Chuyên gia Đoàn Minh Xương đánh giá cao năng lực chuyên môn của HLV Kim Sang-sik, đồng thời hy vọng đội tuyển có cơ chế đặc biệt để vươn tầm sau chức vô địch ASEAN Cup 2024.
– Việt Nam đã vô địch ASEAN Cup 2024 – thành tích cao hơn nhiều so với kỳ vọng trước giải. Từ góc độ của một người làm chuyên môn, ông đánh giá thế nào về hành trình đã qua của đội tuyển?
– Với những người gắn liền cả sự nghiệp làm bóng đá như tôi, tôi thực sự tự hào về các cầu thủ. Đã lâu lắm rồi tôi mới thấy họ thi đấu kiên cường, quả cảm như thế, nhất là ở lượt về chung kết trên sân của Thái Lan.
Đó là trận đấu chúng ta chịu nhiều áp lực, từ việc phải thi đấu trên sân khách, sức ép của hàng chục nghìn khán giả và tính chất của một trận quyết định. Nhưng, các cầu thủ Việt Nam vẫn đứng vững.
Có lúc chúng ta bị dẫn trước, vấp phải những tiểu xảo dễ gây ức chế từ Thái Lan rồi mất tiền đạo chủ lực Nguyễn Xuân Son. Ở vào một thời điểm khác, có thể đội tuyển sẽ sụp đổ và nhận một thất bại bẽ bàng. Nhưng, lần này các cầu thủ đã thể hiện bản lĩnh tuyệt vời, một tinh thần thép. Chiến thắng trong nghịch cảnh này khiến tôi liên tưởng đến trận chung kết của Bồ Đào Nha năm 2016. Dù mất thủ quân Cristiano Ronaldo vì chấn thương, các cầu thủ Bồ Đào Nha vẫn chiến đấu đến cùng để thắng Pháp.
– Nhưng đối phương một lần sút dội xà rồi sau đó dính thẻ đỏ dẫn đến thiếu người và đá phản ở thời điểm nhạy cảm. Ông nghĩ sao khi có ý kiến cho rằng Việt Nam gặp may mắn.?
– Trong bóng đá có nhiều biến số. Nhiều khi bạn thắng chỉ vì mắc ít sai lầm hơn đối thủ. Cho nên, sẽ rất vô cùng để nói về chuyện “nếu thế này” hay “nếu thế kia”.
Đúng là Việt Nam may mắn ở một số tình huống, nhưng Thái Lan cũng có thể mừng thầm khi thấy Xuân Son chấn thương phải rời sân. Họ cũng nên tự trách mình khi cố chấp, nhận bàn thắng thiếu fair-play của Supachok. Bàn đó như chạm đến lòng tự trọng của cầu thủ Việt Nam, giúp kích hoạt tinh thần máu lửa và thi đấu không biết mệt mỏi, mở ra nhiều cơ hội khiến Thái Lan lúng túng trong phần còn lại của trận đấu.
– Ngoài yếu tố tinh thần, ông đánh giá HLV Kim Sang-sik đã có những đối sách và chiến lược gì nổi bật tại giải này?
– HLV Kim là người khó đoán. Không ai nghĩ ông ấy sẽ cho tiền đạo Phạm Tuấn Hải đá chính trong trận lượt về chung kết với Thái Lan, nhất là khi cầu thủ này không được thi đấu phút bàn nào tại lượt về bán kết với Singapore rồi lượt đi chung kết với Thái Lan. Tôi nghĩ đối phương cũng bất ngờ vì họ có lẽ đã nghĩ chỉ đề phòng Bùi Vĩ Hào hay Nguyễn Tiến Linh. Có thể nói, Tuấn Hải là “con dao trong tay áo” của HLV Kim.
