Cứ đến tháng 9 hàng năm, cộng đồng trail Việt Nam lại hướng về Sa Pa, nơi diễn ra giải chạy đường mòn được xem là khó chinh phục nhất – Vietnam Mountain Marathon (VMM).
Chạy bộ mới phát triển ở Việt Nam những năm gần đây, nên chạy trail (chạy đường mòn hay chạy địa hình) còn tương đối mới mẻ. Đây là hình thức chạy mang tính phiêu lưu cao, đưa người chạy đến những vùng thiên nhiên hoang sơ. Cung đường trail mang những thách thức tự nhiên như dốc cao, bùn lầy và cả thời tiết khắc nghiệt. Hoàn thành một cự ly trail đòi hỏi quá trình tập luyện lâu dài, kiên nhẫn và sức mạnh tinh thần để tìm mình trong hoang dã.
Cộng đồng trail Việt Nam, tuy mới rộ lên khoảng gần 10 năm gần đây, đã thu hút số lượng hàng chục nghìn người tham gia tập luyện. Số lượng giải trail cũng tăng nhanh chóng. Trong số này, VMM, giải trail được tổ chức ở cung đường quanh thị xã Sa Pa (Lào Cai) vào tháng 9 hàng năm, được xem là ngày hội trail lớn nhất cả nước. Kể từ 2017, VMM diễn ra hàng năm, ngoại trừ năm 2021 bị hủy vì Covid-19. Đây là nơi chứng kiến sự xuất hiện của những chân chạy trail hàng đầu, những người sau đó đã tạo dựng tên tuổi ở cấp độ quốc tế.
Chị Nga Hồ, sinh năm 1986, đăng ký tham dự cự ly 100km của VMM 2024 – giải đấu dự kiến quy tụ khoảng 4000 VĐV từ ngày 20 tới 22/9/2024. Trước đó, chị từng nhiều lần tham gia các giải trail, nhưng ở các cự ly 55km, 60km và 75km chứ chưa chạy 100km. Chính vì thế, chuyến đi từ Vũng Tàu đến Sa Pa lần này mang ý nghĩa đặc biệt với chị.
“Tôi bắt đầu chuẩn bị từ cách đây ba tháng. VMM là giải đấu danh giá, nhưng cũng nhiều rủi ro. Tuy nhiên, bộ môn trail luôn tiềm ẩn nguy hiểm và đó là yếu tố khơi gợi cảm giác chinh phục cho người tham dự. Tôi biết mình có khả năng không hoàn thành cuộc đua vì điều đó còn phụ thuộc nhiều yếu tố khách quan, dù bản thân có tập kỹ đến đâu. Nhưng tôi cố gắng tham dự giải với tâm lý thoải mái nhất, nếu không được thì làm lại lần sau”, chị chia sẻ.
Lo lắng của chị Nga hoàn toàn có cơ sở. Ngay cả những người chạy trail lâu năm, từng chinh chiến nhiều giải, cũng từng nếm mùi DNF (bỏ cuộc) tại VMM, và các cự ly dài 70km, 100km hay 160km của giải đấu này cũng có tỷ lệ DNF ở mức cao so với các giải trail phổ thông trên thế giới.
VMM không có những yếu tố của một giải đấu mang tính trải nghiệm. Việc tổ chức ở Sa Pa, xa những thành phố lớn, khiến chi phí di chuyển, ăn ở… để tham dự giải này là một vấn đề nan giải. Một runner ở Hà Nội có thể chi khoảng 7 triệu đồng cho hai ngày ở Sa Pa, còn runner đi từ TP HCM có thể tiêu đến gần 10 triệu đồng tính cả chi phí mua bib.
Từ năm 2017, cự ly 100km của VMM luôn có tỷ lệ DNF trên 50%, trừ năm 2017 và 2020. Đặc biệt, vào năm 2022, số VĐV bỏ cuộc ở cự ly này lên tới 71,5%. Năm ngoái, cự ly 70km chứng kiến 35,9% người tham gia không thể hoàn thành. Riêng cự ly 160km (100 dặm) mới được tổ chức một lần năm 2022, có tỷ lệ DNF 39,4%.
Một nghiên cứu được đăng trên Irunfar vào đầu năm nay, với mẫu số là 25 giải trail lớn trên thế giới, cho thấy hơn 50% số giải (13) có tỷ lệ DNF của cự ly 160km ở mức 30 tới 39%, 6 giải ở mức 40 tới 49% và 3 giải ở mức 50 tới 59%. Như vậy, độ khó của VMM có thể xem ở mức tiệm cận trung bình cao, trong cộng đồng trail còn sơ khai như Việt Nam.
Theo Lanh Lê, người từng hoàn thành giải trail khó bậc nhất thế giới Rinjani 100 tại Indonesia hồi tháng 5, cho rằng địa hình của Sa Pa không quá khó, nhưng yếu tố thời tiết khiến VMM trở nên khó lường.
“Đều tổ chức vào tháng 9 nhưng năm 2022 thì mưa nhiều, năm 2023 lại nắng nóng. Mưa thì rất lạnh, khiến chân phồng rộp, nắng thì mất sức nhanh hơn. Điều này đòi hỏi runner phải có khả năng ứng biến và thường xuyên cập nhật thông tin thời tiết vào tuần race”, anh Lanh nhận xét.
