Bí thư Hà Tĩnh Hoàng Trung Dũng đề xuất dùng ngân sách địa phương để chi trả cho một số trường hợp nghỉ hưu sớm, tránh thực trạng cùng tuổi, cùng nghỉ hưu nhưng chế độ khác nhau.
Tại phiên thảo luận tổ ở Quốc hội sáng 13/2, ông Dũng đã nêu ra những băn khoăn từ thực tế khi triển khai hai nghị định về chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang khi sắp xếp bộ máy (Nghị định 178) và các trường hợp không tái cử, tái bổ nhiệm, cán bộ thôi việc, nghỉ hưu theo nguyện vọng (Nghị định 177).
Theo ông Dũng, Hà Tĩnh đã vận động được nhiều cán bộ nghỉ hưu trước tuổi, như Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy, Phó chủ tịch tỉnh và 7 ủy viên Ủy ban Thường vụ và Ủy viên Ban chấp hành. Tuy nhiên, việc thực hiện Nghị định 177 và 178 lại gây ra nhiều bất cập. Những người cùng tuổi, cùng xin nghỉ hưu sớm nhưng lại có sự chênh lệch lớn về mức hưởng chính sách.
“Người của Ban Tuyên giáo, Ban Dân vận nghỉ thì được số tiền lớn, còn Ban Nội chính thì không được như vậy. Tương tự ở các sở ngành cũng có tình trạng này”, ông Dũng cho hay.
Để giải quyết vấn đề này, ông Dũng đề nghị các cơ quan có thẩm quyền cho phép sử dụng ngân sách địa phương để bù vào sự chênh lệch khi thực hiện hai nghị định. Điều này sẽ giúp tạo sự công bằng và đồng thuận ở cơ sở, đồng thời khuyến khích được nhiều cán bộ nghỉ hưu trước tuổi, góp phần tinh gọn bộ máy.
Ông Hoàng Trung Dũng, Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh phát biểu thảo luận tổ tại Quốc hội sáng 13/2. Ảnh: Giang Huy
Ông cũng đề nghị xây dựng biện pháp để khi tinh giản vẫn giữ được người tài ở lại, tránh trường hợp cán bộ, công chức, viên chức “nhìn thấy lợi trước mắt mà nghỉ trong khi họ ở lại có thể tiếp tục đóng góp”.
Trước những băn khoăn của Bí thư Hà Tĩnh Hoàng Trung Dũng, Trưởng ban Tổ chức Trung ương Lê Minh Hưng cho biết thời điểm sắp xếp bộ máy trùng với chuẩn bị đại hội đảng các cấp khiến một số quy định chưa đồng bộ. Một số địa phương khác cũng đã phản ánh.
“Tôi đã trao đổi với Phó thủ tướng thường trực, Bộ trưởng Nội vụ và thống nhất rằng đây là những kiến nghị có cơ sở để xử lý những vướng mắc phát sinh trong thực tế”, ông nói, cho biết đã đề nghị Bộ Nội vụ báo cáo Đảng ủy Chính phủ để trong tuần này sẽ báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, đưa ra hướng xử lý đồng bộ.
Ngoài ra, Trưởng ban Tổ chức Trung ương cũng lưu ý rằng việc tinh giản biên chế cần đi kèm với cơ chế phù hợp để giữ chân cán bộ có năng lực, trình độ và có nhiều cống hiến.
Đề xuất tăng phó bí thư, phó chủ tịch huyện
Bí thư Hà Tĩnh Hoàng Trung Dũng đề xuất cơ chế để cấp huyện được tăng thêm Phó bí thư và Phó chủ tịch. Ông giải thích rằng việc sáp nhập các sở, ban, ngành đã tạo ra một lượng lớn cán bộ dôi dư. Đơn cử, hai sở hợp nhất thành một sở mới sẽ có 7-8 phó giám đốc, trong khi quy định là trong 5 năm các cơ quan phải đưa số lượng cấp phó về đúng quy định. Như vậy nhiều người có năng lực, trẻ tuổi sẽ phải nghỉ việc.
“Đưa các phó giám đốc sở về làm phó bí thư, phó chủ tịch huyện để họ phát huy năng lực, và công việc ở cơ sở cũng rất nhiều”, ông Dũng nói.
Ông cũng cho rằng Trung ương nên thống nhất chỉ đạo việc sáp nhập các cơ quan chức năng và địa phương chỉ nên thực hiện với các sở, ban, ngành mà Trung ương gợi ý. Thời gian qua, một số địa phương đã đi đầu sắp xếp một số cơ quan, ban, ngành khác ngoài gợi ý của Trung ương. Có tỉnh đã sáp nhập báo với đài, hoặc đưa Sở Ngoại vụ vào trong Văn phòng UBND, mặc dù Trung ương không có gợi ý này.
“Cần tạo sự đồng bộ từ Trung ương đến địa phương, tránh tình trạng mỗi nơi làm một kiểu, gây ra những hệ lụy không đáng có”, ông nói.
Trưởng ban Tổ chức Trung ương Lê Minh Hưng ghi nhận những ý kiến đóng góp của ông Dũng. Ông cũng đề nghị các địa phương thực hiện nghiêm Chỉ thị 35 về chuẩn bị đại hội đảng các cấp, trong đó có số lượng cấp ủy, Ban Thường vụ cấp ủy các cấp. Sau khi tinh gọn bộ máy, Bộ Chính trị sẽ sửa đổi, bổ sung Chỉ thị 35 để chuẩn bị một bước cho Đại hội Đảng các cấp.
Viết Tuân
Nguồn tin: https://vnexpress.net/de-xuat-dung-ngan-sach-dia-phuong-chi-tra-cho-mot-so-truong-hop-nghi-huu-som-4849209.html