
Tiến sĩ hóa học cao phân tử, từng đại diện cho kiều bào Pháp về tham dự kỳ họp Quốc hội đầu tiên sau ngày thống nhất, bà Lương Bạch Vân không chỉ là nhà khoa học mà còn là người kết nối. Trong nhiều thập niên, bà vận động cộng đồng Việt kiều tại Pháp, Đức hỗ trợ kỹ thuật, kinh phí để Việt Nam sản xuất các sản phẩm thiết yếu đầu tiên bằng công nghệ trong nước: từ vòng tránh thai, nhang muỗi, màng địa chất nuôi tôm đến bồn nước, xuồng ba lá bằng composite. Bà cũng là một trong những người đặt những viên gạch đầu tiên cho ngành năng lượng tái tạo tại TP HCM.
20 năm sau nghỉ hưu, bà Vân tiếp tục làm cầu nối kiều bào và quê hương, tháo gỡ hiểu lầm, hàn gắn vết thương lịch sử bằng sự tin tưởng và đối thoại. Trong dịp kỷ niệm 50 năm ngày thống nhất đất nước, bà là một trong 60 cá nhân được Thành ủy TP HCM tôn vinh vì những đóng góp tiêu biểu cho thành phố.
Trong buổi trò chuyện với VnExpress, bà kể về lý do trở về, những năm tháng đặt nền móng cho một nền khoa học còn sơ khai, và điều bà muốn nhắn gửi đến lớp trẻ đang đứng trước những ngã rẽ lựa chọn: đi hay ở, giữ hay buông, mơ hay hành động.
– Năm nay đánh dấu 50 năm đất nước thống nhất, cũng gần tròn nửa thế kỷ kể từ khi bà rời Pháp trở về quê hương. Trong dịp đặc biệt này, ký ức sâu sắc mà bà nhớ đến sẽ gồm những gì?
– Tôi nhớ rõ ngày tôi bước chân lên máy bay sang Pháp, lúc đó là năm 1960, khi ấy tôi 14 tuổi, vừa học xong lớp Đệ Thất (lớp 7 hệ 12 năm). Rồi mười lăm năm sau đó, giai đoạn đất nước thống nhất – năm 1975, tôi và những người Việt ở Pháp thấp thỏm cả tháng.
Trong thời gian Hội nghị Paris về Việt Nam, chúng tôi được phép liên lạc với hai phái đoàn ngoại giao Việt Nam nên thường xuyên theo dõi tình hình quê nhà. Chúng tôi có một chiếc đài sóng ngắn, nghe ngóng suốt ngày đêm. Khi tin thắng lợi đến, mọi người vỡ òa. Chuông điện thoại, chuông cửa reo không ngớt. Mọi người chạy tới lui báo tin mừng: “Thống nhất rồi!”.
Khoảnh khắc ấy, tôi chỉ nghĩ đến một điều: “Mình sắp được trở về. Những gì đã chuẩn bị bấy lâu nay sắp đến lúc được thực hiện”.
– Vừa nhận tin đất nước thống nhất, bà đã lập tức nghĩ đến việc được về nước. Điều gì khiến bà có tâm niệm ấy?
– Có lẽ do điều kiện xuất thân của tôi. Việc sang Pháp là điều bất ngờ với tôi. Cha tôi hoạt động cách mạng, bị địch bắt và thủ tiêu khi đang trên đường về thăm nhà. Mẹ tôi chỉ kịp chụp lấy tôi – lúc đó mới 6 tháng tuổi, chạy lên Đà Lạt. Vì phải mưu sinh, bà gửi tôi vào cô nhi viện. Sau này, bà nội đón tôi về nuôi, tôi được nghe những chuyện về ba từ đó.
Bà chỉ có một mình cha tôi là con trai nên rất buồn. Bà đi coi bói và người ta nói rằng cha tôi chưa chết mà đã vượt ngục, chạy ra quê ngoại ở miền Bắc.
