Trong 8 ngày tại Myanmar, bộ đội Việt Nam đã nỗ lực tìm kiếm trong đống đổ nát, cứu sống một người, đưa hàng chục nạn nhân bị vùi lấp ra ngoài và khám bệnh, phát thuốc cho hàng trăm người dân.
Tối 8/4, lực lượng cứu hộ hạ cánh xuống Nội Bài, kết thúc nhiệm vụ hỗ trợ Myanmar khắc phục thảm họa động đất. Thủ tướng Phạm Minh Chính biểu dương tinh thần trách nhiệm của đoàn cứu hộ Việt Nam và trao tặng Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng ba cho nhiều tập thể, cá nhân.
Thiếu tướng Phạm Văn Tỵ, Phó cục trưởng Cứu hộ Cứu nạn – chỉ huy trưởng lực lượng, nhớ rõ đêm 31/3, khi đoàn đặt chân đến Naypyidaw lúc 3h sáng thì khoảng 4h mặt đất rung chuyển do dư chấn. Giấc ngủ chập chờn của một số thành viên bị đánh thức bởi tiếng hô hoán của đồng đội.
Ngày đầu tiên, yêu cầu khẩn thiết từ phía Myanmar là hỗ trợ tìm kiếm 4 nạn nhân mắc kẹt trong một chung cư đổ nát. “Chúng tôi nhận định nạn nhân bị vùi lấp rất sâu, dưới nhiều lớp đất đá, bêtông. Công tác tìm kiếm, đưa thi thể ra ngoài dự kiến rất khó khăn và nguy hiểm, nhưng tất cả đều thống nhất phải tận dụng thời gian vàng, hoàn thành sớm nhất nhiệm vụ”, tướng Tỵ kể lại.
Sau khi thống nhất phương án, ba tổ công tác được thành lập, mỗi tổ gồm sĩ quan chỉ huy, công binh, huấn luyện viên chó nghiệp vụ, quân y và nhóm cảnh giới, bác sĩ thú y. Chó nghiệp vụ trở thành “hoa tiêu” trong đống đổ nát. Khi một con phát hiện được nguồn hơi, hai chó nghiệp vụ khác sẽ tiếp tục kiểm tra chéo để đảm bảo chính xác trong môi trường nồng nặc mùi tử khí.
Đoàn công tác cứu hộ, khắc phục hậu quả của quân đội Việt Nam trở về từ Myanmar, tối 8/4. Ảnh: Giang Huy
Ngay sau đó, thiết bị trinh sát như radar xuyên tường, cảm biến nhiệt được huy động để thu hẹp phạm vi. Sau khi cắm cờ đỏ báo hiệu, công binh dùng cuốc, xẻng, đục và cưa máy để phá cấu kiện bêtông, tiến sâu vào khu vực đổ nát để mang thi thể ra ngoài.
Tìm được nạn nhân trong đống đổ nát đã khó, đưa họ ra còn khó hơn. Các thi thể nằm sâu bên dưới hàng chục tấn đất đá, sắt thép, trong khi bộ đội không có thiết bị hạng nặng như máy xúc, máy ủi để đào bới. “Chúng tôi quyết định mở lối bằng cách vừa đào vừa chống, tạo những đường hầm vào khu vực đổ nát. Đây là phương án rủi ro vì những bức tường có thể sụp đổ nếu rung chấn lớn xuất hiện, nhưng không còn lựa chọn khác”, tướng Tỵ cho hay.
Thượng tá Nguyễn Trung Kiên (Trưởng khoa Giám biệt nguồn hơi, Trường trung cấp 24 Biên phòng) nhớ mãi thời điểm 17h10 ngày 31/3, khi chó nghiệp vụ bắt được vị trí nạn nhân đầu tiên. 10 và 20 phút sau, chó lại sủa khi tìm được vị trí của nạn nhân thứ hai và ba. “Khi chó sủa vang, chúng tôi đều hồi hộp không biết vị trí chính xác chưa do toàn bộ hiện trường đều tràn ngập mùi thi thể, dễ khiến chó mất phương hướng. Nhưng khi cụ ông 74 tuổi được đưa ra từ đúng vị trí cắm cờ đỏ, đội mới thở phào nhẹ nhõm”, anh nói.
Lực lượng huấn luyện viên và chó nghiệp vụ của Trường trung cấp Biên phòng làm việc tại hiện trường Bệnh viện Ottara Thiri. Ảnh: Thành Đạt
Sau khi hoàn thành nhiệm vụ tìm kiếm 4 nạn nhân tại chung cư, đoàn cứu hộ Việt Nam tiếp tục được đề nghị hỗ trợ tại Bệnh viện Ottara Thiri. Bệnh viện 4 tầng với 4 góc sụp đổ, ước tính ít nhất 10 người mắc kẹt. Điều kiện làm việc tại đây cũng rất khó khăn do nắng nóng gay gắt 40 độ, thi thể phân hủy nhanh gây mùi nồng nặc lẫn với mùi hóa chất y tế, cản trở khả năng đánh hơi của chó nghiệp vụ. Các mảnh vỡ thủy tinh, bêtông, thạch cao và sắt thép phủ kín các lối vào.
