Tiến bộ công nghệ thần tốc mang đến cho giới chạy bộ dòng sản phẩm mới để tập luyện với tốc độ, sự phấn khích và thậm chí một chút rủi ro khi sử dụng.
Những đôi giày bị cấm xuất hiện từ lâu trước khi thuật ngữ này xuất hiện trong chạy marathon. Gần 40 năm trước, tại giải bóng rổ nhà nghề Mỹ, siêu sao Michael Jordan đã từng mang một đôi giày màu đỏ đen – Nike Air Jordan 1 “Bred”, vi phạm quy định màu sắc đồng phục thời đó.
Tới năm 2010, giải đấu này tiếp tục náo loạn vì một đôi giày có thể cải thiện khả năng bật nhảy của vận động viên đến từ Athletic Propulsion Lab (APL). Và ngày nay, thương hiệu Air Jordan của Nike là một thương hiệu gạo cội trị giá hàng tỷ đô, còn APL thì tiếp tục ra mắt nhiều mẫu giày cải thiện khả năng bật nhảy.
Nhiều người cho rằng lệnh cấm những đôi giày nói trên hầu hết là chiêu trò marketing. Tuy nhiên, trong thế giới của chạy bộ, đây là câu chuyện hoàn toàn khác. Những đôi siêu giày được chứng minh về khả năng tăng hiệu suất thi đấu cho các elite và cả những runner chạy cho vui. Và công nghệ này đã tiếp cận đến phân khúc giày chạy hằng ngày (daily trainer), mở ra kỷ nguyên của những đôi giày với bộ đệm đồ sộ, hay còn gọi là siêu giày chạy tập (super trainer).
Siêu giày chạy tập là gì?
Không có một định nghĩa chuẩn xác cho khái niệm siêu giày chạy tập. Đây là loại giày có nhiều điểm giống với một siêu giày đua: đế giữa có độ dày lớn, kết cấu đế giữa tối ưu, bộ đệm cao cấp nhiều năng lượng và đôi khi sẽ có tấm trợ lực. Nhưng dòng sản phẩm này không được làm ra để người dùng chạy đua như Nike Vaporfly, adidas Adizero Pro Evo 1, Saucony Endorphin Elite, mà để họ chạy tập luyện hằng ngày.
Siêu giày chạy tập giống siêu giày đua ở bộ đệm cân bằng giữa hỗ trợ và hoàn trả lực. Nhưng khác với siêu giày đua vốn đòi hỏi trọng lượng phải nhẹ, siêu giày chạy tập có thể được thiết kế đầy đặn hơn để đảm bảo độ bền. Ví dụ, siêu giày đua của thương hiệu Thụy Sỹ On Cloudboom Echo 3 có tuổi thọ bốn chặng marathon, chỉ đạt tới khoảng 170 km, thì siêu giày chạy tập phải duy trì được hiệu năng lên tới 800 km.
Để duy trì được tuổi thọ cao, siêu giày tập phải có nhiều cao su đế ngoài để tăng độ bền. Phần thân giày phải dày dặn và mềm mại hơn giày đua, với phần đệm thoải mái ở gót và lưỡi gà. Dây giày phải bền bỉ hơn, và form giày cũng thoải mái hơn để đảm nhiệm được những chặng chạy tập hằng ngày. Và đặc biệt hơn cả, vì không được thiết kế cho việc chạy đua, chiều cao bộ đệm có thể vượt chuẩn (40 mm) của Liên đoàn Điền kinh Thế giới.
Tuy nhiên, siêu giày chạy tập không đơn giản là một loại giày chạy có bộ đệm dày. Siêu giày chạy tập có những cơ chế và chất liệu đệm siêu cấp, giúp tăng hiệu năng chạy bộ và hoàn trả năng lượng tối ưu.
Các thành phần của siêu giày chạy tập
Phân tích cấu tạo của những siêu giày chạy tập trên thị trường cho thấy một vài điểm chung: đế giữa sử dụng bọt đệm siêu cấp với độ dày tối thiểu 40mm, thiết kế hoàn trả năng lượng, và tấm đế giữa trợ lực giúp kết nối và phát huy những công nghệ này khi chạy. Công nghệ này cần tương tác với bàn chân và động năng đúng cách để có thể đảm bảo guồng chạy và hoàn trả năng lượng cho runner.
