Bộ Tài nguyên và Môi trường đề xuất khai thác cát sỏi lòng sông, biển phải được sự đồng ý của nhiều cơ quan, phù hợp với quy hoạch và đảm bảo quốc phòng – an ninh.
Bộ Tư pháp vừa công bố hồ sơ thẩm định dự án Luật Địa chất và Khoáng sản. Luật này nhằm khắc phục bất cập của Luật Khoáng sản hiện hành, bảo đảm quản lý chặt chẽ, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả, minh bạch khoáng sản và hướng tới mục tiêu phát triển bền vững.
Theo Điều 90 dự thảo, hoạt động thăm dò, khai thác cát, sỏi lòng sông, lòng hồ và ở biển phải phù hợp với nhiều quy hoạch như: Lưu vực sông liên tỉnh, nguồn nước liên tỉnh; thủy lợi; thủy điện; phòng chống lũ; nhóm cảng biển, vùng nước; quy hoạch không gian biển quốc gia…
Hoạt động khai thác phải được giám sát bằng thiết bị công nghệ hiện đại để kiểm soát biến động trữ lượng, nguy cơ mất an toàn và ảnh hưởng môi trường. Việc khai thác cát, sỏi phải đề phòng nguy cơ sạt lở lòng bờ, bãi sông và công trình.
Đối với hoạt động thăm dò, khai thác cát biển, cơ quan quản lý nhà nước khi cấp phép phải có văn bản chấp thuận từ cơ quan liên quan về các vấn đề quốc phòng, an ninh, thủy sản, bảo vệ môi trường, giao thông hàng hải.
Giấy phép khai thác cát, sỏi lòng sông, biển có thời hạn tối đa không quá 5 năm và được xem xét gia hạn, cấp lại cho đến hết trữ lượng quy định trong giấy phép.
Tổ chức, cá nhân khai thác, cát, sỏi lòng sông, lòng hồ, khu vực biển có nghĩa vụ đăng ký bến bãi, vị trí tập kết, loại phương tiện, thiết bị được sử dụng để khai thác, vận chuyển; lắp thiết bị giám sát hành trình và lưu trữ dữ liệu, thông tin về vị trí, hành trình di chuyển của phương tiện, thiết bị sử dụng để khai thác, vận chuyển cát, sỏi.
Luật Khoáng sản hiện hành quy định cát là khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường. Tổ chức, cá nhân khai thác cát làm vật liệu xây dựng được miễn giấy phép nếu khai thác trong diện tích đất của dự án đã được cấp phép và sản phẩm khai thác chỉ được sử dụng cho xây dựng công trình đó. Tổ chức, cá nhân khai thác phải đăng ký khu vực, công suất, khối lượng, phương pháp, thiết bị và kế hoạch với UBND cấp tỉnh; phải nộp tiền cấp quyền khai thác khoáng sản.
Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, từ năm 2011 đến hết 2023, cả nước có hơn 3.000 giấy phép thăm dò khoáng sản được cấp, trong đó có đá vôi xi măng gần 1,8 tỷ tấn; than hơn 1,2 tỷ tấn, quặng bauxite gần 900 triệu tấn, đá vật liệu xây dựng thông thường gần một tỷ m3, đất sét làm gạch ngói trên 650 triệu m3, cát, sỏi trên 400 triệu m3 và đá ốp lát khoảng 140 triệu m3.
Tuy nhiên, sau 13 năm thực hiện Luật Khoáng sản (hiệu lực từ 2011), nhiều quy định đã bộc lộ bất cập. Việc khai thác cát, sỏi lòng sông, đất đá phục vụ dự án quan trọng quốc gia hoặc dự án đầu tư công gặp nhiều khó khăn; nhiều vướng mắc trong khâu kiểm soát sản lượng; phân cấp, phân quyền quản lý hoạt động địa chất, khoáng sản còn chồng chéo.
Vì vậy, Bộ Tài nguyên và Môi trường cho rằng xây dựng dự án Luật Địa chất và Khoáng sản nhằm tăng cường công tác quản lý hoạt động khai thác cát, sỏi lòng sông, lòng hồ, khu vực biển theo đặc thù của loại hình này.
Dự thảo cũng bổ sung chính sách phân nhóm khoáng sản để có cách tiếp cận phù hợp từ khâu quy hoạch đến cấp phép thăm dò, khai thác; hội nhập và hợp tác quốc tế; ưu tiên tổ chức, cá nhân đang khai thác hợp pháp được thăm dò xuống sâu và mở rộng. Dự thảo cũng làm rõ hơn trách nhiệm của nhà nước trong điều tra cơ bản địa chất; quyền và nghĩa vụ của tổ chức hoạt động điều tra cơ bản địa chất; nguyên tắc lựa chọn tổ chức, cá nhân đầu tư điều tra địa chất về khoáng sản.
Nguồn tin: https://vnexpress.net/de-xuat-nhieu-quy-dinh-siet-viec-khai-thac-cat-soi-4697507.html