Tuy vậy ngay trong ngày đầu tiên, chó nghiệp vụ Việt Nam đã xác định chính xác ba vị trí có nạn nhân và tìm thấy thi thể sau khi đào bới. Đến ngày cuối cùng, các chú chó đã giúp phát hiện tổng cộng 17 thi thể.
Không chỉ tìm kiếm người bị vùi lấp, chó còn là trợ lý đắc lực để cảnh báo nguy hiểm. Thượng tá Kiên nhớ có hôm các tổ đang làm nhiệm vụ, bất chợt chó có biểu hiện khác lạ, dừng đánh hơi, chạy khỏi khu vực đổ nát và sủa to nhiều tiếng. Các huấn luyện viên hiểu chó đang cảm nhận được dư chấn từ dưới đất nên hô hào mọi người rút khỏi tòa nhà. “Đúng như dự đoán, một số dư chấn nhỏ xuất hiện tại khu vực đào bới. Rất may chúng tôi đã ra khỏi nơi nguy hiểm do được báo hiệu sớm”, anh Kiên nói.
Để đảm bảo an toàn cho chó, mỗi cặp làm nhiệm vụ đều có lực lượng cảnh giới và thay phiên nhau làm việc. Đoàn cứu hộ cũng cẩn thận dọn dẹp các vật sắc nhọn trước khi đưa chó vào hiện trường. Thực hiện nhiệm vụ lần này, cả 6 huấn luyện viên và 6 chó nghiệp vụ của Trường biên phòng 24 đều lập thành tích. Đặc biệt, chó Locxa của thiếu tá Nguyễn Viết Linh đã phát hiện ba vị trí có người, trong đó một vị trí có tới ba nạn nhân.
Bộ đội Việt Nam tìm cách giải cứu người còn sống đang mắc kẹt
Bộ đội Việt Nam tìm cách cứu sống anh Htet Maung, 26 tuổi, bị mắc kẹt suốt 6 ngày sau trận động đất. Video: Quốc phòng Việt Nam
Điều kỳ diệu từ đống đổ nát
Khi đang làm nhiệm vụ tại bệnh viện, đoàn quân đội Việt Nam bất ngờ nhận được lời đề nghị khẩn cấp từ phía Myanmar về trường hợp anh Htet Maung, 26 tuổi, bị mắc kẹt suốt 6 ngày sau trận động đất. Trước đó, các đội cứu hộ Thổ Nhĩ Kỳ và UAE đã tìm cách tiếp cận nhưng chưa thể đưa nạn nhân ra ngoài.
Đại tá Nguyễn Duy Minh, Phó đoàn công tác, đã dẫn đầu tổ công binh chống sập và quân y nhanh chóng đến hiện trường. Sau khi thống nhất phương án với các lực lượng quốc tế, bộ đội Việt Nam nhận trách nhiệm trực tiếp thực hiện nhiệm vụ giải cứu đầy thách thức này. Để xoa dịu tinh thần nạn nhân trong suốt quá trình đào bới, tùy viên quân sự Việt Nam đã được cử đến trò chuyện, động viên anh Htet Maung.
Thượng úy Đào Văn Long (Đội công binh cứu sập, Lữ đoàn 229, Binh chủng Công binh), người trực tiếp tham gia vào ca giải cứu, chia sẻ rằng bề mặt khu vực nạn nhân mắc kẹt rất cứng. Trong điều kiện thiếu thốn công cụ chuyên dụng, anh đã phải dùng tay để đào bới, gạt bỏ lớp gạch đá, xi măng ngổn ngang, sau đó dùng chiếc đục để đục và cào để tiếp cận nhanh nhất người bị nạn.
“Tôi đã tạo được một lỗ nhỏ, đưa tay xuống chạm vào tay nạn nhân để trấn an”, anh Long kể lại. Sau đó, đội cứu hộ đã nỗ lực đào một hố lớn, từng bước đưa đất đá thải ra ngoài, và cuối cùng cứu được anh Htet Maung khỏi đống đổ nát.
Thiếu tướng Phạm Văn Tỵ khẳng định công binh Việt Nam đã dày dặn kinh nghiệm trong tìm kiếm cứu nạn và khắc phục thảm họa, từ động đất đến sạt lở. Do đó khi đến Myanmar, mọi phương án đều được chỉ huy và lực lượng tham gia bàn bạc kỹ lưỡng, “triển khai quyết liệt nhưng vẫn đảm bảo an toàn”.