Khi mẹ muốn đưa tôi sang Pháp, tôi lo lắng, không muốn đi. Nhưng bà nội động viên: “Qua tới Pháp, có cơ hội liên lạc với miền Bắc, có khi cha con lại được gặp nhau”. Tôi có động lực để chấp nhận ra đi.
– Hành trình của bà ở Pháp bắt đầu thế nào, thưa bà?
– Ngay từ lúc sang Pháp, tôi chưa bao giờ nghĩ mình sẽ gắn bó lâu dài. Trong đầu tôi lúc nào cũng đau đáu: phải tích lũy kiến thức để trở về phụng sự đất nước.
15 ngày sau khi đặt chân đến Pháp, mẹ muốn tôi nhập quốc tịch nhưng tôi từ chối. Lúc ấy, cả mẹ và các em cùng mẹ khác cha của tôi đều đã là người Pháp. Nhưng tôi không nghĩ quá xa, chỉ rất chắc chắn: mình muốn quay về.
Ban đầu, mẹ đưa tôi đi cùng để phụ giúp việc gia đình – bà làm nghề nhà hàng. Nhưng tôi xin mẹ cho đi học và hứa vẫn hoàn thành mọi việc được giao. Mọi người lúc đó khá lo vì tôi không thông thạo tiếng Pháp, chương trình lại hoàn toàn xa lạ. Nhưng tôi vẫn quyết tâm – ban ngày đi học, chiều tối giúp việc nhà hàng và chăm sóc các em, tối khuya lại học bài.

– Vậy với quyết định không nhập tịch Pháp, bà gặp những bất lợi nào?
– Suốt 5 năm tôi ở với mẹ, cứ mỗi mùa hè là cả gia đình sẽ đi du lịch, lúc sang Tây Ban Nha, lúc đi Ý, Đức… Ai có quốc tịch Pháp thì qua biên giới rất dễ. Chỉ mình tôi không có quốc tịch, bị kẹt lại. Tôi nói mẹ: Con sẽ ở tạm một mình trong khách sạn nào đó đợi mọi người quay lại. Cũng vì những chuyện như vậy mà mẹ cứ dằn vặt tôi mãi. Tôi vẫn một câu trả lời: “con muốn về Việt Nam”. Lúc đó thì tôi đã biết quy định không cho phép có hai quốc tịch. Nếu chọn Pháp thì không còn quốc tịch Việt.
Rồi tới năm 1973, quyết định đó khiến tôi mất một cơ hội nghề nghiệp lớn. Khi vừa hoàn thành luận án tiến sĩ, tôi gặp giáo sư của mình nhờ: “Hiệp định Paris ký rồi, tôi chuẩn bị về nước. Thầy có thể giới thiệu giúp tôi một công việc gì đó có ích cho đất nước không?”
Thầy đã giới thiệu tôi đến một trung tâm về công nghệ sinh học, vật liệu y tế – nơi làm những loại gân, da nhân tạo bằng cao phân tử. Công việc lương cao, lại đúng chuyên ngành mơ ước, tôi mừng lắm.
Nhưng ngay ngày đầu nhận việc, họ yêu cầu tôi cam kết nhập quốc tịch Pháp. Tôi từ chối và thế là đành chia tay. Tôi xách cặp ra về, lòng rất tiếc nuối.
Tôi học ngành này là để về phục vụ đất nước. Đời nào lại đi làm giấy cam kết.
– Từ một cô bé 14 tuổi không thông thạo tiếng Pháp, vừa phải phụ gia đình vừa học tiếng và làm quen chương trình mới, nhưng sau đó bà vẫn chinh phục được học vị tiến sĩ. Bằng cách nào bà làm được điều ấy?
– Ngày nhỏ, tôi không được tới lớp sớm. Tôi phải ở nhờ nhà dì, cậu, nay đây mai đó. Mãi khi về với bà nội, tôi mới được đi học – một ngôi trường không mất học phí. Sau đó tôi phải thi tiếp vào trường công không mất phí. Ngày đó, ở trong miền Nam, chỉ có một số trường trường thuộc diện này như Trưng Vương, Gia Long, Lê Văn Duyệt. Tôi thi đậu vào trung học Lê Văn Duyệt, vượt qua hàng ngàn người. Đấy là bước ngoặt cuộc đời tôi.
