Đại biểu Lê Thanh Vân đề nghị khen thưởng cá nhân tuyển dụng, tiến cử người tài và kỷ luật những ai lạm dụng đưa người quen, người thân vào các vị trí.
Theo dự thảo Luật Thủ đô sửa đổi trình tại hội nghị đại biểu chuyên trách sáng 26/3, các cơ quan, đơn vị tại Hà Nội được ký hợp đồng hoặc phân công chức vụ quản lý, điều hành với người có tài.
Người có tài được định nghĩa là có phẩm chất đạo đức, trình độ, năng lực vượt trội và kinh nghiệm thực tiễn đang làm việc ở trong nước, ở ngoài nước; có công trình, sản phẩm, thành tích, công trạng hoặc cống hiến đặc biệt để phát triển một lĩnh vực, một ngành. Chế độ, chính sách đối với người tài do HĐND thành phố Hà Nội quy định.
Thường trực Ủy ban Tài chính – Ngân sách Lê Thanh Vân cho rằng đây là chính sách quan trọng, cần quy định mạch lạc, cụ thể, nhất là tiêu chí về thi tuyển, tiến cử, tự tiến cử. Dự thảo cũng phải quy định rõ phương án bố trí công việc cho nhân tài, đảm bảo đúng sở trường, sở đoản, để họ có cơ hội thăng tiến, những phát minh sáng kiến của họ được tôn trọng và thực thi.
“Không nên thu hút người tài về rồi bố trí làm hành chính, rất lãng phí. Người tài ngồi dưới trướng kẻ kém tài mà vô hạnh nữa thì thôi”, ông Vân nói, đề nghị các cơ quan bổ sung chính sách thuế thu nhập, lương thưởng, chế độ y tế, giáo dục, nhà ở cho nhân tài. Đây là nội dung rất quan trọng, vì trước đây nhiều người tài về làm việc cho Hà Nội nhưng không đảm bảo thu nhập nên phải rời đi.
Đại biểu Hoàng Văn Cường (Phó hiệu trưởng Đại học Kinh tế quốc dân) đề nghị tăng thu nhập cho cán bộ, công chức, tương xứng với tỷ lệ cán bộ trên dân số của thủ đô. Dự thảo cần quy định Hà Nội được sử dụng tổng quỹ lương theo mức biên chế bình quân chung của cả nước và sử dụng mức chênh lệch làm thành thu nhập tăng thêm.
Theo cách này, ông Cường cho rằng Hà Nội sẽ không tăng biên chế, không làm tăng quỹ lương, nhưng vẫn trả cho người lao động nhiều hơn, tạo ra khuyến khích thực sự so với cải cách tiền lương, nhất là trong chính sách trọng dụng, hỗ trợ người trình độ cao.
Cuối năm 2023, Dự thảo nghị định chính sách thu hút và trọng dụng người có tài năng vào cơ quan hành chính nhà nước và đơn vị sự nghiệp công lập được Bộ Nội vụ lấy ý kiến nhân dân. Các nhóm được chú trọng tìm kiếm tài năng là cán bộ, công chức, viên chức, người lao động khu vực công; người Việt Nam khu vực tư; nhà khoa học trẻ, sinh viên, học sinh tốt nghiệp loại giỏi, xuất sắc trong và ngoài nước.
Người tài cần có phẩm chất đạo đức, lối sống chuẩn mực; có khát vọng cống hiến, phụng sự đất nước; có trình độ, năng lực sáng tạo vượt trội; có công trình, sản phẩm, thành tích, công trạng hoặc cống hiến đặc biệt tạo nên sự tiến bộ của ngành, địa phương. Đối với sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, nhà khoa học trẻ tài năng, Bộ Nội vụ đề xuất tuyển dụng bằng hình thức xét tuyển.
Họ sẽ được bố trí nhóm hỗ trợ thực hiện công việc theo yêu cầu; được đầu tư trang thiết bị và kinh phí thực hiện nhiệm vụ, tham gia khóa đào tạo tập trung trong và ngoài nước theo hướng thành chuyên gia, nhà khoa học đầu ngành. Hàng tháng, người tài sẽ được hưởng khoản tiền khuyến khích bằng 100% mức lương hiện hưởng; nâng lương trước thời hạn hoặc nâng ngạch công chức, thăng hạng viên chức nếu có thành tích đặc biệt xuất sắc.
Khi đến tuổi hưu, nếu họ đủ sức khỏe, tự nguyện tiếp tục làm việc và đơn vị công tác có nhu cầu thì sẽ được xem xét kéo dài thời gian công tác không quá 5 năm, giữ nguyên chức vụ đảm nhiệm.
Dự án Luật Thủ đô (sửa đổi) dự kiến được Quốc hội thông qua tại kỳ họp tháng 5.
Nguồn tin: https://vnexpress.net/de-xuat-khen-thuong-ca-nhan-tien-cu-nguoi-tai-4726734.html