Đầu tháng 12, khi bạn bè tại Nhà nội trú sắc tộc Hoà Bình (phường Long Phước, thị xã Phước Long, Bình Phước) háo hức kết vòng hoa, làm hang đá đón Giáng sinh, K’Ngôl lại nhớ về lời hứa của bố. Đúng ngày Giáng sinh năm 2021, bố hứa sẽ đón K’Ngôl về ở cùng khi cậu lên lớp 7, tức năm nay.
Cậu bé đếm từng ngày đến đêm Giáng sinh.
Gần 11h đêm 24/12, giữa vùng quê tĩnh lặng, khuôn viên của Nhà nội trú sắc tộc Hoà Bình vẫn khanh khách tiếng nói cười. Thông thường giờ này, lũ trẻ đã phải đi ngủ để chuẩn bị cho hôm sau đi học. Nhưng đêm nay là Giáng sinh, ngày duy nhất trong năm các em được chơi đến khuya để mừng ngày sinh nhật Chúa.
“Ống khói nhà lưu trú này nhỏ quá”, giọng nói ồm ồm vang lên, “ông già Noel” bước ra từ cửa hông phòng sinh hoạt chung trong bộ đồ nhung đỏ quen thuộc.
120 đứa trẻ dưới sân khấu đồng loạt ồ lên, cười vang cả căn phòng. Chúng thích thú khi nhận ra đằng sau cặp râu trắng dài và đôi kính râm đen là sơ M. Elizabeth Vũ Thị Bài (67 tuổi) – quản lý Nhà nội trú. Sau màn đố vui, “ông già Noel” lần lượt gọi từng đứa trẻ lên sân khấu phát quà.
Trong khi bạn bè náo nức chờ đến lượt mình, K’Ngôl lặng lẽ ngồi ở hàng cuối, không để ý xung quanh. Thi thoảng, cậu bé lại giấu mặt trong lòng bàn tay, mắt hoe đỏ.
“Con nhớ gia đình”, K’Ngôl thủ thỉ.
K’Ngôl cùng hơn 100 đứa trẻ ở Nhà nội trú sắc tộc Hoà Bình đều chung tình cảnh sống xa nhà để “nuôi” giấc mơ con chữ. Nhà nội trú này được dòng Nữ vương Hòa Bình – một hội dòng nữ Công giáo trực thuộc giáo phận Buôn Ma Thuột (gồm 3 tỉnh Bình Phước, Đắk Lắk, Đắk Nông) – thành lập năm 1994. Đây là nơi ăn ở, sinh hoạt gần như miễn phí cho trẻ em các dân tộc thiểu số như Mnông, Xtiêng, HMông… từ 6 đến 18 tuổi có hoàn cảnh khó khăn, được chăm sóc bởi 7 nữ tu thuộc nhà dòng.
Với những đứa trẻ ở đây, Giáng sinh không chỉ là “tháng vui chơi” khi có nhiều hoạt động được tổ chức suốt tháng 12, mà còn là dịp nhìn lại bản thân và nuôi giữ những nguyện ước của riêng mình cho năm mới.
Nguyện ước Giáng sinh
Đến tận năm 7 tuổi, K’Ngôl vẫn không biết đến sự tồn tại của bố, mẹ ruột. Sau khi hạ sinh cậu, mẹ qua đời vì mất máu do không gọi được xe cấp cứu để đến bệnh viện cách đó 30 km. Hôm đó là 30 Tết. Sau mất mát, bố gửi K’Ngôl cho chị vợ tại Đắk Nông nuôi nấng. Còn ông lên Đắk Lắk làm cà phê, rồi đi thêm bước nữa.
K’Ngôl trở thành con út trong gia đình 8 người con của bác ruột. Từ nhỏ, cậu được dạy gọi bà bằng bác, còn chồng bà bằng cha. Không ai nói với cậu về bố mẹ ruột “vì sợ thằng bé không chịu nổi”.
“Mình không giấu, lớn nói thì nó hiểu chuyện hơn”, chị H Thân (30 tuổi, Đắk Nông), chị họ của K’Ngôl giải thích. “Cả nhà thương nó lắm”.
