Trong cuộc phỏng vấn với Gong.bg, HLV Velizar Popov của CLB Thanh Hóa chỉ ra những hạn chế khiến một số nền bóng đá châu Á khó phát triển, như sự thiếu chuyên nghiệp hay trình độ ngoại ngữ.
– Quá trình đàm phán hợp đồng mới giữa ông và Thanh Hoá đang diễn ra thế nào?
– Mọi thứ phức tạp vì có những vấn đề khá nghiêm trọng khi Thanh Hoá là CLB nhỏ và không có tài chính ổn định. Có những điều khiến tôi nghĩ rằng mình sẽ không tái ký hợp đồng (hết hạn sau mùa 2023-2024) dù đã được đề nghị, vì không thấy mọi thứ ở CLB tốt lên. Tôi nghĩ Thanh Hoá chưa sẵn sàng để tiến lên, chiến đấu vì mục tiêu lớn hơn. Khi tham vọng của tôi không trùng với thực tế ở CLB thì tìm kiếm một hướng đi mới là điều bình thường.
Những thành công trong hai năm qua thay vì giúp phát triển, lại không thể giúp gì trong xây dựng CLB. Họ chậm trễ nhiều lần trong thanh toán lương cho cầu thủ, hay tiền thưởng từ các danh hiệu mùa 2023… Tôi không thể bổ sung lực lượng, lại mất đi bốn cầu thủ giỏi nhất (Nguyễn Minh Tùng, Nguyễn Hữu Dũng, Lê Phạm Thành Long, Bruno Cunha). Chỉ tôi mới hiểu phải trả giá những gì sau khi cùng đội đoạt Cup Quốc gia, Siêu cup quốc gia và lọt top bốn V-League 2023. Thật là một công việc mệt mỏi vì nguồn lực hạn chế. Khi cầu thủ không hạnh phúc vì bị nợ lương, họ sẽ không cống hiến 100% sức lực, suy giảm động lực rồi ảnh hưởng đến kỷ luật, chiến thuật.
– Ông duy trì tâm lý thế nào khi mùa giải còn ba tháng nữa là kết thúc?
– Ba tháng tới sẽ vô cùng khó khăn, nhưng hy vọng tôi sẽ ra đi trong danh dự. Lịch sử sẽ ghi nhận hai năm tôi làm việc với hai danh hiệu, là một trong những giai đoạn thành công nhất kể từ khi CLB thành lập. Nhưng tôi hiểu rằng bóng đá không có ngày hôm qua. Mọi người quan tâm hiện tại, có thể là tương lai – nhưng nó phụ thuộc vào hiện tại. Những chiếc cup sẽ dành cho viện bảo tàng, còn điều được nhớ đến là ấn tượng cuối cùng. Tôi hy vọng đội có thể kết thúc mùa giải tốt nhất có thể, nhưng để lặp lại thành công như mùa trước là điều không tưởng với những gì đang xảy ra.
Suy cho cùng, đây là một phần của trò chơi, nghề nghiệp. Thử thách giúp tôi mạnh mẽ hơn. Từ quan điểm đó, tôi sẽ cố gắng hết sức để hoàn thành mọi thứ tốt nhất. Khi mùa giải kết thúc, tôi sẽ xem điều gì tiếp theo xảy ra, tuỳ thuộc vào các lựa chọn.
– Thử thách tiếp theo của ông sẽ tiếp tục dẫn dắt CLB, hay đến đội tuyển quốc gia?
– Tôi thích làm ở CLB hơn vì không gì bằng được làm việc hàng ngày, tự chuẩn bị mọi thứ dựa vào chính mình. Nếu thất bại, tôi cũng tự hiểu được lý do. Ở CLB, tôi có cơ hội lựa chọn cầu thủ và làm theo quan điểm cá nhân. Kể cả khi khó chiêu mộ cầu thủ, ít nhất tôi cũng có thời gian chuẩn bị trước mùa. ĐTQG khác biệt hơn nhiều vì phụ thuộc vào CLB, dựa vào các HLV khác. Đôi khi chúng ta phụ thuộc vào việc cầu thủ được gọi có thi đấu thường xuyên ở CLB hay không, đặc biệt là những cầu thủ trẻ đang thi đấu ở nước ngoài. Tôi muốn triệu tập và ép cầu thủ chơi nhưng họ không có nhịp điệu thi đấu.
