Được đúc năm 1515, ấn Tuần phủ Đô tướng quân dành cho quan khâm sai, khâm phái tạm thời đến nơi xung yếu để tuần tra dẹp loạn, yên dân.
Ấn Tuần phủ Đô tướng quân đang được Bảo tàng Tổng hợp Quảng Bình bảo quản sau khi tiếp nhận từ gia đình ông Võ Phi Tần ở xã An Ninh, huyện Quảng Ninh hơn 40 năm trước. Năm 2018, ấn được Thủ tướng công nhận là bảo vật quốc gia.
Tình cờ tìm được ấn trong hố bom
Ông Võ Phi Tần, 83 tuổi, kể năm 1980, trước lúc đi bộ đội, con trai ông ra khu vực hố bom ngoài cánh đồng nhặt được khối kim loại màu đen. Thấy hình thù nó kỳ lạ, ông Tần rửa sạch, trưng bày trong nhà. Nhiều người đoán khối kim loại làm bằng đồng đen, khắc chữ Hán là cổ vật quý nên hỏi mua, song bị từ chối.
Bản thân cũng tò mò không biết khối đang trưng bày làm bằng gì, ông Tần cho phép một người đến hỏi mua cắt một góc đưa vào Huế xác minh. Nghe tin gia đình ông Tần đang lưu giữ đồ cổ, ngành văn hóa tỉnh Bình Trị Thiên về làm việc, xác định đây là chiếc ấn cổ.
“Thời điểm đó tôi muốn giữ chiếc ấn trưng bày tại nhà, ai hỏi mua cũng không bán. Khi nghe cơ quan chức năng bảo chiếc ấn là cổ vật sẽ được trưng bày tại bảo tàng nên tôi hiến tặng để cho mọi người cùng chiêm ngưỡng”, ông Tần nói, cho biết sẽ ra Bảo tàng Quảng Bình chiêm ngưỡng chiếc ấn bảo vật lần nữa.
Theo hồ sơ công nhận bảo vật, ấn nặng 3,6 kg được làm bằng đồng, dài 11 cm, rộng 11 cm, cao 9 cm. Phía trên có núm cầm hình con nghê quỳ, thân nghê cao 6,5 cm, dài 9,5 cm. Một góc ấn bị sứt.
Mặt trên thân ấn khắc chìm dòng chữ “Hồng Thuận lục niên thập nhất nguyệt thập lục nhật tạo” (ấn đúc ngày 16/11 năm Hồng Thuận thứ 6, tức năm 1515 đời vua Lê Tương Dực) và “Phụng mệnh Tuần phủ Đô tướng quân ấn”.
Ấn chứng minh sự mở mang bờ cõi về phương Nam
Ấn Tuần phủ Đô tướng quân được làm thời Lê sơ. Theo sử sách, sau khi đánh bại quân Minh bằng cuộc khởi nghĩa Lam Sơn, Lê Lợi lập triều đại Lê sơ. Tồn tại 100 năm (1428-1527), ngoài việc bảo vệ biên giới phía Bắc tránh sự xâm lược của nhà Minh, các vua Lê đã mở rộng biên giới về phương Nam.
Dưới thời vua Lê Thánh Tông, nhà vua huấn luyện quân đội, trực tiếp chỉ huy các cuộc bành trướng về phía Nam và Tây, giành thắng lợi trước Chiêm Thành (vùng đất miền Trung). Thay vì đưa quân về lại Thăng Long như các triều đại trước, vua Lê Thánh Tông giữ vững vùng đất mới bằng cách lập đồn điền để dân nghèo từ miền Bắc vào cùng với cư dân bản địa khai khẩn, sinh sống.
Nhà vua cũng cử quan lại tới cai quản vùng đất mới, ban cho chức danh Tuần phủ Đô tướng quân. Tuần phủ là người đứng đầu một tỉnh hoặc một bộ phận của tỉnh lớn, có quyền lãnh đạo về hành chính, tài chính, quân sự của tỉnh. Đô tướng là chức võ quan có từ thời nhà Lý, nhà Trần và tồn tại tới thời Lê sơ.
Chức tuần phủ ở chiếc ấn đi liền với chữ “Phụng mệnh” có nghĩa ấn được ban cho quan tướng khâm sai, khâm phái tạm thời đi thi hành công vụ, đến nơi xung yếu tuần tra, vỗ về dân chúng. Đây là chức danh không cố định và rất ít khi sử dụng. Sử sách không ghi cụ thể triều đình ban chức Tuần phủ Đô tướng quân cho ai, chỉ nêu tháng 1/1515, vua Lê Tương Dực cử Thụy quận công Ngô Bính và Nguyên quận công Trịnh Duy Sản làm đô tướng đi dẹp các cuộc khởi nghĩa.
Bà Lê Thị Hoài Hương, Giám đốc Bảo tàng tổng hợp Quảng Bình, cho biết ấn Tuần phủ Đô tướng quân là chiếc duy nhất được tìm thấy của quan Tuần phủ Đô tướng quân dưới thời Lê sơ. Nó đang là bảo vật duy nhất của tỉnh, được cất giữ cẩn thận ở trong kho của bảo tàng. Sắp tới, khi có tủ trưng bày đảm bảo tiêu chuẩn, ấn sẽ được trưng bày cho người dân cùng chiêm ngưỡng.
Võ Thạnh
Nguồn tin: https://vnexpress.net/bao-vat-hon-500-tuoi-o-quang-binh-4707354.html