Nữ sinh Lưu Thị Kim Thoa ở phố Hàng Đào năm 1954 không nghĩ một ngày sẽ rời phố cổ về sống ở Dương Nội, Hà Đông – cái tên khi ấy chưa thuộc Hà Nội.
70 năm trước, nữ sinh Đồng Khánh Lưu Thị Kim Thoa cùng em trai hòa vào dòng người reo mừng đón đoàn quân từ chiến khu Việt Bắc tiến vào tiếp quản Thủ đô. Khi ấy, cô gái 17 tuổi, con một gia đình tiểu tư sản yêu nước ở nhà số 14 Hàng Đào, chưa một lần đặt chân đến Hà Đông, càng không nghĩ sẽ có ngày rời phố cổ về nơi cách xa 15 km sinh sống.
Cuộc mở rộng lịch sử
Hà Nội sau giải phóng chỉ gồm 4 quận, 4 huyện, diện tích 152 km2, dân số 436.000, là thành phố tiêu thụ, công nghiệp nhỏ bé, hạ tầng xã hội, công trình dịch vụ văn hóa nghèo nàn chỉ đáp ứng cho lớp người giàu và giai cấp thống trị. Ngoài khu phố cổ ở Ba Đình, Hoàn Kiếm có phần đông đúc, nhà cửa khang trang, các quận huyện còn lại nhà thưa thớt, lụp xụp.
Còn Hà Nội của bà Thoa giờ đã rộng gấp 22 lần. Chuyến tàu điện leng keng khi xưa vợ chồng chen chúc từ cơ quan làm việc ở Hà Đông về nhà Bờ Hồ nay là đường sắt trên cao. Đồng ruộng hai bên là nhà dân kín mít.
Sự dịch chuyển của những gia đình như bà Thoa qua thời gian đã tái định nghĩa khái niệm “trung tâm thành phố”. “Trung tâm” không chỉ ở quận lõi Hoàn Kiếm, Ba Đình, Đống Đa, Hai Bà Trưng mà mở rộng đến vành đai 3, với các quận Cầu Giấy, Bắc Từ Liêm, Nam Từ Liêm, Thanh Xuân, Tây Hồ.
Để có được cơ ngơi rộng lớn, Hà Nội đã trải qua 4 lần điều chỉnh địa giới hành chính. Lần thứ nhất tại kỳ họp tháng 4/1961, Quốc hội khóa 2 quyết định mở rộng Hà Nội với diện tích 586 km2, 910.000 dân, gồm 4 khu nội thành là Ba Đình, Hoàn Kiếm, Đống Đa, Hai Bà Trưng và 4 huyện là Từ Liêm, Thanh Trì, Gia Lâm, Đông Anh. Diện tích tăng gần gấp 4, có thêm không gian phát triển, Hà Nội vừa khôi phục hậu quả chiến tranh, vừa xây dựng thành phố và góp phần chi viện cho miền Nam đánh Mỹ.
Sau năm 1975, Hà Nội cùng chuyên gia Liên Xô nghiên cứu điều chỉnh quy hoạch chung, định hướng năm 2000 dân số Thủ đô 1,5 triệu, ngoại thành là vành đai xanh cung cấp thực phẩm, công trình đầu mối giao thông, vành đai bảo vệ môi trường. Tháng 12/1978, Quốc hội khóa 6 quyết định sáp nhập Ba Vì, Phú Thọ, Thạch Thất, Đan Phượng, Hoài Đức, thị xã Sơn Tây, Hà Đông và một số xã của Hà Sơn Bình (Hà Tây cũ, Hòa Bình) vào Hà Nội. Diện tích Thủ đô tăng lên 2.123 km2, dân số 2,5 triệu.
Kinh tế khởi sắc từ sau thời bao cấp, đô thị hóa phát triển, nhưng quy hoạch cũ khó thực hiện, phải giải phóng mặt bằng lớn để xây các tuyến đường trục. Vì vậy tháng 12/1991, lần thứ ba Quốc hội điều chỉnh ranh giới Hà Nội, chuyển 7 huyện thị về Hà Tây, Vĩnh Phúc. Diện tích tự nhiên giảm còn 924 km2, thành phố chủ yếu phát triển về phía Nam sông Hồng với dân số nội thị dự kiến là 1,3 triệu vào năm 2000 và 1,5 triệu năm 2010.
