Hàng nghìn người dâng hương tưởng nhớ vua Quang Trung – Nguyễn Huệ trong lễ giỗ lần thứ 232 của ông tại huyện Tây Sơn, sáng 1/9.
Lễ giỗ Hoàng đế Quang Trung lần thứ 232 được tổ chức tại Bảo tàng Quang Trung, thị trấn Phú Phong, huyện Tây Sơn. Sự kiện diễn ra trong không khí trang nghiêm, nhằm tưởng nhớ và tri ân công lao to lớn của vua Quang Trung – người anh hùng dân tộc đã cống hiến trọn đời cho sự nghiệp đấu tranh vì độc lập dân tộc.
Dự lễ có Bí thư Tỉnh ủy Hồ Quốc Dũng, Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Anh Tuấn cùng nhiều cán bộ lão thành, và hàng nghìn người dân.
Năm nay, lễ giỗ được tổ chức với quy mô lớn hơn, mở rộng đến các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh. Ông Huỳnh Văn Lợi, Phó giám đốc Sở Văn hóa Thể thao tỉnh Bình Định, cho biết mỗi địa phương đều chuẩn bị một mâm lễ dâng cúng vua với những đặc sản đặc trưng của từng vùng. Đặc biệt, lần đầu tiên huyện Tây Sơn tổ chức hội thi trang trí mâm lễ, kết hợp tinh hoa văn hóa truyền thống và nét đặc sắc mới của Bình Định. Những hoạt động này không chỉ làm phong phú thêm nghi lễ truyền thống, mà còn tôn vinh giá trị văn hóa địa phương.
Lễ giỗ là dịp để ôn lại truyền thống quật khởi của phong trào nông dân Tây Sơn, do ba anh em Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ, và Nguyễn Lữ lãnh đạo. Trong đó, vua Quang Trung – Nguyễn Huệ, nổi bật là một vị tướng tài ba, bách chiến bách thắng. Ông là người đã lãnh đạo quân đội Tây Sơn từ một cuộc khởi nghĩa nông dân, trở thành lực lượng giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước sau hơn 200 năm chia cắt.
Nguyễn Huệ nổi tiếng với những chiến công lẫy lừng, từ việc đánh bại 5 vạn quân Xiêm tại trận Rạch Gầm – Xoài Mút, cho đến chiến thắng Ngọc Hồi – Đống Đa năm Kỷ Dậu 1789, khi ông chỉ huy quân Tây Sơn đánh tan 29 vạn quân Mãn Thanh, bảo vệ vững chắc nền độc lập dân tộc. Những chiến thắng này không chỉ khẳng định tài năng quân sự xuất chúng của ông mà còn khắc sâu trong lịch sử dân tộc như những trang vàng chói lọi.
Bên cạnh vai trò là một nhà quân sự lỗi lạc, Quang Trung còn là một nhà chính trị tài ba. Ông đề ra nhiều chính sách chiêu mộ nhân tài, xây dựng quan hệ ngoại giao hòa hiếu với các nước láng giềng và tập trung vào phát triển kinh tế, văn hóa đất nước sau chiến tranh.
Sinh năm 1753 tại làng Kiên Mỹ (nay là thị trấn Phú Phong, huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định), Quang Trung – Nguyễn Huệ đã dành trọn cuộc đời ngắn ngủi 39 năm của mình cho sự nghiệp giải phóng dân tộc. Ông qua đời vào ngày 29/7 âm lịch năm 1792, khi đất nước đang trên đà phát triển thịnh vượng.
Lễ giỗ Hoàng đế Quang Trung không chỉ là dịp để nhân dân Bình Định và cả nước tưởng nhớ một vị anh hùng dân tộc, mà còn là cơ hội để giáo dục thế hệ trẻ về lòng yêu nước, tự hào dân tộc, và khát vọng xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp.
Phạm Linh
Nguồn tin: https://vnexpress.net/binh-dinh-lam-le-gio-vua-quang-trung-4788240.html