Chiến sĩ Tiểu đoàn nữ biệt động Lê Thị Riêng hy sinh trong cuộc Tổng tiến công nổi dậy Mậu Thân 1968 chưa được ghi công do thiếu hồ sơ, theo chính quyền TP HCM.
Theo UBND thành phố, trong cuộc Tổng tiến công nổi dậy xuân Mậu Thân, tại Mặt trận liên quận 2-4, 13 chiến sĩ của Tiểu đoàn nữ biệt động Lê Thị Riêng đã hy sinh. Năm 2012, 8 liệt sĩ đã được nhà nước cấp bằng Tổ quốc ghi công. Hiện còn 5 trường hợp chưa được công nhận do thiếu giấy tờ, gồm: Lê Thị Hai (tự Hai Đòn Gánh), Lê Văn Tư (tự Tư Cơm Tấm), Lê Thị Sáu (tự Sáu Già), Lê Văn Bo và Lý Giao Duyên.
Để được công nhận liệt sĩ, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội yêu cầu TP HCM cung cấp các giấy tờ theo quy định như giấy báo tử trận, danh sách liệt sĩ lưu tại đơn vị, được an táng ở nghĩa trang liệt sĩ, bảng vàng danh dự… Hiện, hồ sơ của 5 người chưa có một trong các căn cứ này.
UBND TP HCM làm việc với các đơn vị, các ngành chức năng và cấp trên về thông tin các chiến sĩ. Theo đó, do chiến tranh khốc liệt, đa số cán bộ, chiến sĩ là người từ các miền quê bị bom đạn tàn phá, không nơi nương tựa hoặc bị chính quyền Việt Nam Cộng hòa phát hiện, truy sát trôi dạt tới Sài Gòn. Họ phải thay tên đổi họ hoặc dùng biệt danh để hoạt động.
Ngoài ra, đặc thù của tiểu đoàn nữ biệt động là bám trụ hoạt động bí mật trong nội đô đầu não giặc. Do đó, để tồn tại và tránh tổn thất, việc bổ sung quân, lực lượng chỉ biết bí danh, không biết họ tên thật cũng như quê quán, tên cha mẹ hoặc thân nhân. Đến lúc hy sinh họ chỉ còn vài dòng lý lịch hoặc biệt danh.
Do không tìm được tên tuổi, quê quán, thân nhân, Ban liên lạc Tiểu đoàn nữ biệt động đề xuất lấy họ của bà Lê Thị Riêng (liệt sĩ, anh hùng lực lượng vũ trang) làm họ cho 5 người đã hy sinh.
UBND TPHCM đã đăng ký làm việc với Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội để tháo gỡ vướng mắc và công nhận liệt sĩ đối với những trường hợp này.
Lê Tuyết
Nguồn tin: https://vnexpress.net/5-chien-si-biet-dong-hy-sinh-chua-duoc-cong-nhan-liet-si-do-thieu-giay-to-4726313.html