Chị Ấu đôi lần bàn với chồng rời vùng lụt Nhân Lý (Nam Phương Tiến, Chương Mỹ), nhưng anh Sễu chần chừ không muốn đi vì mấy năm mới ngập một lần.
Chiều muộn, anh Phùng Văn Sễu bơi xuồng từ xóm Đồng Rạch ra đầu làng đón vợ đi làm về. Những gốc đa dọc các ngõ dẫn vào thôn Nhân Lý biến thành “bến đò” tạm – nơi tập kết xuồng đưa đón trẻ đi học, người lớn đi làm, chở nước sạch, hàng hóa vào làng.
Nằm ven sông Đáy, bên đê hữu Bùi, bao quanh bởi ruộng đồng nên Nhân Lý là nơi ngập sâu nhất xã Nam Phương Tiến. Kể từ rạng sáng 24/7 nước sông Bùi tràn qua đê, bủa vây thôn đến nay nước vẫn trắng bãi bờ. Người dân đi lại trên đường làng bằng thuyền do chỗ sâu nhất ngập khoảng hai mét, gần chạm nóc nhà cấp bốn và mấp mé sàn những nhà hai tầng.
Sau những cơn mưa trắng trời, anh Sễu nhớ chiều 23/7 cùng đàn ông trong làng đứng gần đình Nhân Lý kéo cá. Nhưng từ chập tối đến đêm, nước tràn đê hữu Bùi. Sáng hôm sau, trông thấy nước mấp mé sàn nhà, anh quẳng quần áo, bếp gas, xoong nồi lên tầng hai, gom hơn chục con gà vào cái lồng kê cao ngoài thềm rồi ngồi nhìn nước lên.
Lần thứ tư trong 16 năm, nước lũ tràn qua bờ đê sông Bùi sau các trận lụt năm 2008, 2017 và 2018 và năm nay. Hạ lưu con sông là vùng thoát lũ của Thủ đô, bờ phải đê Bùi (hữu Bùi) là nơi chứa nước, phân lũ. Bờ trái (tả Bùi) bảo vệ các huyện Chương Mỹ, Quốc Oai, Phúc Thọ và nội thành Hà Nội. Nước sông Bùi vượt báo động ba (trên 7 m) sẽ tràn qua đê hữu Bùi. Phương án “từ xưa đến nay đã và đang tồn tại”, theo lý giải của chính quyền Chương Mỹ năm 2018.
Đến đầu tháng 8, nhiều ngôi làng dọc đê hữu Bùi nước vẫn lút đường sá, nhà cửa dù trời không mưa lớn. Nhiều đoạn đường cắm biển, chăng barie cảnh báo người dân không đi vào vùng nguy hiểm. Hai huyện Chương Mỹ, Quốc Oai vẫn còn gần 2.500 hộ với 9.000 dân chịu ngập.
Nhà anh Sễu ở xóm Đồng Rạch, mỏm đất có hơn ba chục nóc nhà quần tụ rìa làng Nhân Lý. Nước lụt kịch trần cổng, chỉ chừa mấy ngọn nhãn với ngôi nhà hai tầng ngoi lên khỏi mặt nước. Muốn vào sân, vợ chồng anh ngồi trên thuyền nhôm phải cúi thật thấp khi lướt qua cổng nhà.
Anh chẳng biết quy hoạch cụ thể vùng phân lũ là gì, chỉ biết các cụ trong nhà dặn làng này hễ “động nước là ngập”. Mưa to, người ta tháo nước từ nội thành Hà Nội về là vùng này tràn trề. Bao nhiêu lần chạy lụt anh không nhớ, cứ nghe kẻng báo động, loa phóng thanh là sẵn sàng ôm đồ tìm chỗ cao mà trú.