Sau đây là các thành phần của đế giữa, và cách chúng hoạt động để cải thiện guồng chân cho runner.
– Dáng giày rocker: là dáng giày có độ cong ở phần đế, phần mũi và gót vát cong lên, gần giống độ cong ở chân ghế bập bênh. Thiết kế này cần thiết, bởi bộ đệm dày sẽ không gập lại được khi tiếp và nhấc chân khỏi mặt đất, giúp duy trì chuyển động mượt mà khi chạy.
Các nhà phát triển giày sẽ điều chỉnh điểm cong của dáng giày rocker dựa trên tốc độ và chiều dài sải chân của runner để tác động lên thời gian bước chạy. Thường thì dáng giày rocker xuất hiện nhiều ở siêu giày đua. Tuy nhiên, đây cũng là đặc điểm cần thiết cho siêu giày chạy tập.
Đế dáng rocker mô phỏng lại bàn chân con người khi chuyển động, giúp runner cảm thấy hiệu quả hơn khi chạy. Bàn chân có 3 phần, lần lượt là gót, cổ chân và mũi chân, mà con người sử dụng khi đi bộ hoặc chạy. Phần gót được vát trên giày giúp tiếp đất mượt mà hơn, còn phần mũi được vát cong giúp nhấc chân lên thanh thoát hơn, giảm áp lực lên ngón chân và cổ chân.
Với một số runner, dáng giày rocker có thể giúp bắp chân thoải mái hơn nhờ việc truyền lực tác động lên phần gối và hông. Trải nghiệm của runner sẽ phụ thuộc vào dáng chạy của họ, độ cong dáng rocker được thiết kế thế nào và chân tiếp đất ra sao.
– Bọt đệm siêu cấp: Bọt đệm Polyether Block Amide (PEBA) thường được sử dụng ở các bộ đệm trên siêu giày chạy. Đây là nền tảng cho các bộ đệm như của Nike Zoom X, Saucony Pwrrun PB, Puma Nitrofoam hay Asics FF Blast Turbo. Các thương hiệu nêu trên đều đã đưa bộ đệm trên siêu giày đua xuống bộ đệm trên siêu giày chạy tập của họ.
Hiện nay, các bộ đệm được tạo nên từ PEBA đang dẫn đầu về khả năng hoàn trả năng lượng. Dù một vài nghiên cứu chỉ ra rằng hai loại bọt đệm khác – EVA hay TPU – cũng rất ấn tượng, PEBA vẫn được đánh giá cao hơn vì nhẹ hơn TPU và mềm hơn, nảy hơn EVA. Một số phiên bản đệm từ PEBA sẽ cứng hơn, tùy thuộc vào thương hiệu và sở thích của người sử dụng.
Bộ đệm ở một đôi giày giúp hấp thu chấn khi tiếp đất và tạo cảm giác thoải mái khi chạy, ngoài ra còn hỗ trợ hoàn trả năng lượng cho người sử dụng và ổn định đôi giày. PEBA rất nhẹ nên các hãng có thể dùng rất nhiều vật liệu này trên bộ đệm mà không bị nặng như dùng EVA hay TPU. Kích thước bề ngang của bộ đệm cũng rất quan trọng, điều này giúp đảm bảo sự ổn định cho đôi giày.
Công thức bọt đệm PEBA của mỗi thương hiệu đều nén ở tỷ lệ khác nhau, đem lại độ phản hồi khác nhau, nên mỗi loại đều đem tới một lợi ích riêng biệt cho người dùng. Ví dụ, runner tiếp đất với lực mạnh có thể làm nén quá mức lớp bọt đệm mềm, nên có thể họ sẽ thích bộ đế giữa cứng hơn. Bộ đế giữa cứng sẽ giúp tăng hỗ trợ mà không cần thêm cấu trúc gì. Ngược lại, bộ đế có bọt đệm mềm đem lại sự thoải mái cao hơn, bảo vệ tốt hơn cho người dùng có trọng lượng cơ thể nhẹ. Tuy nhiên, cần lưu ý là có rất nhiều bộ phận trên một đôi giày, cũng như có nhiều đặc điểm khác nhau của những runner khác nhau bên cạnh một bộ đệm siêu cấp với chuyển động và độ phản hồi riêng.
