Hồi 10 tuổi, Triệu Hâm Hâm mải xem hoạt hình nên từ chối đề nghị đánh cờ tướng với một vị khách đến nhà nên bị bố tát vào mặt.
Kỳ đàn Trung Quốc gần 20 năm qua, hiếm có ai giữ vị trí ổn định trong Top 10 như Triệu Hâm Hâm. Hứa Ngân Xuyên hay Tôn Dũng Chinh đã giải nghệ vài năm, còn Lữ Khâm qua thời đỉnh cao. Vương Thiên Nhất và Trịnh Duy Đồng lại thuộc thế hệ nổi lên từ sau năm 2010. Có chăng chỉ Tưởng Xuyên và Hồng Trí bền bỉ trong Top 10 nhiều như Hâm Hâm.
Nhắc tới Hâm Hâm, giới bình cờ thường thêm cụm từ “Lục Mạch Thần Kiếm”, ám chỉ lối chơi công sát, và mạo hiểm của anh. Biệt danh này là một tuyệt kỹ nổi tiếng trong các tiểu thuyết của Kim Dung, được nhiều người mến mộ gán cho kỳ vương thứ 13 trong lịch sử cờ tướng Trung Quốc.
Hâm Hâm sinh ngày 29/6/1988 tại thành phố Ôn Lĩnh, Thai Châu, tỉnh Chiết Giang, vô địch quốc gia ở tuổi 19, trẻ thứ ba lịch sử, sau Hồ Vinh Hoa (15 tuổi) và Hứa Ngân Xuyên (18 tuổi). Chữ “hâm” trong tiếng Hán nghĩa là “giàu có”, và anh cũng sinh ra trong một gia đình có điều kiện. Thành công của Hâm Hâm có dấu ấn đậm nét từ bố, ông Triệu Hữu Tăng.
Ông Triệu sở hữu một doanh nghiệp sản xuất đá mài, được bầu làm Phó chủ tịch danh dự của Liên đoàn cờ tướng Chiết Giang. Dĩ nhiên, ông cũng là một người mê cờ, và ông đã làm mọi thứ để con trai thành công trong tinh hoa kỳ đàn, thậm chí bằng những hình thức trái luật.
Hâm Hâm từng nói anh quan tâm tới cờ tướng từ năm sáu tuổi, khi thấy bố thường xuyên đánh cờ. Nhưng khi lên bảy tuổi, ông Triệu mới dạy con trai chơi cờ. Sau chưa đầy một năm, Hâm Hâm đã đủ sức đánh bại bố.
Từng phỏng vấn với Sina năm 2005, Hâm Hâm nói rằng bố chưa bao giờ tặng quà cho anh, luôn cằn nhằn và cũng hiếm khi khen ngợi. Ông Triệu thường nói rằng con trai không biết quý trọng phước lành được ban, đó là năng khiếu chơi cờ. Hâm Hâm chỉ bị bố đánh đúng một lần trong đời, và hành động đó làm anh nhớ mãi.
Năm Hâm Hâm lên 10 tuổi, ông Triệu rủ vài người bạn cờ tới nhà, rủ con trai chơi cờ với khách. Nhưng do mải xem chương trình hoạt hình ưa thích, cậu bé từ chối thi đấu. Ông Triệu cảm thấy xấu hổ, bèn tát con trai trước mặt khách. “Bố con tôi đều cảm thấy xấu hổ lúc đó, và tôi cũng đã bật khóc”, Hâm Hâm kể. “Nhưng sau này nghĩ lại, tôi chỉ thấy buồn cười”.
Ông Triệu sau đó cho con trai một chiếc máy tính xách tay trị giá 14.000 tệ (gần 50 triệu đồng). Chiếc máy đó được ông mua một năm trước đó để phục vụ cho công việc của bản thân. Nhưng khi thấy kỳ vương Lữ Khâm cũng mang laptop tới một giải đấu và chia sẻ rằng nó giúp nhiều cho việc chuẩn bị ván đấu, ông Triệu trao lại máy cho Hâm Hâm luyện cờ.
