Cuộc đàm phán đa phương đầu tiên với các cường quốc ở hội nghị Geneve để lại cho Việt Nam nhiều bài học đắt giá, theo nguyên Viện phó Lịch sử quân sự Trần Ngọc Long.
Kỷ niệm 70 năm Ngày ký hiệp định Geneve (21/7/1954), đại tá Trần Ngọc Long trả lời VnExpress việc vì sao Việt Nam chấp nhập vĩ tuyến 17 làm ranh giới quân sự tạm thời, những cái được và mất cùng bài học còn giá trị tới ngày nay.
– Phái đoàn Việt Nam Dân chủ Cộng hòa bước vào hội nghị Geneve với kỳ vọng gì sau ngày chiến thắng Điện Biên Phủ 7/5/1954?
– Ngày 4/5/1954, phái đoàn Việt Nam Dân chủ Cộng hòa sang tới Geneve, thời điểm mà chiến dịch Điện Biên Phủ bước vào những ngày cuối. Bốn ngày sau, đoàn Việt Nam bước vào hội nghị trong tâm thế của người chiến thắng, với mong muốn đạt được cả giải pháp về chính trị lẫn quân sự. Mục tiêu độc lập và hòa bình bền vững không chỉ cho Việt Nam mà còn cho Lào và Campuchia.
9 bên đến hội nghị đều có toan tính riêng đè nặng, song gặp nhau ở điểm muốn kết thúc chiến tranh Đông Dương. Các bên chia hai xu hướng đối lập. Một bên là Mỹ, Anh, Pháp nghiêng về giải pháp Bàn Môn Điếm, nghĩa là chỉ quân sự mà không có giải pháp chính trị. Liên Xô theo đuổi đường lối cùng tồn tại hòa bình. Trung Quốc muốn đẩy lò lửa chiến tranh ra xa, xác lập vai trò nước lớn trong giải quyết vấn đề quốc tế. Một mặt họ ủng hộ Việt Nam song mặt khác cũng không muốn làm mất lòng phương Tây gây gián đoạn đàm phán.
Nhìn thành phần 9 bên, nhưng thế cục “3 chọi 6” rõ ràng gây bất lợi, buộc phái đoàn Việt Nam Dân chủ Cộng hòa phải ứng phó. Dưới áp lực đó, có những điều không thể không nhượng bộ. Nhiều vấn đề quan trọng liên quan đến vận mệnh dân tộc Việt Nam được các nước lớn bàn luận và giải quyết trực tiếp với Pháp.
Kết quả của hiệp định Geneve chưa phản ánh đầy đủ những thắng lợi trên chiến trường, đặc biệt là chiến thắng Điện Biên Phủ. Điều này cũng dễ hiểu vì hội nghị là diễn đàn do các nước lớn sắp đặt, đạo diễn và quyết định. Nhưng cũng cần nói rõ trong bối cảnh quốc tế phức tạp, những gì đoàn Việt Nam đạt được đã là tối đa, muốn đòi thêm cũng khó.
– Vì sao phái đoàn Việt Nam Dân chủ Cộng hòa phải chấp nhận vĩ tuyến 17 làm ranh giới quân sự tạm thời, không bảo vệ được vĩ tuyến 13 hay 14?
– Có hai vấn đề cốt lõi liên quan trực tiếp tới độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam là phân vùng giới tuyến quân sự tạm thời và thời hạn tổng tuyển cử.
Về phân chia giới tuyến, ban đầu Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đề ra phương án tối đa là vĩ tuyến 13 (khoảng Phú Yên), tối thiểu 16 (khoảng Đà Nẵng). Nếu được vĩ tuyến 13, quân đội miền Bắc có địa bàn chiến lược Đà Nẵng để phát triển lên Tây Nguyên, sang hạ Lào, đông bắc Campuchia. Trong khi Pháp đòi vĩ tuyến 18 (khoảng Quảng Bình) – ranh giới từng phân chia đàng Trong với đàng Ngoài, có Đường 9 thông sang Lào, Campuchia, giữ Cửa Việt và Huế – nơi có quan hệ sâu sắc với chính quyền thực dân.
Nhưng qua quá trình đàm phán cùng với trao đổi, thăm dò thái độ của Liên Xô, Trung Quốc, phái đoàn Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đành phải lùi xuống vĩ tuyến 16. Với Liên Xô, có lẽ không nhiều người biết rằng ngay từ tháng 3/1954 họ đã nghiên cứu về các vĩ tuyến 16, 17, 18, có nghĩa là Liên Xô chưa bao giờ nghĩ tới 13 hay 14 mà phía Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đưa ra.
