Bộ Tài nguyên Môi trường sẽ quy định điều kiện, tiêu chí đấu giá quyền khai thác mỏ khoáng sản, ưu tiên nguồn lực để doanh nghiệp điều tra cơ bản địa chất và khảo sát trữ lượng, theo Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh.
Sáng 4/6, Quốc hội chất vấn Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh. 113 đại biểu đăng ký chất vấn, nhưng sau một buổi sáng, vẫn còn 61 người đăng ký nhưng chưa được đặt câu hỏi.
Một trong những vấn đề được đại biểu đặc biệt quan tâm là những bất cập xung quanh việc đấu giá mỏ khai thác khoáng sản. Đại biểu Ma Thị Thúy (Phó đoàn Tuyên Quang) nói việc đấu giá quyền khai thác khoáng sản là một chế định rất quan trọng. “Thời gian qua việc này thực hiện thế nào và định hướng hoàn thiện chế định này trong thời gian tới ra sao”, bà Thúy đặt câu hỏi.
Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh cho biết Bộ đang cố gắng thực hiện đấu giá khai thác khoáng sản. Vừa qua, 837 khu vực đã được đấu giá, đảm bảo thu được nguồn lợi lớn cho ngân sách Nhà nước.
Tuy nhiên theo Nghị định 158, để đảm bảo an ninh quốc gia, an ninh năng lượng, các mỏ khoảng sản như than, urani, đá vôi, đá sét quy hoạch cho các dự án sản xuất xi măng, mỏ nước khoáng quy hoạch cho các dự án nghỉ dưỡng, du lịch… sẽ không đấu giá.
Theo ông Khánh, căn cứ tình hình thực tế, Bộ sẽ quy định cụ thể điều kiện, tiêu chí đấu giá quyền khai thác các mỏ khoáng sản. Song song với đó, Bộ sẽ tham mưu xây dựng quy định ưu tiên nguồn lực để doanh nghiệp điều tra cơ bản về địa chất, khảo sát trữ lượng.
Tranh luận về nội dung này, đại biểu Trần Hữu Hậu (Phó tổng Thư ký Hiệp hội Điều Việt Nam) nói Bộ Tài nguyên Môi trường đã cấp 441 giấy phép khai thác; nhưng chỉ có 10 khu vực thông qua đấu giá. UBND các tỉnh, thành phố cấp khoảng 3.000 giấy phép, trong đó chỉ có 827 khu vực thông qua đấu giá. Sau đấu giá, giá tăng 20-40 % so với giá khởi điểm.
Ông đề nghị Bộ trưởng cho biết tại sao tỷ lệ khu vực cấp phép khai thác khoáng sản thông qua đấu giá lại thấp thế dù hiệu quả cao hơn.
Bộ trưởng Khánh cho biết việc cấp quyền khai thác khoáng sản đã góp phần tăng nguồn thu cho ngân sách, tăng trách nhiệm cho chủ mỏ. Đến năm 2023, tổng số tiền thu được gần 55.900 tỷ đồng.
Tuy nhiên, bất cập là tiền cấp quyền không được tính theo trữ lượng thực tế, nên xảy ra nhiều biến động. “Nhiều mỏ khoáng sản không thể đánh giá trữ lượng tuyệt đối được, trong khi tiền cấp quyền được tính theo thăm dò địa chất, nên độ chính xác chỉ tương đối”, ông nói.
Để tính toán tiền cấp quyền hợp lý, Bộ đang tham mưu sửa đổi tiền cấp quyền vẫn tính theo trữ lượng, nhưng được quyết toán theo khối lượng thực tế, tránh việc thất thoát. Việc này đảm bảo các doanh nghiệp khi khai thác phải đảm bảo quyền, nghĩa vụ của mình một các nghiêm túc.
Bộ trưởng cho rằng có 7 nội dung không qua đấu giá, để đảm bảo an ninh về năng lượng, Tập đoàn Than khoáng sản Việt Nam được giao phụ trách các mỏ than. Bộ Tài nguyên Môi trường chỉ cấp phép 7 nội dung theo Nghị định 158, nên các mỏ khoáng sản thiết yếu, quan trọng, chiến lược quốc gia thì không nằm trong số được đấu giá. “Vì vậy có tình trạng nhiều mỏ cấp phép không qua đấu giá, theo quy định của Chính phủ”, ông Khánh nói.
Đại biểu Lý Văn Huấn (đoàn Thái Nguyên) cho rằng công tác thanh tra, kiểm tra là một trong những giải pháp nhằm hạn chế khai thác tài nguyên trái phép và an ninh môi trường.
