Một số đại biểu đề nghị quy định chi “tối thiếu 75%” kinh phí quỹ cho công đoàn cơ sở để đảm bảo linh hoạt chăm lo đời sống người lao động.
Sáng 18/6, Quốc hội thảo luận dự án Luật Công đoàn sửa đổi. Việc phân định sử dụng kinh phí công đoàn được cơ quan soạn thảo đề xuất hai phương án. Thứ nhất là Chính phủ quy định cụ thể tỷ lệ sử dụng kinh phí công đoàn giữa công đoàn cấp trên với công đoàn cơ sở và tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp. Phương án hai là xác định cụ thể công đoàn cấp trên sử dụng 25%, công đoàn cơ sở và tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp sử dụng 75%.
Đại biểu Nguyễn Hữu Thông (Phó đoàn Bình Thuận) nghiêng về phương án hai, nhưng đề nghị ban soạn thảo bám sát tinh thần của Nghị quyết số 18 của Trung ương là “sửa đổi cơ chế quản lý tài chính, nguồn kinh phí công đoàn bảo đảm quản lý chặt chẽ, công khai, minh bạch và nâng cao hiệu quả”.
Ông đề xuất không quy định cứng công đoàn cơ sở và tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp được phân phối 75% và công đoàn cấp trên quản lý, sử dụng 25%. “Nên quy định theo hướng tối thiểu 75% và tối đa 25% để bảo đảm linh hoạt trong điều tiết tổng thể của hệ thống, tùy theo quy mô của tổ chức công đoàn hoặc theo địa bàn”, ông Thông nói.
Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (Phó đoàn Hải Dương) cũng cho rằng không nên quy định cứng tỷ lệ 25% và 75%. Việc điều tiết tỷ lệ cần linh hoạt để tăng cường bố trí nguồn kinh phí cho các hoạt động của công đoàn cơ sở – nơi trực tiếp chăm lo đời sống người lao động. Kinh phí công đoàn do công đoàn cấp trên quản lý, sử dụng tối đa 25%, còn lại được phân phối cho công đoàn cơ sở và tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp.
Trong khi đó, đại biểu Nguyễn Phi Thường (Bí thư Huyện ủy Ứng Hòa, Hà Nội) lại chọn phương án giao cho Chính phủ thống nhất quy định cụ thể về công tác thu, quản lý, sử dụng nguồn tài chính công đoàn. Điều này sẽ giúp cho công tác quản lý nhà nước về tài chính công đoàn minh bạch, chặt chẽ và hiệu quả hơn, tránh được thất thoát, lãng phí; khắc phục tình trạng chủ doanh nghiệp can thiệp quá sâu vào hoạt động thu, chi tài chính của công đoàn.
Ông đề nghị nêu rõ trong dự luật là thống nhất quản lý nhà nước về thu, quản lý, sử dụng tài chính công đoàn, gồm cả kinh phí và đoàn phí công đoàn. Tổng Liên đoàn sẽ hướng dẫn thực hiện.
Tại tờ trình dự thảo Luật Công đoàn sửa đổi, Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam cho biết trong các nguồn thu cho tổ chức này hoạt động, kinh phí công đoàn do doanh nghiệp đóng chiếm 57-64%, đoàn phí do người lao động đóng 25-27%, nguồn thu khác 11-16% và ngân sách nhà nước khoảng 1%.
Báo cáo của Tổng liên đoàn cho biết giai đoạn 2013-2019, khoảng 81,5% nguồn kinh phí tại cấp công đoàn cơ sở chủ yếu để chi chăm lo và bảo vệ quyền lợi cho người lao động; còn lại chi cho lương, phụ cấp và quản lý hành chính. Tuy nhiên, theo báo cáo Kiểm toán Nhà nước về quản lý, sử dụng tài sản, tài chính công năm 2019 của Tổng liên đoàn, tổng thu tài chính công đoàn năm 2019 là hơn 20.200 tỷ đồng nhưng chỉ 46% được sử dụng chăm lo trực tiếp cho người lao động.
Đề nghị báo cáo thu chi phí công đoàn
Không phản đối việc duy trì mức đóng 2% công đoàn phí song Phó chủ tịch Hội luật gia tỉnh Đồng Tháp Phạm Văn Hòa đề nghị Tổng liên đoàn lao động báo cáo việc sử dụng phí này thời gian qua. “Cần có quy định chủ thể giám sát nguồn kinh phí này để đảm bảo công khai, minh bạch định kỳ”, ông Hòa đề xuất.
Đại biểu Nguyễn Hoàng Bảo Trân, Phó chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh Bình Dương, cho hay 2% phí công đoàn được duy trì từ năm 1957 đến nay, chủ yếu được sử dụng để chăm lo cho đoàn viên, người lao động. Kinh phí công đoàn được tính vào chi phí của doanh nghiệp, hạch toán vào giá thành sản phẩm nên không ảnh hưởng nhiều đến doanh nghiệp.
“Rất ít các kiến nghị của doanh nghiệp liên quan đến trích nộp 2% phí công đoàn. Từ đó có thể thấy vấn đề đóng kinh phí 2% không phải là gánh nặng cho doanh nghiệp”, bà Trân nói, cho rằng bản chất số tiền này là sự chung tay của đơn vị sử dụng lao động trong các hoạt động của công đoàn cơ sở nhằm chăm lo an sinh xã hội, bảo vệ quyền lợi chính đáng, hợp pháp của người lao động.
Dự án Luật Công đoàn sửa đổi sau khi được cho ý kiến tại kỳ họp này sẽ được sửa đổi, bổ sung để Quốc hội xem xét, thông qua tại kỳ họp 8 (tháng 10).
Nguồn tin: https://vnexpress.net/can-nhac-viec-quy-dinh-cung-ty-le-75-quy-cho-cong-doan-co-so-4759572.html