Trung QuốcTừ một quốc gia chưa từng tổ chức giải marathon trước năm 1981, Trung Quốc đang chứng kiến sự bùng nổ của môn thể thao này.
Một ngày cuối tháng 4/2024, huyện Đại Hưng ở ngoại ô Bắc Kinh bỗng trở nên đông đúc. 6.000 người tụ hội về đây để dự giải bán marathon Đại Hưng, giải đấu tự đặt tên là “Marathon Bông hoa Bắc Kinh”, dù không có cự ly full marathon, với ý tưởng để người tham dự chạy giữa những con đường hoa.
Đại Hưng không phải lựa chọn hàng đầu, nhưng vẫn thu hút nhiều VĐV tham gia do những người này không thể đăng ký tham dự nhưng giải lớn hơn. Một tuần trước đó, giải bán marathon nổi tiếng nhất Bắc Kinh được tổ chức ở quảng trường Thiên An Môn với quy mô 20.000 runner, nhưng vẫn có rất nhiều người chậm chân nên không có suất.
Những giải marathon hàng đầu Trung Quốc ở Bắc Kinh, Thượng Hải hay Hạ Môn chưa thu hút những chân chạy trứ danh ở tầm quốc tế như Boston, London hay Tokyo, nhưng vẫn ghi nhận số lượng người đăng ký khổng lồ. Giải Bắc Kinh Marathon tháng 10/2023 có đến130.000 người tranh nhau 30.000 suất tham dự. Tuy nhiên, con số này vẫn nhỏ khi so với giải marathon ở Vô Tích, là giải tuyển chọn VĐV dự Olympic Paris 2024 của Trung Quốc, với 265.000 người đăng ký cho 33.000 suất.
Ở Trùng Khánh, thành phố phía Tây Nam Trung Quốc, giải marathon thu hút 100.000 người đăng ký chỉ trong một ngày, và chỉ 4% trong số đó được ra vạch xuất phát qua hình thức quay số ngẫu nhiên. Tháng trước, chỉ trong một dịp cuối tuần, 500.000 runner thi đấu ở 50 giải marathon trên toàn lãnh thổ Trung Quốc.
Không chỉ marathon, các cự ly chạy ngắn hơn cũng trở nên phổ biến. Theo khảo sát của Hiệp hội Hàng Thể thao Trung Quốc, chạy bộ là môn thể thao được yêu thích nhất quốc gia này với 58% người được hỏi cho biết từng tham gia giải chạy, tăng so với 48% của năm 2020. Riêng năm 2023, 6 triệu người Trung Quốc tham gia 699 giải chạy đường dài.
“Năm nay, người người, nhà nhà đổ xô đi chạy marathon”, Shine Zhang, một nhân viên IT tham dự giải bán marathon Đại Hưng cho biết. Theo runner này, tác động của Covid-19 đã khiến người Trung Quốc quan tâm nhiều hơn đến sức khỏe, và chạy bộ là cách phổ biến nhất để rèn luyện.
Tuy nhiên, chạy bộ không chỉ đơn thuần để cải thiện sức khỏe, mà đã trở thành một “mốt” thể thao ở Trung Quốc. Shang Na, phó Chủ tịch Công ty phát triển thể thao Norton Bắc Kinh, nhận định cơn bão chạy bộ ở Trung Quốc ban đầu là một trào lưu trong tầng lớp lao động trí thức ở các thành phố. Những người này tham gia giải chạy vừa để tập thể dục, vừa để tìm kiếm niềm vui và giải phóng tinh thần sau những giờ lao động trí óc.
Nhiều người mê chạy bộ đời đầu tại Trung Quốc được tạo cảm hứng từ Olympic Bắc Kinh 2008. Sự kiện này đã khơi dậy đam mê thể thao trong người dân Trung Quốc. Thành tích ấn tượng gần đây của các chân chạy Trung Quốc cũng tạo ra không khí hào hứng. Năm ngoái, He Jie đã phá kỷ lục marathon Trung Quốc tồn tại trong 16 năm rồi phá thêm lần nữa hồi tháng Ba với thành tích 2 giờ 6 phút 57 giây.
