Việt Nam Dân chủ Cộng hòa muốn lấy vĩ tuyến 13 (phía Nam của Quy Nhơn) làm ranh giới quân sự tạm thời, song Pháp kiên quyết phải là vĩ tuyến 18.
Ngày 8/5/1954, một ngày sau chiến thắng Điện Biên Phủ, phái đoàn Việt Nam Dân chủ Cộng hòa bước vào đàm phán ở Geneve, Thụy Sĩ để bàn về đình chỉ chiến sự, khôi phục hòa bình ở Đông Dương. Trong suốt giai đoạn một (từ 8/5/1954 đến 20/6/1954), 9 nhà đàm phán gồm Liên Xô, Trung Quốc, Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Mỹ, Anh, Pháp, Lào, Campuchia và Quốc gia Việt Nam (thuộc Liên hiệp Pháp do Quốc trưởng Bảo Đại đứng đầu) chủ yếu bàn về quân sự.
Trong phiên họp ngày 25/5/1954, Phó thủ tướng kiêm quyền Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Văn Đồng – trưởng đoàn đàm phán của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đưa ra hai nguyên tắc cho vấn đề đình chiến. Một là ngừng bắn hoàn toàn trên toàn cõi Đông Dương. Hai là điều chỉnh vùng trong mỗi nước, trong từng chiến trường trên cơ sở đất đổi đất để mỗi bên có những vùng hoàn chỉnh tương đối rộng lớn thuận lợi cho quản lý hành chính và hoạt động kinh tế.
Ngày 27/5/1954, đoàn Pháp đồng ý lấy đề nghị của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa làm cơ sở thảo luận, đề nghị đại diện hai bên gặp nhau để bàn việc chia ranh giới khu vực tập trung quân. Trước đề xuất của Việt Nam tập kết tại chỗ, không chia khu vực quân sự, Pháp lập tức phản đối, muốn tạm chia vùng tập kết quân sự và lập một chính phủ Liên hiệp. Pháp chỉ muốn ngừng bắn, quân ở đâu đóng ở đó và nhận cả những phần đất thuộc về Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
Tại cuộc gặp riêng giữa đại diện Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Pháp, Thứ trưởng Quốc phòng Tạ Quang Bửu đặt bàn tay lên tờ bản đồ Đông Dương về phần Việt Nam, lớn tiếng nói: “Chúng tôi phải có phần này, phải thành một Nhà nước, có thủ đô, có cảng. Chúng tôi cũng quan tâm tới vùng Trung Bộ với Huế”.
Báo cáo gửi về Hà Nội, Trưởng đoàn đàm phán Phạm Văn Đồng nêu rõ ý tưởng giới tuyến quân sự do phái đoàn Anh khởi xướng, được Pháp, Mỹ ủng hộ. Mỹ cho rằng nên để giới tuyến ở vĩ tuyến 20. Cả Pháp và Mỹ đều muốn chia Việt Nam thành hai quốc gia riêng biệt chứ không chỉ dừng lại là giới tuyến quân sự tạm thời, theo Điện Biên Phủ, hội nghị Geneve, NXB Chính trị quốc gia, 2014.
Khi các bên còn giằng co phân định vĩ tuyến, đàm phán tiến triển chậm thì ngày 12/6/1954, nội các bảo thủ của Thủ tướng Laniel bị nhân dân Pháp lên án, buộc phải từ chức. Mendès Franc trong lễ nhậm chức Thủ tướng hứa từ chức nếu trong một tháng không đạt được ngừng bắn ở Đông Dương. Sự kiện này đã góp phần phá vỡ bế tắc của hội nghị Geneve.
Ở giai đoạn hai (từ 20/6/1954 đến 10/7/1954), các bên chủ yếu đàm phán về phân định vĩ tuyến tại Việt Nam. Việt Nam Dân chủ Cộng hòa muốn chọn vĩ tuyến 13 (phía Nam tỉnh Quy Nhơn) để nắm địa bàn chiến lược Đà Nẵng. Nếu giành được giới tuyến này, Việt Nam sẽ có vùng tự do Liên khu V kéo dài từ Quảng Nam vào đến Phú Yên.
Việt Nam Dân chủ Cộng hòa yêu cầu giới tuyến quân sự không được coi là biên giới quốc gia mà chỉ là tạm thời trong khi chờ tổng tuyển cử thống nhất đất nước. Còn Pháp kiên quyết đòi vĩ tuyến 18 (phía Bắc Đồng Hới) bởi muốn có đường 9, tuyến đường huyết mạch thông sang Lào, Campuchia và cố đô Huế.