Theo TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm, nguyên Giám đốc Sở Quy hoạch Kiến trúc Hà Nội, quá trình thực hiện quy hoạch trên, Hà Nội đã thấy rõ những thách thức như chỉ nhìn trong khu vực nhỏ hẹp của nội thị và ven nội, chưa thấy hết tác động của vùng; chưa lường hết nhịp độ tăng trưởng kinh tế xã hội và tốc độ đầu tư xây dựng trong quá trình đô thị hóa.
Quy hoạch đô thị chưa gắn với những dự án lớn mang tính chất chiến lược như: Nâng cấp sân bay Nội Bài, quốc lộ 5, xây dựng cao tốc Thăng Long – Nội Bài, Hà Nội – Hòa Lạc. Thực tế những năm 2000, đô thị hóa nhanh chóng cộng với dân số thường trú khoảng 3 triệu khiến môi trường sống chật hẹp, thiếu quỹ đất xây dựng dự án lớn, khó đáp ứng yêu cầu phát triển.
Nhận thấy vấn đề mở rộng Thủ đô trở nên bức thiết, tháng 5/2008 Quốc hội khóa 12 thông qua Nghị quyết 15 điều chỉnh địa giới hành chính Hà Nội. Toàn bộ tỉnh Hà Tây hợp nhất vào Hà Nội; chuyển huyện Mê Linh, tỉnh Vĩnh Phúc và 4 xã Đông Xuân, Tiến Xuân, Yên Bình, Yên Trung, thuộc huyện Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình vào Hà Nội.
Sau điều chỉnh, TP Hà Nội rộng 3.359,84 km2, gấp 3,6 lần diện tích cũ, là một trong 17 thủ đô lớn nhất thế giới. Thành phố có 12 quận, 17 huyện và một thị xã, dân số 6,2 triệu.
Từ thời tem phiếu đến giai đoạn lột xác về kinh tế
Sau ngày thống nhất đất nước, Hà Nội cũng như cả miền Bắc chưa khắc phục xong hậu quả chiến tranh. Nền kinh tế bao cấp phát huy sức mạnh trong thời chiến, nhưng thời bình lại bộc lộ bất cập, cuộc sống người dân túng thiếu.
Mọi giao dịch từ cây kim, sợi chỉ đến lương thực đều được nhà nước bao cấp. Cán bộ hay dân thường được phát tem phiếu riêng dựa trên vị trí công việc. Cán bộ cao cấp hưởng tiêu chuẩn ĐB (đặc biệt); cấp bộ trưởng bìa A; thứ trưởng bìa B; vụ, cục trưởng bìa C; viên chức E; cán bộ độc thân D, dân thường N.
Bà Thoa làm giáo viên, chồng làm vụ trưởng một bộ nên được hưởng bìa C với 1,5 kg thịt, một kg đường và 21 kg gạo mỗi tháng. Tiêu chuẩn là vậy, nhưng còn phụ thuộc vào nguồn hàng. Có khi chỉ còn thịt lợn đông lạnh Trung Quốc, gạo mốc, thậm chí gạo không đủ phải nhận bánh mì.
Con trai thứ hai của bà Thoa, đại tá Phạm Dương Quang vẫn nhớ khi vào Đại học Khoa học Kỹ thuật quân sự năm 1981, chân tay thường xuyên bị phù nề vì ăn gạo xát kỹ, để lâu. Quân y phải quấy cám gạo chia cho học viên ăn để bù B1. Người lúc nào cũng trong cảm giác đói.
“May mắn lắm có những ngày một số bạn ra ngoài nên thừa cơm, chúng tôi đem phơi khô lên để ăn lúc đói”, ông kể.
