Toàn bộ 8 trạm dừng nghỉ tại 7 dự án thành phần cao tốc Bắc Nam đã được Bộ Giao thông Vận tải chọn nhà đầu tư xây dựng và vận hành theo hình thức xã hội hóa.
Cục trưởng Đường cao tốc Việt Nam tuần qua đã phê duyệt nhà đầu tư dự án trạm dừng nghỉ tại xã Cam Hiệp Nam, huyện Cam Lâm, tỉnh Khánh Hòa, thuộc dự án thành phần Nha Trang – Cam Lâm với chi phí hơn 200 tỷ đồng, giải phóng mặt bằng 20 tỷ đồng.
Liên danh Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) – Công ty Xăng dầu Thừa Thiên Huế là nhà đầu tư. Dự án sẽ hoàn thành trong 17 tháng, hạng mục dịch vụ công xong trong 11 tháng.
Trong tháng 6, liên danh nhà đầu tư này đã trúng thầu dự án đầu tư xây dựng và vận hành trạm dừng nghỉ tại xã Diễn Hạnh và Diễn Quảng, huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An, thuộc dự án Nghi Sơn – Diễn Châu với kinh phí hơn 190 tỷ đồng và trạm dừng tại xã Đông Hòa, huyện Đông Sơn, Thanh Hóa, trên cao tốc Mai Sơn – quốc lộ 45 với vốn khoảng 200 tỷ đồng.
Liên danh còn trúng thầu dự án đầu tư trạm dừng nghỉ tại xã Yên Hồ, huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh, thuộc cao tốc Diễn Châu – Bãi Vọt với chi phí xây dựng hơn 210 tỷ đồng.
Liên danh Công ty Cổ phần Xe khách Phương Trang – Công ty TNHH Thành Hiệp Phát đã trúng thầu đầu tư ba dự án trạm dừng nghỉ khác trên cao tốc Bắc Nam. Đó là trạm tại xã Xuân Hòa, huyện Xuân Lộc, tỉnh Đồng Nai và xã Tân Đức, huyện Hàm Tân, tỉnh Bình Thuận thuộc dự án Phan Thiết – Dầu Giây với kinh phí thực hiện hơn 290 tỷ đồng.
Doanh nghiệp này cũng trúng thầu xây trạm dừng nghỉ tại xã Nhơn Sơn, huyện Ninh Sơn, tỉnh Ninh Thuận trên cao tốc Cam Lâm – Vĩnh Hảo có tổng kinh phí gần 300 tỷ đồng và một trạm tại xã Phong Phú, huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận trên cao tốc Vĩnh Hảo – Phan Thiết hơn 310 tỷ đồng.
Trạm dừng nghỉ tại xã Hàm Trí, huyện Hàm Thuận Bắc, tỉnh Bình Thuận trên cao tốc Vĩnh Hảo – Phan Thiết đã có nhà đầu tư là liên danh Thành Thành Nam – Châu Thành – Việt Hàn – Sài Gòn Investment – Thành Thành Công Lâm Đồng, tổng giá trị xây dựng hơn 310 tỷ đồng.
Mỗi trạm dừng rộng từ 3 đến 7 ha nằm ở hai bên đường. Các hạng mục xây dựng gồm dịch vụ công miễn phí như bãi đỗ xe, khu vệ sinh, không gian nghỉ ngơi, phòng nghỉ tạm cho lái xe, nơi cung cấp thông tin, nơi trực của nhân viên cứu hộ, sơ cứu tai nạn giao thông.
Trạm dừng nghỉ còn có các công trình thương mại như nhà hàng, trạm xăng, trạm dịch vụ sửa chữa… Các dự án sẽ thực hiện trong 15-17 tháng, sau đó nhà đầu tư được quyền khai thác trạm dừng nghỉ trong 25 năm.
Tại mỗi dự án, liên danh nhà đầu tư phải nộp ngân sách từ 50 đến hơn 100 tỷ đồng và chi phí xây dựng trạm từ 200 đến hơn 300 tỷ đồng, giải phóng mặt bằng 20-30 tỷ đồng.
8 trạm dừng nghỉ đã được đấu thầu nằm trên 7 dự án thành phần cao tốc Bắc Nam giai đoạn 1 (2017-2021). Do ngân sách hạn hẹp nên các trạm dừng nghỉ được tách khỏi dự án đường để kêu gọi xã hội hóa đầu tư. Đến cuối năm 2025, các trạm này sẽ hoàn thành, đưa vào khai thác phục vụ người dân.
Hiện nay các dự án cao tốc trên đã hoàn thành, đi vào khai thác. Trong thời gian chưa có trạm dừng nghỉ, các ban quản lý dự án đã xây dựng trạm tạm có nhà vệ sinh, bãi đỗ xe.
Nguồn tin: https://vnexpress.net/8-tram-dung-nghi-tren-cao-toc-bac-nam-da-co-nha-dau-tu-4768027.html