Thống kê cho thấy 160km không phải cự ly khắc nghiệt nhất của VMM mà là 100km. So với mặt bằng chung của các giải quốc tế, tỷ lệ DNF trên 50% của cự ly 100km tại VMM ở mức cao. UTMB Finals đang diễn ra ở Pháp, được xem là giải vô địch chạy trail thế giới, có tỷ lệ DNF trung bình ở cự ly 100km là 26% trong 10 năm qua.
Từ cự ly 70km lên 100km, khoảng cách tăng thêm 30km, nhưng đây lại là ngưỡng khó vượt qua với nhiều runner. Từ 100km lên 160km, tuy cách biệt là 60km, các runner đăng ký cự ly siêu dài này đa số đều giàu kinh nghiệm, biết cách chuẩn bị thể lực.
Kim Tuyền, người từng hoàn thành 70km nhưng DNF khi tham gia 100km tại VMM, nhận xét: “Từ 70km lên 100km, nhiều người nghĩ ranh giới dễ vượt qua nên chủ quan, không tập nhiều, dẫn tới bị đứt. Tôi đã thử sức ở cự ly 100km hai lần, nhưng đều chưa vượt qua. Năm ngoái, chạy hơn 60km thì tôi bị đau bụng nên phải dừng lại. Năm nay là lần thứ tư tham dự, tôi quyết định chỉ đăng ký 50km để chạy một cách vui vẻ”.
Điều gì khiến cự ly 100km của VMM khó chinh phục? Thực tế, trong 259 VĐV DNF của cự ly 100km VMM năm ngoái, có 18,3% không vượt qua đoạn đường từ CP3 đến CP4. Con số này cao hơn gấp đôi so với CP2 (7,9%) – CP đứng thứ hai về số VĐV DNF. Đoạn đường này cũng là “ác mộng” với runner tham gia cự ly 70km với tỷ lệ DNF lên tới 14,2%.
CP (check-point) là các trạm dừng chân để runner nghỉ ngơi, tiếp năng lượng trên đường. Ở mỗi trạm, ban tổ chức sẽ thống kê số người về tới trong thời gian hợp lệ (COT). Vì thế, số lượng VĐV DNF ở CP3 tức là số người đến được CP3 nhưng không thể đến được CP4. Cự ly 100km của VMM có 11 CP.
Từ CP3 tới CP4, runner phải leo đoạn dốc cao nhất của cung đường VMM với độ cao lên tới hơn 2000m trên mực nước biển. Đoạn đường dài 9,2km này đến ngay sau runner vừa leo 667m từ CP2 lên CP3. Đến CP3, họ tiếp tục phải leo Đồi Bò. Với quãng đường 3,53km, runner phải leo thêm 563m với độ dốc 15,9%. Những người đến được đỉnh Đồi Bò sẽ được chiêu đãi một bữa tiệc phong cảnh với những đám mây lờ lững, nhưng sau đó sẽ tiếp tục là thử thách chạy 5,83km xuống 991m với độ dốc 16,8% để đến được CP4.
Anh Nguyễn Sĩ Hiếu, top 3 cự ly 160km VMM 2022, đánh giá: Đây là đoạn đường có độ dốc rất lớn. Lúc leo lên thì ở giữa đường đua, mọi người đều đã khá mệt. Khi lên tới đỉnh, không khí loãng và nếu trời nắng thì xuống sức nhanh. Nếu trời mưa, đoạn đổ dốc xuống sau đó cũng đầy thử thách vì đường khó và trơn. Tôi chạy VMM từ 2018 đến nay, chỉ nhớ năm 2020 là đoạn này khô ráo, còn lại lúc nào cũng ướt”.
*Cung đường chạy 100km của VMM, đường càng đậm màu, độ cao càng lớn.
Theo anh Hiếu, runner cần giữ vững tâm lý, tập trung vào vài met phía trước, tránh nhìn lên đỉnh núi để không bị nản chí khi leo Đồi Bò. Duy trì thở theo nhịp 1:1 (hít vào khi chân phải chạm đất, thở ra khi chân trái chạm đất) và thở nhanh hơn bình thường khi ở độ cao trên 2000m cũng là cách giữ sức tốt. Bên cạnh đó, runner nên giữ tốc độ đều, bước nhỏ, tránh gắng sức quá rồi phải dừng nghỉ.
Anh Lanh Lê thì cho rằng mọi người nên chú ý nạp dinh dưỡng đầy đủ để dành sức leo Đồi Bò, nhưng tránh ăn quá nhiều vì có thể gây mệt mỏi. “Mọi người nên xuất phát chậm ở đoạn sau CP3 vì sau khi lên đỉnh đồi, đoạn xuống dốc sau đó khá dài và khó chịu nên sẽ mất nhiều thời gian”.
Anh Hiếu lưu ý thêm rằng khi đổ dốc xuống Đồi Bò để hướng về CP4, mọi người nên cất gậy, dùng tay bám vì địa hình khó, dùng gậy có thể làm chậm và gây nguy hiểm.
Quang Huy
Đồ họa: Quang Tuệ
Nguồn tin: https://vnexpress.net/vmm-giai-trail-kho-nhan-nhat-viet-nam-4785495.html