Bộ Nội vụ đề xuất quy định Thứ trưởng, tổng cục trưởng, giám đốc sở… phải đáp ứng tiểu chuẩn không tham vọng quyền lực, không háo danh, không để người thân trục lợi.
Nội dung được nêu trong dự thảo nghị định tiêu chuẩn chức danh công chức lãnh đạo, quản lý trong cơ quan nhà nước. Các nhóm chức danh được áp dụng gồm: công chức lãnh đạo thuộc bộ như thứ trưởng, phó thủ trưởng cơ quan ngang bộ, phó vụ trưởng, phó cục trưởng, trường phòng; công chức lãnh đạo thuộc tổng cục như tổng cục trưởng, phó tổng cục trưởng; và công chức lãnh đạo cấp sở như giám đốc, phó giám đốc, chi cục trưởng…
Năm nhóm tiêu chuẩn chung gồm: chính trị tư tưởng; đạo đức, lối sống, ý thức tổ chức kỷ luật; trình độ; năng lực và uy tín; sức khỏe, độ tuổi, kinh nghiệm công tác. Trong đó, công chức lãnh đạo phải có lập trường, bản lĩnh vững vàng; có tinh thần yêu nước, đặt lợi ích của Đảng, quốc gia, dân tộc, nhân dân, tập thể trên lợi ích cá nhân. Đó phải là người có phẩm chất đạo đức trong sáng, mẫu mực; sống trung thực, khiêm tốn, chân thành, giản dị; cần kiệm liêm chính chí công vô tư; bản thân không tham nhũng, háo danh, vụ lợi; không để người thân lợi dụng chức vụ của mình để trục lợi.
Công chức lãnh đạo không được tham vọng quyền lực; có khả năng trọng dụng người tài; kiên quyết chống tham nhũng, bè phái, lợi ích nhóm; có trình độ từ đại học và ngoại ngữ phù hợp, tư duy đổi mới, năng lực tổng hợp, phân tích, dự báo; phát hiện bất cập trong thực tiễn và đề xuất giải pháp.
Bộ Nội vụ cho rằng cán bộ lãnh đạo cũng cần có khả năng quy tụ, phát huy sức mạnh tập thể, cá nhân; năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm; có thành tích nổi trội, sản phẩm cụ thể.
Để được bổ nhiệm vị trí công chức lãnh đạo cao hơn, họ cần kinh qua và hoàn thành tốt nhiệm vụ ở vị trí cấp dưới trực tiếp; có kết quả cụ thể. Người được bổ nhiệm từ nguồn nhân sự bên ngoài cần có kinh nghiệm, thành tích, sản phẩm. Trường hợp đặc biệt về tuổi, kinh nghiệm công tác, bổ nhiệm vượt cấp sẽ do cấp có thẩm quyền quyết định.
Ngoài tiêu chuẩn chung nêu trên, chức danh thứ trưởng, phó thủ trưởng cơ quan ngang bộ cần có quan điểm khách quan, toàn diện, biện chứng, lịch sử; am hiểu quản lý nhà nước; hiểu biết pháp luật về lĩnh vực quản lý và thông lệ quốc tế.
Thứ trưởng cần có năng lực hoạch định những vấn đề chiến lược phát triển ngành, lĩnh vực; chỉ đạo xây dựng và triển khai có hiệu quả văn bản quy phạm pháp luật, đề tài, đề án chương trình, kế hoạch công tác nhiệm kỳ và hằng năm của ngành, lĩnh vực.
Thứ trưởng cũng cần biết chỉ đạo hoặc trực tiếp giải quyết những vấn đề khó, phức tạp thuộc ngành, lĩnh vực; cải cách hành chính, chế độ công vụ, công chức; thanh tra, kiểm tra, xử lý theo quy định của pháp luật; giải quyết các kiến nghị, khiếu nại, tố cáo của tổ chức và công dân thuộc thẩm quyền; phối hợp giữa các bộ, ngành và giữa trung ương với địa phương.
Những người có thể được bổ nhiệm thứ trưởng là vụ trưởng, phó tổng cục trưởng (đã từng làm vụ trưởng), tổng cục trưởng, phó chủ tịch HĐND, UBND cấp tỉnh.
Vụ trưởng thuộc bộ cần có năng lực tham mưu chiến lược phát triển ngành và xây dựng văn bản pháp luật, kế hoạch công tác. Tổng cục trưởng phải biết hoạch định chiến lược phát triển ngành; giải quyết vấn đề khó, phức tạp. Phó tổng cục trưởng cần biết tham mưu cải cách hành chính, chế độ công vụ, giải quyết khiếu nại. Người đang làm vụ trưởng hoặc phó tổng cục trưởng, có thể được bổ nhiệm làm tổng cục trưởng. Giám đốc sở ngoài am hiểu sâu sắc pháp luật ngành, cần nắm rõ quy định đặc thù tại địa phương; tham mưu và thực hiện hiệu quả quy định.
Dự thảo nghị định được Bộ Nội vụ xây dựng từ đầu năm 2020, đang được lấy ý kiến thành viên Chính phủ.
Nguồn tin: https://vnexpress.net/de-xuat-cong-chuc-lanh-dao-khong-duoc-hao-danh-4696338.html