Riêng Trung Quốc, ngày 23/6/1954, Thủ tướng Chu Ân Lai gặp Phó thủ tướng kiêm quyền Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Văn Đồng khuyên đoàn không nên cứng nhắc trong việc xác định giới tuyến phân vùng. Khi Chủ tịch Hồ Chí Minh hội kiến ông Chu Ân Lai ở Liễu Châu (Trung Quốc) ngày 3-5/7/1954, chúng ta vẫn kiên định vĩ tuyến 16. Lúc chia tay, ông Chu Ân Lai còn nói thêm “Cố gắng giữ vĩ tuyến 16 nhưng xin cho được linh hoạt…”.
Dẫn chứng vậy để thấy Việt Nam Dân chủ Cộng hòa nhân nhượng và lùi về vĩ tuyến 16, nhưng khi các đồng minh đã tính toán từ trước thì buộc phải chịu thiệt thòi chấp nhận vĩ tuyến 17. Trong bối cảnh này, Việt Nam Dân chủ Cộng hòa khó tạo được thế mạnh và đòi được nhiều hơn dù có chiến thắng Điện Biên Phủ.
Về thời hạn tổng tuyển cử, Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã kiên trì đấu tranh đòi bằng được 6 tháng, sau nhượng bộ tới một năm. Nhưng Mỹ, Pháp và Quốc gia Việt Nam đều chống lại, trong khi thái độ của Liên Xô và Trung Quốc thì lừng khừng nên phút chót tại phiên họp ngày 20/7/1954, các trưởng đoàn mới thỏa thuận thời hạn 2 năm.
Hậu Geneve, tổng tuyển cử đã không diễn ra và Bắc Nam chưa thể sum họp một nhà. Nhưng phải nói thêm dù Việt Nam Dân chủ Cộng hòa chấp nhận vĩ tuyến nào, thời hạn tổng tuyển cử bao lâu thì trước sau Mỹ vẫn nhảy vào và đụng độ với đế quốc này là không thể tránh.
– Có quan điểm cho rằng tiếp tục giải pháp quân sự thì Việt Nam có thể đạt được nhiều lợi thế hơn, không phải chờ 21 năm mới hoàn toàn thống nhất. Ông nhìn nhận ý kiến này thế nào?
– Lịch sử không có nếu như. Nhưng đề cập vấn đề này cho thấy quyết tâm và nguyện vọng cháy bỏng của người Việt về độc lập, chủ quyền, hòa bình, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ.
Cần nhìn nhận thực tế sau chiến thắng Điện Biên Phủ, Việt Nam nắm quyền chủ động về chiến lược nhưng tương quan lực lượng vẫn là 50/50, chưa có chênh lệch lớn. Đánh tiếp sẽ gặp nhiều thách thức, đặc biệt là hậu cần lẫn viện trợ. Chưa kể Mỹ sẵn sàng nhảy vào thế chân Pháp ở Đông Dương, sẽ không để yên khi quân đội miền Bắc đánh tiếp về phía Nam.
Xu thế hòa hoãn chiếm ưu thế trên trường quốc tế. Liên Xô, Trung Quốc đều muốn chấm dứt chiến tranh, mở rộng quan hệ với các nước phương Tây, phát triển kinh tế. Việt Nam khó tiếp tục giải pháp quân sự như ý muốn mà bỏ qua tính toán lợi ích của hai nước này.
Năm 1988 khi thực hiện công trình Tổng kết một số vấn đề về chiến tranh, chúng tôi nhiều lần được gặp, trao đổi với ông Lê Đức Thọ và từng hỏi về vấn đề này. Ông Thọ cho biết lúc bấy giờ nếu đánh tiếp cũng khó giải phóng được và chắc chắn đụng đầu trực tiếp với Mỹ. Song ông cũng cho rằng nếu cố gắng đánh thêm vài trận lớn thì may chăng đòi được vĩ tuyến lùi sâu hơn về phía Nam. Nhưng sau cùng, tất cả vẫn chỉ là giả thuyết.
Trưởng đoàn Phạm Văn Đồng hẳn đã có những giờ cân não và quyết định cực chẳng đã. Sau này ông từng nhận định “Geneve là một cuộc hưu chiến”, nghĩa là tạm nghỉ giữa hai cuộc chiến tranh nên có cái được, có cái chưa được là tất yếu.
– Ông đánh giá thế nào về được – mất của hiệp định Geneve?
– Bước đi và kết quả của hiệp định Geneve phản ánh xu thế chung của các nước lớn trong bối cảnh quốc tế bấy giờ. Điều đáng tiếc nhất là dù có chiến thắng Điện Biên Phủ, Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã chưa tạo được cục diện đánh – đàm mà nhẽ ra phải có. Day dứt nhất là sự chia cắt hai miền với nhiều đau thương, mất mát những năm sau đó.
