Hiếm có cơn bão nào vào Biển Đông rồi mạnh lên thành siêu bão (cấp 16), khi đổ bộ bão vẫn rất mạnh, người dân nên tránh ra đường.
Trưa 6/9, VnExpress phỏng vấn ông Mai Văn Khiêm, Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn quốc gia, về cơn bão Yagi sắp đổ bộ miền Bắc.
– Ông đánh giá thế nào về bão Yagi?
– Hiện tại Yagi vẫn là siêu bão, cấp 16, giật trên cấp 17. Bão cách đảo Hải Nam (Trung Quốc) hơn 100 km, cách Quảng Ninh khoảng 500 km về phía đông đông nam và theo hướng tây với tốc độ 15-20 km/h.
Các siêu bão trước đây chủ yếu hình thành ở vùng biển Tây Bắc Thái Bình Dương, sau đó đi vào Biển Đông và thường giảm cường độ, hiếm có siêu bão hình thành ngay trên Biển Đông.
Và theo thống kê, chưa có cơn bão nào đi vào Biển Đông, mạnh lên thành siêu bão mà ảnh hưởng đến Việt Nam. Chỉ có hai cơn đi từ Tây Bắc Thái Bình Dương vào khu vực này đạt siêu bão, nhưng không ảnh hưởng đến đất liền Việt Nam. Đó là bão Rai tháng 12/2021, đạt cấp 16 ở Biển Đông, hướng vào miền Trung nhưng sau đó đi vòng lên, tan dần ở Bắc Biển Đông. Thứ hai là bão Sao La tháng 8/2023, đạt cấp siêu bão trên Biển Đông và đi vào nam Trung Quốc.
Như vậy có thể thấy Yagi là siêu bão có cường độ mạnh nhất trong khoảng 30 năm gần đây hoạt động trên Biển Đông.
Một đặc điểm khác biệt của bão Yagi là quá trình mạnh lên rất nhanh. Ngày 2/9, bão mới ở cấp 8 thì hơn hai ngày sau đã mạnh thêm tới 8 cấp. Điều này cũng tương đối hiếm gặp với bão trên Biển Đông. Thời gian duy trì cấp 16 hơn một ngày cũng là khá dài đối với một cơn bão trên khu vực này.
– Trong quá khứ cơn bão nào diễn biến tương tự Yagi?
– Có rất nhiều cơn bão mạnh hoạt động trên Biển Đông như Ellen đổ bộ Trung Quốc mạnh cấp 15; Dot, Betty năm 1985; Angela 1995; Megi 2010, Usagi 2013. Đặc biệt là bão Haiyan năm 2014 với cường độ mạnh nhất lên tới cấp 17, tuy nhiên chỉ duy trì ở phía đông của Philippines, còn khi vào Biển Đông giảm xuống cấp 14-15.
Mặc dù không có cơn bão nào tương tự Yagi nhưng để hiểu mức độ tàn phá của nó tôi lấy ví dụ thế này. Tháng 6/2016, bão Mirinae đi vào Nam Định – Ninh Bình với sức gió 12, giật cấp 13 khiến 3 người chết, 4 người mất tích, 30 nhà sập hoàn toàn, 1.400 nhà bị tốc mái, 12 tàu chìm, hơn 196.000 ha lúa bị ngập, 44.000 cây gãy đổ.
Lần này khu vực bão ảnh hưởng chính có đặc điểm địa hình, kinh tế – xã hội khác với cơn bão trên, nhưng với cường độ như dự báo hiện tại thì nếu không chủ động trong công tác phòng chống thì thiệt hại sẽ rất lớn.
– Điều gì khiến ông lo ngại nhất với cơn bão này?
– Có ba điều khiến tôi lo ngại nhất từ tác động của bão Yagi là gió mạnh, sóng lớn và mưa sau bão kích hoạt lũ quét, sạt lở đất, ngập lụt.