“Bộ luật Hình sự đã quy định về khai thác tài nguyên trái phép và gây ô nhiễm môi trường. Vậy qua thanh tra, kiểm tra, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã kiến nghị xử lý như thế nào, đặc biệt là các vụ việc có dấu hiệu hình sự? Giải pháp của Bộ trưởng trong thời gian tới về công tác thanh tra ra sao?”, ông Huấn chất vấn.
Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh cho biết hoạt động khai thác khoáng sản được phân cấp quản lý đến từng địa phương. Năm qua, Bộ có 12 cuộc thanh tra, 4 cuộc kiểm tra chấp hành về khoáng sản, phát hiện 258 tổ chức, cá nhân vi phạm. Các đơn vị sau đó ban hành 258 quyết định xử phạt hành chính với số tiền hơn 30 tỷ đồng.
Hiện nay, Bộ thấy rằng các chủ dự án về mỏ có một số vi phạm như: khai thác vượt quá công suất cho phép, khai thác ra ngoài ranh giới, không đảm bảo điều kiện về bảo vệ môi trường. Quan điểm của Bộ là sẽ xử lý nghiêm sai phạm này. “Sai phạm về khoáng sản hoặc các tài nguyên khác có tính liên tục, Bộ sẽ chuyển sang cơ quan điều tra xử lý tiếp”, ông Khánh cho hay.
Cần đánh giá tổng thể việc dùng cát biển đắp nền
Đại biểu Trần Kim Yến (Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc TP HCM) cho rằng dùng cát biển thay cát sông trong các dự án quan trọng và triển khai đại trà “có thể là sự liều lĩnh” vì hàm lượng muối trong cát biển có thể ảnh hưởng đến môi trường xung quanh. Bà đề nghị Bộ trưởng nêu giải pháp thay thế nguồn vật liệu mà không làm ảnh hưởng đến môi trường.
Bộ trưởng Khánh cho biết việc sử dụng vật liệu cát cho dự án trọng điểm, nhất là cao tốc đang gặp khó khăn. Thủ tướng đã chỉ đạo các bộ ngành nghiên cứu sử dụng cát biển. Hiện Bộ Giao thông Vận tải đã thí điểm dùng cát biển san lấp đường giao thông.
Bộ Tài nguyên Môi trường được giao nhiệm vụ đánh giá trữ lượng và khu vực có thể khai thác cát biển. Hiện Bộ đã hoàn thành đánh giá trữ lượng ở khu vực Sóc Trăng với một trữ lượng có thể lấy ngay là 145 triệu m3, cách bờ khoảng 20 km, thân mỏ có chiều sâu 7 m. Bộ khuyến cáo chỉ nên khai thác ở độ sâu 2 m để giảm tác động đến môi trường.
“Trữ lượng cát biển của ta rất lớn và đã được sử dụng san lấp khu kinh tế, công nghiệp”, ông Khánh nói, cho biết các cơ quan phải đảm bảo nguyên tắc không gây nhiễm mặn cho môi trường khi thi công dự án. Bộ sẽ đánh giá tác động từng dự án và sẽ xây dựng quy chuẩn để xác định cát biển được đưa vào công trình nào, ở đâu và quản lý ra sao.
Đại biểu Đặng Bích Ngọc (Phó đoàn Hòa Bình) cho biết để giải quyết khó khăn về nguồn nguyên vật liệu khoáng sản san lấp công trình, Quốc hội đã cho phép áp dụng cơ chế đặc thù để giải quyết. Tuy nhiên, để giải quyết căn cơ, bà Ngọc đề nghị Bộ trưởng Tài nguyên Môi trường cho biết sẽ luật hóa nội dung này thế nào?
Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh cho biết với cơ chế đặc thù của Quốc hội, vừa qua các địa phương đã thực hiện cấp vật liệu san lấp cho các dự án trọng điểm quốc gia, cao tốc. Thực hiện 8 nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ cũng đã hướng dẫn triển khai, đến nay các dự án đều vượt tiến độ. Điều này cho thấy cơ chế đặc thù mà Quốc hội cho phép đến nay thực hiện rất hiệu quả.
“Thời gian tới, Bộ sẽ tham mưu Chính phủ để trình Quốc hội sửa Luật Địa chất và khoáng sản, trong đó chia 4 nhóm khoáng sản gồm kim loại quý, vật liệu xây dựng cao tốc, vật liệu xây dựng thông thường và đất đá sỏi”, ông Khánh nói, cho biết Bộ sẽ phân cấp triệt để nhóm 3 và 4 cho các địa phương, “không cấp phép mỏ nữa mà chỉ đăng ký và nộp nghĩa vụ thuế”.
