Hà Nội dự kiến được quy hoạch hai tuyến đường sắt quốc gia chạy theo vành đai phía Đông và phía Tây để kết nối các tuyến hướng tâm, đường sắt tốc độ cao.
Cục Đường sắt Việt Nam đang lấy ý kiến dự thảo quy hoạch các tuyến, ga đường sắt khu vực Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn 2050.
Theo đó, tuyến đường sắt vành đai phía Đông dài khoảng 65 km, qua các ga thuộc TP Hà Nội gồm: Ngọc Hồi, Trung Màu, Yên Thường, Đông Anh, Bắc Hồng, Thạch Lỗi. Ngoài ra, trên tuyến có ga Hưng Long và ga Lạc Đạo thuộc tỉnh Hưng Yên. Ba ga chính được xây mới là Ngọc Hồi (Thanh Trì), Lạc Đạo (Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên) và Thạch Lỗi (Mê Linh).
Tuyến đường này xuất phát từ ga Ngọc Hồi cắt qua quốc lộ 1, đường Pháp Vân – Cầu Giẽ, đi song song ngoài vành đai 4, qua sông Hồng bằng cầu Mễ Sở, kết nối tuyến đường sắt Hà Nội – Hải Phòng tại ga Lạc Đạo. Từ ga Lạc Đạo, tuyến đường vượt sông Đuống, quốc lộ 1 mới, quốc lộ 1 cũ tiến về ga Bắc Hồng – Thạch Lỗi, kết nối với các tuyến đường sắt Hà Nội – Hải Phòng, Hà Nội – Lào Cai, Hà Nội – Đồng Đăng và Hà Nội – Thái Nguyên.
Yên Thường sẽ là ga đầu mối lập tàu hàng phía bắc và Yên Viên là ga đầu mối lập tàu khách khổ 1.000 mm, bổ trợ cho ga Gia Lâm.
Tuyến đường sắt vành đai phía Đông mới dự kiến xây dựng giao cắt khác mức với đường cao tốc, quốc lộ và đường tỉnh. Cụ thể, tuyến đường sắt sẽ chạy vượt trên đường Pháp Vân – Cầu Giẽ, vượt qua đê Tả Hồng, đường tỉnh 199B, cao tốc Hà Nội – Hải Phòng, quốc lộ 5. Ngoài ra, một số đoạn sẽ phải làm hầm chui để vượt qua đường 377, đường huyện 23, đường tỉnh 385.
Tuyến đường sắt vành đai phía Tây (Thạch Lỗi – Tây Hà Nội – Ngọc Hồi), được quy hoạch kết nối đường sắt Hà Nội – Lào Cai, sau đó đi theo vành đai 4, vượt sông Hồng tại cầu mới Hồng Hà, qua Hà Đông và hướng về phía nam ga Ngọc Hồi.
Tuyến đường sắt vành đai phía Tây dài khoảng 50,2 km, có các ga lớn như Phùng (Đan Phượng), Tây Hà Nội (Hoài Đức) và ga Hà Đông (Thanh Oai). Trên địa phận Hà Nội, tuyến đường sắt giao cắt khác mức với cao tốc, quốc lộ và đường tỉnh, như vượt trên đường Mê Linh, đại lộ Thăng Long, quốc lộ 6, đường trục phía Nam.
Theo Quy hoạch mạng lưới đường sắt đầu mối TP Hà Nội, trong tương lai các tuyến đường sắt quốc gia hướng tâm tiếp tục được duy trì, bao gồm tuyến Hà Nội – TP HCM, Hà Nội – Đồng Đăng, Hà Nội – Lào Cai, Hà Nội – Thái Nguyên, Hà Nội – Hải Phòng. Ngoài ra, một số tuyến trên hành lang quan trọng, nhu cầu vận tải cao được quy hoạch bổ sung như: Đường sắt tốc độ cao Bắc Nam, đường sắt tốc độ cao Lào Cai – Hà Nội – Hải Phòng, tuyến Yên Viên – Phả Lại – Hạ Long – Cái Lân, Hà Nội – Lạng Sơn.
Các tuyến đường sắt quốc gia qua Hà Nội như tuyến đi Lào Cai, Thái Nguyên, Hải Phòng… sẽ không đi vào trung tâm thành phố mà dừng lại ở các ga vành đai. Hành khách theo các tuyến đường sắt vành đai phía Đông, phía Tây để đi các hướng hoặc đi tuyến đường sắt đô thị vào trung tâm thành phố.
Đơn vị tư vấn quy hoạch đề xuất UBND TP Hà Nội nghiên cứu, đầu tư tuyến đường sắt đô thị số 1 từ Yên Viên đi Ngọc Hồi; xây dựng các ga đầu mối kết nối đường sắt quốc gia và đường sắt đô thị Hà Nội gồm Ngọc Hồi, Lạc Đạo, Yên Viên, Bắc Hồng… Trong đó, tổ hợp ga Ngọc Hồi là điểm đầu của tuyến đường sắt quốc gia, đường sắt tốc độ cao, đường sắt đô thị.
Nguồn tin: https://vnexpress.net/ha-noi-du-kien-co-hai-tuyen-duong-sat-vanh-dai-4762260.html