Cộng đồng chạy bộ xôn xao khi ý tưởng chạy xuyên Việt của chân chạy Nguyễn Văn Long bị ông Đoàn Ngọc Hải phản đối.
Nguyễn Văn Long từng chạy xuyên Việt để gây quỹ vào năm 2022. Theo chân chạy gốc Gia Lai, hành trình của anh lần đó thu về 400 triệu đồng để ủng hộ các em nhỏ có hoàn cảnh khó khăn. Sau khi hoàn thành mục tiêu, anh được cộng đồng chạy bộ đặt biệt danh “dị nhân”.
Tuy nhiên, khi Nguyễn Văn Long lên kế hoạch tái hiện hành trình này – dự kiến từ ngày 11/4, anh bị nguyên chủ tịch quận 1 TP HCM Đoàn Ngọc Hải phản đối. Ông Hải cũng là một VĐV chạy phong trào, từng treo thưởng cho các VĐV và tài trợ một số chương trình gây quỹ.
Trên Facebook, ông Hải viết thư gửi phó Chủ tịch thường trực Ủy ban An toàn giao thông quốc gia Khuất Việt Hùng, đề nghị ngăn cản Nguyễn Văn Long chạy xuyên Việt vì lo ngại an toàn giao thông.
Theo ông Hải, việc chạy bộ có tính tổ chức trên cung đường quốc lộ 1 rất nguy hiểm, khi không có xe dẫn đường, không có phương tiện cảnh báo… “Mỗi khi Long chạy qua một tỉnh thành, sẽ có hàng trăm chân chạy đổ ra quốc lộ để đồng hành. Điều này cực kỳ nguy hiểm khi có sự cố xảy ra như có tài xế xe khách, xe tải buồn ngủ…”, vị này viết. Đồng thời, ông Hải đề nghị ông Hùng phối hợp với các lãnh đạo tỉnh, thành ngăn chặn hành trình chạy bộ của Nguyễn Văn Long.
Quan điểm của ông Hải gây ra những ý kiến trái chiều trong cộng đồng chạy bộ. Nhiều người nghi ngờ vụ việc xuất phát từ mâu thuẫn cá nhân giữa hai người, chứ không chỉ liên quan đến vấn đề an toàn khi chạy bộ ở đường quốc lộ. Nguyễn Văn Long sau đó đăng bài phản pháo một nhân vật tên H, chứ không chỉ đích danh ông Hải. Tuy nhiên, bài đăng sau đó bị xóa vào chiều 23/1.
Runner Ngô Thị Cẩm Anh, quản trị viên CLB Gia Lai Runner mà Long cũng là thành viên, nêu ý kiến: “Không thể nói việc anh Long chạy bộ xuyên Việt không ảnh hưởng tới giao thông. Tuy nhiên, khung giờ chạy của anh thường vào sáng sớm hoặc đầu giờ chiều. Nếu chỉ mình Long chạy, hoặc chạy cùng 1, 2 người thì không có gì đáng nói. Nhưng nếu chạy nhóm đông người thì cần xem xét lại”.
Theo chị Cẩm Anh, hành trình chạy xuyên Việt rất gian khổ, nên hành động chạy đồng hành của cộng đồng mang tính lan tỏa. Do đó, dù cho rằng không thể ngăn cản mọi người chạy cùng, runner này thừa nhận cần có quy định và việc chạy đồng hành chỉ nên diễn ra ở các khu vực trung tâm, tránh đường quốc lộ.
“Không có luật pháp nào cấm một người chạy lên trên đường quốc lộ. Nếu không thể giải quyết bài toán có làn đường riêng cho người chạy bộ, thì đó là vấn đề của hệ thống giao thông, không phải của runner. Còn những người chạy đồng hành, đó là quyết định của họ. Anh Long không có quyền cấm họ chạy cùng”, một runner khác chia sẻ.
Chiều 23/1, trao đổi với VnExpress, VĐV Nguyễn Văn Long cho biết anh quyết định thực hiện lại hành trình chạy xuyên Việt vì muốn “hoàn thành sứ mệnh lan tỏa giá trị chạy bộ của một VĐV”, đồng thời cho biết bức xúc vì hình ảnh của bản thân và gia đình bị ông Hải đăng lên mạng.
Runner sinh năm 1985 nói: “Tôi nghĩ mọi người Việt Nam có quyền chạy ở bất cứ đâu trên đất nước, miễn là không vi phạm pháp luật. Còn về vấn đề an toàn giao thông, ở lần đầu thực hiện hành trình, tôi luôn có một xe ô tô hộ tống phía sau, bên cạnh có xe máy chạy bảo vệ để đảm bảo an toàn. Tất cả người chạy cùng cũng đều được chỉ định chạy trong khu vực cho phép và được nhắc nhở kỹ về an toàn”.
Theo luật sư Trần Ngọc Thạch, Công ty Luật Navico, hiện nay Luật Giao thông đường bộ, Luật thể dục thể thao cũng như các văn bản khác “chưa có quy định cụ thể về hoạt động chạy bộ xuyên Việt của cá nhân, mang tính tự phát”. Bởi thế, công dân được phép làm những gì pháp luật không cấm. Tuy nhiên, người chạy bộ thực chất là một tình huống giao thông phát sinh nên phải chấp hành quy định của Luật giao thông đường bộ. Người chạy bộ trên đường cũng giống như người đi bộ trên đường nên đây là tham gia giao thông. Vì thế người chạy bộ phải chấp hành đầy đủ các quy định như chạy ở phần đường dành cho người đi bộ, tuân thủ chỉ dẫn trên đường, không chạy vào các khu vực cấm hoặc hạn chế người đi bộ như đường cao tốc.
Luật Giao thông đường bộ quy định, người đi bộ phải tuân thủ các quy tắc cơ bản như chỉ di chuyển trên hè phố, lề đường. Trường hợp đường không có vỉa hè thì người đi bộ phải đi sát mép đường, chỉ được qua đường ở những nơi có đèn tín hiệu, có vạch kẻ đường hoặc có cầu vượt, hầm dành cho người đi bộ. Tường hợp không có đèn tín hiệu, không có vạch kẻ đường, cầu vượt, hầm thì người đi bộ phải quan sát các xe đang đi tới, chỉ qua đường khi bảo đảm an toàn và chịu trách nhiệm bảo đảm an toàn khi qua đường,… Từ các dẫn chứng trên, luật sư Thạch cho rằng “người chạy bộ mà tuân thủ các quy định về giao thông đường bộ sẽ không bị pháp luật nghiêm cấm”.
Một cán bộ Cảnh sát giao thông ở Hà Nội cho biết, người chạy bộ cũng như đi bộ sẽ không bị nghiêm cấm về thời gian, không gian song phải tuân thủ các quy tắc về giao thông. Người nào khi chạy bộ mà vi phạm như đi không đúng phần đường quy định, không chấp hành hiệu lệnh, biển báo hiệu, vạch kẻ đường,… sẽ bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 50.000 đến 60.000 đồng. Mức phạt tăng lên 60.000 đến 80.000 đồng khi người chạy bộ mang vác vật cồng kềnh gây cản trở giao thông, vượt qua dải phân cách. Người nào đi bộ vào đường cao tốc không có nhiệm vụ sẽ bị phạt từ 80.000 đến 120.000 đồng.
Quỳnh Chi – Phạm Dự
Nguồn tin: https://vnexpress.net/tranh-cai-ve-y-tuong-chay-bo-xuyen-viet-4704063.html