Đề nghị có giải pháp khôi phục dòng sông chết
Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (Phó đoàn Hải Dương) đề nghị Bộ trưởng cho biết giải pháp và kế hoạch của Bộ Tài nguyên và Môi trường trong việc hồi sinh các dòng sông chết do ô nhiễm trầm trọng trong thời gian tới, trong đó có hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải?
Đại biểu Nguyễn Hữu Toàn (tỉnh Lai Châu) đề nghị Bộ trưởng cho biết nguyên nhân tình trạng ô nhiễm môi trường ngày càng tăng. Ông đề nghị Bộ trưởng cho biết cần bao nhiêu thời gian để khắc phục triệt để vấn đề dai dẳng này.
Bộ trưởng Khánh nói các dòng sông Bắc Hưng Hải, Nhuệ, Đáy, Cầu đang ô nhiễm nặng. Ông cho biết địa phương, Bộ Tài nguyên Môi trường cũng chưa cải tạo được do chưa khắc phục được việc xả thải của cụm công nghiệp và làng nghề.
Bên cạnh đó, nguồn lực đầu tư hệ thống thu gom, xử lý, các đô thị lớn như Hà Nội chưa đảm bảo. Ông cho biết Hà Nội đang thực hiện các nhà máy xử lý nước thải ở Long Biên và Gia Lâm. Ông đề nghị các địa phương chung tay xử lý nước thải đồng bộ.
Bộ sẽ tham mưu Chính phủ, báo cáo Quốc hội cân đối nguồn lực, xử lý các dòng sông ô nhiễm, đặc biệt là tìm giải pháp khôi phục dòng chảy. “Chúng tôi sẽ báo cáo Chính phủ thành lập Ủy ban Quản lý lưu vực sông, để điều hành điều phối vấn đề này”, ông Khánh nói.
Các dòng sông như Tô Lịch, Nhuệ, Đáy… sẽ được phục hồi khi triển khai quy hoạch quốc gia về nước, theo Cục trưởng Quản lý tài nguyên nước Châu Trần Vĩnh.
“Bộ đang đề nghị Thủ tướng cho nghiên cứu đề án thí điểm cụ thể tại hai dòng sông Bắc Hưng Hải và Nhuệ – Đáy, đồng thời phối hợp với các địa phương để có lộ trình xử lý ô nhiễm các dòng sông”, ông Khánh cho hay.
Bộ Tài nguyên Môi trường đã tăng cường hệ thống quan trắc môi trường trên sông Nhuệ – Đáy với 5 điểm quan trắc môi trường tự động, 42 điểm quan trắc định kỳ. Các điểm có nguy cơ xả thải lớn sẽ được quan trắc thuyền xuyên, kết nối dữ liệu online.
Tỷ lệ xử lý nước thải, rác thải còn quá thấp
Đại biểu Nguyễn Văn Thi (Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Bắc Giang) cho rằng việc quản lý các nguồn phát thải, xả thải, quản lý ô nhiễm nguồn nước là giải pháp quan trọng trong bảo vệ môi trường. Ông đề nghị Bộ trưởng cho biết các giải pháp căn cơ để quản lý tốt các nguồn phát thải, xả thải từ các khu, cụm công nghiệp, làng nghề, cũng như là nước thải sinh hoạt?
Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh cho biết cả nước chỉ có khoảng 17% nước thải sinh hoạt được xử lý – tỷ lệ rất thấp. Ông đồng tình hoạt động hợp tác công tư, xã hội hóa đầu tư các nhà máy xử lý nước thải đô thị rất quan trọng. “Đầu tư công về công tác thu gom, còn xử lý cần được xã hội hóa, bởi việc xử lý nước thải phải gắn với vận hành; nếu làm được việc này sẽ tăng được tỷ lệ xử lý nước thải”, ông Khánh nói.
Theo ông, Bộ Tài nguyên và Môi trường đang xây dựng và dự kiến cuối năm 2024 sẽ ban hành thông tư hướng dẫn thực hiện Luật Bảo vệ môi trường, đẩy mạnh hợp tác công tư, xã hội hóa, góp phần tăng cường xử lý chất thải đô thị.
Bên cạnh đó, các bộ ngành, địa phương cần chung tay xây dựng kế hoạch, lộ trình xử lý nước thải, hoàn chỉnh hợp tác công tư, đảm bảo thu hút nguồn xã hội hóa. “Cần ban hành đơn giá dịch vụ xử lý nước thải phù hợp để các doanh nghiệp tham gia đầu tư nhà máy”, ông nói.
Bộ cũng tăng cường quan trắc, giám sát các nguồn xả thải và kết nối với hệ thống của Bộ Tài nguyên Môi trường giám sát nguồn xả thải lớn và từng bước phân tích, xử lý. Bộ cũng phối hợp địa phương, Bộ Công an xử lý nghiêm việc cố tình xả thải ra môi trường, hoặc xả thải không đạt yêu cầu.
