Sổ bảo hiểm xã hội (BHXH) bản điện tử dự kiến được áp dụng từ ngày 1/7 và cấp chậm nhất vào 1/1/2026, có giá trị pháp lý như sổ giấy.
Bộ Nội vụ đang lấy ý kiến góp ý dự thảo Nghị định quy định về giao dịch điện tử trong lĩnh vực bảo hiểm xã hội và Cơ sở dữ liệu quốc gia về bảo hiểm, dự kiến thực hiện từ ngày 1/7.
Dự thảo nêu rõ sổ BHXH điện tử được cơ quan Bảo hiểm xã hội cấp cho từng người lao động trên môi trường điện tử. Sổ này chứa thông tin như bản giấy và được mã hóa theo quy định, bao gồm mã số; thông tin cơ bản về nhân thân như ngày tháng năm sinh, giới tính, quốc tịch, căn cước hoặc hộ chiếu; quá trình đóng BHXH như thời gian đóng, căn cứ đóng, tỷ lệ đóng vào các quỹ BHXH, nghề nghiệp, công việc, đơn vị; thông tin hưởng, giải quyết các chế độ…
Sổ điện tử sẽ được liên kết với tài khoản VNeID mức độ 2 của người tham gia và được cấp chậm nhất vào ngày 1/1/2026, có giá trị pháp lý như sổ giấy.
Sổ BHXH là giấy tờ ghi nhận quá trình tham gia BHXH của người lao động làm cơ sở để giải quyết các chế độ. Đây không phải là tài sản nên theo Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) không được phép mua bán, cầm cố sổ BHXH.
Sổ BHXH giấy có bìa màu xanh, ghi nhận quá trình đóng – hưởng và giải quyết các chế độ cho lao động. Ảnh: Ngọc Thành
Hồ sơ, thủ tục BHXH từ giao dịch bản giấy sang hình thức điện tử sẽ được đơn giản hóa. Cụ thể, cơ quan, tổ chức, cá nhân đã hoàn thành giao dịch điện tử trong lĩnh vực BHXH theo quy định thì không phải thực hiện các phương thức khác, được công nhận đã hoàn thành thủ tục tương ứng. Người tham gia đã có thông tin để thực hiện BHXH trên VNeID mức độ 2 liên kết với sổ BHXH điện tử sẽ không phải xuất trình hồ sơ bản giấy để đối chiếu hay chứng minh.
Các thành phần hồ sơ đã được số hóa hoặc chia sẻ từ các cơ sở dữ liệu quốc gia, chuyên ngành theo quy định thì không yêu cầu người dân, doanh nghiệp cung cấp khi thực hiện thủ tục hành chính về BHXH.
Dự thảo nghị định cũng nêu rõ Cơ sở dữ liệu quốc gia về bảo hiểm sẽ gồm 9 nhóm thông tin. Cụ thể, dữ liệu cơ bản cá nhân; thông tin liên hệ của công dân; thông tin về hộ gia đình như mã hộ, địa chỉ, danh sách thành viên trong hộ gia đình; nhóm thông tin về BHXH như mã số, đơn vị quản lý người tham gia, phương thức, quá trình đóng; nhóm thông tin BHYT như mức hưởng, nơi đăng ký khám chữa bệnh; nhóm thông tin về BHTN như quá trình đóng hưởng, thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp được bảo lưu làm căn cứ tính thời gian hưởng trợ cấp
Ngoài ra, còn có nhóm thông tin về người sử dụng lao động gồm tên, mã số doanh nghiệp, mã số thuế, địa chỉ, số điện thoại, thư điện tử, ngành nghề kinh doanh; nhóm thông tin cơ bản về y tế và thông tin về an sinh xã hội.
Người dùng VssID có thể đăng nhập ứng dụng thông qua VNeID trong trường hợp quên hoặc mất mật khẩu. Ảnh: Khương Nha
Cơ quan, tổ chức, cá nhân khai thác và sử dụng dữ liệu từ Cơ sở dữ liệu quốc gia về bảo hiểm qua Cổng dữ liệu quốc gia, Cổng dịch vụ công quốc gia, Cổng thông tin điện tử Bộ Tài chính và hình thức khác do cơ quan có thẩm quyền cung cấp.
Cơ quan, tổ chức và cá nhân có quyền trích xuất thông tin của mình trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về bảo hiểm. Dữ liệu trích xuất sẽ được ký số của Bộ Tài chính và có giá trị như văn bản xác nhận của cơ quan có thẩm quyền. Các tổ chức không được yêu cầu cá nhân cung cấp giấy tờ liên quan nếu đã khai thác được thông tin của người đó từ Cơ sở dữ liệu quốc gia về bảo hiểm.
Cả nước có hơn 621.000 doanh nghiệp giao dịch điện tử với cơ quan BHXH, hơn 36 triệu tài khoản sử dụng VssID; hơn 5,5 triệu lượt dùng ảnh thẻ trên VssID để làm thủ tục khám chữa bệnh. Toàn bộ cơ sở y tế cả nước đã triển khai khám chữa bệnh bằng căn cước công dân gắn chip… giúp giảm thời gian làm thủ tục, tiết kiệm chi phí in ấn thẻ BHYT và chi phí quản lý hành chính.
Hệ thống của cơ quan Bảo hiểm xã hội đã xác thực với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư hơn 98,5 triệu thông tin nhân khẩu, trong đó khoảng 88,5 triệu người đang tham gia thụ hưởng chính sách BHXH, BHYT, BHTN.
Hồng Chiêu
Nguồn tin: https://vnexpress.net/du-kien-cap-so-bao-hiem-xa-hoi-dien-tu-tu-ngay-1-7-4872433.html