành phố.
Thông tin nêu trong tờ trình kế hoạch phát triển các dự án trọng điểm thuộc lĩnh vực giao thông tập trung thực hiện trong giai đoạn 2024-2030, được Sở Giao thông Vận tải gửi UBND TP HCM, chiều 22/12. Kế hoạch này nhằm xác định dự án cần ưu tiên bố trí ngân sách, hoặc chủ động phương án kêu gọi vốn từ bên ngoài.
Theo đó, nhóm dự án cao tốc có 4 công trình, gồm hai tuyến xây mới được kiến nghị ưu tiên, gồm: TP HCM – Mộc Bài và TP HCM – Chơn Thành. Hai tuyến khác là TP HCM – Long Thành – Dầu Giây, TP HCM – Trung Lương sẽ đầu tư mở rộng đoạn qua địa bàn.
Nhóm nâng cấp, mở rộng quốc lộ ở thành phố với nhu cầu vốn gần 34.000 tỷ đồng cũng được đề xuất ưu tiên, gồm: quốc lộ 1 (từ đường Kinh Dương Vương đến ranh tỉnh Long An), 13 (từ ngã tư Bình Phước đến cầu Bình Triệu), 22 (từ An Sương đến Vành đai 3).
Với nhóm dự án đường vành đai, Sở Giao thông Vận tải đề xuất ưu vốn khép kín ba đoạn còn lại của Vành đai 2. Trong đó, hai đoạn ở phía đông dài 6 km, đã được thông qua chủ trương đầu tư với tổng vốn gần 14.000 tỷ đồng. Đoạn còn lại ở phía nam dài dài 5,3 km, đang chuẩn bị đầu tư.
Nhóm dự án vành đai còn hai dự án khác, gồm đường nối Vành đai 3 tới đại lộ Võ Nguyên Giáp và Vành đai 4, đoạn qua địa bàn thành phố.
Cùng với những công trình trên, ngành giao thông thành phố kiến nghị sớm đầu tư hai cầu lớn vượt là Thủ Thiêm 4 và Cần Giờ cùng 6 nút giao trọng điểm trên địa bàn như: Ngã tư Bốn Xã, ngã 6 Công trường Dân Chủ, Ngã 5 Đài liệt sỹ… Các tuyến liên kết vùng như xây cầu Rạch Dơi, mở đường mới phía Tây Bắc, xây đường trục đông tây nối dài quốc lộ 1 đến Long An… cũng được kiến nghị ưu tiên để sớm triển khai…
Theo Đề án phát triển kết cấu hạ tầng giao thông trên địa bàn TP HCM giai đoạn 2020-2030, việc đầu tư các dự án được xác định theo mức độ ưu tiên, không làm dàn trải. Việc lập kế hoạch đầu tư các dự án nhằm đảm bảo tiến độ triển khai theo lộ trình những năm tới. Trong tổng nhu cầu vốn, Sở Giao thông Vận tải tính toán ngân sách tham gia đầu tư các dự án trên khoảng 156.560 tỷ đồng (chiếm khoảng 67,8%), còn lại các nguồn vốn khác (Trung ương, PPP).
Đến tháng 11/2023, mật độ đường giao thông ở TP HCM là 2,38 km/km2, thấp hơn nhiều so với quy chuẩn là 10-13,3 km/km2. Thành phố đang quản lý gần 9,2 triệu phương tiện, gồm cả ôtô và xe máy, tăng 4,69% so với cùng kỳ năm 2022. Hệ thống hạ tầng giao thông ở thành phố được cho vừa thiếu vừa yếu so với vai trò đầu tàu kinh tế của cả nước.
Gia Minh
Nguồn tin: https://vnexpress.net/hon-230-000-ty-dong-lam-59-du-an-giao-thong-trong-diem-o-tp-hcm-4692336.html