AnhTrong cuộc phỏng vấn trên tờ Le Parisien (Pháp) ngày 27/2, cựu HLV Arsene Wenger chia sẻ về những kỷ niệm vui và buồn trong 22 năm dẫn dắt Arsenal.
Wenger từng dẫn dắt Arsenal 22 năm, giành 17 danh hiệu, ba chức vô địch Ngoại hạng Anh, trong đó có mùa giải bất bại 2003-2004. Sau khi chia tay “Pháo thủ”, chiến thuật gia 74 tuổi làm Giám đốc phát triển bóng đá của FIFA từ tháng 11/2019.
– Sau chín năm dẫn dắt Liverpool, Jurgen Klopp tuyên bố ra đi vì kiệt quệ tinh thần. Ông cảm thấy quyết định này thế nào khi ông từng dẫn dắt Arsenal suốt 22 năm?
– Điều khiến tôi kiên trì dẫn dắt Arsenal là tôi tự nhủ rằng đang làm cho một điều gì đó lớn hơn bản thân. Trong thâm tâm, tôi tự nhủ rằng chúng ta chỉ có một cuộc đời, ai cũng phải tìm được sự cân bằng giữa tính cách và giá trị của bản thân. Tôi nghĩ nếu Klopp muốn ký hợp đồng thêm năm năm, Liverpool sẽ đồng ý. Tôi cũng nghĩ rằng cậu ấy đã có một khoảng thời gian tệ mùa giải trước. Cậu ấy muốn thứ khác và bạn phải tôn trọng. Klopp đưa ra lựa chọn của bản thân và đó là điều quan trọng nhất.
– Ông cảm thấy thế nào khi rời Arsenal vào tháng 5/2018?
– Tôi cảm thấy lo lắng, dù khi đó đã 69 tuổi. Tôi bắt đầu làm HLV từ 33 tuổi (tại Nancy, Pháp) và chưa bao giờ dừng lại cho đến khi rời Arsenal. Sau 36 năm làm việc liên tục, tôi tự nhủ rằng phải xem có cuộc sống nào khác ngoài bóng đá hay không. Tôi đã không làm bất cứ điều gì trong hai năm đầu. Sau đó, tôi quyết định trở lại, nhưng không còn sự dữ dội và tàn khốc của nghề HLV.
– Ông có ý gì khi nói đến những từ ngữ đó?
– Ý tôi là việc bị cô lập với phần còn lại của thế giới. HLV giống như một võ sĩ tự cô lập mình trước mỗi trận đấu. Khi phải đưa ra quyết định, bạn phải chọn điều tốt nhất có thể. Tôi chắc chắn đã chuẩn bị tốt, nếu không muốn nói là tốt hơn tất cả các cầu thủ của mình. Tôi chưa bao giờ ra ngoài 48 tiếng trước mỗi trận đấu.
– Khi đến Arsenal vào năm 1996, ông là HLV đầu tiên không phải người Anh trong lịch sử CLB. Ông có cảm thấy áp lực không?
– Khi đó, tôi còn trẻ, chưa được biết đến ở Anh, đến một CLB lớn với nhiều kỳ vọng. Khi đó, tôi chấp nhận phải chứng tỏ bản thân và hiểu được sự phán xét thường xuyên dành cho HLV. Tuy nhiên, điều mà tôi khó chấp nhận hơn cả là mọi chỉ trích bất công đều có thể xảy ra. HLV phải biết giải phóng bản thân để quan sát tình huống bằng cái nhìn sáng suốt. Có những yếu tố mà chúng ta có thể kiểm soát, nhưng có những yếu tố mà chúng ta không thể. Trong lịch đấu dày đặc, có thể có sự nhầm lẫn giữa những yếu tố này.
– Những lời chỉ trích từ CĐV thường rất gay gắt, chẳng hạn như vào năm 2013 khi một CĐV dán dòng chữ “Wenger biến đi” lên bức tượng Thierry Henry. Làm thế nào để ông đối phó với những lời khiêu khích này?
– Đôi khi CĐV chỉ trích sai, hoặc bất công. Tôi từng từ chối ký hợp đồng với các CLB lớn để hoàn thành dự án tại Arsenal, mà cụ thể là trả nợ cho việc xây sân Emirates. Khi đó, áp lực tại giải Ngoại hạng Anh cũng lớn hơn rất nhiều. Lúc đó, bạn phải nhìn nhận một cách khách quan về những gì có thể cải thiện.
– Từ năm 2005 đến 2014, Arsenal không giành được danh hiệu nào. Ông đã giải quyết cơn hạn hán này như thế nào?
– Sau năm 2006, chúng tôi bước vào một kỷ nguyên khác. Chúng tôi đã xây dựng sân vận động mới. Khi đó, ngân hàng buộc chúng tôi không được chi quá 50% tổng ngân sách cho lương. Ở những CLB khác, với những nhà đầu tư đến từ bên ngoài và khi chưa có luật công bằng tài chính, họ mua những cầu thủ giỏi nhất, trong khi chúng tôi buộc phải bán. Khi đó, tôi biết vé dự Champions League là mục tiêu phù hợp, nhưng thật khó thuyết phục mọi người rằng không nên kỳ vọng quá cao.
– Việc làm mới bản thân có khó không, nhất là khi lúc đó ông dẫn dắt Arsenal được 10 năm?