Lên lớp 2, nhận thức được sự thiếu vắng của mình so với bạn bè đồng lứa, K’Ngôl hỏi chị: “Sao mấy năm nay em không thấy mẹ?”. Biết không giấu được nữa, chị H Thân dẫn cậu lên nghĩa trang của giáo xứ, hướng mắt về tấm hình một người phụ nữ, bảo K’Ngôl xem kỹ để nhớ mặt mẹ ruột.
“Nó đứng nhìn, thắp nhang rồi ra về”, chị H Thân kể.
Kể từ đó, K’Ngôl gọi bác là mẹ, và bắt đầu mong ngóng được gặp bố ruột.
Lần đầu hai bố con nhận mặt nhau vào đúng ngày sinh nhật cậu, trùng dịp Tết Nguyên đán 2017. Ông lì xì con trai 3 triệu, rồi dẫn đi mua chiếc xe đạp điện để tiện đi học. Bốn năm sau, như ông già Noel, ông mang hai chiếc áo khoác, quần jeans đến tặng con trai vào đêm Giáng sinh, kèm lời dặn dò cậu cố gắng qua được lớp 4, học đến lớp 7 gia đình sẽ đoàn tụ cùng nhau.
“Cố gắng học đến lớp 7”, K’Ngôl nhớ lại lời dặn dò của bố trước hang đá nhà thờ vào đêm Giáng sinh năm 2021. Đêm đó tiết trời se lạnh, bố dắt tay đưa cậu về giữa dãy đèn đầy màu sắc. Hôm sau, ông rời đi từ 5h sáng, khi K’Ngôl còn say ngủ.
“Bố đi mà không chào câu nào”, cậu cúi mặt kể.
Giáng sinh năm ấy là lần thứ hai K’Ngôl được gặp bố ruột, vỏn vẹn trong một ngày. Kể từ đó, cậu bé 15 tuổi chỉ gửi đến Chúa ước nguyện Giáng sinh duy nhất: được đoàn tụ với bố.
Học lực của K’Ngôl vốn không tốt. Khi gặp bố, cậu đã ở lại lớp 4 tận ba năm, thế nên học lên lớp 7 là cả một thử thách. Vì lời hứa của bố, cậu quyết tập trung ôn thi và lên được lớp 5. Ngày biết được lên lớp, K’Ngôl mừng rỡ.
“Con cố gắng học vì bố”, cậu nói.
Tháng 7/2023, khi chuẩn bị lên lớp 6, K’Ngôl bắt đầu bộc lộ tính cách nghịch ngợm, kèm theo cơn nghiện hút thuốc, uống rượu. Gia đình không có khả năng kèm cặp việc học của cậu. Nghe người quen giới thiệu về Nhà nội trú sắc tộc Hoà Bình, mẹ nuôi xin cho con vào học, mong K’Ngôl sẽ thay đổi dưới sự nuôi dưỡng của các sơ.
“Sơ thương, nhận nó với. Nó không được bú sữa mẹ từ nhỏ”, mẹ K’Ngôl thuyết phục sơ Bài, quản lý Nhà nội trú. Điều kiện sơ đặt ra là cậu phải từ bỏ những chất kích thích như thuốc, rượu.
Ở môi trường mới, K’Ngôl nhanh chóng kết thân với bạn bè, lập hội chơi bắn bi, đá banh. Khác với sự tự do ở nhà, nếp sinh hoạt tại Nhà nội trú nghiêm khắc hơn. Tất cả các em phải tuân thủ một lịch trình nhất định: ban ngày đi học ở trường trong thị xã; tối về nhà lưu trú ăn cơm, học bài, học giáo lý; cuối tuần cùng sơ và các bạn làm vườn, đi lễ nhà thờ.
Thế nhưng được 3 tháng, K’Ngôl bị sơ Bài bắt quả tang hút thuốc. Khi được hỏi chuyện, cậu thú nhận bắt đầu hút từ hồi học tiểu học. Ban đầu chỉ là tò mò, thử cho biết sau những lần được bạn bè rủ rê, lâu dần trở thành cơn nghiện khó bỏ. Cậu cố gắng giấu thói quen này khi đến Nhà nội trú, nhưng rồi vẫn bị phát hiện.