Còn về chiến lược, như tôi đã nói, chúng ta đã đi đúng hướng cho ASEAN Cup. Lúc HLV Kim mới nhậm chức cách đây sáu tháng, người hâm mộ cũng nôn nóng, mong muốn ông ấy đưa bóng đá Việt Nam trở lại ngay lập tức vì quá thất vọng dưới thời HLV Troussier. Nhưng Kim đã thực hiện chiếc lược chậm mà chắc. Đầu tiên, ông ấy gọi nhiều cầu thủ kỳ cựu, các công thần lên tuyển. Kế đến là lứa cầu thủ trẻ được bổ sung. Ông thẩm định lại lực lượng cầu thủ Việt Nam, kiểm tra năng lực, phong độ và sở trưởng, sở đoản của từng cầu thủ có phù hợp với triết lý của mình hay không. Những ngày đầu, đội tuyển của ông Kim thi đấu bế tắc, cầu thủ thiếu nhuệ khí, thể lực kém, lối chơi không bài bản. Nhưng ông ấy đã chấp nhận thua để vỡ ra điều cần thiết.
Đến với ASEAN Cup, Kim không cần phải tập huấn với những đối thủ mạnh, sang Hàn Quốc đổi gió, đá với các CLB hạng dưới nhưng từ đó kích thích cầu thủ. Ông sẵn sàng gạt bỏ những cầu thủ thể lực kém, tính chiến đấu không cao để chọn ra 26 cái tên tốt nhất theo cách tính của ông, dù bản danh sách ban đầu rất nhiều tranh cãi. Những gương mặt mới như Bùi Vĩ Hào, Nguyễn Văn Vĩ, Doãn Ngọc Tân, Trần Trung Kiên… Bên cạnh đó là sự kết hợp với các cầu thủ cũ làm nòng cốt cho đội tuyển. Đặc biệt, sự có mặt của tiền đạo Nguyễn Xuân Son giúp ông Kim đi đến thành công.
Tóm lại, HLV Kim đã có một lộ trình hoàn chỉnh và hoàn hảo để lên ngôi vô địch.
– Còn về chiến thuật và triết lý bóng đá, ông thấy HLV Kim định hình về chuyện này thế nào?
– Qua giải đấu, chúng ta thấy HLV Kim xây dựng triết là phòng ngự – phản công với sơ đồ 3-4-2 và 3-5-2. Việt Nam ra sân phá sức đối thủ trong hiệp một rồi ghi bàn trong hiệp hai để giành chiến thắng. Để làm điều đó, qua nhiều trận thử nghiệm ở vòng bảng, từ các trận dễ đến khó, Kim dần lộ ra đội hình ưng ý. Trong đó, thủ môn Đình Triệu chiếm suất bắt chính dù chuyên môn không nổi bật hơn Filip Nguyễn. Anh chỉ hơn các đối thủ về sự kết nối và chỉ huy tốt. Bộ ba trung vệ có Bùi Tiến Dũng – Nguyễn Thành Chung – Phạm Xuân Mạnh. Cặp tiền vệ trung tâm sau nhiều lựa chọn thì Doãn Ngọc Tân và Nguyễn Hoàng Đức vẫn ưng ý nhất. Trong khi Ngọc Tân tranh chấp, càn lướt tốt, còn Hoàng Đức cầm bóng, giữ nhịp, xâm nhập vòng cấm và chuyển đổi trạng thái đúng thời điểm. Bên cạnh Son đá cắm thì các cầu thủ có thiên hướng tấn công như Châu Ngọc Quang, Bùi Vĩ Hào, Nguyễn Hai Long luôn được ưu tiên.
Nhìn chung, những sơ đồ chiến thuật này không có gì mới. Nhưng chính cách sắp xếp con người khó đoán tạo ra sự nguy hiểm cho Việt Nam. Trong đó, tôi đặc biệt ấn tượng với sự phát hiện Phạm Xuân Mạnh. Đây là cầu thủ trước chỉ đá hậu vệ nhưng bây giờ được kéo vào đá trung vệ. Khi cần, cầu thủ người Nghệ An vẫn có thể đá hậu vệ biên. Bởi Xuân Mạnh có thể lực tốt, tranh chấp bóng bổng rất cừ. Chưa kể, nếu các bạn để ý kỹ, Xuân Mạnh cũng có những pha chuyền dài, chuyển trạng thái tấn công mạnh.
