Chủ tịch nước Lương Cường yêu cầu Quân đội tiếp tục điều chỉnh tổ chức lực lượng, hoàn thành mục tiêu xây dựng quân đội “tinh, gọn, mạnh” vào năm 2030.
Sáng 14/12, Bộ Quốc phòng chủ trì, phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Công an và tỉnh Cao Bằng tổ chức hội thảo khoa học chủ đề “Quân đội nhân dân Việt Nam – Truyền thống hào hùng, sự nghiệp vẻ vang, lực lượng nòng cốt xây dựng nền quốc phòng toàn dân vững mạnh”.
Ngày 22/12/1944, Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân – đội quân chủ lực đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam, được thành lập tại khu rừng Trần Hưng Đạo, tỉnh Cao Bằng. Sự kiện đánh dấu sự ra đời của một tổ chức quân sự mới của dân tộc, tiền đề xây dựng quân đội cách mạng của dân, do dân, vì dân. 80 năm qua, Quân đội nhân dân Việt Nam đánh bại thực dân Pháp, đế quốc Mỹ và các thế lực xâm lược với nhiều chiến công lừng lẫy.
Chủ tịch nước Lương Cường nói hiện nay tình hình thế giới, khu vực khó dự báo. Hành động xâm phạm chủ quyền, tranh chấp biển, đảo, tài nguyên diễn biến phức tạp. Thế lực thù địch không ngừng chống phá, thực hiện diễn biến hòa bình, âm mưu bạo loạn lật đổ, phi chính trị hóa lực lượng vũ trang. “Tình hình đó đặt ra yêu cầu ngày càng cao đối với sự nghiệp quốc phòng, an ninh, xây dựng Quân đội nhân dân và Công an nhân dân”, Chủ tịch nước nói.
Chủ tịch nước nhấn mạnh tầm quan trọng xây dựng Quân đội vững mạnh toàn diện, lấy xây dựng vững mạnh về chính trị là cơ sở. Cụ thể, Quân đội phải tiếp tục điều chỉnh tổ chức lực lượng, hoàn thành mục tiêu xây dựng quân đội “tinh, gọn, mạnh”, tạo tiền đề vững chắc, phấn đấu đến năm 2030 xây dựng Quân đội nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại.
Quân đội phải luôn luôn tỉnh táo, cảnh giác, sẵn sàng chiến đấu cao, bảo vệ vững chắc vùng trời, vùng biển, biên giới, nội địa, không gian mạng; phối hợp chặt chẽ với Công an nhân dân giữ vững an ninh trật tự trên cả nước.
Tham luận tại hội thảo, đại tá Lê Thanh Bài, Phó viện trưởng Lịch sử Quân sự, nói do yếu tố địa quân sự, chính trị của đất nước nên các nhà nước phong kiến Đại Việt liên tục phải đương đầu cuộc xâm lược quy mô lớn của ngoại bang. Việc tổ chức, xây dựng quân đội đủ sức bảo vệ đất nước luôn được các vương triều quan tâm, coi trọng.
Tuy nhiên, quy mô dân số và tiềm lực kinh tế có hạn không cho phép nhà nước phong kiến xây dựng và duy trì đạo quân lớn, vì cần tập trung nhân lực cho sản xuất. Để giải quyết “về lượng”, ông cha ta đã chủ trương xây dựng quân đội theo hướng “quý hồ tinh, bất quý hồ đa”, tức “quân cốt tinh, không cốt đông”, lấy chất lượng là chính. Đây là quan điểm nhất quán, xuyên suốt lịch sử hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước của dân tộc.
Theo đại tá Bài, xây dựng lực lượng vũ trang “tinh” trong thực tiễn là phải đảm bảo nhiều yếu tố, từ tuyển binh, tổ chức, đến huấn luyện, kỷ luật, đoàn kết tướng sĩ nhằm nâng cao chất lượng chiến đấu của quân đội. Để làm được điều này, ông Bài cho rằng trước hết phải luôn tăng cường sự lãnh đạo của Đảng với Quân đội, tập trung kiện toàn tổ chức, biên chế, trang bị của từng cơ quan, đơn vị; nâng cao chất lượng tuyển quân, tuyển sinh quân sự, tuyển dụng, bảo đảm thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao.
Từng quân, binh chủng phải chú trọng nghiên cứu, tổng kết lý luận, phát triển nghệ thuật quân sự chiến tranh nhân dân, tư duy bảo vệ Tổ quốc; sử dụng có hiệu quả vũ khí trang bị hiện có và ứng dụng mạnh mẽ thành tựu của khoa học kỹ thuật nhằm nâng cao sức mạnh, khả năng sẵn sàng chiến đấu.
Cùng với xây dựng Quân đội nhân dân “tinh, gọn, mạnh”, với số lượng quân thường trực hợp lý, có sức chiến đấu cao, đại tá Bài nhìn nhận cần xây dựng lực lượng dự bị động viên hùng hậu, dân quân tự vệ rộng khắp, bảo đảm sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ trong mọi tình huống.
Đại tướng Phạm Văn Trà, nguyên Bộ trưởng Quốc phòng, cho rằng tiếp tục tinh gọn để xây dựng lực lượng vững mạnh là nhiệm vụ trọng tâm của quân đội thời gian tới. Sau 80 năm thành lập, Quân đội đã cùng nhân dân làm tốt nhiệm vụ bảo vệ đất nước. Bên cạnh đó, nhiệm vụ quan trọng, xuyên suốt nữa là phòng chống diễn biến hòa bình, bạo loạn lật đổ.
Ông dẫn chứng những năm 1990, diễn biến hòa bình làm sụp đổ chế độ xã hội chủ nghĩa ở Liên Xô và Đông Âu đã đặt ra cho Việt Nam nhiều bài học ứng phó. Không ít người khi ấy cho rằng Việt Nam làm gì có bạo loạn mà chống, với bản chất con người Việt Nam thì phòng chống diễn biến hòa bình chỉ là “báo động giả, là nguy cơ không có thật”. Song thực tế cho thấy từ sau năm 1975 đến 1991 manh nha xuất hiện những dấu hiệu của diễn biến hòa bình.
Tướng Trà dẫn một số sự kiện chống phá những năm 1982-1983 và cho biết quân đội đã có sự chuẩn bị nên ngăn chặn sớm. An ninh quân đội là phải luôn cảnh giác, phát hiện sớm những tình huống bất ngờ.
Sơn Hà – Hoàng Phương
Nguồn tin: https://vnexpress.net/chu-tich-nuoc-tiep-tuc-xay-dung-quan-doi-tinh-gon-manh-4827720.html