Ủy ban Kinh tế cảnh báo nhiều quốc gia rơi vào tình trạng “già trước khi giàu” do mức sinh quá thấp và đề nghị Chính phủ sớm có giải pháp ở cấp độ quốc gia.
Sáng 21/10, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh báo cáo thẩm tra kết quả thực hiện phát triển kinh tế – xã hội của Chính phủ. Ủy ban đánh giá mức sinh trên toàn quốc đang có xu hướng giảm dưới mức thay thế và có sự chênh lệch đáng kể giữa các vùng, khu vực. Điều này đặt ra thách thức lớn trong việc thực hiện các mục tiêu theo Nghị quyết của Trung ương về công tác dân số trong tình hình mới.
Theo ông Thanh, Việt Nam đang chuyển giao từ thời kỳ “già hóa dân số” sang “dân số già”. Theo ước tính của Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc, đến ngày 7/1, dân số của Việt Nam là hơn 99 triệu người (chiếm 1,23% dân số toàn thế giới), đứng thứ 3 (sau Indonesia, Philippines) trong Cộng đồng kinh tế ASEAN, thứ 15 trên toàn thế giới (giảm hai bậc so với cách đây 10 năm).
Tổng tỷ suất sinh năm 2023 là 1,96 con/phụ nữ. Theo dự báo, với mức sinh trung bình như hiện nay, năm 2024, tỷ lệ tăng dân số bình quân là 0,93% và sẽ giảm còn 0,73% năm 2029, 0,63% năm 2034, 0,55% năm 2039 và còn 0% vào năm 2069.
Quá trình già hóa dân số của Việt Nam được dự báo đến nhanh hơn dự kiến. Từ năm 2036 cho tới hết thời kỳ dự báo, dân số cao tuổi (từ 60 tuổi trở lên) cao hơn dân số trẻ em (0-14 tuổi). “Già hóa dân số là xu hướng tất yếu của mỗi quốc gia thời gian tới, do đó, rất cần có những giải pháp phù hợp để không rơi vào tình trạng già trước khi giàu”, ông Thanh nói.
Cơ quan này cũng lo ngại trong tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh vẫn chưa được cải thiện. Tỷ số giới tính của trẻ mới sinh năm 2024 ước là 112,3 bé trai/100 bé gái, không đạt chỉ tiêu tại Nghị quyết của Trung ương 111,2 bé trai/100 bé gái. Mất cân bằng giới tính khi sinh gây ảnh hưởng lâu dài đến cơ cấu dân số Việt Nam cũng như dẫn tới hậu quả về xã hội và nhân khẩu học; là một trong những nguyên nhân gây bất bình đẳng giới.
Tại dự án Luật Dân số đang được lấy ý kiến, Bộ Y tế đề xuất trao quyền tự quyết thời gian, khoảng cách sinh và số con cho các cặp vợ chồng, đảm bảo phù hợp điều kiện sức khỏe, thu nhập. Đây là thay đổi căn bản so với Pháp lệnh Dân số hiện hành, quy định “mỗi cặp vợ chồng, cá nhân sinh một hoặc hai con, trừ trường hợp đặc biệt do Chính phủ quy định”.
Theo Bộ Y tế, trao quyền quyết định số lượng con cái cho các ông bố bà mẹ sẽ tránh được tình trạng mức sinh xuống quá thấp gây già hóa dân số, tác động tiêu cực đến phát triển kinh tế, xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh.
Nhà nước cần bảo đảm ngân sách để hỗ trợ, khuyến khích lợi ích vật chất, tinh thần cho người dân thực hiện chính sách. UBND tỉnh thành tham mưu, trình HĐND hoặc ban hành theo thẩm quyền chính sách khuyến khích, hỗ trợ vật chất, tinh thần cho các vợ chồng nhằm duy trì mức sinh thay thế trên địa bàn, phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế, xã hội.
Giáo sư Nguyễn Thiện Nhân, nguyên Bí thư Thành ủy TP HCM, trước đó đề xuất 11 chính sách nhà nước cần làm để khuyến khích các gia đình sinh con, trong đó có “tiền lương đủ sống cho gia đình 4 thành viên có hai người đi làm”, tức là thu nhập của hai người đi làm đủ nuôi chính họ và hai người phụ thuộc.
Cùng với đó, Nhà nước cần thực thi đồng bộ các chính sách khác như phát triển thị trường nhà ở có tính cạnh tranh để đảm bảo người lao động có thể thuê, mua được nhà; cải thiện điều kiện làm việc cho phụ nữ có con nhỏ; phổ cập giáo dục mầm non, nhận trẻ từ 3 tháng tuổi; để người dân tự quyết định số con và thời gian sinh con.
Sơn Hà
Nguồn tin: https://vnexpress.net/de-nghi-chinh-phu-som-co-giai-phap-cai-thien-muc-sinh-4806521.html