“Một số đoàn cứu hộ nhận thấy hiện trường nguy hiểm nên đã lựa chọn khu vực khác. Nhưng bộ đội Việt Nam đã nhận nhiệm vụ là sẽ hoàn thành, giải cứu thành công nạn nhân mới dừng lại”, tướng Tỵ khẳng định.
Trong khoảng thời gian từ ngày 31/3 đến 6/4, đoàn Việt Nam đã trinh sát và phát hiện 42 điểm có thi thể. Trong đó, bộ đội Việt Nam trực tiếp tìm kiếm tại 20 điểm và đưa ra được 21 thi thể. Bên cạnh đó, chó nghiệp vụ và lực lượng công binh Việt Nam đã phối hợp cùng đội cứu hộ UAE và nước sở tại tìm kiếm tại 12 điểm khác, đưa ra thêm 14 thi thể.
Đoàn cũng trao tặng 40 tấn lương khô, hàng nghìn lều bạt và thiết lập một bệnh viện dã chiến để tiếp nhận, cấp cứu và điều trị cho hơn 200 lượt người dân vùng thảm họa. Đại úy Nguyễn Duy Tân (Bệnh viện Quân y 354) cùng 29 cán bộ chiến sĩ quân y Việt Nam cho biết mỗi ngày quân y đảm nhiệm hai nhiệm vụ chính là bảo đảm an toàn, khám chữa bệnh ban đầu cho cán bộ chiến sĩ và người dân, đồng thời phụ trách hậu cần, trang bị.
Mỗi ngày, 15 quân y trực tiếp ra hiện trường cấp cứu, cấp thuốc, số còn lại bám sát lực lượng biên phòng, công binh, chuẩn bị sẵn sàng phương tiện sơ cứu, khử khuẩn và hỗ trợ công tác vệ sinh khi phát hiện nạn nhân.
Quân y Việt Nam khám và phát thuốc cho người dân thủ đô Naypyidaw của Myanmar. Ảnh: Thành Đạt
Chính tinh thần tận tâm đó đã khiến người dân Myanmar dành nhiều tình cảm cho bộ đội Việt Nam. Trong một lần đi chợ, nhận ra lá cờ đỏ sao vàng trên ngực áo của những cán bộ, chiến sĩ hậu cần của đoàn Việt Nam, một phụ nữ bản địa vội chạy đến, nhất quyết muốn trả tiền rau như một lời cảm ơn. Tuy nhiên, các sĩ quan đã lịch sự từ chối, giải thích rằng Việt Nam thấu hiểu những khó khăn mà đất nước Myanmar đang phải đối mặt, và ở đây để giúp đỡ họ.
Sau lần đó, mỗi khi bộ đội Việt Nam đến chợ, người dân địa phương lại bày tỏ mong muốn được tặng rau quả và thực phẩm cho đoàn. “Mọi người cứ muốn tặng, nhưng chúng tôi chỉ nhận duy nhất một mớ rau, còn lại nhất định phải trả tiền. Mớ rau đó là tình cảm của người Myanmar nên chúng tôi trân trọng nhận để bà con được vui lòng”, ông nói.
Bữa cơm trưa của các chiến sĩ Quân đội Việt Nam sau buổi tìm kiếm nạn nhân mất tích thủ đô Naypyidaw của Myanmar Ảnh: Thành Đạt
Thiếu tướng Myat Thu, Cục trưởng Phòng cháy chữa cháy, Bộ Nội vụ Myanmar, bày tỏ sự ngưỡng mộ đối với tinh thần làm việc không mệt mỏi của Đoàn cứu hộ cứu nạn Việt Nam. “Tôi cảm nhận thấy tinh thần của đoàn thật tuyệt vời. Họ làm việc từ sáng sớm đến tối khuya với cường độ rất cao. Chúng tôi đã đề nghị họ nghỉ ngơi dù chỉ một ngày, nhưng đoàn khẳng định đã đến đây để làm việc và sẽ tiếp tục”, ông xúc động kể.
Ông Soe Win, đại diện Bộ An sinh Xã hội, Giảm nhẹ và Tái định cư Myanmar, cũng bày tỏ sự biết ơn đến đoàn Việt Nam. “Tôi đánh giá cao nỗ lực trong việc giải cứu nạn nhân và thực sự ấn tượng với năng lực của các bạn. Chúng tôi muốn gửi lời cảm ơn chân thành và sâu sắc nhất tới nhân dân, lãnh đạo và đội cứu nạn Việt Nam, những người không ngại hy sinh gian khổ để hỗ trợ chúng tôi trong lúc khó khăn này”, ông Soe Win nói.
Sơn Hà
Nguồn tin: https://vnexpress.net/8-ngay-bo-doi-viet-nam-tham-gia-cuu-ho-o-myanmar-4871373.html