Chuyên gia cho rằng nên để công chức nhóm chuyên gia, cố vấn tự quyết định có làm việc tiếp hay không, tùy nhu cầu, sức khỏe và chỉ nên ở vị trí chuyên môn.
Bộ Nội vụ khi xây dựng dự thảo Luật Cán bộ, công chức sửa đổi đã gợi mở xem xét kéo dài tuổi nghỉ hưu công chức một số lĩnh vực yêu cầu kỹ thuật cao, chuyên gia, cố vấn tới 70 và quy định chế độ hưu trí sớm.
GS.TS Giang Thanh Long, giảng viên cao cấp Trường Kinh tế và Quản lý công, Đại học Kinh tế quốc dân, cho rằng trong bối cảnh dân số già hóa nhanh thì việc chuẩn bị các chính sách thu hút người cao tuổi tham gia lực lượng lao động là hết sức cần thiết. Nguồn lực này đặc biệt quan trọng, nhất là trong các lĩnh vực đòi hỏi chuyên môn, tích lũy kiến thức, kỹ năng trong thời gian dài như y tế, giáo dục, nghệ thuật…
Việc người cao tuổi tiếp tục làm việc ngoài duy trì lực lượng lao động và đóng góp cho hoạt động của nền kinh tế cũng như đảm bảo an sinh thu nhập còn giúp chính họ giữ được kết nối xã hội, giảm nguy cơ sa sút sức khỏe thể chất và tinh thần. Ông Long nêu thực tế tại Đại học Kinh tế quốc dân, nhiều chuyên gia đầu ngành vẫn làm việc, nghiên cứu khoa học hăng say ở độ tuổi 70. Được tạo điều kiện làm việc, các chuyên gia có động lực cống hiến trí tuệ, kiến thức, kỹ năng cho lĩnh vực chuyên môn cũng như hỗ trợ đội ngũ kế cận.
Tuy nhiên, việc kéo dài hưu trí đến tuổi nào lại phụ thuộc rất lớn vào điều kiện sức khỏe của người lao động nói chung và công chức nói riêng, nhất là người bước vào giai đoạn cao tuổi. Khảo sát quốc gia về người cao tuổi Việt Nam (60 tuổi trở lên) trong các năm 2011, 2019 và 2022 đều cho thấy sức khỏe là yếu tố quan trọng nhất quyết định nhu cầu và khả năng làm việc cũng như có được việc làm của người cao tuổi. Dữ liệu các cuộc khảo sát này cho thấy hơn 50% người cao tuổi muốn làm việc nhưng không thể làm vì lý do sức khỏe.
GS.TS Giang Thanh Long, giảng viên cao cấp Trường Kinh tế và Quản lý công, Đại học Kinh tế quốc dân. Ảnh: Gia Chính
GS Long cho rằng việc kéo dài tuổi hưu tới tuổi 70 chỉ nên là chính sách có tính khuyến khích chứ không nên là quy định bắt buộc, kể cả ở những lĩnh vực cần chuyên môn cao, chuyên gia, cố vấn. Lý do là không phải ai cũng có thể đảm đương được công việc ở độ tuổi 70. Nếu tiếp tục làm việc mà năng suất lao động, đóng góp lại không tương xứng với tiền lương và các khoản chi trả liên quan thì là điều bất hợp lý về mặt kinh tế.
Thực tế trên thế giới chưa nước nào nâng tuổi nghỉ hưu bắt buộc đến 70. Hiện tại, tuổi hưu cao nhất thế giới là 67 tuổi, ở Italy, Đan Mạch, Hà Lan, New Zealand và các nước này đều có lộ trình hàng chục năm để điều chỉnh. Nhật Bản có tuổi thọ bình quân cao nhất thế giới, khoảng 86 tuổi vào năm 2024 nhưng tuổi nghỉ hưu quy định là 65. Các nước này đều có tuổi thọ và tuổi thọ khỏe mạnh ở giai đoạn 60 thuộc nhóm cao nhất thế giới. Tức là họ có tuổi già khỏe nên tiếp tục làm việc là “chuyện bình thường”, không phải lý do kinh tế mà muốn có được cuộc sống tuổi già năng động.
