Từ kinh nghiệm phát triển vũ khí chống tăng, các kỹ sư Nhà máy Z131 đã chế tạo thành công UAV cảm tử phục vụ cho tác chiến hiện đại.
Tại triển lãm Quốc phòng quốc tế 2024, nhóm phương tiện bay không lái (UAV) của Tổng cục Công nghiệp quốc phòng thu hút nhiều người xem. Nổi bật trong số này là hai UAV cảm tử QXL.01 và BXL.01 do Nhà máy Z131 chế tạo.
Là chủ nhiệm đề tài thiết kế UAV QXL.01 và hỗ trợ nhóm nghiên cứu UAV BXL.01, đại úy Nguyễn Văn Thân, Trợ lý Phòng Nghiên cứu phát triển, Nhà máy Z131, cho biết ý tưởng phát triển UAV tấn công được đưa ra từ lâu, song đến đầu năm 2023 mới bắt đầu triển khai. Tình hình chiến sự thế giới, đặc biệt xung đột Nga – Ukraine cho thấy UAV cảm tử được sử dụng phổ biến vì chi phí rẻ, hiệu quả cao, đảm bảo an toàn cho người lính trong chiến đấu.
Vì vậy Bộ Quốc phòng, Tổng cục Công nghiệp Quốc phòng đã giao nhiệm vụ cho Nhà máy Z131 phát triển khí tài công nghệ cao phù hợp hình thức tác chiến hiện đại, trong đó trọng tâm là UAV tấn công. Với kinh nghiệm và truyền thống phát triển vũ khí chống tăng, nhóm nghiên cứu đặt mục tiêu phát triển UAV cảm tử với tiêu chí “phải nhanh, chính xác” và có khả năng công phá lớn.
UAV được nghiên cứu, sử dụng trong rất nhiều ngành, lĩnh vực, nhưng với quân sự ở Việt Nam còn khá hạn chế, ít đơn vị tham gia. Đi trước mở đường nên nhóm gặp nhiều khó khăn trong tìm kiếm tài liệu và hướng phát triển cho dự án. Trong khi UAV lĩnh vực dân sự nhỏ, nhẹ, dễ sử dụng, lắp đặt đơn giản, UAV quân sự có trọng lượng lớn, tích hợp nhiều hệ thống công nghệ cao như vũ khí, máy tính, camera, AI. Từ bước chọn lựa vật liệu đến nghiên cứu thiết kế, công nghệ, nhóm phải thử nghiệm rất nhiều lần mới ra được kết quả.
“UAV cảm tử mang theo vũ khí, có nguy cơ xảy ra mất an toàn nên khi thực hiện kiểm tra, thử nghiệm, nhóm luôn làm việc trong trạng thái cực kỳ thận trọng và tuân thủ nghiêm quy trình, quy định an toàn. Quan điểm của nhóm là làm đến đâu chắc đến đó, cải tiến từng ngày”, chủ nhiệm của đề tài nhớ lại.
Việc nhập khẩu các vật tư, thiết bị cho UAV tấn công cũng rất phức tạp, thời gian, thủ tục cấp phép dài hơn bình thường. Quá trình thử nghiệm, hoàn thiện sản phẩm bị gián đoạn. Để tránh lãng phí thời gian khi thay đổi phương án, nhóm thử nghiệm khí động học, điều khiển trên mô hình 3D trước nhằm giảm thiểu sai sót thông số kỹ thuật trước khi thực nghiệm.
Bước ngoặt lớn nhất là lần thử nghiệm tổng hợp đầu tiên vào tháng 7/2024, nhóm đưa UAV đến trường thử tại nhà máy. “UAV phóng đi, đâm trúng mục tiêu, đảm bảo an toàn tuyệt đối trong mọi công đoạn. Sau khi xem xét toàn bộ quá trình thử, sản phẩm được đánh giá hoạt động đúng nguyên lý thiết kế và mục tiêu đề ra, cả nhóm nhảy lên vì vui mừng”, anh Thân nhớ lại.
Từ nguyên mẫu đầu tiên thành công, nhóm nhanh chóng bắt tay hoàn thiện thiết kế, xin ý kiến đơn vị, viện nghiên cứu, học viện thuộc quân đội để chỉnh sửa, tính toán, đảm bảo thuận lợi trong quá trình khai thác, sử dụng. Cuối cùng sau hơn một năm, nhóm đã phát triển thành công hai loại UAV cảm tử có phiên hiệu QXL.01 và BXL.01.
Hai UAV đều mang đầu nổ xuyên lõm có nhiệm vụ tiêu diệt mục tiêu quân sự như xe tăng, xe thiết giáp, pháo tự hành, trạm radar và phương tiện kỹ thuật bọc thép khác. Trọng lượng mỗi UAV khoảng 10 kg, có thể mang đầu nổ 1,2 kg, trần bay 1.000 m, cự ly liên lạc tối đa 10 km. Vận tốc tiếp cận mục tiêu của QXL.01 là 100 km/h, của BXL.01 là 150 km/h.
Theo cấu tạo cánh máy bay, QXL.01 là loại cánh quạt, còn BXL.01 là loại cánh bằng (cánh cố định). UAV cánh bằng có tốc độ bay nhanh hơn, tuy nhiên khi cất cánh phải dùng đến bệ phóng. UAV cánh quạt có khả năng cất, hạ cánh thẳng đứng, tính cơ động cao, có thể triển khai ở nhiều địa hình phức tạp. “Dựa vào điều kiện tác chiến thực tế và thông tin trinh sát, người lính sẽ quyết định sử dụng UAV cánh bằng hay cánh quạt một cách linh hoạt”, đại úy Thân nói.
Để đa dạng khả năng điều khiển, bên cạnh công nghệ dẫn đường bằng GPS như UAV cảm tử của quân đội các nước, nhóm tích hợp thêm cảm biến quán tính vào GPS và bổ sung chế độ tự động. Nhờ vậy UAV của Nhà máy Z131 được lập trình để tự điều khiển trong một số trường hợp, khắc phục được việc đối phương dùng tác chiến điện tử để làm nhiễu loạn khả năng kết nối. Ngoài ra, nhóm nghiên cứu thêm phương pháp điều khiển bằng tay qua dây cáp quang để tránh nhiễu bên ngoài.
Các loại UAV cảm tử ở nước ngoài có chi phí vật tư, linh kiện và lắp ráp không quá cao, nhưng hàm lượng chất xám lớn. Sản phẩm này khi được đối tác nước ngoài chào hàng rất đắt đỏ. Kỹ sư, nhà khoa học Việt Nam làm chủ được 90% công đoạn gồm thiết kế, lập trình, hiệu chỉnh và sản xuất, giá thành của những UAV này giảm đi đáng kể, đại úy Thân cho biết.
Trong giai đoạn tiếp theo, nhóm nghiên cứu hướng đến tăng tỷ lệ tự chủ trong các linh kiện phức tạp của UAV, hạn chế phụ thuộc vào nhập khẩu, giảm chi phí, đảm bảo tiêu chí sản xuất hàng loạt khi quân đội có nhu cầu. Cùng với đó, các kỹ sư sẽ tập trung cải tiến chỉ tiêu tính năng kỹ thuật để sản phẩm có thể hoạt động trong các điều kiện thời tiết khắc nghiệt hơn như mưa, gió to, ban đêm và nâng cao độ chính xác khi tấn công ở tốc độ cao.
Nguồn tin: https://vnexpress.net/hai-uav-cam-tu-do-nhom-ky-su-quan-doi-che-tao-4831016.html