Quảng NgãiNgười đàn ông Mỹ sống ở Hà Nội một mình dong thuyền từ Philippines tới Nha Trang dài hơn 1.000 km ghi lại cảnh đẹp đã gặp sự cố, trôi dạt trên biển 3 tuần.
Ngồi trên thuyền buồm tối 4/6, ông Quinn Richard Anthony, 75 tuổi, vui mừng vì động cơ đã hoạt động trở lại. Sau một ngày được lai dắt vào cảng Sa Huỳnh, ông rất nóng lòng, muốn dong thuyền ra khơi, tiếp tục hành trình tới Đà Nẵng, sau đó về Hà Nội gặp vợ – bà Đào Thị Hiếu, 62 tuổi. Hôm qua, ông đã gọi điện cho vợ sau gần một tháng mất liên lạc do sự cố hỏng thuyền.
“Giờ đây anh phải bình tĩnh. Sau hai tháng lênh đênh trên biển, thuyền hư hỏng mà anh vẫn không sao là em vui lắm rồi”, bà Hiếu an ủi chồng qua điện thoại.
Ông Anthony sinh ra ở quốc đảo Aruba ở biển Caribe, sau đó chuyển đến Mỹ sinh sống. “Cả đời tôi gắn bó với đại dương”, ông mở đầu câu chuyện. Anthony kể năm 19 tuổi mình là thủy thủ trên tàu kéo. Năm 30 tuổi ông là thuyền trưởng, làm việc cho một công ty lớn trong ngành vận tải biển ở Mỹ, chỉ huy tàu kéo 5.000 mã lực, di chuyển các sà lan hàng trăm feet.
Cựu thủy thủ kể, quá trình điều hành tàu kéo chở dầu, ông từng đến những vùng biển ở Nhật Bản, Đài Loan, châu Phi, kênh đào Panama, Alaska (Mỹ)… Các chuyến hải trình hơn nửa đời người giúp Anthony thành “ông già của biển”, thành thạo các hải đồ cũng như có góc nhìn đa dạng về vẻ đẹp của các vùng đất ven biển.
Ông Anthony từng kết hôn với người vợ Mỹ, có bốn con gái đang sống ở Washington. 30 năm trước, ông và vợ ly hôn. Từ đó Anthony trở thành người độc thân và tiếp tục sự nghiệp thủy thủ của mình, đến năm 66 tuổi mới nghỉ hưu. Trong chuyến du lịch ở Hà Nội năm 2006, ông ghé tiệm trà của bà Đào Thị Hiếu. Hai người làm quen, trở thành bạn trong gần 4 năm mới quyết định kết hôn vào năm 2009.
Sau khi lấy vợ người Việt, Anthony chuyển đến Hà Nội sinh sống, đạp xe xuyên đất nước hình chữ S, thường nói với vợ rằng “Việt Nam của em rất đẹp”. Thời gian này, cựu thuyền trưởng ấp ủ chuyến phiêu lưu biển dài ngày bằng thuyền buồm. Trước đó ông từng lái thuyền buồm nhưng chưa bao giờ đi xa.
“Tôi rất yêu biển, còn vợ tôi lại không thích lắm. Vì thế tôi phải đi một mình”, người đàn ông 75 tuổi thổ lộ. Tháng 2 vừa qua, ông đã sang Philippines mua thuyền buồm dài hơn 10 m, rộng 3 m, hai thân gắn động cơ. Sau khi dong thuyền vòng quanh các đảo ở Philippines, ngày 5/4, ông đã hoàn thiện các giấy phép xuất bến đến thành phố biển Nha Trang.
Để chuẩn bị cho chuyến đi, ông mang theo bếp gas, gạo, thức ăn khô, cần câu, thiết bị lặn… cùng tấm hải đồ lớn và nhiều giấy bút để ghi chép, tính toán. Bằng kinh nghiệm đi biển lâu năm, ông tự tin sẽ đến được Việt Nam theo dự tính.
Trong tuần đầu tiên, gió thổi giúp thuyền buồm chạy đúng như ý Anthony. Sau đó gió đứng vài ngày, gió đổi chiều thổi thuyền ra. Lúc này ông vẫn cảm thấy ung dung vì đã nghỉ hưu, không có lịch trình gì cụ thể nên chưa cần vội vã.
Trên tàu, ngoài nấu cơm và dùng đồ ăn chuẩn bị sẵn, ông còn câu cá để luộc, nhiều nhất là cá chuồn. Khi chiều đến, ông thường nghỉ ngơi trên ghế dựa trên boong tàu, ngắm nhìn biển rồi thiếp đi mỗi khi mệt.
Hơn một tháng trước, ông cập cảng vào Thái Lan mua thực phẩm, gọi điện cho vợ, sau đó tiếp tục hải trình. Thời điểm này biển có nhiều đợt gió lớn. Đến 14/5, sau 40 ngày trên biển, thuyền bị gãy cột buồm, hỏng máy, không thể khắc phục. Nhiều năm trong nghề nhưng chứng kiến thuyền buồm nhỏ bé hư hỏng, lênh đênh giữa biển khởi khiến ông không khỏi lo lắng.
“Lúc đó tôi nghĩ mình sẽ đến Việt Nam nhưng cụ thể chỗ nào thì chưa biết”, ông kể, cho biết trước đây không ít lần tàu do ông chỉ huy đi vào vùng gió lớn trong đêm tối, thậm chí từng gặp tai nạn ở kênh đào Panama khi tàu tông vào tường. Nhưng chưa bao giờ ông gặp sự cố thuyền gẫy cột buồm, hỏng máy không thể sửa chữa như chuyến đi vừa qua.
Những ngày sau đó, ông Anthony chỉ còn cách thả thuyền theo hướng gió. Ông dự tính với hướng gió thổi thuyền sẽ đưa ông đến Đà Nẵng thay vì Nha Trang. Tuy vậy do trên biển nhiều ngày, lương thực và nước uống gần hết, ông cũng lo không biết có duy trì được đến lúc vào bờ không.
Đến ngày 3/6, khi thuyền đang trôi theo gió, thấy tàu cá của ngư dân Việt Nam đi qua, ông ra dấu hiệu cần giúp đỡ. Các ngư dân đã cho tàu cá áp sát rồi dùng buộc nối vào thuyền để lai dắt vào cảng Sa Huỳnh với quãng đường hơn 80 km.
Khi vào cảng, ông Anthony đã được nhân viên y tế Đồn biên phòng Sa Huỳnh kiểm tra sức khỏe. Đồn đã hỗ trợ ông nước uống, lương thực và giúp liên lạc với vợ. Hiện, chiếc thuyền được hai thợ máy người địa phương sửa lại động cơ bị hỏng để tiếp tục hành trình.
Anthony nói khi đến Đà Nẵng, ông sẽ để lại thuyền ở đây và dùng phương tiện khác ra Hà Nội, trở về với vợ. Khi điều kiện thuận lợi ông sẽ đi thuyền buồm tới TP Nha Trang như mong muốn lúc đầu.
Phạm Linh
Nguồn tin: https://vnexpress.net/21-ngay-tren-thuyen-buom-gap-su-co-cua-ong-lao-nguoi-my-4754455.html