Nhìn lại “thời tem phiếu”, TS Nguyễn Khắc Giang, chuyên gia nghiên cứu của Viện Nghiên cứu Đông Nam Á (ISEAS – Yusof Ishak, Singapore), phân tích trước Đổi mới, cách thức quản lý kinh tế của Hà Nội bị bó buộc vào khuôn khổ chung của nền kinh tế kế hoạch. Cái khó của Thủ đô là khó chung của cả nước, nhưng với đặc điểm trung tâm kinh tế – chính trị, đông dân cư, khó khăn của Hà Nội nhân lên gấp bội.
Những sản phẩm có tiếng của thành phố chỉ là xe đạp, quạt điện, vải phin và xà phòng, nhưng sản lượng đều thấp. Tính bình quân 100 người, xe đạp hoàn chỉnh chỉ 1,25 chiếc, vải các loại 8 m, bánh kẹo hơn 2 kg. Công nghiệp điện tử hầu như không có, công nghệ chế biến thực phẩm, cơ khí nông nghiệp, hóa chất, chế tạo máy ở mức độ thô sơ, hoạt động cầm chừng. Kinh tế đối ngoại, ngoại thương không phát triển.
5 năm đầu Đổi mới (1986-1990), kinh tế Việt Nam nói chung và Hà Nội nói riêng vẫn trong tình trạng khủng hoảng, sản xuất yếu kém.
Nhưng sau đó, những chuyển biến đã dần xuất hiện. Khu vực kinh tế ngoài quốc doanh bắt đầu hiện diện rõ hơn trong cấu phần GRDP của Hà Nội. Đặc biệt từ năm 1993, khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài lần đầu xuất hiện, tăng trưởng nhanh.
Khối nhà nước là chủ đạo, đóng góp đáng kể vào nền kinh tế, nhưng là công cụ để Nhà nước định hướng, điều tiết vĩ mô, giữ những lĩnh vực trọng yếu. Khu vực ngoài quốc doanh với sức rướn mạnh hơn, trở thành trọng tâm của quá trình đổi mới. Nhiều lĩnh vực trước chỉ do kinh tế nhà nước đảm nhận nay bắt đầu có sự xuất hiện của thành phần khác.
Tỷ trọng đóng góp của kinh tế nhà nước giảm dần, từ 72,9% năm 1990 xuống 70,6% năm 1995 và còn 59,7% vào 2004. Đóng góp của các doanh nghiệp tư nhân trong GDP thành phố tăng liên tục từ 1% năm 1990 lên 3,4% vào 1995. Tỷ lệ này tăng gần gấp đôi (6,1%) năm 2000 và đạt 8,7% hai năm sau. Nếu tính cả hộ kinh tế cá thể, mức đóng góp tương ứng các năm là 8,3%, 17,6%, 18,8%.
Chính quyền Thủ đô tích cực hoàn thành dự án hạ tầng, tạo thuận lợi nhất để đón các tập đoàn kinh tế lớn đầu tư và sản xuất kinh doanh. Điểm nhấn là sự hình thành các khu công nghiệp lớn như Nội Bài (1994) và Thăng Long (1997), thu hút nhiều doanh nghiệp nước ngoài như Sumimoto, Panasonic, Honda, Yamaha (Nhật Bản); Daewoo, Daiwa (Hàn Quốc).
Bước chuyển mình nhanh hơn đến từ quyết định mở rộng địa giới hành chính năm 2008. Nhờ mở rộng không gian, tăng cường kết nối và thu hút vốn đầu tư nước ngoài, tốc độ tăng trưởng bình quân Hà Nội đạt khoảng 6-7% trong những năm gần đây. Ngay cả giai đoạn kinh tế bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19, kinh tế Hà Nội vẫn giữ tăng trưởng dương.
Quy mô GRDP của Thủ đô năm 2008 đạt khoảng 237.000 tỷ đồng, đến năm 2023 gấp gần 6 lần, lên khoảng 1,3 triệu tỷ đồng (khoảng 55 tỷ USD). Năng suất lao động bình quân tăng gấp ba, từ mức hơn 100 triệu đồng năm 2010 lên hơn 320 triệu đồng tính tới cuối năm 2023.