Chính phủ Trung Quốc cũng nhận thấy làn sóng này, và đưa ra chính sách để thúc đẩy chạy bộ phát triển. Năm 2021, họ đưa ra kế hoạch năm năm cải thiện sức khỏe toàn dân, đồng thời nhận định thể dục thể thao là một phần của phong trào “Hiện đại hóa kiểu Trung Quốc”. Tờ Nhân Dân Nhật Báo đánh giá sự phát triển chất lượng của các giải chạy là trọng tâm cho kế hoạch quảng bá văn hóa, công nghệ, môi trường và hợp tác quốc tế của Trung Quốc.
Nhiều thành phố, đô thị nhỏ ở Trung Quốc đang tận dụng “cơn sốt” marathon để thu hút khách du lịch. Theo ban tổ chức Vô Tích Marathon – một trong những giải marathon hàng đầu Trung Quốc, giải đấu đã mang về cho thành phố 282 triệu Nhân dân tệ (khoảng 39 triệu USD) chỉ trong dịp “Siêu cuối tuần Marathon” nhờ lượng khách du lịch tăng vọt.
Từ một “cơn sốt”, chạy bộ đã chuyển mình, trở thành một xu thế ở Trung Quốc. Theo số liệu từ hãng phân tích dữ liệu Ocean Engine, người trong độ tuổi từ 24 đến 30 đã trở thành nhóm nhân khẩu học lớn thứ hai quan tâm đến nội dung chạy bộ trên Douyin, phiên bản TikTok của Trung Quốc, chỉ sau độ tuổi 31 đến 40 – nhóm tuổi yêu thích chạy bộ truyền thống. Trước đây, các giải chạy được xem như “lãnh địa” của nam giới trung niên. Nhưng số lượng người trẻ và phụ nữ tham gia các sự kiện này tăng đột biến những năm qua, càng khiến bib các giải chạy trở nên khan hiếm.
Tuy nhiên, dù mang lại nhiều lợi ích, sự phát triển nhanh chóng của marathon tại Trung Quốc có nhiều điểm bất cập. Số lượng giải tăng nhanh nhưng chất lượng tổ chức chưa theo kịp. Nhiều giải chạy bị phàn nàn vì tổ chức kém chuyên nghiệp, đường chạy chật chội, thiếu nước uống, thậm chí gây nguy hiểm cho VĐV. Vào năm 2021, 21 VĐV tử nạn ở giải ultramarathon tại tỉnh Cam Túc đã gióng hồi chuông cảnh báo về công tác quản lý, tổ chức giải chạy thiếu chuyên nghiệp, xem nhẹ sự an toàn của người tham gia. Bảy thành viên trong ban tổ chức cùng một số quan chức bị bỏ tù và vụ việc cũng khiến chính phủ Trung Quốc phải đánh giá lại quy chuẩn tổ chức các giải thể thao.
Sự cố xuất hiện cả ở những giải lớn. Tại Marathon Đại Liên, một chiếc xe tải đã vượt qua một VĐV elite khi người này đang kết thúc cuộc đua. Ở Thanh Đảo, cuộc đua chật chội đến mức khoảng cách giữa các VĐV quá hẹp, khiến họ không thể nước rút khi về đích.
Hành vi phản cảm của một số VĐV cùng làm xấu hình ảnh của các giải chạy. “Chú Chen”, runner vừa chạy vừa hút thuốc lá, bị cấm tham gia các giải chạy hai năm sau khi tái hiện hành động này ở giải marathon Hạ Môn. Ngay cả kỷ lục gia marathon He Jie cũng gây tranh cãi khi ba VĐV châu Phi được cho là cố tình chạy chậm lại để anh về đích trước ở một giải bán marathon hồi tháng Tư.
Với tham vọng trở thành “cường quốc marathon”, Trung Quốc đang cố gắng cải thiện những vấn đề này, để thu hút các chân chạy hàng đầu thế giới, cũng như tổ chức các sự kiện ở tầm major.
Quang Huy
Nguồn tin: https://vnexpress.net/khi-marathon-tro-thanh-mot-the-thao-o-trung-quoc-4749807.html