Khi Nga vắng mặt tại Paris 2024, một số quốc gia khác đã vươn lên trên bảng tổng sắp huy chương.
Nga vốn là một cường quốc thể thao tại Olympic. Tiếp nối thế mạnh từ thời còn ở trong Liên bang Xô viết, nhiều bài thi đấu của VĐV Nga được xem là chuẩn mực trong những môn mang tính đồng diễn, như bơi nghệ thuật hay thể dục nhịp điệu. Nga cũng từng thống trị môn vật và là đối trọng số một của Mỹ ở môn điền kinh. Thể thao xứ Bạch Dương cũng sản sinh ra nhiều “quái kiệt” như Svetlana Romashina (bơi nghệ thuật), Alexei Nemov (TDDC), Stanislav Pozdnyakov (đấu kiếm) hay Yelena Isinbayeva (nhảy sào).
Từ đại hội 1996 đến 2020, Nga luôn nằm trong top 5, trong đó hai lần đứng nhì và hai lần đứng ba. Vị trí thấp nhất trong giai đoạn này là thứ năm ở Olympic 2020, thời điểm các VĐV của họ phải thi đấu dưới danh nghĩa Ủy ban Olympic Nga do án phạt liên quan đến doping.
Đến Olympic 2024, quốc gia Đông Âu này, cùng với nước láng giềng Belarus, bị tước tư cách tham dự do cuộc xung đột ở Ukraine.
Diện mạo Olympic khi Nga vắng mặt
Ở sân chơi này, bên cạnh các môn thế mạnh kể trên, Nga cũng là cường quốc taekwondo, tennis, boxing, đấu kiếm, TDDC hay các nội dung nhảy cao, nhảy sào, đi bộ… Tại Tokyo 2020, họ vẫn trình làng những ngôi sao. Ở môn bơi, Evgeny Rylov giành hai HC vàng bơi ngửa 100m và 200m nam. Tương tự, xạ thủ Vitalina Batsarashkina giành cú đúp HC vàng 10m súng ngắn hơi nữ và 25m súng ngắn nữ.
Việc Nga vắng mặt năm nay tạo điều kiện cho một số quốc gia nâng cao thành tích. Trong đó, đáng chú ý là việc Trung Quốc giành trọn bộ hai HC vàng bơi nghệ thuật. Đây là môn mà Nga đã giành mọi HC vàng từ đại hội 2000, khi nó được đổi tên như hiện nay, cho đến 2020. Trung Quốc còn thoát khỏi cái bóng của Nga để giành HC vàng đồng đội thể dục nhịp điệu. Đây là ba tấm HC vàng rất quan trọng để quốc gia châu Á này bắt kịp Mỹ – lần đầu họ làm được điều này nếu không tính Olympic 2008 trên sân nhà.
Ở Tokyo 2020, các VĐV Nga bất ngờ giành cả hai HC vàng toàn năng đồng đội nam, nữ của môn TDDC. Năm nay, khi không có sự cạnh tranh từ họ, Simone Biles và đồng đội dễ dàng mang về HC vàng đồng đội nữ cho Mỹ, còn Nhật Bản vô địch đồng đội nam.
Với việc Batsarashkina vắng mặt, Hàn Quốc thâu tóm hai bộ HC vàng xạ thủ này từng đoạt ở Tokyo. Bắn súng là môn thế mạnh của Hàn Quốc, nhưng thực tế là các nữ xạ thủ nước này không thể giành HC vàng ở Olympic 2016 và 2020. Năm nay, họ lại đoạt tới ba HC vàng. Điều này giúp Hàn Quốc giành tổng cộng 13 HC vàng, cân bằng kỷ lục họ từng làm được ở Olympic 2008 và 2012.
Nga luôn giành nhiều HC vàng nhất ở môn vật từ Olympic 1996 tới 2016. Nhưng từ đại hội 2020, Nhật Bản thay thế vị trí của họ. Ba năm trước, Nga vẫn giành bốn HC vàng môn này, còn Nhật Bản giành năm. Tại Paris, khi các VĐV Nga vắng mặt, Nhật Bản đã giành tới tám HC vàng môn vật, hơn sáu so với Iran, Mỹ và Bulgaria. Nhờ đó, Nhật Bản kết thúc Olympic 2024 với số HC vàng nhiều nhất lịch sử (20) nếu không tính đại hội 2020 khi làm chủ nhà (27), qua đó đứng thứ ba toàn đoàn.
Nga từng giành hai HC vàng hạng 80kg và trên 80kg nam môn taekwondo ở Olympic 2020. Hôm 5/8, Chủ tịch Liên đoàn taekwondo thế giới (WT) Chungwon Choue nói rằng sự vắng mặt của các VĐV Nga khiến môn này trở nên khó đoán hơn, đồng thời thừa nhận thất vọng khi thiếu các võ sĩ Nga ở Olympic 2024.
Các nội dung đánh đôi môn tennis cũng là sở trường của Nga. Năm 2016, họ giành HC vàng đôi nữ, và đến 2020 thì vô địch đôi nam nữ. Các nam võ sĩ Nga cũng thường thống trị các hạng nhẹ và hạng lông môn boxing. Năm nay, họ vắng mặt, những tấm HC vàng này được chia khá đồng đều cho nhiều quốc gia khác. Trong đó có hai bộ HC vàng đổi qua tay Ukraine, ở nội dung nhảy cao nữ và kiếm chém đồng đội nữ. Đây là cơ sở giúp quốc gia láng giềng của họ rời Paris với ba HC vàng, đứng thứ 22 toàn đoàn.