Về gió mạnh, từ đêm nay đến gần sáng mai, vùng ven biển từ Quảng Ninh đến Thanh Hóa có gió mạnh dần lên cấp 6-7, sau tăng lên cấp 8-9, vùng gần tâm bão cấp 10-12, giật cấp 14. Nơi đón gió mạnh cấp 6 đầu tiên trên đất liền nhiều khả năng là Móng Cái của Quảng Ninh, khoảng 1-4h ngày 7/9.
Thời điểm gió mạnh nhất là từ trưa đến tối 7/9.
Khu vực sâu trong đất liền phía Đông Bắc Bộ, bao gồm các tỉnh như Lạng Sơn, Bắc Giang, Hải Dương, Hưng Yên, Hà Nam, Ninh Bình và Thanh Hóa có gió mạnh muộn và yếu hơn, phổ biến cấp 6-8, giật cấp 9-11 từ trưa mai.
Về mưa, từ nay đến ngày 9/9, Bắc Bộ, Thanh Hóa mưa phổ biến 100-350 mm, có nơi trên 500 mm. Vùng mưa lớn sẽ dịch dần từ đông sang tây theo quỹ đạo của bão. Trong đó, mưa phía Đông Bắc Bộ xảy ra ngày và đêm 7/9, Tây Bắc Bộ mưa nhỏ hơn, tập trung từ tối mai đến đêm 8/9.
Về sóng biển, vịnh Bắc Bộ gồm huyện đảo Bạch Long Vỹ, Cô Tô sóng cao 2-4 m, sau tăng lên 3-5 m, vùng gần tâm bão đi qua 6-8 m. Từ đêm nay đến sáng mai, vùng biển ven bờ từ Quảng Ninh đến Thanh Hóa sóng cao 2-3 m, sau tăng lên 2-4 m, vùng gần tâm bão 3-5 m.
Chúng tôi đánh giá vùng ven bờ, đất liền Quảng Ninh, Hải Phòng ở cấp độ rủi ro thiên tai thứ 4 với cảnh báo khả năng thiệt hại lớn về người, tài sản, công trình hạ tầng, gây đình trệ kinh tế – xã hội, môi trường bị phá hủy để lại hậu quả lâu dài, khó hồi phục. Các tỉnh Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình và Thanh Hóa rủi ro thiên tai cấp độ 3.
>>Bảng cấp độ gió bão
>>Ba cấp độ rủi ro thiên tai do bão
– Người dân cần làm gì để đảm bảo an toàn trong mưa bão?
– Lúc này khi bão chưa vào, mọi người cần thực hiện nghiêm hướng dẫn của chính quyền địa phương, chằng chống nhà cửa, nhà xưởng, thiết bị, cây xanh, neo đậu tàu thuyền vào nơi an toàn; sơ tán người dân khỏi các chòi canh, nuôi trồng thủy hải sản. Trước bão sẽ vẫn có mối nguy hiểm do mưa giông, trong cơn giông có thể gây gió giật mạnh.
Người dân ở các tỉnh ven biển Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình – những nơi chịu ảnh hưởng trực tiếp của hoàn lưu bão số Yagi – cần tuyệt đối không cố ra ngoài lúc mưa to, gió lớn. Với các huyện đảo, điều này cần áp dụng từ đêm nay, đất liền ven biển Quảng Ninh – Thanh Hóa từ sáng đến chiều tối mai.
Các đô thị, vùng núi, trung du Bắc Bộ, khu vực Thanh Hóa đối mặt với nguy cơ ngập lụt, lũ ống, lũ quét, sạt lở đất, đặc biệt là nhà ở, các công trình nhà tạm. Chính quyền cần tổ chức di dời ngay người dân và tài sản khi thấy không đảm bảo an toàn. Tôi cho rằng việc này phải thực hiện kiên quyết.
Sau khi bão qua, nguy cơ lũ quét, sạt lở đất còn hiện hữu những ngày sau đó nên người dân cần tiếp tục đề phòng.
Nguồn tin: https://vnexpress.net/bao-yagi-manh-nhat-30-nam-nguoi-dan-tranh-ra-duong-4789810.html