Tuy nhiên, bạn không bao giờ có thể nói không bao giờ mà phải ôn hoà hơn trong lập trường. Đôi khi ĐTQG có lợi thế chuẩn bị cho một giải đấu, với chức vô địch luôn đem lại sức hấp dẫn và khơi dậy động lực. Nhưng mọi chuyện sẽ khác khi bạn chuẩn bị cho vòng loại, hay chỉ một đối thủ. Bạn cần bốn đến năm tháng để chuẩn bị cho một giải đấu, và có khi hai năm cho chỉ một mục tiêu. Vì vậy, quan điểm dẫn dắt CLB hay ĐTQG có sự khác biệt, ưu và nhược nhưng lúc này, tôi thích làm việc ở CLB hơn vì có thể tự quyết mọi thứ.
Năm 2015, đội tuyển đầu tiên tôi dẫn dắt là Maldives. Tôi phải phụ thuộc vào các CLB, HLV địa phương và chỉ có cầu thủ một tuần trước trận. Rất khó để thay đổi tình trạng thể lực, thậm chí là chiến thuật. Ở Myanmar (từ năm 2019 đến 2022), mọi chuyện khác hơn vì tôi dẫn dắt đội Olympic. Tôi đến vào giai đoạn bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid khiến các giải vô địch quốc gia phải tạm dừng, rồi chuyện thiết quân luật, đảo chính. Trong bốn năm ở đây, tôi giống như phụ trách một CLB riêng vì liên tục được làm việc hàng ngày với các cầu thủ. Vì vậy, tôi thích quãng thời gian làm việc ở Myanmar.
– Trong một bài đăng trên mạng xã hội, ông bày tỏ mong muốn làm việc ở châu Âu hoặc Nam Mỹ sau 12 năm ở châu Á. Đây là suy nghĩ tự phát hay dự định có kế hoạch?
– Nó khá phức tạp vì tôi đã làm việc lâu ở châu Á và tạo dựng được danh tiếng tốt. Tôi cũng nhận được những đề nghị hay cho mùa giải mới từ cả CLB lẫn ĐTQG. Tôi nghĩ bất kỳ HLV nào cũng tìm kiếm dự án tham vọng khi bản thân đang ở đỉnh cao sự nghiệp. Vì thế, tôi muốn thử sức ở châu Âu và Nam Mỹ. Nhưng chắc chắn không phải do sự phàn nàn về bóng đá châu Á, vì tôi nợ nơi này mọi thứ.
Hợp đồng của tôi với Thanh Hoá sẽ hết hạn sau khi mùa 2023-2024 kết thúc. Tôi đã nhận được những đề nghị tốt từ châu Âu và cả Việt Nam. Hy vọng sẽ có điều mới mẻ xuất hiện nhưng nếu không tôi vẫn tiếp tục ở châu Á. Tôi không ngại rủi ro, thử thách nếu có đề nghị tốt. Bóng đá muốn thành công đôi khi cần những sự ngẫu nhiên như đội đạt phong độ tốt, tìm đúng người, chọn đúng thời điểm. Nhưng may mắn chỉ đến khi bạn làm việc chăm chỉ và kiên trì.
– Ông thậm chí đã nhắc đến tham vọng làm việc ở Brazil. Vì sao?
