Bia ma nhai khắc trên vách núi đá ở huyện Con Cuông kể về cuộc chinh phạt Ai Lao gây hấn ở vùng biên phía Tây Nghệ An của thái thượng hoàng Trần Minh Tông.
Bia kích thước 2,1×1,6 m, khắc sâu 0,5 mm vào vách núi đá vôi Thành Nam, thuộc thôn Tiến Thành, xã Chi Khê, huyện Con Cuông. Toàn bộ văn bia có 14 dòng với 155 chữ Hán, xung quanh không vẽ hoa văn trang trí, được Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch công nhận di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia năm 2011.
Trần Minh Tông (1300-1357) tên húy là Trần Mạnh, con thứ tư của vua Trần Anh Tông, mẹ là Chiêu Hiến hoàng thái hậu Trần Thị. Năm 1305, ông được sắc phong làm Đông cung thái tử, 9 tuổi trở thành hoàng thái tử. Mùa xuân 1314, Trần Minh Tông được cha truyền ngôi, trở thành vua nước Đại Việt lúc 14 tuổi.
Vị vua trẻ trị vì đất nước trong 15 năm rồi nhường ngôi cho thái tử Trần Vượng (Trần Hiến Tông) để lên làm Thái thượng hoàng. Sử sách đánh giá Trần Minh Tông “đem văn minh sửa sang đạo trị nước, làm rạng rỡ công nghiệp của người xưa, giữ lòng trung hậu, lo nghĩ sâu xa, trong yên ngoài phục, kỷ cương đủ bày”.
Năm 1335, biên giới Tây nam Nghệ An luôn bị các thế lực bên ngoài quấy phá, cướp đất. Sách Khâm định Việt sử thông giám cương mục ghi triều đình cử Nguyễn Trung Ngạn (1289-1370), tể tướng văn võ song toàn, có tài thao lược, vào làm An Phủ sứ để lo toan việc dẹp loạn. Sau đó, đích thân vua Trần Hiến Tông đến đốc chiến, đặt đại bản doanh tại núi Cự Đồn, Mật Châu, nay là thôn Tiến Thành và thôn Thành Nam, thuộc xã Chi Khê, huyện Con Cuông.
Vua quan nhà Trần dùng chiến thuật tập kích và chiêu dụ. Các băng đảng chống phá bị đẩy lùi sau mỗi đợt phản công chớp nhoáng của quân triều Trần, đến gặp tướng lĩnh xin hàng rồi rút dần khỏi biên giới. Duy chỉ có Nghịch Bổng của Ai Lao không chịu khuất phục, liên tục thách thức, quấy phá mạnh hơn.
Vì công việc triều chính cấp bách, vua Trần Hiến Tông phải về Thăng Long. Thái thượng hoàng Trần Minh Tông thay con vào Nghệ An, làm tướng chỉ huy quân dẹp giặc. Ngay trong trận đầu, thấy binh hùng tướng mạnh của nhà Trần, Nghịch Bổng thất thế nên rút quân, từ bỏ ý định xâm phạm bờ cõi Đại Việt.
Sách Đại Việt sử ký toàn thư viết: “Thượng hoàng đi tuần thú đạo Nghệ An, thân đi đánh nước Ai Lao (Lào), lấy Nguyễn Trung Ngạn làm phát vận sứ ở Thanh Hóa vận lương đi trước. Xa giá Thượng hoàng đến châu Kiềm, quân thanh lừng lẫy. Người Ai Lao nghe tin chạy trốn”.
Sau thắng lợi, Trần Minh Tông xuống chiếu lui quân. Trên đường hồi kinh, trong lúc nghỉ ngơi dưới núi đá vôi Thành Nam cao hơn 100 m hướng ra sông Lam ở xã Chi Khê, huyện Con Cuông, ông đã cho thợ mài đá núi, đục chữ ghi lại chiến công đánh đuổi quân Ai Lao trên vách đá, gọi là “Ma nhai kỷ công bi văn”.
Ông Phan Anh Tài, Trưởng phòng Văn hóa huyện Con Cuông, cho biết 155 chữ Hán in trên đá núi là điểm nhấn của di tích lịch sử này, mô tả ngắn gọn về công cuộc ổn định giang sơn, mở mang bờ cõi thời Trần. Bia ma nhai không ghi rõ tác giả biên soạn, song qua các tài liệu cho thấy người trực tiếp khắc chữ là Nguyễn Trung Ngạn – tể tướng luôn tháp tùng Trần Minh Tông đánh giặc.
Trải qua biến thiên thời gian, văn bia còn nguyên vẹn, chữ trên vách núi không mờ. Tuy nhiên, trước đây do công tác bảo tồn sơ sài nên suốt hàng chục năm bia ma nhai bị lãng quên, cây cối bao phủ, để lên đến núi phải phát quang tìm lối đi. Từ khi được xếp hạng di tích cấp quốc gia năm 2011, chính quyền đã làm biển chỉ dẫn, bảng giới thiệu, lối lên xuống xây bậc thang bêtông.
Dưới văn bia là hang đá nhỏ rộng khoảng 10 m2, bên trong lập bàn thờ, đặt lư hương. Hàng tháng vào ngày rằm, mùng 1, người dân thường đưa lễ vật gồm trà, quả, hương hoa lên tưởng nhớ tướng lĩnh, binh sĩ đã khuất.
Viện Viễn Đông Bác Cổ chuyên nghiên cứu Đông phương học xác định “Ma nhai kỷ công bi văn” ở Nghệ An là bài văn khắc trên vách núi cổ nhất Việt Nam. Hiện có hàng nghìn văn bia, song chủ yếu chế tác. Văn bia “ma nhai” (ma là mài, nhai là vách núi) là khắc trực tiếp lên núi đá, thường để ghi lại các cuộc hành quân hay tuần du của vua chúa.
“Hiện bia ma nhai đang được Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Nghệ An làm hồ sơ đề nghị UNESCO công nhận di sản tư liệu. Chính quyền cũng lập đề án quy hoạch 7 ha đất quanh núi Thành Nam để bảo vệ di tích và phát triển du lịch”, Trưởng phòng Văn hóa huyện Con Cuông Phan Anh Tài cho biết thêm.
Nguồn tin: https://vnexpress.net/bia-co-ke-cuoc-than-chinh-cua-thai-thuong-hoang-tran-minh-tong-4700638.html