Bà nội luôn dặn tôi: “Học sẽ giúp con vượt qua xuất thân của mình”. Tôi nhớ điều đó và môn học nào tôi cũng được loại ưu.
Khi tôi chuẩn bị đi Pháp, cô giáo toán tặng tôi hai câu thơ: “Khi đi, đi với tay không. Khi về, về với thành công mọi bề.” Tôi xem đó như một động lực. Tôi nghĩ: “Mình ra đi chẳng có gì hết, nhưng khi trở về, nhất định phải có gì đó trong tay.”
Qua Pháp, tôi chật vật học chữ, phải mượn vở bạn chép bài. Khi ở với mẹ, tôi phải vừa làm vừa học. Có lúc trốn làm đi thi thì bị mẹ la. Thầy cô hiểu hoàn cảnh nên hỗ trợ nhiều, đặc biệt là giáo viên môn Pháp văn. Cô cho tôi thêm bài, cho mượn cả chồng sách để đọc, yêu cầu viết tóm tắt và chỉnh sửa cho tôi.
Ở lớp tôi luôn xung phong phát biểu. Tôi đặt mục tiêu là nghe giảng xong phải nhớ liền, trả lời ngay để thuộc bài vì về nhà không có thời gian học. Thầy cô thấy mình chăm như thế thì họ quý, họ hỗ trợ.
Tôi không dám ngồi học vì sợ buồn ngủ, sẽ gục nên cứ khi nào xong việc ở nhà, tôi sẽ lái xe vào trường, đứng cạnh bảng để học. Đứng cho tỉnh, không ngủ gật, mà nhỡ có gục thì đầu đập vào bảng sẽ tỉnh lại.
May mắn là việc học của tôi thuận buồm xuôi gió. Học xong cử nhân, tôi lấy bằng cao học rồi tiến sĩ.
Tôi chọn học ngành hóa công nghiệp, lúc đó ai cũng cười vì nữ giới lại chọn ngành gai góc. Song tôi nghĩ, đất nước cần những người làm ra vật liệu, từ đó có thể làm ra nhiều sản phẩm.
– Bà trở về Việt Nam năm 1978. Có điều gì đặc biệt đằng sau thời điểm này?
– Nếu cho phép về sớm hơn thì chúng tôi đã về trước rồi.
Chồng tôi cũng sinh trưởng trong một gia đình cách mạng, bố anh cũng bị bắt trong quá trình hoạt động. Khi tham gia vào Hội Liên hiệp sinh viên Việt Nam tại Pháp, nắm rõ những rối ren trong nước, chúng tôi càng thấm thía lời ca bài “Bình Trị Thiên khói lửa”.
Tới năm 1968, khi tôi sinh con thứ ba, ở Pháp đã có phong trào tình nguyện gọi là “viết máu” về nước. Lúc đó tôi với chồng đã bàn nhau: “Anh làm đơn về trước đi, Vân ở lại lo cho con cứng cáp rồi về sau.” Bàn là vậy nhưng không thể về ngay. Chúng tôi vẫn chỉ nằm trong danh sách chờ.
Năm 1973, khi Hiệp định Paris được ký, may mắn là tôi đã kịp hoàn thành tiến sĩ. Tôi nghĩ: “Bây giờ về được rồi.” Vậy nhưng không phải là cứ xách vali lên là về được. Còn phải chờ trong nước sắp xếp.
Tới năm 1978, Nhà nước mới bố trí cho vợ chồng tôi về miền Bắc, làm tại nhà máy bán dẫn Z181, Viện Kỹ thuật Quân sự thuộc Bộ Quốc phòng. Nghe đến “quân đội”, hai vợ chồng cũng thoáng lo lắng. Song chúng tôi nghĩ đây là một vinh dự, cho thấy mình được tin tưởng.
Nhận nhiệm vụ, chồng tôi lúc đó là giảng viên, lập tức xin nghỉ dạy. Còn tôi đang có một vị trí tốt sau 5 năm làm việc ở Trung tâm năng lượng nguyên tử Saclay (Pháp) – cũng quyết định từ bỏ.