Thống kê của Ủy ban Kinh tế và Xã hội khu vực châu Á – Thái Bình Dương của Liên Hợp Quốc năm 2022 cho thấy tuổi thọ trung bình của người cao tuổi Việt Nam (tính từ 60 tuổi) sánh ngang với các nước có thu nhập cao hơn như Thái Lan, Malaysia…, nhưng tuổi thọ khỏe mạnh lại thấp hơn. Tức là người cao tuổi Việt Nam có số năm sống chung với bệnh tật cao hơn. Các nghiên cứu phân tích về việc làm của người cao tuổi những năm gần đây cũng cho thấy bệnh tật, hạn chế về chức năng và các khuyết tật là những yếu tố tác động rõ rệt làm giảm tỷ lệ người cao tuổi làm việc.
“Trong bối cảnh hiện nay, nếu lấy các nước phát triển làm cơ sở cho đề xuất kéo dài tuổi nghỉ hưu tới 70 là chưa hợp lý. Kéo dài tới tuổi nào cần căn cứ vào sức khỏe cũng như nhu cầu, khả năng làm việc của lao động nói chung và người cao tuổi nói riêng”, GS Long nhận định. Ông cho rằng cần có khảo sát nghiên cứu cụ thể về sức khỏe người cao tuổi Việt Nam gắn liền với nhu cầu, khả năng làm việc theo các ngành nghề, chuyên môn rồi mới cân nhắc điều chỉnh dần và áp dụng trong thực tế.
Chuyên gia gợi ý nghiên cứu chính sách về tuổi nghỉ hưu “cứng” và tuổi nghỉ hưu “mềm”. Tuổi nghỉ hưu “cứng” theo quy định hiện hành, tăng theo lộ trình đến khi đạt 62 tuổi với nam và 60 tuổi với nữ. Sau tuổi này, nếu người cao tuổi vẫn muốn làm việc thì được tạo điều kiện và được bảo vệ trong môi trường làm việc mới cho đến khi họ quyết định nghỉ ngơi ở độ tuổi nào đó, gọi là tuổi nghỉ hưu “mềm”.
Ông lấy ví dụ Nhật Bản quy định tuổi nghỉ hưu chung của nam và nữ là 65, nhưng sau tuổi này rất nhiều người tiếp tục làm việc cho đến khi thấy cần nghỉ ngơi, ở tuổi 68 chẳng hạn thì là tuổi nghỉ hưu mềm. Với mỗi năm làm việc sau tuổi 65, hệ số hưởng lương hưu tăng lên tạo động lực cho người cao tuổi cống hiến. Song hành là hệ thống có những tiêu chí đánh giá đảm bảo năng suất, hiệu quả tương xứng với khoản chi trả tăng thêm cho người cao tuổi. Chính phủ cũng tạo điều kiện cho họ làm việc đúng khả năng, trình độ, sức khỏe và có những chính sách hỗ trợ doanh nghiệp tiếp nhận lao động cao tuổi như giảm thuế thu nhập và tiến hành các hoạt động đảm bảo không lợi dụng chính sách cũng như phân biệt tuổi tác ở nơi làm việc.
“Không chỉ nhóm công chức, chuyên gia mà tất cả người cao tuổi các khu vực khác nếu còn khả năng cống hiến thì chúng ta cần tạo điều kiện để họ tiếp tục làm việc. Một dân số cao tuổi chủ động về kinh tế, sức khỏe và tham gia hoạt động xã hội sẽ góp phần để Việt Nam già hóa thành công”, GS Long khuyến nghị.
Công chức Sở Tư pháp Hà Nội giải quyết thủ tục cấp lý lịch tư pháp cho người dân, tháng 4/2023. Ảnh: Ngọc Thành
Nhiều năm nghiên cứu về chính sách an sinh, TS Bùi Sỹ Lợi, nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội, ủng hộ chủ trương kéo dài tuổi nghỉ hưu trong bối cảnh già hóa dân số nhanh và thiếu hụt nguồn nhân lực chất lượng cao nhiều ngành trọng yếu. Chính sách nếu đi vào thực tiễn sẽ giúp xây dựng đội ngũ chuyên gia, cố vấn cao cấp khu vực công. Mục tiêu tranh thủ chất xám, kinh nghiệm khi nhóm này còn sức khỏe và mong muốn cống hiến.