Biết hoàn cảnh đặc biệt của K’Ngôl, các sơ hiểu cậu bé cần thời gian chuyển đổi. Sơ Bài phân tích cho K’Ngôl về ảnh hưởng xấu của thuốc lá đến bản thân em và các bạn, căn dặn “nếu tái phạm nhiều lần, có thể bị đuổi học”.
Nghỉ hè năm lớp 6 lên lớp 7, K’Ngôl về nhà, đòi mẹ nuôi rút hồ sơ tại Nhà nội trú, nhưng cả nhà không đồng ý. Đến ngày đi học, ba anh chị “hộ tống” K’Ngôl bằng xe máy, đi hơn 200 km từ Đắk Nông đến Bình Phước.
“Giờ hết xăng giữa đường thì dắt bộ cũng được, nhưng em phải tới trường”, chị H Thân nói với em trai.
Thấy tình thương của anh chị, K’Ngôl chịu ở lại Nhà nội trú, học tiếp lớp 7. Cậu cũng đến xin lỗi sơ vì những hành vi trước đây của mình.
“Con sẽ cố gắng học hết lớp 9, chuyện bỏ thuốc thì con hứa cố gắng, nhưng con không dám chắc hoàn toàn”, cậu nói với sơ. Sơ Bài động viên và cho K’Ngôl một hộp kẹo cao su, dặn dò “thèm thuốc thì ăn đỡ để quên đi cơn nghiện”. Cậu cũng được đưa vào nhóm đặc biệt quan tâm của các sơ.
Sơ Bài kể, mỗi đứa trẻ khi bước vào Nhà nội trú đều có những nét tính cách – cả ưu cả nhược, được cấu thành phần nhiều từ hoàn cảnh. Các sơ luôn mong muốn tạo ra một cảnh sống mới cho các con để có thể bù đắp phần nào những khoảng trống mẹ cha và xã hội để lại.
“Nếu mình kiên nhẫn, yêu thương, sơ tin rằng sẽ cảm hoá được tụi nhỏ, sẽ đến lúc chúng cảm nhận được và thay đổi”, sơ Bài nói.
Hành trình đổi thay
Đêm Giáng sinh, hơn 100 đứa trẻ xếp hàng dài, tay cầm bó hoa hồng tự làm bằng giấy, chậm rãi đặt trước hang đá Chúa hài đồng. H Lý Kim Phượng (13 tuổi, Đắk Nông) đan tay trước ngực, lẩm bẩm cầu nguyện: “Xin cho con sống biết hy sinh, bác ái và mang tình yêu thương đến mọi người”
Bông hoa hồng là biểu tượng cho những nỗ lực sống tốt mà mỗi đứa trẻ đã làm được trong mùa Vọng (4 tuần trước Giáng sinh) – khoảng thời gian tĩnh tâm, sám hối để thanh tẩy tâm hồn. Hàng năm, các em tại Nhà nội trú sắc tộc Hoà Bình đều tự tay làm một món quà như vậy nhân ngày Chúa Giêsu ra đời, giống như món quá sinh nhật cho Chúa.
Phượng được chọn là một trong 20 đứa trẻ có nhiệm vụ làm gương, đốc thúc các bạn thực hành lối sống “ngay thẳng, ngăn nắp và biết ơn” trong mùa Vọng. Với cô bé, đây đánh dấu sự thay đổi lớn, bởi chỉ một năm trước, Phượng từng thuộc nhóm học trò “cá biệt”, bị phát hiện vi phạm điều cấm kỵ tại Nhà nội trú.
Cô bé người Mnông được mẹ – chị H Dih (30 tuổi) gửi đến đây tháng 7/2023. Ở quê nhà Đắk Nông, trường học cách nhà Phượng khoảng 10 km, vợ chồng chị Dih đi làm cả ngày, không có thời gian đưa đón, theo sát việc học của con. Ngoài ra, sau Phượng là 3 đứa em đang trong độ tuổi đi học, tiền bạc dần trở thành gánh nặng gia đình. Vừa được giới thiệu về Nhà nội trú, chị bắt chuyến xe sớm nhất từ Đắk Nông đến Bình Phước, mong đưa con đi học
“Phượng vào nhà nội trú giúp gia đình tiết kiệm chi phí, tôi cũng an tâm hơn khi con sống cùng các sơ”, chị H Dih nói. Phượng từ đó sống xa nhà, mang theo 3 bộ đồ cũ, đôi dép lê và giày quai hậu mẹ mới mua cho.