– Cảm xúc của bà ra sao khi quyết định bỏ lại 18 năm ở Pháp để trở về Việt Nam?
– Lúc tôi được phân công về miền Bắc, tôi cũng có chút hoảng. Tôi và chồng đều lớn lên trong Nam, không có hình dung nào về cuộc sống ở miền Bắc. Những anh em trong đoàn cũng dặn dò: “Miền Bắc rất khó khăn”.
Hai vợ chồng xác định tâm lý: về nơi không có gì. Nhưng điều tôi sợ nhất là về không làm được việc. Chúng tôi bắt đầu lập danh sách mọi thứ cần thiết cho công việc – thứ gì xin được thì xin, còn lại thì gom tiền mua. Cả hai bán hết tài sản đang có ở Pháp, chia làm ba phần: một phần gửi lại gia đình, một phần chồng tôi giữ, một phần tôi giữ – mỗi người tự chuẩn bị những thiết bị, tư liệu cần cho chuyên môn của mình.
Từ ngày cưới nhau, vợ chồng tôi đã thống nhất sẽ không mua nhà, chỉ thuê. Cũng không sắm sửa gì đắt tiền, vì lúc nào cũng sẵn sàng “nếu được gọi thì lên đường, bỏ lại cũng không tiếc”.
Bạn bè, đồng nghiệp là kiều bào nghe tin chúng tôi sắp về cũng chung tay giúp đỡ. Cuối cùng, chúng tôi gom được khoảng 40 chiếc rương đóng đồ và gửi theo tàu biển về nước.
Ngược lại, má tôi rất giận. Bà nói: “Người ta liều mạng tìm đường ra đi, tụi bây lại nhất quyết quay về”. Khi không can ngăn được, má tôi còn ra điều kiện: “Muốn về thì để các con lại đây”.
Tôi gọi ba đứa con lại, nói rõ: “Nếu theo bố mẹ thì sẽ gian khổ, không còn sữa ngon, nhà ấm, cuộc sống tiện nghi như ở Pháp”. Ba đứa đều gật đầu, nói sẽ đi cùng.
Từ nhỏ, các con đã theo tôi hát hợp xướng, nên chúng biết đất nước đang trải qua chiến tranh, rất khó khăn. Tôi nhớ khi về nước, đứa út mới bốn tuổi, không có chocolate, tôi mua đường thẻ đen, gọi nó là “sô-cô-la Việt Nam” để dỗ con.
Các con tôi hiểu tình cảnh, chúng tự chăm nhau, nấu cơm, quét nhà. Có lần chúng nói: “Nhiệm vụ của tụi con là tạo điều kiện cho ba má làm việc”.

– Cuộc sống của bà trong những ngày đầu về miền Bắc như thế nào?
– Phải nói là lúc đầu, tôi cảm thấy có chút… hẫng. Sự khác biệt quá lớn. Bên Pháp, dù không dư dả, nhưng gia đình tôi vẫn có cuộc sống tiện nghi, mỗi người một chiếc xe hơi. Về Việt Nam, đổi lại là mỗi người một chiếc xe đạp. Muốn ăn rau thì phải tự trồng, vì khi đó miền Bắc chưa có chợ như bây giờ. Tất cả đều theo chế độ bao cấp, phải dùng tem phiếu mới đổi được lương thực.
Khi mới về, các con tôi còn có thịt ăn vì chúng tôi mang theo một rương thịt hộp. Nhưng dùng hết thì cũng chịu, vì có tiền trong tay mà không mua được gì. Ở Pháp, chuối được bán cả nải. Còn về đây, đi mua chuối phải xin từng quả.
Hai vợ chồng được phân một căn hộ tập thể rộng 24 mét vuông – mà ngần ấy chỗ thì làm sao chứa nổi 40 cái rương đồ? May mắn sau đó, đơn vị cho thêm 24 mét vuông nữa, gom lại đủ cho cả nhà sinh hoạt.