Nếu năm 1965, Hà Nội chỉ có hơn trăm xí nghiệp quốc doanh trung ương, địa phương cùng hơn bốn trăm hợp tác xã thủ công nghiệp, đến cuối năm 2023 đã có gần 400.000 doanh nghiệp đăng ký hoạt động. Số lượng doanh nghiệp tại Thủ đô đứng thứ hai trong cả nước, chỉ sau TP HCM.
Những tòa nhà chọc trời, những dự án đô thị vệ tinh hàng trăm triệu USD dần thành hình. Doanh nghiệp năng động, vốn đầu tư FDI liên tục đạt con số tỷ USD qua các năm. “Hà Nội đã trở thành một trung tâm quan trọng của phong trào khởi nghiệp sáng tạo”, ông Mạc Quốc Anh, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp vừa và nhỏ Hà Nội, đánh giá.
Kinh tế phát triển, Hà Nội đầu tư nhiều công trình giao thông lớn như cao tốc Hà Nội – Hải Phòng, Pháp Vân – Cầu Giẽ, đại lộ Thăng Long; hoàn thành một phần các tuyến vành đai 1, 2, 3, trục đường hướng tâm như Lê Văn Lương – Tố Hữu, Võ Nguyên Giáp; xây thêm cầu qua sông Hồng, Đuống như Nhật Tân, Vĩnh Thịnh, Đông Trù. Tuyến đường sắt đô thị đầu tiên của cả nước là Cát Linh – Hà Đông, sau đó đoạn trên cao Nhổn – Cầu Giấy được khai thác thương mại.
Năm 1999, UNESCO công nhận Hà Nội là “Thành phố hòa bình”. 20 năm sau, Thủ đô gia nhập mạng lưới “Các thành phố sáng tạo” và hiện có quan hệ hợp tác với hơn 100 thành phố. Hà Nội đang là thành viên của các tổ chức liên đô thị quốc tế như: Tổ chức thành phố thông minh bền vững thế giới (WeGO), mạng lưới “Chính quyền địa phương về quản lý dân cư” (CityNet), Nhóm các thành phố dẫn đầu về chống biến đổi khí hậu (C40).
Bà Thoa trong ngôi nhà ở Dương Nội, quận Hà Đông chiều 6/10. Ảnh: Phan Dương
Song hành cùng cuộc chuyển mình của Thủ đô, cuộc sống của gia đình bà Thoa và các con cũng tiện nghi, đủ đầy. Từ ngôi nhà chật hẹp trên phố Hàng Đào, đến nhà tập thể trên phố Quang Trung, hiện bà Thoa sống một mình trong biệt thự ở Dương Nội, quận Hà Đông. Bà phải xếp hàng mua lương thực, thực phẩm mà chỉ cần đặt dịch vụ sẽ được phục vụ tận nhà.
Thách thức và cơ hội
Cũng như bao thành phố khác, Hà Nội đối diện hàng loạt thách thức về quá tải dân số nội đô, ùn tắc giao thông, ngập lụt khi mưa lớn, ô nhiễm không khí, sông ngòi. Từ năm 2011, Hà Nội đặt mục tiêu giãn dân nội đô, đưa dân số 4 quận lõi Ba Đình, Hoàn Kiếm, Đống Đa, Hai Bà Trưng từ 1,2 xuống 0,8 triệu. Tuy nhiên, đến cuối năm 2022, dân số bốn quận vẫn trên một triệu.
Hiện Hà Nội có khoảng 8,5 triệu dân, mỗi năm tăng bình quân 300.000 người, bằng dân số một quận. Mật độ dân số nội đô 22.000 người/km2, gấp đôi so với trước khi mở rộng. 12 quận chỉ chiếm 9% diện tích nhưng gánh trên 45% dân số, khoảng 3,8 triệu. Tại các quận mở rộng như Hà Đông, Hoàng Mai, dân số tăng gần gấp đôi so với năm 2009, gây quá tải hạ tầng.