Chỉ cần con trai có thể cải thiện trình độ chơi cờ, ông Triệu không ngần ngại hy sinh điều gì. Ông cho con trai tới một lớp học cờ vua ở Ôn Lĩnh, và thậm chí nhiều lần thuê Đại sư Vương Hâm Hải từ Bắc Kinh vượt hơn 1.000 km tới Chiết Giang để dạy cờ cho Hâm Hâm trong 4, 5 năm.
Ôn Lĩnh không phải một nơi phổ biến cờ tướng, thiếu kỳ thủ nghiệp dư trình độ cao. Vì thế, ông Triệu mua ô tô để đưa con trai tới các thành phố cấp huyện, hay địa cấp thị khác ở Chiết Giang để tăng tính cọ xát. “Tôi nhớ nhất có lần hai bố con đi đánh cờ với một Đại sư, đúng hôm trời mưa to và đường ngập nước tới đầu gối nên xe không thể tiếp tục đi”, Hâm Hâm kể lại. “Vì thế bố đã cất xe vào vệ đường, xắn quần lên và cùng tôi lội nước tới nhà đại sư đó”.
Đại sư là danh hiệu cao thứ hai của cờ tướng Trung Quốc sau Đặc cấp đại sư, dành cho kỳ thủ từng đứng trong Top 16 giải cá nhân toàn quốc, vô địch giải trẻ, hoặc đạt thành tích cao ở hai giải này trong bốn năm. Trung Quốc có khoảng vài trăm Đại sư như vậy.
Tuy nhiên một Đại sư sẽ không đánh với kỳ thủ trẻ như Hâm Hâm mà không có lợi ích gì. Ông Triệu cũng không muốn các ván đấu mang tính học tập trả phí, vì cao thủ có thể nhường cho con trai ông thắng. Vì thế, ông đặt cược cho các ván đấu, thường là người thua phải trả 100 tệ (khoảng 350.000 đồng) cho người thắng.
Ông Triệu không biết đã tốn bao nhiêu tiền cược cho các ván đấu của con trai, nhưng ông không bận tâm. Bởi theo ông, chỉ có cách này mới giúp Hâm Hâm nâng cao trình độ nhanh chóng. Nhưng khi thấy Hâm Hâm vượt qua trình độ của một đối thủ nào đó, ông đưa con tới gặp người khác có trình độ cao hơn.
Phương pháp này giúp trình độ của Hâm Hâm thăng tiến nhanh. Năm 2000, Hâm Hâm giành giải nhì U12 toàn quốc. Sau đó hai năm, ở tuổi 14, anh đã vô địch U16 toàn quốc và được phong cấp Đại sư.
Cũng vì khao khát con trai thành công nhanh chóng, ông Triệu chấp nhận đi đường tắt. Tháng 5/2005, tại giải Đại sư tái toàn quốc ở Thượng Hải, dành cho những kỳ thủ cấp Đại sư trở lên, Hâm Hâm và Tưởng Xuyên – cũng là một kỳ thủ gốc Chiết Giang nhưng đầu quân cho Bắc Kinh – cùng đứng đầu với 6,5 điểm sau 8 ván, và chỉ còn một ván nữa. Nhà vô địch sẽ nhận 15.000 tệ (52 triệu đồng) và được phong Đặc cấp đại sư, còn á quân nhận 10.000 tệ
Theo lời kể của Hâm Hâm, tối trước trận, Tưởng Xuyên, khi đó 21 tuổi, hẹn anh đi dạo rồi đề xuất: “Nếu hai anh em đứng Top 2, ai vô địch thì sẽ nhận chức Đặc cấp đại sư, nhưng phải trao tiền thưởng cho người thua. Theo cách này, một người có danh tiếng, một người có lợi nhuận, đôi bên cùng vui”.