Sau khoảng một năm, mẹ tôi sốt ruột quá, từ Pháp về thăm. Nhìn thấy chỗ chúng tôi ở, bà ra lệnh “lập tức quay về Pháp”. Tôi trả lời: “Chúng con cũng là một phần của Việt Nam. Người ta sống được, con cũng sống được”. Mẹ tôi bỏ cuộc.
– Mang theo 40 rương đồ, trong đó có rất nhiều tài liệu, đề án, vật dụng phục vụ công việc. Trong những năm đầu, bà gặp khó khăn gì khi vừa phải thích nghi với thực tế trong nước, vừa hiện thực hóa những ấp ủ mang về?
– Nhà nước phân công chúng tôi vào ngành bán dẫn. Trước khi về nước, tôi đã đến các trung tâm nghiên cứu ở Pháp, ghi chép cẩn thận từng công đoạn sản xuất, từng loại hóa chất được sử dụng. Sau ba năm, dự án hoàn tất và có sản phẩm xuất khẩu, tôi xin chuyển vào Nam để gần gia đình.
Tại Sài Gòn, tôi bắt tay triển khai dự án sản xuất 5 triệu vòng tránh thai cho phụ nữ. Lúc đó, con số này bị xem là quá lớn, Liên Hợp Quốc đã cử phái đoàn sang kiểm tra. Sau khi thấy quy trình đạt tiêu chuẩn, họ bắt đầu quan tâm. Vài năm sau, họ tài trợ 1,5 triệu USD để thành lập Trung tâm Kỹ thuật chất dẻo – cho sáu tháng chuẩn bị dự án. Tôi được giao phụ trách.
Tôi sang Pháp, kết nối lại với những người trong mạng lưới kiều bào cũ, học hỏi từng bước: vận hành trung tâm thế nào, viết đề án ra sao, lập danh sách thiết bị, chọn chuyên gia, kế hoạch đào tạo nhân lực… Có người từng hỏi: “Chị là chuyên gia rồi, sao còn đi hỏi chuyên gia khác?”. Tôi trả lời: “Tôi chỉ có hai tay và một cái đầu. Nhưng nếu huy động được tri thức của hàng trăm chuyên gia kiều bào, tôi sẽ có hàng nghìn cánh tay, hàng trăm cái đầu đồng hành”.
Tôi giữ cách làm đó suốt 20 năm làm Giám đốc Trung tâm Kỹ thuật chất dẻo. Xác định tận dụng tối đa nguồn vốn nước ngoài, tôi luôn chạy song song 2-3 dự án tài trợ, mỗi dự án trị giá từ 100.000 đến 300.000 USD. Mạng lưới chuyên gia kiều bào vẫn luôn là điểm tựa, họ không chỉ tư vấn từ xa mà còn trực tiếp về Việt Nam hỗ trợ triển khai.
Điển hình như nhờ một mối quen, tôi gặp ông J.P. Pascault – Giám đốc phòng nghiên cứu Polime ở Pháp, người rất có cảm tình với Việt Nam. Ông giúp tôi xác định đúng lĩnh vực nên xin tài trợ, giới thiệu chuyên gia, hỗ trợ xây dựng thành phần dự án. Sau này, có người đùa rằng tôi “giỏi xin tài trợ”, được thành ủy rất quý.
Hay khi triển khai dự án dùng vải địa chất để làm đường ở ĐBSCL – nơi nền đất yếu, tôi được một chuyên gia cầu đường ở Pháp gợi ý. Kiều bào hỗ trợ tôi tìm tiêu chuẩn kỹ thuật châu Âu và Mỹ dịch sang tiếng Việt, người từ Canada thì giúp đào tạo kỹ sư, bên Úc thì góp phần cải tiến khuôn mẫu ngành nhựa – lúc đó vẫn còn lạc hậu. Tôi là người đứng mũi chịu sào, nhưng phía sau là cả một tập thể âm thầm góp sức.