Dù bị ngăn trở, thể thao Nga vẫn để lại dấu ấn ở Olympic 2024
Trên đất Pháp hè này, VĐV Nga và Belarus tham dự trên danh nghĩa “VĐV cá nhân độc lập”. Trong đó, có 15 VĐV Nga, giảm hơn 95% so với số lượng đại hội gần nhất là Tokyo. Từ khi lần đầu xuất hiện ở Olympic 1996 tại Atlanta (Mỹ), đoàn thể thao Nga luôn đến các kỳ Olympic với quân số trên 300 VĐV, ngoại trừ năm 2016 có 282 VĐV do bị cấm tham dự môn điền kinh.
Đoàn “VĐV cá nhân độc lập” năm nay giành một HC vàng, ba bạc, một đồng. Trong đó, HC vàng duy nhất thuộc về VĐV Belarus Ivan Litvinovich ở nội dung giàn nhún nam. Diana Shnaider và Mirra Andreeva đem về huy chương duy nhất mà những VĐV người Nga giành được, khi về nhì ở nội dung đôi nữ tennis.
Hai lần tổ chức gần nhất, Nga không được phép xuất hiện trên tư cách một quốc gia. Sự khác biệt lớn nhất giữa năm nay và ba năm trước là họ bị loại hoàn toàn khỏi các môn thể thao đồng đội. Ngoài ra, VĐV Nga chỉ được tham gia trên tư cách cá nhân và không được sử dụng hộ chiếu Nga để đăng ký. Vì bị phân biệt đối xử, các VĐV cử tạ và TDDC Nga từ chối tham gia vòng loại Olympic.
Vượt ngàn chông gai để đến Paris nhưng thử thách chưa dừng lại. Các VĐV Nga bị kỳ thị, đặc biệt bởi các VĐV Ukraine – quốc gia cử 140 VĐV dự thi 22 môn thể thao. Nhà vô địch đấu kiếm Ukraine Olga Kharlan đã yêu cầu Ủy ban Olympic quốc tế (IOC) kiểm tra kỹ tư cách các VĐV Nga, không để họ lách luật dự Olympic. VĐV Nga bị cô lập ở làng VĐV và rất ít người muốn làm bạn với họ.
Họ còn không được thừa nhận bởi nhiều đồng hương. Dmitry Puchkov, một nhà báo nổi tiếng của kênh phát thanh quốc gia Nga, thẳng thừng nói: “Họ không đại diện cho nước Nga. Đó không phải đội Olympic của chúng tôi và chúng tôi sẽ không cổ vũ cho họ”. Một vài chính trị gia, cơ quan báo chí Nga gọi các VĐV nước này tham dự Olympic 2024 là “kẻ phản bội”. Không ít VĐV Nga, dù được IOC mời, đã rút lui vài tuần trước khi sự kiện khai mạc vì không chịu nổi sức ép.
Tuy nhiên, 15 VĐV Nga đã chấp nhận đánh đổi để góp mặt tại Paris. Nhiều người trong số họ còn trẻ, hoặc chưa từng biết không khí Olympic là thế nào. “Gia đình tự hào về tôi. Đó là điều quan trọng nhất”, tay vợt tennis Shnaider nói, đồng thời khẳng định cô đang tận hưởng cảm giác lần đầu dự Olympic. “Vẫn còn nhiều người Nga ủng hộ chúng tôi. Họ nhắn tin khích lệ chúng tôi trước mỗi trận đấu”.
Thực tế, nhận vé mời của IOC và tham dự trên tư cách độc lập không phải con đường duy nhất để VĐV Nga đến Olympic. Theo thống kê của đài NRK (Na Uy), có ít nhất 82 VĐV sinh ở Nga góp mặt tại Paris, trong đó hơn 60 người thi đấu cho quốc gia khác theo một kiểu “tị nạn thể thao”.
Trong số này, có những người rời Nga từ khi còn nhỏ, cũng người chuyển quốc tịch sau khi cuộc chiến Nga – Ukraine. Kình ngư Anastasia Kirpichnikova từng thi đấu cho Ủy ban Olympic Nga ở Olympic 2020 nhưng năm nay, cô chuyển sang khoác áo nước chủ nhà Pháp. Kirpichnikova tập luyện ở Pháp nhiều năm trước khi giành HC bạc 1500m tự do nữ, về sau Katie Ledecky (Mỹ).
Ngày 11/8, trên mạng xuất hiện tấm ảnh gây sốt: Anastasia Bliznyuk, VĐV thể dục nhịp điệu từng giành hai HC vàng Olympic cho Nga, mỉm cười nhìn các họ trò ở tuyển Trung Quốc vô địch nội dung đồng đội môn này. Từ Olympic 2000 tới 2016, Nga đã giành toàn bộ 10 HC vàng thể dục nhịp điệu.
Ở nội dung cá nhân của môn này, VĐV Đức Darja Varfolomeev chiến thắng. Varfolomeev sinh ở Nga, có mẹ là cựu VĐV thể dục nhịp điệu. Cô chuyển đến Đức năm 2019 khi 12 tuổi và được huấn luyện bởi HC bạc Olympic 2000 người Nga Yulia Raskina.
Nội dung: Quang Huy
Đồ họa: Quang Tuệ
Nguồn tin: https://vnexpress.net/olympic-thay-doi-the-nao-khi-khong-co-nga-4780611.html