Đêm đầu, cô bé không ngủ được vì lạ chỗ. Sau một tuần không dám tiếp xúc với ai, Phượng bắt đầu mở lòng với bạn cùng nhà. Đó cũng là lúc tính cách của cô bé bộc lộ, cả tốt lẫn không tốt
“Con từng bị cám dỗ bởi những thứ không thuộc về mình”, Phượng thừa nhận.
Giữa tháng 9/2023, Phượng bị sơ Bài bắt gặp lục lọi đồ của bạn – một trong những điều cấm kỵ tại Nhà nội trú. Sơ lặng lẽ gọi Phượng vào phòng quản lý. Lần đầu, Phượng mở lòng kể về hoàn cảnh gia đình. Bố mẹ việc làm không ổn định nên nhà nhiều ngày “không có tiền ăn”, gia đình thường xuyên cãi vã. Cô bé luôn sống trong cảm giác thiếu thốn cả về vật chất lẫn tinh thần.
“Dường như hành vi không đúng của Phượng bắt nguồn từ nhu cầu, không phải vì lòng tham”, sơ Bài lý giải. Đây cũng là vấn đề chung của nhà nội trú. Bọn trẻ thường thấy tự ti, thiệt thòi khi đứng cạnh bạn bè “đủ đầy” hơn.
Sơ Bài bảo, thực tế các sơ ít khi đuổi học, mà sẽ cho các con cơ hội để sửa chữa lỗi lầm. Chỉ những bạn tự cảm thấy không thể tiếp tục việc học, sơ sẽ mời phụ huynh đến cùng trao đổi, tìm ra giải pháp phù hợp cho các em. Có trường hợp từng xin về vì không muốn học, nhưng một hai năm sau lại xin vào lại, các sơ vẫn chấp nhận.
“Hồi nhỏ có khi mình sai phạm nhiều hơn, nhưng cũng có người bỏ qua và cho mình thời gian thay đổi, vậy thì tại sao không cho bọn trẻ cơ hội như vậy”, sơ Bài nói.
Sự bao dung của các sơ cùng những người chị cùng phòng trở thành động lực giúp Phượng thay đổi. “Tụi mình đều là con của Chúa, em hãy cố gắng vượt qua những cám dỗ”, Phượng kể lại lời động viên của một người chị cùng phòng giúp cô bé vượt qua giai đoạn khó khăn.
Một năm kể từ “biến cố” ấy, Phượng hỏi sơ Bài: “Sơ không nhớ chuyện con nữa hả”. Sơ đáp: “Sơ không nhớ nữa, sơ chỉ biết là con đã thay đổi rồi”.
Nỗi lo của người đồng hành
Suốt 30 năm hoạt động, năm nào các sơ ở Nhà nội trú sắc tộc Hoà Bình cũng tổ chức Giáng sinh cho học trò, từ lứa đầu tiên chỉ 10 em, rồi tăng dần đến hơn 100. Mỗi mùa Giáng sinh, áp lực với các sơ càng thêm lớn.
Lượng học sinh đăng ký ngày càng tăng, kéo theo các chi phí. Mỗi tháng, các sơ nấu tới 1,4 tấn gạo để nuôi những đứa trẻ đang “tuổi ăn tuổi lớn”. Trong khi, mỗi năm, dự trù kinh phí hoạt động của nhà nội trú chỉ gần 2 tỷ – gồm tiền học, ăn, sinh hoạt phí cho các em, và chi phí vận hành.
Theo sơ Bài, nhà nội trú ra đời từ ý tưởng của một giám mục thuộc dòng Nữ Vương Hoà Bình khi chứng kiến nhiều trẻ em Tây Nguyên phải bỏ học do cuộc sống khó khăn. Suốt 30 năm qua, nhân lực và phần lớn chi phí để vận hành đều do nhà dòng phân công, chu cấp.
Ngoài ra, các gia đình gửi con em tại đây được khuyến khích hỗ trợ một triệu tiền sinh hoạt mỗi năm. Nhưng thực tế chỉ 50% phụ huynh đóng được số này, có nhà đóng được một nửa, hoặc cả năm chỉ cho con 100.000 đồng. Để bù đắp chi phí sinh hoạt, cả sơ và trò tại nhà nội trú cùng nhau trồng và nhặt điều, bán hạt lấy tiền. Mỗi vụ dao động từ 150-400 triệu đồng nếu được mùa.
