Hà TĩnhThấy dòng họ làng bên rước tráp gỗ đựng vật quý, ông Sử cùng con cháu liều mở chiếc tráp ở nhà thờ tổ, thấy hai sắc phong của vua Khải Định.
Chiều cuối năm, ông Nguyễn Xuân Sử, 58 tuổi, tộc trưởng dòng họ Nguyễn Xuân ở xã Mai Phụ, huyện Lộc Hà, bưng tráp dài hơn 100 cm, rộng và cao 30 cm ra lau sạch để chuẩn bị cho lễ cúng tất niên. Gần một năm kể từ khi giải mã bí mật trong tráp, ông Sử bận rộn hơn trước vì nhiều người liên hệ xin xem.
Ông Sử là hậu duệ của Nguyễn Xuân Toàn, quan thời Hậu Lê sống vào những năm 1700. Do có công khuyến nông, chiêu mộ dân khai khẩn đất hoang, mở mang bờ cõi vùng Triều Sơn, huyện Thiên Lộc, nay thuộc xã Mai Phụ, huyện Lộc Hà, ông Nguyễn Xuân Toàn được vua tặng cho nhiều sắc phong cùng cổ vật. Qua hàng trăm năm, các cổ vật lần lượt thất lạc, chỉ còn lại tráp gỗ màu đỏ, xung quanh vẽ hoa văn cách điệu, dưới đế sơn vàng dạng lưới song đã bong tróc.
Tráp được đặt trên bàn thờ cao nhất của nhà thờ họ Nguyễn Xuân, cạnh nhà riêng ông Sử. Các thế hệ trong gia đình ông Sử đều làm tộc trưởng nên thay nhau bảo quản vật vua ban từ đời này sang đời khác, có cam kết ngầm là không được mở tráp ra, nếu làm trái sẽ bị phạt.
“Trước lúc qua đời, bố dặn tôi phải giữ bí mật trong tráp gỗ, bởi đó là di sản tiền nhân để lại. Là hậu sinh, tôi chỉ biết nghe theo, ngày rằm, mùng 1 và lễ Tết luôn quét dọn cẩn thận xung quanh để chống mối mọt”, ông Sử nói. Ông tự lý giải có lẽ cha ông muốn vật quý trong tráp gỗ được giữ nguyên như mới, bởi nếu mở ra, truyền từ người này sang người khác sẽ hư hỏng.
Dòng họ Nguyễn Xuân có 3 chi, gần 100 đinh, con cháu thành đạt, nhiều người đang làm trong cơ quan nhà nước, giữ chức vụ cao. Một số buổi tế họ ngày Tết hoặc dịp rằm tháng giêng và tháng bảy, các cao niên đoán trong tráp là đạo sắc phong ghi công trạng của quan, hoặc có thể là kim sách – loại thư tịch cổ đặc biệt mạ vàng hoặc bạc, được xem là bảo vật hoàng cung thời Nguyễn. Nhiều người tò mò, tranh luận gay gắt đòi mở tráp ra xem, nhưng ông Sử từ chối.
Đầu năm 2023, đền thờ một quan triều Trần được công nhận di tích văn hóa lịch sử cấp tỉnh, con cháu của một dòng họ trong xã Mai Phụ tổ chức rước tráp gỗ, bên trong đựng nhiều đạo sắc phong vua ban. Ông Sử cùng họ hàng đi xem, thấy tráp giống với vật mình đang bảo quản. “Có nên mở tráp ra”, ông tự hỏi, sau đó về bàn với các cụ cao niên quyết định mở.
“Ngoài thỏa trí tò mò, mọi người cũng muốn tìm hiểu ý nghĩa của kỷ vật tổ tiên để lại nhằm tìm ra cách bảo quản tốt nhất”, ông Sử nói.
