Bộ Chính trị yêu cầu tạm đình chỉ công tác với cán bộ có hành vi nhũng nhiễu, tiêu cực, hoặc cố tình trì hoãn, đùn đẩy, né tránh trách nhiệm, không thực hiện công việc.
Trường trực Ban Bí thư Lương Cường ngày 23/5 đã thay mặt Bộ Chính trị ký ban hành quy định về thẩm quyền của người đứng đầu trong việc tạm đình chỉ công tác với cán bộ cấp dưới. Tạm đình chỉ công tác là buộc cán bộ dừng thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao trong thời hạn nhất định. Đây không phải là hình thức kỷ luật.
Theo quy định có 5 căn cứ chính để tạm đình chỉ công tác cán bộ trong trường hợp cần thiết. Cụ thể, cán bộ có hành vi trái phẩm chất đạo đức, lối sống gây ảnh hưởng tiêu cực, bức xúc trong dư luận, làm xấu uy tín tổ chức. Cán bộ cố tình trì hoãn, đùn đẩy, né tránh trách nhiệm, không thực hiện công việc thuộc thẩm quyền theo chức năng, nhiệm vụ được giao cũng có thể bị tạm đình chỉ.
Các trường hợp khác cán bộ bị tạm đình chỉ là có hành vi nhũng nhiễu, tiêu cực, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp, cơ quan khi thực thi công vụ; cố tình trì hoãn, trốn tránh kỷ luật hoặc lợi dụng chức vụ, quyền hạn để tác động, gây khó khăn cho việc đang xử lý; đã bị kỷ luật.
Ngoài ra, cán bộ còn bị tạm đình chỉ trong trường hợp có dấu hiệu vi phạm nghiêm trọng như bị khởi tố hoặc trong quá trình xử lý vi phạm có cơ sở xác định phải kỷ luật cảnh cáo trở lên hoặc hình sự.
Về thẩm quyền, người đứng đầu có quyền quyết định tạm đình chỉ công tác với cán bộ cấp dưới; Bộ Chính trị, Ban Bí thư xem xét, quyết định tạm đình chỉ công tác với cán bộ thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý.
Người đứng đầu sẽ phải chịu trách nhiệm về việc ra quyết định hoặc hủy bỏ quyết định tạm đình chỉ công tác.
Cán bộ bị tạm đình chỉ công tác có quyền đề nghị người đứng đầu xem xét lại nếu có căn cứ cho rằng quyết định với mình là trái pháp luật. Ngược lại, cán bộ phải chấp hành nghiêm quyết định tạm đình chủ, cung cấp đầy đủ thông tin, tài liệu liên quan.
Quy định nêu thời hạn tạm đình chỉ công tác trong trường hợp cần thiết không quá 15 ngày làm việc; nếu phải gia hạn thì tối đa không quá 15 ngày. Quyết định tạm đình chỉ công tác đương nhiên hết hiệu lực khi hết thời hạn.
Bộ Chính trị giao Ban Tổ chức Trung ương chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan để theo dõi, kiểm tra, giám sát việc thực hiện quy định và báo cáo Bộ Chính trị khi có yêu cầu.
Theo quy định, trưởng các ban, cơ quan của Đảng ở Trung ương được quyết định tạm đình chỉ công tác với cấp phó của mình hoặc người đứng đầu đơn vị trực thuộc. Vụ trưởng, cục trưởng thuộc các ban, cơ quan của Đảng ở Trung ương được tạm đình chỉ công tác với cấp phó của mình hoặc cán bộ lãnh đạo, quản lý do mình quản lý, điều hành.
Chủ tịch Quốc hội được quyết định tạm đình chỉ công tác với Phó chủ tịch Hội đồng Dân tộc, phó chủ nhiệm các Ủy ban của Quốc hội; Phó ban Công tác đại biểu, Phó ban Dân nguyện. Thủ tướng được quyết định tạm đình chỉ công tác với thứ trưởng, chủ tịch UBND tỉnh, người có chức vụ do Thủ tướng bổ nhiệm.
Bí thư tỉnh ủy, thành ủy được quyết định tạm đình chỉ Phó bí thư tỉnh ủy, thành ủy, trưởng các cơ quan chuyên trách tham mưu, giúp việc của tỉnh ủy, thành ủy; bí thư huyện ủy và tương đương.
Nguồn tin: https://vnexpress.net/can-bo-co-tinh-dun-day-ne-tranh-trach-nhiem-se-bi-tam-dinh-chi-cong-tac-4755138.html