Năm 2012 khi dựng nhà mới, vợ chồng anh vay mượn cất thêm tầng hai làm chỗ chứa đồ đạc, trú thân khi lũ. Người làng xây bậc tam cấp thì nhà anh xây “ngũ cấp”, tức 5 bậc thềm, nâng sàn nhà cao hai mét so với mặt sân. Nhưng năm 2018, nước lũ vẫn ngập sàn tầng một tới cạp quần, gần một tháng mới rút, năm nay nước dâng đến bắp chân.
“Xây cao thế mà vẫn không trốn được với trời”, người đàn ông 43 tuổi vừa nói, vừa gãi sồn sột bàn tay ngâm nước nhăn nheo, cẳng chân đầy nốt đỏ. Anh sợ nhất xuống tầng một, phải ngửi mùi phân gà đến váng đầu. 10 ngày nước lũ vây, hai con trai đã đi sơ tán, anh “ăn chực” cơm trưa nhà họ hàng trong thôn, buổi chiều bơi xuồng ra đón vợ thì chở thêm bình nước sạch về để uống, nấu cơm.
“Nhà này không có người ở, chỉ chăn nuôi. Nhà này còn một người. Nhà này đi trú nhờ nhà vợ cách đây 5 cây số rồi…”, anh Sễu vừa chèo thuyền, vừa giới thiệu từng nhà hàng xóm tạm rời đi tránh lũ hoặc di cư hẳn, như một hướng dẫn viên “tour sông nước Đồng Rạch”. Họ chủ yếu là những nhà có con nhỏ, chuyển đến nơi khô ráo cho con cái đi lại an toàn. Toàn xóm hơn ba chục hộ chỉ còn hơn chục nhà bám trụ, toàn người lớn hoặc lũ trẻ có thể tự bơi xuồng đi lại.
“Bao lần vợ con muốn đi nơi khác, nhưng anh ấy yêu làng, bảo mấy năm mới ngập một lần nên không muốn bỏ nơi mình từng chôn nhau cắt rốn”, chị Ấu, vợ anh giãi bày. Với người lớn lên từ làng, dứt hẳn áo mà đi không dễ.
Sống ở làng Nhân Lý gần 40 năm, chị Ấu vẫn không thể quen cảnh hễ lụt là lút cả làng, buốt ruột nhìn lợn gà, hoa màu ngâm nước. Chị nhớ thời thơ bé cha mẹ hay đi gặt chạy ngập bởi lũ về cũng là lúc lúa hè thu chín. Năm nay lúa vừa làm cỏ, bón thúc, xanh mướt chờ trổ đòng thì nước ập về. Nước rút hết thì lúa, hoa màu thối đen, ruộng đồng phơi ải, rắc vôi cả tháng mới lại trồng cấy. Mấy vạt đồng tiền trồng trước nhà vừa nở đỏ rực lại gặp ngay trận lụt 10 ngày chưa rút. Vườn tược chỉ trơ mấy ngọn cây nhãn vượt lên mặt nước.
Bạn bè cùng tuổi lấy chồng nơi khác đều đã thoát ly, riêng chị Ấu “duyên số va phải anh trong làng” nên vẫn chịu cảnh chạy ngập. Chưa rời đi, nhưng chị “chán không muốn kiến thiết, không buồn sắm sửa” bởi cứ vài năm một trận lụt lại mất trắng. Hồi còn nhà cấp bốn, có năm ngập gần nóc, chị phải chuyển đàn lợn nái với trăm con gà xuống ông bà ngoại ở chỗ cao ráo. Sau đợt chạy ngập bở hơi tai mà lợn gà vẫn chết gần hết, chị nghỉ chăn nuôi.
Những hộ quen chăn nuôi như gia đình ông Nguyễn Văn Tám lựa chọn duy nhất sau mỗi mùa lụt là gầy dựng lại đàn gà, thả lại ao cá. 10 ngày qua, vợ chồng ông cùng một hộ khác trong thôn đang ở nhờ nhà văn hóa cũ. Khoảng sân đất được quây bạt cho hơn 2.000 con gà và đàn vịt tạm trú chờ nước rút. Bà Hoa, vợ ông vừa cho gà ăn, vừa khấn trời đừng mưa nữa khi thấy mây kéo đến.
