Ngày 25/5, Quốc hội thảo luận kết quả giám sát thực hiện Nghị quyết số 43/2022 về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ phục hồi, phát triển kinh tế – xã hội.
Theo báo cáo của đoàn giám sát, Nghị quyết số 43/2022 được ban hành trong bối cảnh đặc biệt, khi dịch Covid-19 tác động tiêu cực nặng nề đến đời sống người dân và tình hình kinh tế – xã hội. Sản xuất kinh doanh bị giảm sút. Chuỗi cung ứng về lao động, lưu thông đứt gãy. Việc làm, sinh kế của người lao động ảnh hưởng nặng nề, doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn.
Tại kỳ họp bất thường lần thứ nhất, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết số 43/2022 nhằm đạt “mục tiêu kép”: Hỗ trợ công tác phòng, chống dịch Covid-19, giúp người dân và doanh nghiệp, phục hồi và phát triển kinh tế sau đại dịch. Mục tiêu cụ thể giai đoạn 2021-2025 là tăng trưởng GDP bình quân 6,5-7%/năm, tỷ lệ thất nghiệp ở khu vực thành thị dưới 4%; giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn trong trung hạn và dài hạn.
Theo đoàn giám sát, kết quả thực hiện cho thấy về cơ bản các chỉ tiêu đã đạt kế hoạch. Tăng trưởng GDP năm 2022 đạt 8,12%, cao nhất trong giai đoạn 2011-2022; năm 2023 đạt 5,05%, không đạt mục tiêu Quốc hội giao, tuy nhiên là mức khá cao so với các quốc gia trong khu vực và trên thế giới.
Tỷ lệ thất nghiệp của lao động trong độ tuổi khu vực thành thị năm 2022 là 2,79%, năm 2023 ước là 2,73%, đạt mục tiêu đề ra. Thị trường tiền tệ cơ bản ổn định, lãi suất, tỷ giá được điều hành phù hợp, tín dụng được tập trung vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh và các lĩnh vực ưu tiên. Thu ngân sách nhà nước năm 2022 bằng 128,6% dự toán, năm 2023 bằng 108,2% dự toán.
Dịch bệnh được kiểm soát, tạo điều kiện để hoạt động sản xuất, kinh doanh, đời sống người dân trở lại trạng thái bình thường mới. Ngân sách trung ương hỗ trợ cho 59/60 địa phương để hỗ trợ tiền thuê nhà cho gần 5,2 triệu lượt lao động với tổng kinh phí gần 3.700 tỷ đồng.
Tuy nhiên, đoàn giám sát nhìn nhận danh mục, mức vốn các dự án đầu tư chưa bám sát thực tiễn, dẫn tới phải thay đổi nhiều so với dự kiến. Tiến độ giải ngân nhiều dự án đầu tư, nhất là lĩnh vực y tế chậm. Việc thực hiện chính sách hỗ trợ lãi suất 2%/năm, tối đa 40.000 tỷ đồng, thông qua hệ thống ngân hàng thương mại đạt tỷ lệ thấp (chỉ khoảng 3,05% kế hoạch).
Sức hấp thụ vốn của nền kinh tế còn thấp khi chi phí đầu vào, nguyên vật
liệu nhập khẩu cao. Thị trường đầu ra, đơn hàng, doanh thu của doanh nghiệp suy giảm, ảnh hưởng đến khả năng trả nợ vốn vay ngân hàng, tiềm ẩn nguy cơ phát sinh nợ xấu. Nhiều địa phương tăng trưởng tín dụng thấp hơn so với cùng kỳ các năm trước và thấp hơn mức tăng trưởng của toàn hệ thống.
Đoàn giám sát kiến nghị Chính phủ chỉ đạo bộ, ngành, địa phương giải quyết vướng mắc tại dự án; đẩy mạnh tiến độ thực hiện, giải ngân các dự án đầu tư sử dụng vốn Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội.
Mục tiêu đến ngày 31/12, Chính phủ hoàn thành giải ngân vốn của Chương trình đã được phân bổ, đưa các dự án hoàn thành đi vào sử dụng, phát huy hiệu quả đầu tư vốn. Trường hợp không thể hoàn thành giải ngân theo kế hoạch, Chính phủ làm rõ trách nhiệm của các cơ quan có liên quan, chủ đầu tư, chủ quản dự án, báo cáo Quốc hội tại kỳ họp cuối năm.
Cũng trong ngày 25/5, các đại biểu thảo luận ở tổ về chủ trương đầu tư dự án cao tốc Bắc Nam phía Tây đoạn Gia Nghĩa (Đăk Nông) – Chơn Thành (Bình Phước); Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030.
Nguồn tin: https://vnexpress.net/hom-nay-quoc-hoi-thao-luan-ket-qua-phuc-hoi-kinh-te-xa-hoi-4750327.html