Đại biểu Nguyễn Quốc Duyệt đề xuất quy định quyền áp dụng biện pháp cảnh vệ cho cả Bộ trưởng Công an và Quốc phòng, vì lực lượng cảnh vệ bao gồm cả công an và quân đội.
Tại phiên thảo luận tại tổ về dự thảo Luật Cảnh vệ sửa đổi chiều 24/5, trung tướng Nguyễn Quốc Duyệt, Tư lệnh Bộ tư lệnh Thủ đô, dẫn dự thảo luật quy định: “Trong trường hợp cấp thiết để bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự an toàn xã hội, công tác đối ngoại, Bộ trưởng Công an quyết định áp dụng biện pháp cảnh vệ phù hợp đối với trường hợp không thuộc diện cảnh vệ như trong Luật”.
“Đề nghị ban soạn thảo bổ sung thêm cụm từ Bộ trưởng Quốc phòng vào sau Bộ trưởng Công an bởi lực lượng cảnh vệ bao gồm cả công an và quân đội. Thực tế, sỹ quan quân đội hiện nay cũng triển khai nhiều biện pháp cảnh vệ”, ông Duyệt nói.
Cùng quan điểm, đại biểu Ngô Trung Thành, Phó chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội nhấn mạnh cảnh vệ thuộc thẩm quyền của cả công an và quân đội. Trong trường hợp cần thiết thì Bộ Quốc phòng cũng phải áp dụng biện pháp cảnh vệ khác. Vì vậy, nếu bổ sung thêm quyền cho Bộ trưởng Công an thì cũng phải cân nhắc bổ sung thêm quyền cho Bộ quốc phòng.
Theo ông, khoản 2 điều 14 Hiến pháp quy định “quyền con người chỉ có thể bị hạn chế theo quy định của luật hoặc trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia”. Do đó, ban soạn thảo cũng cần rà soát kỹ hơn để đánh giá, xây dựng quy định phù hợp với Hiến pháp, tránh hạn chế quyền công dân.
Hôm 20/5, đại diện cơ quan thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Lê Tấn Tới, giải thích rằng trong mọi trường hợp, nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội luôn được ưu tiên. Việc áp dụng cảnh vệ cho các trường hợp không quy định trong luật hiện nay do Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội bổ sung. Tuy nhiên, thực hiện quy định này trong thực tế gặp nhiều khó khăn, không kịp thời, ảnh hưởng đến công tác cảnh vệ.
Từ năm 2018 đến nay, Bộ Công an đã triển khai công tác cảnh vệ với 56 đoàn không thuộc trường hợp cảnh vệ nhằm giải quyết yêu cầu thực tiễn đặt ra hoặc theo đề nghị của bộ ngành, Đại sứ quán nước ngoài tại Việt Nam. Xuất phát từ thực tế này, ông Tới thấy bổ sung thẩm quyền quyết định cảnh vệ là phù hợp, nhằm bảo vệ an ninh quốc gia, công tác đối ngoại của Đảng, Nhà nước.
Nguồn tin: https://vnexpress.net/de-xuat-bo-quoc-phong-cong-an-cung-duoc-quyen-ap-dung-bien-phap-canh-ve-4750244.html