– Tấm đế giữa: Không phải siêu giày chạy tập nào cũng có tấm đế giữa, nhưng số lượng có tấm đế giữa đang ngày càng nhiều. Vì tấm đế giữa giúp phần đế giữa thêm độ cứng và hỗ trợ nhất định, dù nó làm từ nguyên liệu nào: TPU, EVA, PEBA hay sợi Carbon. Thành phần này cũng có thể tăng độ nảy cho mỗi bước chạy, nhưng chức năng chính là để ổn định đôi giày. Siêu giày adidas Adizero Prime X 2 Strung là một ví dụ với chiều cao bộ đệm lên tới 50mm ở gót, cần tới 2 tấm Carbon.
Đối với một số dòng giày cần ít hỗ trợ hơn, nhà sản xuất sẽ tận dụng các vật liệu có độ dẻo, sử dụng các cấu trúc như dạng thanh, hoặc dạng tấm, nhưng chỉ có độ dài tới khoảng một nửa bộ đệm.
Dù tấm đế giữa có thể tạo thêm lực đẩy, các nghiên cứu cho rằng tinh túy của bộ đệm là nằm ở lớp bọt đệm. Tấm đế giữa chỉ “hỗ trợ chuyển động và thêm độ cứng cho phần đệm, cân bằng lại lớp bọt đệm mềm” – theo phó Giáo sư Vật lý Trị liệu Matt Klein, nhà sáng lập chuyên trang Doctors Of Running. Anh cho rằng, tác động của giày chạy có tấm đế giữa cứng là không rõ ràng.
“Tất cả thông tin chúng ta biết được về siêu giày chạy tập là từ việc nghiên cứu siêu giày chạy đua và giày có bộ đệm tối đa. Những đôi giày này yêu cầu đầu gối và hông hoạt động nhiều hơn. Cổ chân sẽ được giảm tải, nhưng điều này không đúng trong mọi trường hợp. Nếu bộ đệm giữa cứng quá, cổ chân sẽ phải làm việc nhiều hơn. Nhưng nếu đệm giữa quá dày, tấm đế giữa lúc này có thể không còn cần thiết nữa, vì lượng nguyên liệu lớn sẽ làm chuyển động phần đệm giữa cứng hơn”, Klein giải thích.
Lợi ích của siêu giày chạy tập
Theo Runner’s World, loại giày này đem lại cảm giác phấn khích trong khi chạy. Người dùng sẽ cảm nhận độ nảy trong từng bước chạy như đang nhảy trên tấm bạt lò xo. Việc chạy tốc độ cao cũng nhàn hơn vì khả năng đàn hồi và hoàn trả năng lượng mà siêu giày chạy tập mang lại.
Ngoài ra, còn có 63 nghiên cứu kết luận rằng siêu giày chạy tập cũng hỗ trợ giảm chấn và giảm tác động lên cơ thể trong quá trình tập luyện. Runner sẽ phục hồi nhanh hơn sau những bài tập chạy gắng sức (threshold), cảm thấy đỡ mỏi cơ bắp hơn vào ngày hôm sau nếu so với giày chạy tập truyền thống. Và với những runner đang muốn tăng khối lượng tập luyện, siêu giày chạy tập sẽ giúp cơ thể đỡ đau nhức hơn.
“Siêu giày chạy tập có những lợi ích tương tự siêu giày chạy đua. Những đôi giày này giúp tăng khả năng chạy của bạn, nên theo tôi những runner có khối lượng tập luyện cao sẽ hưởng lợi nhiều nhất”, phó Giáo sư Klein cho hay.
Tuy nhiên, khả năng hỗ trợ phục hồi của siêu giày chạy tập có thể gia tăng khả năng chấn thương nếu runner tăng khối lượng tập luyện quá nhiều hoặc chạy quá nhanh vào những buổi chạy nhẹ.
