Doanh nghiệp đầu tư dự án BOT hầm Đèo Cả, cao tốc Bắc Giang – Lạng Sơn chậm được thanh toán phần hỗ trợ của nhà nước, làm ảnh hưởng phương án tài chính.
Hầm đường bộ qua Đèo Cả (giáp ranh Phú Yên và Khánh Hòa) là dự án trọng điểm quốc gia, được đầu tư theo hình thức BOT với tổng vốn hơn 21.610 tỷ đồng, trong đó nhà đầu tư huy động hơn 16.560 tỷ, nhà nước hỗ trợ 5.040 tỷ. Từ năm 2021, các hạng mục thuộc dự án gồm hầm Đèo Cả, hầm Cù Mông và mở rộng hầm Hải Vân đã đưa vào hoạt động.
Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Hữu Hùng, Phó chủ tịch Tập đoàn Đèo Cả – đại diện nhà đầu tư, đến nay phần vốn ngân sách nhà nước đóng góp 1.180 tỷ đồng nằm trong tổng số vốn hơn 5.040 tỷ đồng nhà nước hỗ trợ vẫn chưa được giải ngân.
Mặt khác, theo phương án tài chính, nhà đầu tư được thu phí trạm La Sơn – Túy Loan trên cao tốc La Sơn – Túy Loan để thu phí hoàn vốn dự án hầm Đèo Cả. Do chính sách thay đổi nên nhà đầu tư không được thu phí trạm này, khiến tài chính của dự án bị thiếu hụt hơn 2.000 tỷ đồng.
Tương tự, dự án BOT cao tốc Bắc Giang – Lạng Sơn đang chờ hỗ trợ của nhà nước do vướng mắc phương án tài chính. Dự án gồm hai hạng mục là xây dựng chính tuyến cao tốc Bắc Giang – Lạng Sơn dài 64 km và nâng cấp quốc lộ 1 từ Bắc Giang đến Lạng Sơn. Một thời gian dài dự án bị đình trệ do nhà đầu tư không đủ năng lực, buộc cơ quan nhà nước đưa Tập đoàn Đèo Cả vào “giải cứu”. Đèo Cả đã huy động hơn 12.180 tỷ đồng gồm nguồn vốn nhà đầu tư và vốn tín dụng, không được nhà nước hỗ trợ như các dự án BOT khác.
Dự án đưa vào khai thác từ tháng 1/2020, giúp tiết kiệm thời gian di chuyển giữa Hà Nội và Lạng Sơn, giảm ùn tắc trên quốc lộ 1. Tuy nhiên, doanh nghiệp dự án gặp khó khăn do ngân hàng đã tạm dừng giải ngân vốn vay tín dụng, nhà đầu tư phải tự huy động vốn để thanh toán cho nhà thầu.
Tháng 3 vừa qua, UBND tỉnh Lạng Sơn đề nghị Thủ tướng xem xét hỗ trợ từ nguồn ngân sách trung ương khoảng 5.600 tỷ đồng (không quá 50% tổng mức đầu tư) để đảm bảo phương án tài chính của dự án, giúp việc vận hành, khai thác dự án BOT cao tốc Bắc Giang – Lạng Sơn được ổn định.
Theo ông Nguyễn Hữu Hùng, Phó chủ tịch Tập đoàn Đèo Cả, hiện nay doanh nghiệp phải vay dài hạn gần 20.000 tỷ đồng cho các dự án hạ tầng giao thông, tập trung 3 dự án BOT là chuỗi hầm Đèo Cả – Cù Mông – Hải Vân và cao tốc Bắc Giang – Lạng Sơn, hầm đường bộ Phước Tượng – Phú Gia. Doanh nghiệp kiến nghị được Chính phủ bố trí 5.600 tỷ nguồn vốn ngân sách nhà nước cho dự án Bắc Giang – Lạng Sơn, đồng thời sớm giải ngân phần vốn ngân sách Nhà nước cam kết đóng góp 1.180 tỷ đồng cho dự án hầm Đèo Cả và hơn 2.000 tỷ đồng thay thế việc thu phí trạm La Sơn – Túy Loan để đảm bảo phương án tài chính.
Hai dự án trên nằm trong 8 dự án BOT hạ tầng giao thông đang gặp vướng mắc do thay đổi chính sách mà Bộ Giao thông Vận tải đã nhiều lần kiến nghị Chính phủ giải quyết. Theo PGS.TS Trần Chủng, Chủ tịch Hiệp hội các nhà đầu tư công trình giao thông đường bộ, các nhà đầu tư đã hoàn thành trách nhiệm trong hợp đồng, sản phẩm đã mang lại hiệu quả cho xã hội. Khó khăn của dự án là do khách quan và chủ quan của Nhà nước thông qua việc thay đổi chính sách, quy hoạch sau khi dự án BOT đã triển khai.
“Chúng tôi mong Chính phủ xử lý quyết liệt tồn tại của các dự án, giảm khó khăn cho doanh nghiệp và tạo niềm tin cho nhà đầu tư”, PGS Trần Chủng nói.
Nguồn tin: https://vnexpress.net/doanh-nghiep-cham-duoc-ho-tro-du-an-bot-giao-thong-4743903.html