Luật Cảnh vệ sửa đổi được Quốc hội thông qua chiều 28/6 quy định Bộ trưởng Công an được quyết định áp dụng biện pháp cảnh vệ khi cần thiết.
Khoản 6 điều 10 của luật nêu trong trường hợp cần thiết để bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, công tác đối ngoại thì Bộ trưởng Công an quyết định áp dụng biện pháp cảnh vệ phù hợp với các trường hợp không thuộc diện được cảnh vệ.
Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Lê Tấn Tới giải thích việc áp dụng biện pháp cảnh vệ liên quan đến hạn chế quyền con người theo Hiến pháp nên cần phải quy định trong luật và giao Bộ trưởng Công an quyết định là phù hợp. Thực tiễn thống kê cũng cho thấy, từ năm 2018 đến nay, Bộ Công an đã triển khai công tác cảnh vệ với 56 đoàn không thuộc trường hợp cảnh vệ nhằm giải quyết yêu cầu thực tiễn đặt ra hoặc theo đề nghị của bộ ngành, Đại sứ quán nước ngoài tại Việt Nam.
Nội dung cụ thể của các biện pháp cảnh vệ đều chứa đựng thông tin bí mật nhà nước nên Luật Cảnh vệ hiện hành và sửa đổi chỉ nêu tên các biện pháp cảnh vệ. Nội dung cụ thể giao Bộ trưởng Công an quy định chi tiết cho phù hợp về nội dung, thẩm quyền.
Bổ sung 3 trường hợp được cảnh vệ
Khoản 1 điều 10 bổ sung thêm ba trường hợp thuộc diện được cảnh vệ là người giữ chức Thường trực Ban Bí thư, Chánh án TAND Tối cao và Viện trưởng VKSND Tối cao.
Thường trực Ban Bí thư sẽ được bố trí sĩ quan bảo vệ tiếp cận, bảo vệ nơi ở, nơi làm việc; khi đi công tác bằng ôtô được bố trí xe cảnh sát dẫn đường trong trường hợp cần thiết. Chánh án TAND Tối cao, Viện trưởng VKSND Tối cao được bố trí sĩ quan bảo vệ tiếp cận, xe cảnh sát dẫn đoàn khi cần thiết.
Các trường hợp được cảnh vệ hiện hành giữ nguyên, gồm người giữ chức vụ cấp cao của Đảng, Nhà nước, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Cụ thể là Tổng bí thư, Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội, Thủ tướng, nguyên Tổng bí thư, nguyên Chủ tịch nước, nguyên Chủ tịch Quốc hội, nguyên Thủ tướng, các Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Phó chủ tịch nước, Phó chủ tịch Quốc hội, Phó thủ tướng.
Cảnh vệ được thuê phương tiện khi đi nước ngoài
Luật Cảnh vệ sửa đổi đã cụ thể hóa quyền hạn của lực lượng Cảnh vệ để thuận lợi trong công việc. Cụ thể, Tư lệnh Cảnh vệ, Cục trưởng Bảo vệ an ninh Quân đội có quyền phát hành thẻ, giấy, phù hiệu phục vụ công tác cảnh vệ trong và ngoài nước; trường hợp cần thiết được thuê lực lượng, phương tiện, trang thiết bị kỹ thuật phục vụ bảo vệ trường hợp được cảnh vệ khi đi công tác nước ngoài.
Theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, thực tiễn cảnh vệ với lãnh đạo chủ chốt của Đảng, Nhà nước khi đi công tác nước ngoài còn gặp nhiều khó khăn. Nhất là về lực lượng, phương tiện, trang thiết bị kỹ thuật.
Nguyên nhân là do khác nhau về thể chế chính trị, chế độ, biện pháp cảnh vệ và quy định quản lý, sử dụng vũ khí. Do đó, cần phải có cơ chế cho lực lượng cảnh vệ chủ động thuê lực lượng, phương tiện, trang thiết bị kỹ thuật của nước ngoài trong trường hợp cần thiết. Kinh phí do ngân sách nhà nước đảm bảo. Tiêu chuẩn, quy trình, định mức, thanh quyết toán căn cứ vào pháp luật của nước sở tại và pháp luật của Việt Nam về ngân sách nhà nước, quản lý tài sản công.
Luật cũng quy định Bộ trưởng Công an được cấp giấy bảo vệ đặc biệt cho sĩ quan cảnh vệ thuộc Bộ Công an hoặc Bộ Quốc phòng để thực hiện công tác cảnh vệ. Giấy này chỉ được sử dụng khi thực hiện công tác cảnh vệ; sĩ quan cảnh vệ phải báo cáo ngay lãnh đạo đơn vị trực tiếp quản lý trong trường hợp giấy được cấp bị mất, hư hỏng. Bộ trưởng Công an sẽ quy định mẫu và chi tiết việc quản lý, sử dụng, cấp, cấp đổi, cấp lại, thu hồi, tiêu hủy Giấy bảo vệ đặc biệt.
Luật Cảnh vệ sửa đổi có hiệu lực từ 1/1/2025.
Nguồn tin: https://vnexpress.net/bo-truong-cong-an-duoc-quyen-ap-dung-bien-phap-canh-ve-4763799.html