Mỹ là ứng viên sáng giá cho vị trí nhất toàn đoàn, cả về số HC vàng lẫn tổng huy chương tại Olympic 2024.
Siêu máy tính Gracenote của Nielsen dự đoán Mỹ giành 112 huy chương, gồm 39 HC vàng, 32 HC bạc và 41 HC đồng.
Nếu dự đoán này thành hiện thực, Mỹ sẽ có tám kỳ Olympic liên tiếp dẫn đầu về số huy chương, kể từ Barcelona 1992, trong đó bảy kỳ có số HC vàng nhiều nhất. Lần duy nhất Mỹ xếp nhì về HC vàng là ở Bắc Kinh 2008, với 36 HC vàng, kém chủ nhà Trung Quốc 12 tấm.
Tính từ Olympic 1992, Mỹ có bảy kỳ giành hơn 100 huy chương. Sydney 2000 là kỳ duy nhất đạt dưới mức, với 93 huy chương.
Gracenote tính toán Mỹ sẽ giành huy chương ở 28 môn thể thao khác nhau, ít hơn Tokyo 2021 một môn. Điền kinh và bơi vẫn là trụ cột, khi có thể giành gần một nửa tổng số huy chương.
Vị trí thứ hai thuộc về Trung Quốc có 89 huy chương, với 34 vàng, 27 bạc và 25 đồng. Các môn chính gồm nhảy cầu, bắn súng, bơi, bóng bàn, thể dục dụng cụ và cầu lông. Siêu máy tính cho rằng Trung Quốc sẽ có VĐV nằm trong top ba ở 20 môn khác nhau. Cường quốc thể thao này đã không nằm ngoài top ba huy chương Olympic kể từ Sydney 2000.
Vương Quốc Anh có thể cạnh tranh ở 21 môn để giành 63 huy chương (17-20-26). Trong khi đó, chủ nhà Pháp ít hơn ba huy chương, nhưng có thể giành đến 27 vàng, bên cạnh 21 bạc và 12 đồng.
Các vị trí tiếp theo trong top 10 là Australia với 54 huy chương (15-23-16), Nhật Bản (47-13-13-21), Italy (46-11-19-16), Đức (35-11-12-12), Hà Lan (34-16-10-8) và Hàn Quốc (26-9-4-13).
Trong top 30, các quốc gia và vùng lãnh thổ châu Âu chiếm 17 vị trí, xếp sau là châu Á (5), châu Mỹ (4), châu Phi và châu Đại dương (2). Brazil là quốc gia Nam Mỹ có thứ bậc cao nhất là 13, với 18 huy chương (8-4-6). Quốc gia châu Phi gọi tên Ethiopia, đứng thứ 20, với 12 huy chương (6-3-3).
Khu vực Đông Nam Á được dự báo không có quốc gia nào giành hơn một HC vàng. Trong khi đó, chỉ tiêu của Thái Lan sáu HC vàng và ba HC bạc, còn Indonesia là ba HC vàng. Malaysia và Philippines đặt mục tiêu giành một HC vàng. Việt Nam và Singapore là có huy chương.
Tính toán của Gracenote dựa trên kết quả các giải đấu tầm thế giới và châu lục, kể từ Olympic Tokyo 2021. Riêng Các VĐV Nga và Belrarus đều vắng mặt trong các giải đấu từ tháng 2/2022, dẫn đến khó tính toán cơ hội. Tuy nhiên, quá trình xây dựng bảng thứ bậc ảo được cho không ảnh hưởng nhiều, do số lượng VĐV của hai nước trên bị hạn chế.
Kể từ Olympic mùa hè đầu tiên năm 1986, Mỹ là đoàn thể thao giành nhiều huy chương vàng nhất, với 1.061, trong tổng số 2.629 huy chương. Xếp sau là Liên Xô cũ (395-1.010), Vương quốc Anh (284-916), Trung Quốc (263-636).
Mỹ dẫn đầu ở bảng tổng sắp huy chương 18 trong 33 kỳ Olympic, tám kỳ đứng nhì, hai kỳ đứng ba và một kỳ không tham dự là Moscow 1980. Liên Xô cũ đứng sau với sáu lần đứng đầu các kỳ 1956, 1960, 1972, 1976, 1980, 1988. Xếp sau với một kỳ là Pháp 1900, Anh 1908, Đức 1936, Trung Quốc 2008 và Đoàn thống nhất (12 trong 15 nước thuộc Liên Xô cũ) năm 1992.
Mỹ cũng nắm hai kỷ lục là 231 huy chương và 83 HC vàng, lần lượt lập nên trên sân nhà, ở St.Louis 1904 và Los Angeles 1984.
Trung Thu
Nguồn tin: https://vnexpress.net/sieu-may-tinh-du-doan-my-lan-thu-tam-dung-nhat-olympic-4773778.html