Rằm tháng giêng 2023, nhân dịp con cháu tập trung đông đủ tại nhà thờ họ Nguyễn Xuân, ông Sử thắp hương xin phép tổ tiên mang tráp gỗ xuống, đặt trên bàn giữa sân. Mọi người hồi hộp, một số thanh niên xin khám phá tráp nhưng không được chấp thuận.
Do nắp tráp quá chắc, tộc trưởng cùng các cao niên dùng tay mở không được nên phải sử dụng lưỡi sắt đặt vào kẽ hở nhỏ rồi đẩy ra. “Phía trong có hai ống gỗ sơn đỏ dài hơn một mét, đựng hai đạo sắc phong. Sắc phong làm bằng giấy cứng, màu vàng đậm, dài 80-100 cm, rộng 35-50 cm, mặt trước ghi chữ Hán, xung quanh vẽ hoa văn, phía sau vẽ chìm chiếc ấn và con rồng, lân”, ông Sử kể.
Dù khám phá ra bí mật trong tráp gỗ, song không ai trong dòng họ Nguyễn Xuân hiểu được nội dung sắc phong. Một cuộc giải mã khác lại bắt đầu. Thông qua các mối quan hệ công việc, ông Nguyễn Xuân Hải, 72 tuổi, từng làm trong quân đội, đã liên hệ với Viện Sử học gửi các bản chụp sắc phong nhờ dịch ra tiếng Việt.
Sau một tháng, TS Phan Đăng Thuận ở Viện Sử học đã phản hồi. “Tôi và con cháu dòng họ ôm lấy nhau vui mừng khi nhận bản dịch. Các câu chữ giúp hiểu thêm về thân thế, công lao của cha ông”, ông Hải kể.
Theo bản dịch, sắc phong thứ nhất niên hiệu Khải định thứ 2 năm 1917, sắc phong thứ hai niên hiệu Khải Định thứ 9 năm 1925. Nội dung là tặng cho ông Nguyễn Xuân Toàn, quan thời Hậu Lê, vì đã bảo vệ nước, có công khuyến nông, mở mang bờ cõi. Nhà vua cho phép dân làng được lập đền thờ cúng ông Toàn.
Giải mã xong sắc phong, tráp gỗ lại được giao cho gia đình ông Sử bảo quản. Mỗi lúc có người trong ngành văn hóa đến xin xem, tộc trưởng phải hỏi ý kiến bô lão trong họ mới dám mở tráp. Ông Sử nói rất áp lực, những khi ra ngoài gia đình luôn cử một người ở lại trông nhà, đề phòng người lạ đột nhập lấy vật quý.
Dòng họ Nguyên Xuân đã làm hồ sơ gửi lên cơ quan văn hóa của tỉnh Hà Tĩnh để xếp hạng sắc phong nhằm phục vụ cho công tác bảo tồn, phát huy các giá trị di sản văn hóa, giáo dục truyền thống cho các thế hệ mai sau, ông Sử cho hay.
Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch tỉnh Hà Tĩnh đánh giá hai sắc phong của dòng họ Nguyễn Xuân là di sản quý hiếm, có giá trị lịch sử. Sở đang giao cán bộ các phòng chuyên môn nghiên cứu, xem xét để xếp hạng trong những đợt tới.
Theo ông Đậu Khoa Toàn, Giám đốc Bảo tàng Hà Tĩnh, sắc phong là hiện vật văn hóa xuất hiện từ thế kỷ 15 dưới triều Lê, được xác nhận bằng ấn triện của nhà vua. Nhiều năm qua, đơn vị đã phát hiện và lưu giữ trên 1.000 chiếc, nội dung là phong thần, thành hoàng làng và một số chức tước, địa vị quan trọng trong làng xã. Hiện tỉnh còn gần 4.000 sắc phong lưu giữ tại các đền thờ, di tích và được người dân bảo quản, song chưa có điều kiện dịch thuật.
Nguồn tin: https://vnexpress.net/bi-mat-hon-100-nam-trong-trap-go-4708304.html