GS Lê Quân (Giám đốc ĐH Quốc gia Hà Nội) nêu thực trạng rác thải nhựa là vấn đề nhức nhối khắp hang cùng ngõ hẻm, từ rừng đến biển. “Đã đến lúc chúng ta quy định cấm, hạn chế hoặc đánh thuế phí cao với rác thải nhựa, đặc biệt là cấm dùng túi bóng trong sinh hoạt tiêu dùng”, ông nói.
Theo ông Quân, hiện công nghệ đã cho phép sản xuất được polime nhựa hữu cơ từ vật liệu phụ phẩm nông nghiệp vỏ tranh, vỏ dứa. Tuy nhiên, giá thành thường cao gấp 3-4 lần nhựa polime vô cơ. “Vậy chúng ta có nên có chính sách để khuyến khích doanh nghiệp, nhà khoa học tham gia để có sản phẩm thay thế mang lại tiện ích, hạn chế sử dụng rác thải nhựa hay không?”, ông đặt câu hỏi.
Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh cho biết để thực hiện Luật Bảo vệ môi trường 2020, Bộ đã hướng dẫn các địa phương phân loại, thu gom, xử lý rác thải và tuyên truyền để người dân thực hiện. “Đúng là các địa phương đang lo lắng thiếu nhà máy xử lý rác”, ông Khánh nói.
Bộ trưởng đồng tình rằng polime nhựa hữu cơ là vật liệu thay thế rất tốt. Do đó, thời gian tới Bộ sẽ tham mưu chính sách theo gợi ý của GS Lê Quân.
Lo ngại an toàn công trình thủy lợi
Đại biểu Đoàn Thị Hảo (đoàn Thái Nguyên) cho biết hiện cả nước có 40.200 công trình khai thác sử dụng nước, hơn 6.750 hồ thủy lợi, phần lớn xây dựng từ những năm 1970 đến 1980. Các công trình sau đó không có hồ sơ, thiếu kinh phí bảo trì nên xuống cấp nghiêm trọng. “Thời gian tới Bộ trưởng và ngành có giải pháp gì để khắc phục tình trạng trên?”, bà đặt câu hỏi.
Bộ trưởng Khánh cho hay trong số 6.750 hồ thủy lợi có hơn 1.000 hồ xây đã lâu, nguy cơ mất an toàn hồ đập rất lớn nên phải dành nguồn lực, thời gian để cải tạo. “Mất an toàn các đập thủy điện là rất nguy hiểm, nhưng khu vực nắng nóng như miền Trung mà không có các hồ sẽ hạn hán ngay. Vì vậy cải tạo hồ đập cũng phải đảm bảo tích trữ nguồn nước, an ninh nguồn nước”, ông Khánh nhấn mạnh.
Theo ông Khánh, thời gian tới Bộ Tài nguyên sẽ phối hợp cùng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công thương đưa ra các kịch bản đảm bảo an ninh nguồn nước.
Về xã hội hóa công trình tích trữ nước, Bộ trưởng Khánh cho biết Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã rà soát các khu vực cần bổ sung, hoặc đủ điều kiện xây dựng các hồ đập và kênh mương thủy lợi. Theo ông Khánh, Nhà nước sẽ đầu tư xây dựng các hồ thủy lợi đa mục đích như vừa làm thủy điện vừa tích trữ nước cho sản xuất. Bộ sẽ có các kịch bản nguồn nước để quản lý lưu vực của sông và thúc đẩy xã hội hóa các hồ thủy điện, thủy lợi, đảm bảo hiệu quả nhất.
“Địa phương có thể thực hiện hồ thủy điện theo hình thức xã hội hóa sẽ tiếp tục thực hiện nhưng phải đánh giá tổng thể, tích trữ nước nhưng phải đảm bảo được môi trường, không ảnh hưởng đến rừng, hệ sinh thái và môi trường tự nhiên”, ông nói.
11h30, Quốc hội nghỉ trưa. Trong một buổi sáng, ngoài Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh, Bộ trưởng Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị và Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan đã tham gia trả lời.
Buổi chiều, ông Khánh còn 30 phút trả lời chất vấn, từ 14h00 đến 14h30. Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đề nghị những đại biểu chưa được chất vấn gửi câu hỏi bằng văn bản đến Bộ Tài nguyên Môi trường.
Xem diễn biến chính
Nguồn tin: https://vnexpress.net/bo-truong-tai-nguyen-va-moi-truong-dang-quoc-khanh-tra-loi-chat-van-4753965-tong-thuat.html