Toàn thành phố có trên 8 triệu phương tiện đăng ký gồm 1,1 triệu ôtô, 6,7 triệu xe máy, 200.000 xe đạp điện, chưa kể khoảng 1,2 triệu phương tiện của các tỉnh thành khác lưu thông trên địa bàn. Trong khi đó tỷ lệ đất dành cho giao thông chỉ đạt 12-13% (theo quy hoạch cần 20-26%), giao thông tĩnh chưa đạt 1% (quy hoạch phải đạt 3-4%).
Ngày 5/5/2022, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 15, mục tiêu đến năm 2030 Thủ đô Hà Nội là thành phố “Văn hiến – Văn minh – Hiện đại”; trở thành trung tâm, động lực thúc đẩy phát triển vùng đồng bằng sông Hồng, vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và cả nước; hội nhập quốc tế sâu rộng, phấn đấu phát triển ngang tầm Thủ đô các nước phát triển trong khu vực.
Tầm nhìn đến năm 2045, Thủ đô Hà Nội là thành phố kết nối toàn cầu, có mức sống và chất lượng cuộc sống cao; kinh tế, văn hóa, xã hội phát triển toàn diện, đặc sắc và hài hòa; tiêu biểu cho cả nước; có trình độ phát triển ngang tầm Thủ đô các nước phát triển trong khu vực và trên thế giới.
Để đạt mục tiêu trên, giải quyết bất cập hiện nay, PGS.TS Bùi Tất Thắng, nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), phân tích Hà Nội đang có nhiều nguồn lực như nhân lực dồi dào, đội ngũ trí thức tập trung cùng với lợi thế đất đai rộng. Thành phố có nguồn vốn tài chính mạnh, thu ngân sách lớn, doanh nghiệp nhiều nên cần chính sách để đưa các nguồn lực, nguồn tiền này vào phục vụ phát triển kinh tế.
Thủ đô cần có tầm nhìn vùng khi phát triển hạ tầng để thực hiện vai trò kiến tạo, dẫn dắt các địa phương xung quanh cùng phát triển. Đặc biệt, thành phố cần sáng tạo trong thể chế kinh tế mới. Luật Thủ đô đã phân cấp cho Hà Nội nhiều chính sách như chính quyền đô thị thông minh, giáo dục đào tạo, trọng dụng nhân tài…
Về quy hoạch, KTS Trần Ngọc Chính, Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển đô thị Việt Nam, đề xuất Hà Nội phân tích kỹ các kịch bản để điều chỉnh phân bố dân số, tiếp tục giảm dân số trong nội đô lịch sử, tạo nơi đến chất lượng ở các đô thị phát triển, đô thị vệ tinh; kiểm soát chặt quy hoạch về chiều cao công trình, mật độ xây dựng của từng khu vực, nhất là nội đô.
PSG.TS Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Kinh tế Việt Nam, cho rằng Hà Nội cần sự hỗ trợ đặc biệt từ Trung ương, cần được trao cơ chế thực hiện các dự án đột phá, giải pháp vượt trội, có tính chất xoay chuyển tình thế, xứng tầm khu vực như xây dựng đô thị dọc sông Hồng, trung tâm hội chợ quốc tế.
Hà Nội có sứ mệnh đặc thù, song theo ông Thiên đến nay vẫn chưa được trao quyền “đúng vai”. Thành phố cơ bản giống địa phương khác, “xin – cho”, “hành chính” vẫn là cơ chế chủ đạo trong phân bổ nguồn lực, quản lý phát triển.
“Hà Nội có sứ mệnh quốc gia, tầm vóc của thành phố đến đâu thì tầm vóc quốc gia đến đó. Nên xác định sự phát triển của Thủ đô là xác định tầm nhìn cho đất nước”, ông Thiên nói.
Minh Tuấn – Phan Dương – Đoàn Loan – Võ Hải
Biểu đồ: Minh Tuấn – Tất Đạt
*Bài có sử dụng tư liệu từ kỷ yếu hội thảo khoa học quốc gia kỷ niệm 70 năm giải phóng Thủ đô, video từ một số đài.
Nguồn tin: https://vnexpress.net/70-nam-doi-thay-cua-thu-do-ha-noi-4802219.html