Vì thường xuyên đi vận động và triển khai dự án, tôi ý thức rất rõ phải xây dựng đội ngũ giỏi để Trung tâm có thể tự vận hành. Trong mỗi dự án hợp tác, tôi đều cài điều kiện để gửi kỹ sư của mình ra nước ngoài học và thực tập. Tính đến nay, tôi đã cử được 30–50 kỹ sư đi đào tạo bài bản tại các phòng thí nghiệm quốc tế.

Tiến sĩ Lương Bạch Vân huấn luyện sinh viên Pháp thực tập tại Trung tâm kỹ thuật chất dẻo. Ảnh: Nhân vật cung cấp
– Bà cũng được biết đến với nhiều đóng góp xã hội, đặc biệt là dành 20 năm cho các hoạt động kết nối kiều bào. Vì sao bà chọn tiếp tục cống hiến ở lĩnh vực này?
– Năm 2001, tôi nghỉ hưu ở tuổi 55, còn sung sức. Lúc đó kinh tế mở cửa, tôi mở Công ty Công nghệ cao Thái Bình, làm giám đốc, tiếp tục công việc nghiên cứu.
Đến năm 2003, khi Nghị quyết 36 về công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài ra đời, Mặt trận Tổ quốc mời tôi tham gia công tác kiều bào. Dù lúc đó công ty đang làm ăn tốt, tôi bàn với chồng đóng cửa, toàn tâm toàn ý cho công việc này. Vợ chồng tôi cùng nghĩ, giữa đất nước và cộng đồng kiều bào vẫn còn khoảng cách. Là người trưởng thành từ phong trào trí thức Việt ở Pháp, tôi thấy mình có bổn phận thu hẹp khoảng cách đó.
Bấy giờ, lượng Việt kiều về nước mỗi năm rất đông. Tôi nhớ sân bay Tân Sơn Nhất thống kê mỗi mùa hè có 500.000 lượt người về. Trong giai đoạn mới, Việt Nam rất cần nguồn lực, tri thức kiều bào.
Tôi đề xuất thành lập ban liên lạc người Việt Nam ở nước ngoài tại 24 quận huyện, xuống tận phường để lập tổ liên lạc. Hội đặt ra ba mục tiêu. Một là hỗ trợ, hướng dẫn kiều bào trong những ngày đầu về nước. Hai là làm cầu nối giữa kiều bào và các trường đại học, viện nghiên cứu, doanh nghiệp, nhà máy. Ví dụ, có người làm ngành nhựa muốn cải tiến hạt nhựa chống cháy, chống tia UV, nhưng không biết bắt đầu từ đâu – hội sẽ kết nối họ đến đúng người, đúng chỗ. Và thứ ba là hỗ trợ những người muốn đóng góp cho xã hội, dù nhỏ hay lớn.
Ban đầu không đơn giản do có định kiến từ cả hai phía. Ngay trong nội bộ những người làm công tác kết nối, vẫn có ánh nhìn dè chừng với kiều bào. Còn kiều bào, nhiều người nghĩ chúng tôi tiếp cận là để “xin đô la và sô-cô-la”. Phải mất nhiều thời gian để giải thích, xây dựng niềm tin và hóa giải những hiểu lầm.
Tôi nhớ có những bác cựu chiến binh tham gia ban liên lạc, nhưng mang sẵn định kiến. Tôi phải kiên trì trò chuyện, thuyết phục: “Ai cũng là con dân đất Việt. Giờ đứa con gõ cửa trở về, bác nỡ nào không mở cửa? Người ta nhớ nhà, nhớ quê hương, mình nỡ nào ngoảnh mặt đi?”.
Tôi tin rằng, đó chính là tinh thần của Nghị quyết 36 – giúp chúng ta gác lại quá khứ để hướng đến tương lai. Vì đất nước này vẫn còn thiếu nhiều bàn tay, nhiều khối óc. Càng sớm vận động, càng có ích cho mai sau. Sau này, những bác từng nghi ngại cũng dần hiểu và đồng hành.

– Trong giai đoạn mới, Việt Nam rất cần nguồn lực và tri thức từ cộng đồng kiều bào. Sau 40 năm làm công tác vận động và kết nối, bà đúc rút được điều gì?