Sáng 24/7 khi nước lũ ngập đường, biết không chống được, ông Tám bà Hoa cùng con cháu chạy đàn gà gần 300 triệu đồng đến nơi khô ráo. Riêng 2 mẫu ao cá đành bỏ mặc khi nước tràn đồng. “Không mất hết được, kiểu gì cũng còn sót lại mấy con tép”, ông Tám pha trò. Chạy được đàn gà còn cái nhà ông mặc kệ, cứ khóa cửa đợi rút lại về sửa sau.
Ngày đầu mất điện, trời oi nóng gần 40 độ C, gà ngấp ngoải trăm con. Ông Tám phải cho người thịt gấp. Hôm sau có điện trở lại, nhưng gà con lẫn trứng thu hoạch đợt này coi như mất trắng. Mấy chiếc quạt đặt quanh chuồng tạm luôn bật hết công suất để gà tránh nóng. Ban đêm, gia đình cắt cử một người trực đề phòng mưa lớn nước dâng còn kịp chạy tiếp.
Mỗi lần lụt, chạy được hay không thì đàn gà của ông Tám cũng chết vài trăm con. Nhưng ông cứ chăn, mưa ngập lại chạy. Năm 2018, nước lũ dâng cao ngập chân cột cờ nhà văn hóa thôn, ông bà đưa 6.000 con gà lên sân chùa trú ngụ gần một tháng. Sau đợt ấy, năm kế tiếp ông Tám giảm dần xuống còn 5.000 con, giờ nuôi hơn 2.000 gà để lụt còn chạy cho dễ.
“Dân quê không chăn nuôi lấy gì mà sống”, ông Tám nói về lý do chưa bỏ nghề, dù “rất mệt, rất ngán” khi tuổi đã cao mà vài năm lại chạy lụt một lần.
Đến mùa mưa ông hay thấp thỏm không yên giấc. Thanh niên, trung niên lo hộ đê, các cụ già sẵn sàng có lệnh là ôm đồ đạc đi tránh lũ. Chạy không kịp với nước lên thì kê cao đồ, không kê được thì mặc kệ cho chìm. Thi thoảng họ bơi xuồng về xem nước rút đến đâu, vẩy nước cọ tường cho khỏi để lại vết bùn.
Lãnh đạo huyện Chương Mỹ trong trận lụt lịch sử 6 năm trước từng nói về chiến lược lâu dài là di dân toàn bộ vùng hữu Bùi, gồm các xã Nam Phương Tiến, Tân Tiến và một phần Thủy Xuân Tiên, Tốt Động, Hoàng Văn Thụ để người dân có cuộc sống ổn định. Còn trước mắt chỉ có thể nâng cấp hệ thống đê Bùi.
Nếu thành phố bố trí tái định cư, chị Ấu “sẵn sàng đi”, nhưng chưa thấy chính sách. Niềm hy vọng duy nhất của người mẹ là hai cậu con trai tuổi đôi mươi sớm thoát ly khỏi vùng lụt, chọn chỗ nào cao ráo hơn mà sống.
Còn ông Tám chưa từng tính chuyện rời làng. Ở tuổi 68, ông “còn biết đi đâu khi mồ mả ông cha ở đây, bọn trẻ có đi thì đi thôi”. Điều ông mong mỏi là nhà nước làm thế nào nâng cao vùng này cho khỏi ngập. Đôi ba năm lại ngập cả tháng, dân quê ông “chạy lụt hết hơi chứ đừng mong làm giàu”.
Hoàng Phương – Gia Chính
Nguồn tin: https://vnexpress.net/cuoc-song-o-vung-lu-cua-thu-do-4776815.html