Cà MauChị Quách Kim Y, huyện U Minh, hơn 4 năm qua vào những cánh rừng tràm tìm nhộng ong vò vẽ, dân gian thường gọi ong ‘mặt quỷ’, có nọc độc rất nguy hiểm.
Sáng cận Tết, Kim Y chuẩn đồ bảo hộ, dao, kéo, bao đựng rồi lái xuồng máy đến nơi săn ong cách nhà chừng 30 km. Một giờ sau, chị có mặt ở bìa rừng, tắt máy, bơi xuồng tiến vào sâu tìm tổ ong.
Sau khoảng 30 phút tìm kiếm, cô gái trẻ xác định một bầy ong bay dưới thấp nên nhanh chóng lần theo dấu. Khoanh vùng tổ ong cách đó chừng 500 m, Kim Y tấp vào bờ mặc đồ bảo hộ, mang theo dao chuẩn bị tiếp cận. Khi mọi thứ đã sẵn sàng, chị dọn dẹp cây, dây leo xung quanh, tiến sát tổ ong. Chỉ trong 10 phút, cô gái bỏ tổ chứa đầy nhộng ong vào bao rồi rời đi tìm dấu vết tổ khác.
Cứ như thế, cô gái trẻ lặn lội khắp các rừng tràm tìm tổ ong. Chị thường kết thúc công việc vào lúc 15h để về nhà với con trai 6 tuổi. Mỗi kg nhộng ong vò vẽ, Kim Y bán giá 250.000-800.000, tùy thời điểm. Một ngày chị có thể kiếm về 300.000-500.000 đồng – nguồn thu nhập chính của gia đình ba thế hệ gồm 9 thành viên.
Ngày trước, thương cảnh bên ngoại túng thiếu, Kim Y quyết định về sống cùng cha mẹ ruột ở sau 2 năm lấy chồng. Bởi nhà lúc này chỉ là căn chòi nhỏ sắp đổ sập, cha mẹ già yếu không làm ra thu nhập. Cơm áo gạo tiền buộc cô gái trẻ phải tìm mọi cách để mưu sinh.
Mới học hết lớp 9 lại có con nhỏ, chị gặp nhiều khó khăn để tìm được công việc phù hợp. Vốn nhanh nhẹn lại chịu khó, Kim Y hết đi giăng bẫy bắt rắn đến săn ong ruồi, ong mật, nhưng cuộc sống gia đình vẫn thiếu trước hụt sau.
Trong những lần đi săn ong ruồi, chị hay gặp những tổ ong vò vẽ, nhưng rất sợ chúng. Bởi từng có người ở địa phương bị loài ong hung dữ này cắn chết. Do tò mò, chị lên mạng tìm hiểu và biết nhộng ong vò vẽ được nhiều người tìm mua với giá cao. Cuối năm 2019, Kim Y quyết định đặt mua đồ bảo hộ trên mạng với giá 500.000 đồng, thuyết phục gia đình để được theo nghề.
Những ngày sau đó, chị bắt tay vào nghề săn ong vò vẽ khi không hề có chút kinh nghiệm. Ngay tổ ong đầu tiên tại một bờ sông, Kim Y đã bị choáng ngợp bởi kích thước quá lớn, có đường kính hơn 80 cm. Khi động vào tổ, ong túa ra và thải nọc độc làm cô cay mắt. Dù khá chật vật và rất khó thở trong bộ đồ bảo hộ kín mít, nhưng chị đã thành công lấy được tổ ong.
Trong một lần làm việc, tai nạn đã xảy ra với người thợ trẻ. Do không cẩn thận trong lúc lấy tổ trên cao, nọc độc bắn vào làm mắt sưng đỏ, Kim Y phải nghỉ làm mấy ngày liền. Dù vậy, chị vẫn quyết tâm phải chinh phục những tổ ong vò vẽ. Bởi Kim Y nhẩm tính, chỉ cần lấy được bốn tổ đã hoàn vốn mua đồ bảo hộ, nếu siêng năng chắc chắn cuộc sống gia đình sẽ khá hơn.
Thời điểm đó, gần nhà cũng có người theo nghề săn ong vò vẽ, nhưng chị ngại hỏi kinh nghiệm vì bí quyết là “cần cầu cơm” của họ. Vừa làm vừa học hỏi, Kim Y tự đúc kết những điểm lưu ý trong nghề. Dù là thân gái, nhưng để có tiền lo cho gia đình, mỗi ngày chị phải lội nhiều km, băng qua các vạt rừng để tìm tổ ong.
Cứ như thế, cô gái nhút nhát ngày càng dạn dĩ, “khuất phục” hàng trăm tổ ong vò vẽ. Ngoài việc phải quen đi đường rừng, cái khó của nghề là người thợ phải chịu được khi mặc đồ bảo hộ nặng hơn 5 kg. “Tôi sợ nhất những tháng nắng nóng vì đồ dày và kín. Cách tốt nhất là phải lấy tổ ong thật nhanh”, Kim Y nói.
Theo Kim Y, muốn xác định được nơi có tổ ong vò vẽ, điểm mấu chốt là tìm thấy dấu ong bay. Cứ đến khu vực nào có một vài con ong bay chầm chậm tìm mồi thì tổ của nó chỉ cách đó chưa đầy một km. Nếu gặp những con ong bay gấp gáp, loạn xạ, tổ ong của chúng đã bị người khác lấy đi.
Thời gian đầu chưa có mối hàng, nhộng ong sau khi lấy về, chị giới thiệu bán cho người quen. Khi số lượng ngày càng nhiều, Kim Y buộc phải đem ra chợ hoặc rao trên mạng. Gần đây, chị đã có được nguồn tiêu thụ nhộng ong ổn định. Khách đặt mua ong non để chế biến thành món ăn, ngâm rượu hoặc câu cá.
Tổ ong vò vẽ gồm nhiều lớp, nhìn như một trái banh hay bắp cải, bề mặt nhăn nhúm nên dân gian gọi “ong mặt quỷ”. Loài này bị thu hút bởi mùi mồ hôi người. Chính vì vậy, khi tổ của chúng bị tấn công, ong sẽ phát tín hiệu cho những con khác cùng đuổi đánh. Có nhiều người vô tình phá tổ, bị đàn ong đuổi đốt tử vong.
Dẫu có nhiều kinh nghiệm nhưng trong một lần đi lấy ong ruồi cách đây khoảng một năm trước, Kim Y lại vô tình đạp trúng tổ ong vò vẽ khi không mặc đồ bảo hộ. Chị đã bị ong đốt 7 vết, ngất xỉu. Một tuần sau đó, chị “tưởng mình đã chết” khi bị hành bởi nọc độc ong, phải nghỉ làm hai tháng.
Khác với ong mật, người săn ong vò vẽ không sử dụng lửa, khói nên không ảnh hưởng đến việc phòng, chống cháy rừng vào mùa khô. Mùa săn ong thường bắt đầu từ tháng 11 năm trước đến tháng 4 âm lịch năm sau. Mỗi tổ ong nặng trung bình từ 2-3 kg, cá biệt có những tổ lớn 5-6 kg.
Sau khi lấy đi tổ ong, người thợ sẽ quay lại lấy tổ mới sau 25-30 ngày. Nếu để quá thời gian này, ong non sẽ nở, không còn nhộng. Đối với tổ có ong đã nở, Kim Y sẽ chừa lại để chúng tiếp tục phát triển.
An Minh
Nguồn tin: https://vnexpress.net/co-gai-bang-rung-san-ong-vo-ve-4704675.html