– Mọi người thường nói đến việc mời gọi trí thức, nhà khoa học, nhưng thực ra kiều bào là đủ mọi thế hệ, mọi ngành nghề. Vấn đề không nằm ở việc ai giỏi nhất, mà là làm sao để mỗi người có thể đóng góp phần của mình. Cộng lại, đó mới là một lực lượng lớn.
Tôi nghĩ rằng không phải ai trở về mới là cống hiến. Rất nhiều người ở lại nước ngoài nhưng vẫn đóng góp rất hiệu quả, nhất là trong thời đại kết nối như bây giờ – mọi thứ đều có thể online.
Công tác vận động kiều bào, theo tôi, không nên chỉ nhắm vào một vài ông “thật to, thật cao”. Nếu ta mở rộng theo chiều ngang, sẽ thấy một nguồn lực rất dồi dào. Việt Nam có hơn 100 triệu dân, và cộng đồng kiều bào là 6 triệu người, sống rải rác ở hơn 120 quốc gia và vùng lãnh thổ – đó là một lực lượng rộng khắp.
Có những người làm trong ngành rất đặc thù, không được tiết lộ nhiều về chuyên môn. Nhưng chỉ cần biết họ ở vị trí đó, đúng chuyên môn, thì cũng có thể tìm cách mời họ đóng góp.
Hiện nay các đại sứ quán cũng có bộ phận chuyên trách kiều bào, lập danh sách, nắm thông tin – việc đó rất tốt. Nhưng có một điều bất cập là chúng ta thay cán bộ quá nhanh. Hai, ba năm lại đổi một lượt, trong khi để nắm được cộng đồng, cần thời gian và mối quan hệ. Hồi trước, bước vào đại sứ quán là nhận ra ngay: “À, ông này làm gì, đang phụ trách chỗ nào.” Giờ thì vào toàn người mới, không có sự nối kết. Đó là điều chúng ta cần nhận ra để cải thiện.
– Giờ đây, sau 50 năm, nhìn lại hành trình của mình, điều gì khiến bà day dứt, điều gì khiến bà thấy mãn nguyện?
– Kỷ niệm 50 năm thống nhất là một cột mốc đặc biệt. Với tôi, đây cũng là dịp để nhìn lại con đường mình đã đi.
Tôi từng mang về nhiều dự án, nhiều hồ sơ, đến giờ vẫn còn nằm im trong ngăn tủ. Có những điều kiện thời đó chưa cho phép thực hiện. Thỉnh thoảng tôi đến thăm Trường Đại học Khoa học Tự nhiên TP HCM, nơi mình từng công tác, lại nghĩ: “Giá như ngày xưa có phương tiện, phòng thí nghiệm, hóa chất như bây giờ, chắc hướng đi đã khác.” Tôi thường nói với các bạn trẻ: “Cô tiếc, vì nếu có điều kiện như các em bây giờ, cô đã làm được nhiều hơn nữa.” Nhưng tôi cũng tự nhủ: mình đã làm hết sức trong hoàn cảnh của thời ấy.
Tôi không xem hành trình của mình là một sự hy sinh, mà là trách nhiệm. Khi học ở Pháp, tôi không học cho riêng mình, mà luôn nghĩ: phải ghi chép kỹ, học cho sâu, để về truyền lại.
Tôi muốn nhắn nhủ các bạn trẻ đi học nước ngoài hôm nay: hãy luôn tự hỏi – học để làm gì, học cho ai, và học như thế nào? Khi đã rõ mục đích sống và lý tưởng, hành trình học tập sẽ đầy ý nghĩa. Và dù chọn trở về hay ở lại, quan trọng là đừng quên mình là ai, đến từ đâu, và có thể đóng góp điều gì cho quê hương.

Nội dung: Thùy Ngân – Diễm Hạnh
Video: Bảo Quyên – Hoàng Minh – Kỳ Anh
Photo: Thành Nguyễn
Đồ họa: Hoàng Khánh
Nguồn tin: https://vnexpress.net/hoi-uc-cua-nu-tien-si-tu-bo-paris-4878292.html