– Đó là một thử thách thực sự. Lúc đó, ngân hàng yêu cầu tôi tái ký hợp đồng với thời hạn năm năm. Tôi không thể làm điều này và rời đi sau một mùa giải. Đồng thời, vấn đề đổi mới phương pháp huấn luyện và cách truyền đạt cho cầu thủ cũng được đặt ra. Liệu tôi có cảm thấy mệt mỏi hay không? Có lẽ có, thậm chí là tồn tại ở dạng vô thức. Khi bạn phải sống với công việc của trận đấu tiếp theo, bạn sẽ không cảm nhận được điều đó. Nhưng về lâu dài, một dạng hao mòn sẽ xuất hiện.
– Ông có cảm thấy áp lực khi Arsenal lập thành tích bất bại mùa Ngoại hạng Anh 2003-2004?
– Tôi tự nhủ rằng, ngay cả khi giành chức vô địch, người khác cũng có thể làm được với nhiều điểm hơn. Kết thúc mùa giải không thua mới là đỉnh cao.
– Trước trận chung kết Champions League 2006 (Arsenal thua Barca 1-2), ông cảm thấy thế nào?
– Tôi đã thua trận chung kết Champions League. Có lẽ tôi phải tự trách mình vì đã đưa ra quyết định không đúng (cho Robert Pires rời sân ở phút 18 sau khi thủ môn Jens Lehmann bị truất quyền thi đấu). Nhưng khi chuẩn bị, tôi đã rất rõ ràng và sáng suốt. Arsenal đã thể hiện đúng như mong đợi.
– Thất bại đó có khó tiêu hóa không?
– Tôi đã có một trải nghiệm rất tệ. Trong suốt cuộc đời, cuộc đấu tranh thực sự của tôi là đối mặt với những thất bại. HLV đều thích thắng và ghét thua.
– Ông đã bao giờ cảm thấy cần nghỉ ngơi trong suốt sự nghiệp của mình?
– Không, đó là điều làm tôi sợ. Mặt khác, khi bạn dành 22 năm cho một CLB, nó sẽ trở thành CLB của bạn một cách không chính thức. Khoảng thời gian đó bằng một trăm năm trong cuộc đời bình thường. Tôi đã trải qua rất nhiều thứ và rất nhiều vấn đề. Một trong những động lực của tôi là CLB có thể chiến đấu với những CLB khác khi tôi rời đi. Trong những lúc khó khăn, điều đó đã động viên tôi.
– Khi dẫn dắt Arsenal, ông vẫn có thể ngủ chứ?
– Tôi từng đàm phán hợp đồng đến 3h sáng và chúng tôi thi đấu vào ngày hôm sau. Khi đó, tôi đã không chỉ đạo ở trạng thái tốt nhất. Nhưng đồng thời, đó cũng là điều gắn kết tôi với CLB.
– Ông chịu đựng lối sống đó như thế nào?
– Phải mất rất nhiều năng lượng. Tôi từng hao mòn tinh thần do thiếu ngủ và cáu kỉnh. Khả năng đọc trạng thái tinh thần rất quan trọng để nói rằng đã đến lúc phải chịu trách nhiệm về bản thân. Nhìn lại, tôi đã lớn lên trong một xã hội hoàn toàn khác, nơi mà việc thể hiện sự yếu đuối không được chấp nhận. Bạn luôn phải mạnh mẽ. Lẽ ra tôi nên nói chuyện với mọi người nhiều hơn để bảo vệ mình.
– Ông làm thế nào để bảo vệ bản thân khỏi gánh nặng tinh thần đó?
– Mọi người đều phải tìm cách tái tạo năng lượng. Phương pháp của tôi là xem đội khác thi đấu. Con người được tạo ra để xen kẽ giữa sự tập trung cao độ và những khoảng thời gian thư giãn. Khi bạn nói về sự hao mòn tinh thần, điều đó có nghĩa thời gian thư giãn không còn nữa. Vì vậy, bạn phải tìm lại những khoảnh khắc thư giãn để không bị căng thẳng thường xuyên.
– Ông đã thử tập thiền chưa?
– Không, tôi chơi bóng đá với các nhân viên. Mọi người đều phải tìm cách giải trí thích hợp cho mình. Đối với một số người thì đó là yoga, đối với những người khác thì đó là đọc sách, còn đối với tôi thì đó là việc chứng kiến các HLV khác đau khổ (cười).
– Ông có cảm thấy áp lực truyền thông ở Ngoại hạng Anh lớn hơn ở Pháp không?
– Đó là một vũ trụ khác. Nhưng đồng thời, đó là niềm đam mê. Anh là đất nước mà bạn nên trải nghiệm nghề HLV. Khi làm việc ở đó, bạn luôn phải sẵn sàng. Đó là vùng đất của âm nhạc và thể thao. Điều đó thật tuyệt vời.
– Theo ông, làm thế nào để các HLV ngày nay được hỗ trợ tốt hơn?
– Hãy tạo một môi trường tinh thần xung quanh họ. Phần lớn nỗi đau của các HLV xuất phát từ sự thiếu hòa hợp với giám đốc thể thao, những người ra quyết định. HLV phải chấp nhận phán quyết từ các trận đấu, nhưng khó khăn lớn nhất đối với họ là sự chia rẽ trong nội bộ CLB.
Thanh Quý (theo Le Parisien)
Nguồn tin: https://vnexpress.net/wenger-nghe-hlv-du-doi-va-tan-khoc-4716211.html