– Bóng đá Việt Nam có thể rút ra được điều gì từ chức vô địch ASEAN Cup?
– Trước đây, vì mục tiêu đi World Cup, chúng ta đã nôn nóng và lựa chọn HLV Troussier chưa phù hợp dẫn đến thất bại. Tôi không muốn nói trước ASEAN Cup, nhưng bóng đá chúng ta đã xuống đáy, đánh mất niềm tin với người hâm mộ. Vậy nên, chức vô địch này là động lực vô cùng lớn, là chiếc phao để đưa chúng ta nổi trở lại.
Điều thứ hai, từ thành công này sẽ mở ra những định hướng để phát triển. Ngoài những mục tiêu ngắn hạn như SEA Games hay Asian Cup 2027 thì mục tiêu World Cup 2030 là thực tế. Để làm những điều đó, chúng ta cần vạch ra những lộ trình cụ thể. Đầu tiên, tiếp tục nhập tịch cầu thủ. Sự có mặt của Son cho thấy hiệu quả tối đa và cơ chế cũng đã mở. Nhưng tất nhiên, phải xem xét nhập tịch cầu thủ nào chất lượng, phát huy tối đa chuyên môn của họ. Thứ hai, lựa chọn HLV người Hàn Quốc là phù hợp nhất. Vì ngoài văn hóa dễ hội nhập, triết lý bóng đá của các HLV Hàn là cần giàu thể lực và sức chiến đấu, phù hợp với cầu thủ Việt Nam. Còn chơi bóng kiểm soát, không phù hợp với cầu thủ Việt Nam. Thứ ba, xây dựng nền tảng thể lực cho cầu thủ. Điều này Liên đoàn bóng đá Việt Nam cần phối hợp nhiều hơn nữa với các CLB để cùng hỗ trợ các tuyến trẻ. Nghiên cứu, áp dụng nguyên tắc FIFA, các lượt trận FIFA Days chúng ta cũng nghỉ ngắn hạn, tập trung cho thể lực cầu thủ. Như ASEAN Cup, chúng ta chỉ mất 1,5 tháng là vừa đủ. Không tập trung dàn trải, dài hạn ảnh hưởng rất nhiều đến tâm sinh lý và cả thể trạng cầu thủ. Cứ bám theo nguyên tắc FIFA để điều chỉnh hài hòa mục tiêu của mình.
Theo tôi, qua chức vô địch này nhà nước cũng nên tạo ra cơ chế đặc thù cho bóng đá để huy động được mọi nguồn lực xã hội. Rõ ràng, bóng đá Việt Nam có tiềm năng và muốn vượt ra khỏi khu vực, vươn tầm châu Á và thế giới, cần có chính sách đặc thù. Thậm chí lấy bóng đá thí điểm để phát triển các bộ môn khác.
Chuyên gia bóng đá Đoàn Minh Xương sinh năm 1959, là cầu thủ rồi HLV ở các CLB như Đồng Tháp, Tiền Giang, U20 Việt Nam, Bình Dương, Quân khu 7, Bà Rịa Vũng Tàu, Ninh Bình, TP HCM… Ông từng cùng bóng đá Đồng Tháp vô địch các năm 1989 và 1996, vô địch giải hạng Nhất cùng Quân khu 7 năm 2007.
Ông cũng là giảng viên dạy bóng đá của Trường Đại học TDTT TP HCM đồng thời là “cha đẻ” của chương trình Bóng đá học đường đang được Liên đoàn bóng đá TP HCM áp dụng. Ông hiện tham gia công tác phát triển bóng đá cộng đồng của Liên đoàn bóng đá TP HCM.
Đức Đồng
Nguồn tin: https://vnexpress.net/ong-doan-minh-xuong-thanh-cong-cua-hlv-kim-sang-sik-den-tu-cach-dung-nguoi-4836490.html