– Brazil là giấc mơ từ thời thơ ấu của tôi. Tôi là người hâm mộ cuồng nhiệt Brazil từ đất nước, văn hoá, bóng đá, ngôn ngữ,… Tôi có rất nhiều bạn bè người Brazil và phù rể, cũng là bạn thân của tôi là người Brazil. Trước đây, tôi có vài cơ hội làm việc nhưng không thành công ở bước cuối. Suy cho cùng ước mơ là miễn phí, giúp chúng ta tiến bước. Một lý do khác là HLV nào cũng muốn dẫn dắt những cầu thủ chất lượng. Cầu thủ Nam Mỹ có trình độ vượt trội với phần còn lại. Không phải ngẫu nhiên tất cả các CLB châu Á, châu Âu đều muốn có cầu thủ từ Brazil, Argentina, Uruguay, Colombia, Ecuador,… Nhưng thực tế bóng đá châu Âu vẫn ở đẳng cấp cao nhất với các giải VĐQG hàng đầu, luôn là đích đến của những HLV giàu tham vọng.
Tuy nhiên, một HLV Bulgaria không dễ làm việc ở mọi nơi trên thế giới. Một trong những điều chúng tôi phải chịu là sự phân biệt đối xử với quốc tịch của mình. Chúng tôi cũng không có những HLV tiên phong như Guardiola, Jurgen Klopp, Jose Mourinho để bảo chứng cho chất lượng, mở cửa cho những HLV đồng hương bất kể phẩm chất ra sao.
– Ông đánh giá sao về bóng đá châu Á sau 12 năm làm việc ở đây?
– Bóng đá châu Á đang phát triển rất nhanh. Hầu hết mọi người ở châu Âu hay Bulgaria không biết chút gì về bóng đá ở đây. Châu Á không chỉ có các nước Arab, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc mà phần còn lại rất đáng chú ý. Khá nhiều đội tuyển đã vượt qua một số quốc gia châu Âu, với trình độ thật sự cao cùng sự tôn trọng dành cho nghề huấn luyện. Về phẩm chất, các cầu thủ châu Á khá kỹ thuật, nhanh nhẹn, hoạt bát và năng nổ. Họ khác cầu thủ châu Âu mạnh về sức bền và thể chất.
Nếu xem Asian Cup 2023, bạn sẽ thấy các đội như Nhật Bản, Hàn Quốc, Arab Saudi, Iran, Qatar có thể chơi sòng phẳng với bất kỳ đội tuyển châu Âu nào. Riêng Nhật Bản đang có hơn 100 cầu thủ thi đấu ở các giải hàng đầu châu Âu. Ngoài những đội kể trên, tôi có thể mở ngoặc thêm Indonesia, đang bùng nổ và có tương lai trở thành một thế lực lớn ở châu Á, sau khi nhập tịch hơn 10 cầu thủ mang dòng máu lai Hà Lan, Bỉ. Điều này tạo nên khác biệt về thể chất ngay lập tức với các đối thủ ở Đông Nam Á.
– Văn hoá bóng đá châu Á này có gì đặc biệt so với những nơi khác trên thế giới?
– Trong những năm đầu ở châu Á, tôi thật ngây thơ khi nghĩ rằng có thể thay đổi nơi đây theo hướng chuyên nghiệp như châu Âu. Mọi người đều biết đó là sự chuyên nghiệp nhưng họ không chấp nhận. Vấn đề tôn giáo rất quan trọng ở một số quốc gia, với những khuôn mẫu và lối sống nhất định. Chẳng hạn, bữa ăn phải có cơm hoặc mỳ dù bất cứ chuyện gì xảy ra. Cầu thủ châu Á cũng bị ám ảnh khá nhiều với mạng xã hội, đặc biệt là cầu thủ trẻ. Họ có thể thức xuyên đêm để lên mạng xã hội. Những việc này tác động bất lợi đến cơ thể, khả năng phục hồi và sự tập trung. Một trong những vấn đề lớn nhất của cầu thủ châu Á là duy trì sự tập trung.
