Tình trạng lao động tụ tập uống rượu, đánh bạc, bỏ ra ngoài làm việc hoặc di cư trái phép làm xấu hình ảnh người Việt tại Romania, theo Bộ Lao động Thương binh và Xã hội.
Trong công văn hồi cuối tháng 1 gửi các doanh nghiệp đưa lao động đi làm việc tại Romania, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội yêu cầu chấn chỉnh tình trạng trên. Đây là thị trường trọng điểm, tiềm năng, thủ tục cấp visa thông thoáng và có nhu cầu tiếp nhận nhiều lao động nước ngoài, bao gồm Việt Nam.
Trước đó hôm 20/1, khi tới thăm Đại sứ quán và đại diện cộng đồng người Việt tại Romania trong khuôn khổ chuyến công du Châu Âu, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị rà soát các công ty xuất khẩu lao động, sau khi nghe kiều bào nêu nhiều vấn đề bất cập. Theo đại diện một số hội, nhiều lao động làm việc trái phép hoặc trốn sang nước thứ ba. Công ty xuất khẩu lao động không làm tròn trách nhiệm, bỏ rơi người lao động.
Bộ Lao động Thương binh và Xã hội yêu cầu doanh nghiệp trao đổi với giới chủ sử dụng lao động có biện pháp giám sát nội quy sinh hoạt để hạn chế lao động tụ tập uống rượu, đánh bạc, ngăn ngừa kẻ xấu lôi kéo họ sang nước thứ ba.
Doanh nghiệp báo cáo đột xuất tới Cục Quản lý lao động ngoài nước và Đại sứ quán Việt Nam tại Romania để bảo vệ quyền lợi lao động khi có vụ việc sát sinh. Những nơi có nhiều lao động người Việt cùng làm việc, doanh nghiệp quản lý theo mô hình tổ, đội để sớm phát hiện và xử lý dứt điểm tiêu cực. Lao động bỏ hợp đồng sẽ bị thông báo về gia đình, địa phương.
Khi đào tạo, các công ty phải theo dõi và loại khỏi danh sách lao động không thực sự có nhu cầu đi làm việc hoặc kỷ luật không tốt, ham chơi, nghiện rượu, cờ bạc. Đồng thời, doanh nghiệp phải rà soát danh sách lao động bỏ trốn theo quê quán, xác định địa phương có nhiều người bỏ hợp đồng, trốn sang nước thứ ba để có phương án tuyển chọn ở các đợt tiếp theo.
Bộ Lao động Thương binh và Xã hội sẽ thường xuyên thanh kiểm tra và xử lý nghiêm doanh nghiệp không thực hiện đầy đủ trách nhiệm, không công khai minh bạch chi phí của lao động trước khi đi hoặc quản lý chưa tốt khiến lao động bỏ hợp đồng ra ngoài làm việc. Doanh nghiệp không đáp ứng điều kiện sẽ bị đình chỉ có thời hạn hoặc rút giấy phép đưa người đi làm việc.
Từ năm 2018 đến nay, Việt Nam đưa gần 11.000 lao động đi làm việc tại Romania trong các ngành nghề phổ thông như thợ hàn, xây dựng, mộc, lắp ráp cơ khí… Mức lương cơ bản những năm 2017-2018 khoảng 600-1.200 USD mỗi tháng tùy nghề, thời hạn hợp đồng hai năm và có thể gia hạn.
Việt Nam thiết lập quan hệ ngoại giao với Romania từ năm 1950. Giai đoạn 1950-1989, Romania đã viện trợ và cho Việt Nam vay để phát triển một số ngành kinh tế. Sau khi quốc gia này thay đổi chế độ chính trị cuối năm 1989, hai nước tiếp tục phát triển quan hệ và hợp tác nhiều mặt.
Kim ngạch thương mại hai chiều Việt Nam – Romania tăng trưởng liên tục, từ hơn 200 triệu USD năm 2018 tăng gấp đôi lên hơn 400 triệu USD năm 2022.
Hồng Chiêu
Nguồn tin: https://vnexpress.net/chan-chinh-lao-dong-viet-uong-ruou-danh-bac-tai-romania-4706826.html