Hâm Hâm đồng tình với đề xuất đó, rồi kể lại với ông Triệu. Ông nói rằng tiền bạc không thể quan trọng bằng chức vô địch và danh hiệu “Đặc cấp đại sư”. “Vì thế, con hãy cố gắng cật lực thắng ván cuối”, ông nói thêm.
Ông Triệu sau đó còn gọi điện cho một số người quen, chi tiền để đảm bảo con trai sẽ vô địch, trong đó có Từ Siêu – đối thủ của Hâm Hâm ở ván cuối. Nhưng khi Hâm Hâm gọi điện cho Từ Siêu để nói về ý định này, kỳ thủ đội Giang Tô lại từ chối. Anh cho rằng ván cuối vẫn quan trọng vì nếu thắng anh có thể vào Top 3.
Ở ván cuối, Tưởng Xuyên hòa nhanh Vương Dược Phi, rồi trở về phòng mà không nán lại xem ván đấu giữa Hâm Hâm và Từ Siêu. Ván đấu đó kết thúc với chiến thắng cho Hâm Hâm, trong thế vượt trội hai xe, hai tốt đối xe pháo. Kết quả này giúp Hâm Hâm vô địch, còn Tưởng Xuyên về nhì.
Sự việc khiến một kỳ thủ lão tướng đội Hà Bắc, Diêm Văn Thanh nghi ngờ. Bởi Tưởng Xuyên vẫn có thể vô địch nếu Hâm Hâm hòa Từ Siêu, do hơn chỉ số phụ. Vì thế, không có lý nào anh bỏ về phòng mà bỏ qua trận của Từ Siêu.
Dựa trên nghi vấn của Văn Thanh, một tờ báo tìm hiểu rồi lên bài: “Kỳ thủ 17 tuổi chi 40.000 tệ để mua danh hiệu Đặc cấp đại sư”, gây chú ý cho nền thể thao Trung Quốc khi đó. Bài viết cho rằng “người trung gian” dàn xếp tỷ số là Đại sư Hồ Khánh Dương.
Các bên đồng loạt phủ nhận cáo buộc. Hâm Hâm cho rằng anh thắng ván cuối nhờ thực lực. Từ Siêu thì nói anh không nhận đồng nào từ Hâm Hâm. Còn ông Triệu cho rằng con trai “quá non nớt nên bị gài bẫy”.
Hâm Hâm chỉ thừa nhận đã trao cho Tưởng Xuyên 15.000 tệ, đồng nghĩa kỳ thủ đội Bắc Kinh được tổng cộng 25.000 tệ với tư cách á quân, còn Hâm Hâm không có đồng nào dù vô địch.
Liên đoàn cờ tướng Trung Quốc (CXA) vào cuộc điều tra, sau đó hủy xét danh hiệu Đặc cấp đại sư của Hâm Hâm và cấm anh thi đấu một năm. Khánh Dương cũng bị đình chỉ một năm. Tưởng Xuyên thì chỉ bị hủy kết quả tại giải và bị chỉ trích trong thông báo.
Truyền thông khi đó đã trách ông Triệu, vì đã tham gia dàn xếp tỷ số. Họ cho rằng Hâm Hâm lúc đó mới 17 tuổi, còn trẻ nên không thể dàn xếp mọi việc.
Sau gần 20 năm, Hâm Hâm lại tái phạm, để bị CXA cấm thi đấu trọn đời theo thông báo hôm 12/1/2005. Anh cũng phải ngồi tù cho hành động mua bán độ, cùng Vương Thiên Nhất hay Dược Phi.
Và lần này, kỳ thủ 37 tuổi sẽ phải chịu hoàn toàn trách nhiệm.
Xuân Bình (theo Sina, Sohu, Zjol)
Nguồn tin: https://vnexpress.net/ky-vuong-co-tuong-trung-quoc-tu-cai-tat-cua-bo-den-vong-lao-ly-4839298.html