Rủi ro của siêu giày chạy tập
Theo Klein, siêu giày chạy tập có thể ảnh hưởng tới dáng đi và cơ chế chuyển động tự nhiên của cơ thể. Rủi ro chấn thương cũng đến từ khác biệt với giày chạy tập phổ thông. Các bằng chứng chỉ ra từ các loại siêu giày là runner có xu hướng bị cứng cơ chân khi chạy trên giày quá cao hoặc quá mềm. Trong ngắn hạn, đây không phải là vấn đề, nhưng về lâu dài, điều này có thể gây áp lực lớn lên các khớp.
Phó Giáo sư Klein cho rằng chạy với siêu giày nhiều sẽ giảm chuyển động khớp, và cơ thể sẽ co cứng lại như một cách để ổn định khi chạy, vì việc giảm chấn không còn cần thiết nữa. Việc này phù hợp với chạy phục hồi hoặc chạy nhanh, nhưng runner cần thời gian thích nghi với giày bình thường nếu chỉ chạy với siêu giày. Vì thế, Klein khuyên runner không nên vội vàng chuyển sang dùng siêu giày chạy tập, và nên có nhiều hơn một loại giày để chạy.
“Với áp lực được đẩy lên phần gối và hông, rủi ro chấn thương ở các bộ phận này sẽ cao hơn. Hông vẫn phải hoạt động ở cường độ cao trên một bề mặt mềm và thiếu ổn định. Những runner có hông yếu hoặc thiếu ổn định nên hạn chế tập với siêu giày”, chuyên gia này nói. Đối với những runner mới, nên tập trung vào việc tập thể lực và tích lũy kinh nghiệm chạy trước khi trải nghiệm siêu giày chạy tập.
Siêu giày chạy tập có tác động không chỉ với phần chân tiếp xúc với bộ đệm giữa mà còn cao hơn nữa, dọc theo chuỗi động học của cơ thể. Siêu giày chạy tập khiến đùi hoạt động nhiều hơn, còn bắp chân và cổ chân thì ít đi. Điều này có lợi với một số runner, ví dụ với những runner bị chấn thương bắp hoặc gân gót chân. Ngược lại, những runner bị căng cơ đùi cần lưu ý, vì phần đùi sẽ phải hoạt động nhiều hơn.
Ngoài ra, lớp bọt đệm dày sẽ tạo ra nhiều khoảng cách giữa bàn chân và mặt đất, làm giảm cảm nhận mặt đất của bàn chân. Runner sẽ dễ bị vấp lề đường khi chạy buổi tối, hoặc khó kiểm soát bộ đệm dày trên bề mặt trơn trượt, nhiều đá dăm. Nếu runner dễ bị lật cổ chân hoặc cần chú ý tới từng bước tiếp đất, siêu giày chạy tập không phải lựa chọn hợp lý.
Đi siêu giày chạy tập có bị phạm quy không?
Nếu là một elite runner, chắc chắn siêu giày với phần đệm gót cao trên 40mm sẽ dẫn tới kết quả không hợp lệ (DQ = Disqualified). Nhưng nếu runner chạy chưa tới mức sub 3 ở chặng marathon để đạt chuẩn Major thì không có vấn đề gì. Runner người Ethiopia Derasa Hurisa vô địch Vienna Marathon năm 2021, nhưng rồi kết quả bị coi là DQ khi ban tổ chức phát hiện ra anh đi siêu giày đua adidas Adizero Prime X, không đạt chuẩn và khác với đôi giày đăng ký đua ban đầu. Năm 2023, cũng có một runner bị đánh DQ tại một giải Half Marathon khi vô địch với đôi giày tương tự.
Một số lựa chọn siêu giày chạy tập phổ biến
Giày chạy không hề rẻ, và những siêu giày chạy tập với bộ đệm tối đa càng đắt đỏ hơn. Những đôi siêu giày chạy tập đều có giá trên 4 triệu đồng, thậm chí là trên 5 triệu đồng.
Adidas Adizero Prime X 2 Strung – 6.500.000đ
On Cloudeclipse – 5.300.000đ
Saucony Kinvara Pro – 4.190.000đ
Tô Thành
Nguồn tin: https://vnexpress.net/ky-nguyen-cua-sieu-giay-chay-tap-4722463.html