Nhưng cái được vẫn là nhiều hơn trong bối cảnh lần đầu Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tham gia đàm phán đa phương với những đối thủ sừng sỏ nhiều kinh nghiệm. Giá trị to lớn nhất, đó là buộc Pháp phải công nhận độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam – điều mà 9 năm trước đó ở Hiệp định sơ bộ 6/3 và Tạm ước 14/9/1946 Pháp không chịu thừa nhận.
Hiệp định Geneve cũng cho Việt Nam Dân chủ Cộng hòa cơ sở về đạo lý lẫn pháp lý, đặc biệt cơ sở pháp lý để đấu tranh khi Mỹ nhảy vào sau năm 1954. Miền Bắc hoàn toàn giải phóng, có điều kiện xây dựng thành hậu phương chiến lược cho miền Nam tiếp tục đánh Mỹ.
Geneve cũng để lại nhiều kinh nghiệm lẫn bài học đắt giá trong đàm phán đa phương cho các diễn đàn đàm phán đa phương sau này, đặc biệt là hội nghị Paris trong đánh Mỹ. Khi này, Việt Nam có tâm thế và trưởng thành hơn hẳn trong đấu tranh ngoại giao.
– Sự trưởng thành ấy thể hiện thế nào, thưa ông?
– Chúng ta đã phát huy tốt cục diện “vừa đánh vừa đàm” kéo dài tới 6 năm. Giai đoạn 1954-1959, Việt Nam nghiêm chỉnh chấp hành hiệp định Geneve nên chủ yếu đấu tranh đòi Mỹ thực hiện. Nhưng cuối cùng ta vẫn phải sử dụng bạo lực cách mạng.
Từ tháng 1/1967, Hội nghị Ban chấp hành Trung ương lần thứ 13 quyết định mở cục diện đánh – đàm. Các trận Mậu Thân 1968, phản công mùa hè 1971 ở Đường 9 – Nam Lào, Quảng Trị 1972, Hà Nội – Điện Biên Phủ trên không tháng 12/1972 trở thành những cú hích thúc đẩy đàm phán, tạo vốn liếng cho Việt Nam “nói chuyện” với đối thủ mạnh nhất thế giới bấy giờ. Như Chủ tịch Hồ Chí Minh từng ví “Thực lực là cái chiêng mà ngoại giao là cái tiếng. Chiêng to tiếng mới vang”.
Tại đàm phán Paris, Việt Nam tự tính toán đường đi nước bước, chiến lược sách lược ngoại giao vừa tự chủ vừa biết tranh thủ và phối hợp với cộng đồng quốc tế. Việt Nam cũng không “nhất biên đảo”, lắng nghe các bên và tranh thủ sự ủng hộ của cả Trung Quốc và Liên Xô, dẫu cho hai nước lúc này có mâu thuẫn. Việt Nam cũng không còn để cho các nước lớn chi phối, sắp đặt kết quả như Geneve mà tự quyết định vận mệnh của mình từ sự kết hợp nhiều yếu tố.
Bài học lớn nhất Geneve để lại có lẽ không phải là quá trình hay kết quả vì điều này có thể dự báo trước mà là cha anh dù thế nào vẫn luôn kiên trì, kiên định đến cùng mục tiêu độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ non sông.
– Bài học đàm phán từ hiệp định Geneve có mối liên hệ thế nào với đường lối “ngoại giao cây tre” hôm nay?
– Sau 70 năm từ hiệp định Geneve, ngoại giao Việt Nam vẫn kiên trì với nguyên tắc không nghiêng về bên nào, chỉ chọn lẽ phải, vì mục tiêu hòa bình phát triển.
Khó so sánh trong khi bối cảnh, thời thế khác nhau, nhưng điểm chung có lẽ là “dĩ bất biến ứng vạn biến”. Bất biến là độc lập dân tộc, lợi ích quốc gia luôn được đặt lên hàng đầu. Còn ứng vạn biến là tùy thời điểm linh hoạt, mềm dẻo, biết mình biết người trên cơ sở không làm tổn hại lợi ích tối thượng này.
Căn cơ của hiệp định Geneve là độc lập, chủ quyền, thống nhất toàn vẹn lãnh thổ. Trên cơ sở này, đường lối ngoại giao ngày nay được nâng tầm và linh hoạt hơn, tập trung vào lợi ích quốc gia, giữ vững ổn định và vươn lên trong thế giới đầy biến động phức tạp.
Phạm Dự – Hoàng Phương
Nguồn tin: https://vnexpress.net/geneve-de-lai-nhieu-bai-hoc-dat-gia-trong-dam-phan-da-phuong-4772920.html