Trên thực tế dù không tăng tuổi, nhiều người giỏi sau khi nghỉ hưu vẫn tham gia vào khu vực tư và có nhiều đóng góp cho đất nước. Bản thân ông Lợi nghỉ hưu ở tuổi 60, bốn năm qua vẫn tham gia nghiên cứu góp ý chính sách, cố vấn, giảng dạy theo lời mời ở một số lĩnh vực chuyên môn. Đi làm khiến ông vui vẻ, cập nhật thông tin, không bị tụt hậu so với người trẻ, thêm thu nhập ngoài lương hưu.
Song ông lưu ý kéo dài tuổi hưu trí của công chức nếu áp dụng chỉ nên dành cho lĩnh vực cần chất xám, chuyên môn cao như y tế, giáo dục, khoa học… khi “gừng càng già càng cay”; không áp dụng cho vị trí lãnh đạo, quản lý vì có thể ảnh hưởng quá trình trẻ hóa đội ngũ cán bộ, hạn chế cơ hội phát triển của lớp kế cận, trì trệ trong bộ máy tổ chức.
Kéo dài tuổi nghỉ hưu công chức một số lĩnh vực tới 70 nếu đưa thành quy định bắt buộc, theo ông Lợi cần có lộ trình khi đã đủ điều kiện chứ không nên thực hiện ngay. Bởi Bộ luật Lao động đang tăng tuổi nghỉ hưu cho đến khi nam đạt 62 tuổi vào năm 2028 và nữ 60 tuổi vào năm 2035. Luật cho phép lao động có trình độ chuyên môn, kỹ thuật cao và một số trường hợp đặc biệt có thể nghỉ hưu ở tuổi cao hơn song không quá 5 tuổi. Đồng nghĩa nhóm chuyên môn, kỹ thuật cao có thể nghỉ hưu muộn nhất ở tuổi 67 với nam và 65 với nữ.
TS Bùi Sỹ Lợi, nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội. Ảnh: Hồng Chiêu
Ngoài ra, bảo hiểm xã hội (BHXH) thực hiện nguyên tắc đóng – hưởng, tham gia vượt khung 30 năm với nữ và 35 năm với nam ngoài lương hưu tối đa cũng chỉ nhận được trợ cấp một lần cho mỗi năm bằng 0,5 lần bình quân tiền lương tính đóng BHXH, tăng lên 2 lần từ ngày 1/7. Ông Lợi đánh giá nếu áp dụng cách tính trên sẽ thiệt thòi cho người giỏi khi kéo dài tuổi hưu trí và họ tiếp tục tham gia BHXH. Vì vậy, cần có chính sách vượt trội cho nhóm này về tiền lương, tiền công, chế độ BHXH tính toán làm sao tương đương với cống hiến của họ. Bởi thực tế nhiều đơn vị tư nhân đang trả rất cao mới có thể thu hút nhóm chuyên gia.
“Song điều tiên quyết vẫn là sức khỏe và tinh thần tự nguyện cống hiến của đội ngũ này”, ông bình luận.
Việt Nam là một trong 10 nước có tốc độ già hóa dân số nhanh nhất thế giới, trong khi các nước phát triển mất nhiều thập kỷ, thậm chí hàng thế kỷ mới chuyển sang giai đoạn này như Pháp 115 năm, Australia 73 năm… Trong khu vực Đông Nam Á, tuổi thọ nam giới Việt Nam đứng thứ 5, nữ giới đứng thứ 2, nhưng số năm bệnh tật lại cao các nước. Người Việt thọ trung bình 74,7 tuổi vào năm 2024, song mất hơn 10 năm sống trong bệnh tật, nhiều người cùng lúc mắc 3-6 bệnh nền.
Hồng Chiêu
Nguồn tin: https://vnexpress.net/can-nhac-suc-khoe-cong-chuc-neu-muon-keo-dai-tuoi-nghi-huu-toi-70-4875361.html