Phái đoàn Việt Nam Dân chủ Cộng hòa sau đó hai lần nhượng bộ, đề nghị hạ xuống vĩ tuyến 14 rồi 16. Tuy nhiên, Pháp vẫn kiên quyết phải là vĩ tuyến 18. Đến ngày 17/7/1954, Pháp ngả bài ngửa, tuyên bố giới tuyến quân sự ở vĩ tuyến nào không quan trọng, miễn là phải ở phía Bắc của Đường 9.
Những ngày cuối hội nghị, không khí rất căng thẳng. Bên cạnh các cuộc gặp tay đôi, tay ba, còn có một cuộc họp chung giữa tất cả trưởng đoàn. Phái đoàn Việt Nam Dân chủ Cộng hòa vẫn cương quyết lấy vĩ tuyến 16 làm ranh giới tạm thời và tổng tuyển cử trong 6 tháng.
Ngày 20/7/1954, hai đồng Chủ tịch hội nghị là Anh và Liên Xô đã gặp đoàn Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Trung Quốc để thảo luận, đi đến giải pháp chấp nhận được. Ngoại trưởng Liên Xô Molotov đưa ra đề nghị lấy vĩ tuyến 17 (sông Bến Hải) làm ranh giới tạm thời và thời hạn tổng tuyển cử thống nhất hai miền là 2 năm, hai bên sẽ hiệp thương sau một năm.
Nhà ngoại giao Hoàng Nguyên nhớ lại cuộc đàm phán về chuyển quân tập kết ở Việt Nam đã kéo dài suốt tối cho tới đêm mà chưa ngã ngũ. Tình hình rất khẩn trương vì tới 12h đêm vẫn chưa thỏa thuận được với nhau.
“Lúc đó thực sự đã 2h ngày 21/7. Sau cùng Pháp đưa ra bờ sông Bến Hải, gần sát vĩ tuyến 17. Thứ trưởng Tạ Quang Bửu phải ký điều khoản quân sự như vậy. Vậy là hiệp nghị Geneve đã ký vào ngày 21, nhưng được công bố ngày 20/7/1954 để cho đúng với lời hứa của Thủ tướng Pháp”, hồi ức của ông Hoàng Nguyên ghi lại.
Cuối cùng các bên đồng ý lấy vĩ tuyến 17 làm giới tuyến, thời hạn tổng tuyển cử là 2 năm. Việt Nam Dân chủ Cộng hòa mất 3 tỉnh khu V và nhiều vùng tự do phía nam vĩ tuyến 17. Ở Lào, lực lượng kháng chiến chỉ được một vùng tập kết gồm 2 tỉnh Sầm Nưa và Phôngxalỳ, nhỏ hơn nhiều so với vùng giải phóng thực tế. Lực lượng kháng chiến Campuchia phải phục viên tại chỗ. Thời hạn tổng tuyển cử để thống nhất Việt Nam không phải là 6 tháng mà là 2 năm.
Ngoài vấn đề chung của 3 nước Đông Dương, hiệp định Geneve có những điều khoản riêng về Việt Nam như ngừng bắn, tập kết, chuyển giao quân, khu vực, trao trả tù binh, dân thường và đổi vùng. Vĩ tuyến 17 là giới tuyến quân sự tạm thời, không coi là ranh giới chính trị hay lãnh thổ. Hai miền sẽ hiệp thương vào tháng 7/1955, tổng tuyển cử vào tháng 7/1956.
Một ngày sau khi hiệp định được ký kết, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra lời kêu gọi đồng bào cả nước cùng đấu tranh để thống nhất đất nước, khẳng định “Trung, Nam, Bắc đều là bờ cõi của nước ta, nước ta nhất định thống nhất, đồng bào cả nước nhất định được giải phóng”.
Thi hành hiệp định Geneve, Bộ Tổng tư lệnh Quân đội nhân dân Việt Nam đã ra lệnh ngừng bắn, tiếp quản các tỉnh ở vùng Đông Bắc, vùng đồng bằng sông Hồng rồi tiến về Hà Nội. Ngày 14/5/1956, Chính phủ Pháp thông báo rút hết quân viễn chinh ở miền Nam Việt Nam. Pháp trút bỏ trách nhiệm thi hành nhiều điều khoản của hiệp định, trong đó có việc tổ chức tổng tuyển cử ở hai miền.
Phạm Dự
Tài liệu tham khảo: Bộ Ngoại giao, Hiệp định Geneve 50 năm nhìn lại, Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2008; Hồi ức của nhà ngoại giao Hoàng Nguyên về Hội nghị Geneve 1954 về Đông Dương, NXB Công an Nhân dân, 2015; 70 năm Hiệp định Geneve – những bài học lịch sử, đặc san của Thế giới và Việt Nam; ảnh tư liệu triển lãm tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia.
Nguồn tin: https://vnexpress.net/giang-co-phan-dinh-vi-tuyen-o-hoi-nghi-geneve-4772626.html