Các sơ phải khéo co kéo mới đủ chu toàn cho các em, nhưng còn nhiều khoản chi vẫn “treo” vì thiếu kinh phí. Ví dụ như căn bếp đã xuống cấp mấy năm nay, các sơ tính sửa lại nhưng cứ trì hoãn vì thiếu tiền. Hai tháng nay, bếp công nghiệp bằng điện hỏng, các sơ phải dùng củi điều nhóm lửa, đun bếp.
Năm học 2024-2025, có 50 gia đình liên hệ với sơ Bài, song, bà chỉ nhận 30 em vì thiếu cơ sở vật chất. Đa số là những gia đình nghèo, đông con hoặc nhà xa trường, không đủ khả năng quán xuyến việc học của con.
“Nhìn phụ huynh thiết tha, mình thấy buồn lòng lắm”, sơ Bài nói.
Hiện, học trò cấp ba và lớp một – hai lứa ít học sinh nhất – phải học ở hành lang, nhường phòng cho những nhóm đông hơn. Đến mùa thi, một số em ngồi dọc bậc thang để học bài vì không đủ chỗ.
Tỷ lệ học sinh chịu học lên cấp ba vẫn chưa cao, trong khi lứa cấp một, hai vào đông, khiến các sơ phải đưa ra tiêu chí chọn lọc. Ngoài hoàn cảnh khó khăn, nhà nội trú ưu tiên các em có ý chí trong việc học, có thể theo học lên cấp ba mà không bỏ dở.
Ông Phạm Viết Thuật, Chủ tịch phường Long Phước, thị xã Phước Long, Bình Phước, cho biết 30 năm qua, Nhà nội trú sắc tộc Hoà Bình đã tạo cơ hội cho nhiều học sinh dân tộc thiểu số có hoàn cảnh khó khăn tại địa phương được đến trường, khi gia đình không đủ điều kiện. Phường cũng thường hỗ trợ đăng ký tạm trú cho các trẻ ngoại tỉnh đến đây sinh sống, hay tổ chức các đoàn thiện nguyện địa phương đến nấu cơm cho các em vào dịp đặc biệt như Giáng sinh.
Nỗi lo lớn nhất của sơ Bài là Nhà nội trú không thể giang tay hết những mảnh đời cần giúp đỡ. Nhìn lại quá trình lớn lên của các thế hệ tại đây, bà biết rằng trẻ không chỉ cần ăn no, mặc ấm, mà cần cả người đồng hành trên hành trình những năm đầu đời.
Sau một năm học ở nhà nội trú, Kim Phượng tự hào khoe đã tăng 5 kg cân nặng, 3 cm chiều cao. Cô bé cũng dần vẽ những nét đầu tiên trong bức tranh ước mơ của mình, đó là trở thành nữ tu hoặc giáo viên dạy múa.
K’Ngôl được cho ba cơ hội bỏ thuốc để tiếp tục sống, học tập tại Nhà nội trú. Hai lần đầu tiên thất bại vì cơn nghiện thuốc vẫn bám dai dẳng. Ở lần thứ ba, cùng dịp mùa Vọng, cậu quyết tâm thay đổi. Mục tiêu học tập của K’Ngôl không dừng lại ở lớp 7, mà cố gắng học hết lớp 9. Cậu mong rằng nếu sống tốt như lời răn của Chúa, điều ước Giáng sinh của cậu sẽ thành sự thật: bố về đón cậu như đã hứa.
“Chắc có bố thì con đỡ quậy. Giáng sinh cũng sẽ vui hơn”, cậu nói.
Nội dung và Ảnh: Phùng Tiên
Để chia sẻ với các em nhỏ tại Nhà lưu trú sắc tộc Hoà Bình và mang đến các em những món quà Tết ấm áp, độc giả có thể ủng hộ thông qua Quỹ Hy vọng tại đây.
Nguồn tin: https://vnexpress.net/giang-sinh-cua-nhung-dua-tre-xa-nha-4831655.html