Cầu thủ Brazil có thể làm việc cá nhân trước trận đấu nhưng khi vào trận vẫn ghi bàn rồi trở thành cầu thủ xuất sắc. Nhưng đó là dân tộc có tài năng độc đáo. Họ có thể chơi vài năm đỉnh cao với lối sinh hoạt như vậy, nhưng khi thể chất không cho phép thì sa sút và không còn cơ hội làm lại. Đối với những dân tộc khác hạn chế hơn về nhân tài thì sự chuẩn bị và duy trì tính chuyên nghiệp là điều tiên quyết. Bạn ít nhân tài thì phải làm việc chuyên nghiệp, siêng năng hơn, nhận ra điểm mạnh, yếu để sử dụng một cách tốt nhất.
– Họ trò Đông Nam Á nào khiến ông ấn tượng nhất?
– Năm 2014, tôi dẫn dắt CLB Suphanburi ở Thái Lan và đã trao cơ hội cho cầu thủ trẻ Charyl Chappuis, người mang hai dòng máu Thái Lan và Thuỵ Sĩ. Năm 2009, cậu ấy đã vô địch U17 World Cup cùng Thuỵ Sĩ. Nếu tiếp tục ở châu Âu, Chappuis khó có cơ hội ra sân ở tuổi đôi mươi. Khi đến Suphanburi, Chappuis có mùa giải xuất sắc và bắt đầu thăng tiến. Sau đó, tôi cũng được làm việc với nhiều cầu thủ giỏi ở Malaysia, Myanmar.
Ở Thanh Hoá, Nguyễn Thái Sơn là tài năng trẻ điển hình nhất. Cựu HLV tuyển Việt Nam Philippe Troussier cũng chú ý và thích cầu thủ này. Trong hai năm qua, Sơn là cầu thủ chắc suất đá chính nhất ở ĐTQG dù mới 20 tuổi.
Còn nhiều cầu thủ trẻ khác nhưng không phải ai cũng thành tài. Ngoài kỹ năng, thành công còn phụ thuộc vào tâm lý và tính cách cầu thủ, đôi khi là khả năng chịu áp lực, có lúc là sự may mắn khi có HLV phù hợp và cho bạn cơ hội. Tuy nhiên, thật sai lầm khi nghĩ rằng chỉ nên làm việc với toàn cầu thủ trẻ, hoặc chỉ làm với toàn cầu thủ kinh nghiệm. Thực tế chứng minh không thể thành công chỉ với cầu thủ trẻ. Đối với tôi, kết hợp giữa cả hai là tốt nhất, với một bên là sức trẻ, khao khát thành công, chiến thắng, kiếm tiền… còn lại là cầu thủ giàu kinh nghiệm, không buông xuôi, luôn duy trì động lực chứng tỏ bản thân hàng ngày.
– Cầu thủ Đông Nam Á liệu có thể thi đấu tốt ở châu Âu không?
– Rất nhiều tài năng ở Đông Nam Á có thể thi đấu ở châu Âu. Nhưng trở ngại của họ là thiếu can đảm để thử điều gì đó mới mẻ và vượt qua khác biệt về tâm lý, văn hoá, cách ăn uống, đời sống xã hội… Vì vậy, ước mơ của họ thường là những nước có cùng nền văn hoá như Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc.
Cầu thủ ở đây không phải khiêm tốn, mà sống thu mình và cũng khó kiếm được cầu thủ nói tốt tiếng Anh. Với tôi, rào cản ngôn ngữ là một vấn đề rất lớn mà dù bạn có tố chất cũng khó đạt được thành công.
Velizar Popov sinh năm 1976, là HLV Bulgaria có bằng Pro của Liên đoàn bóng đá châu Âu UEFA. Sự nghiệp cầu thủ của ông không nổi bật khi sớm giải nghệ từ năm 2000, để chuyển sang công tác huấn luyện. Từ năm 2012, Popov sang châu Á làm việc, mở đầu là CLB New Radiant của Maldives, giành cú ăn ba vô địch quốc gia, cup Quốc gia và Siêu cup Quốc gia 2013. Sau đó, ông làm việc ở Oman, Thái Lan, Malaysia. Ở cấp đội tuyển, Popov dẫn dắt Maldives năm 2015, rồi U23 Myanmar giai đoạn năm 2019 đến 2023, với tấm HC đồng SEA Games 30. Sau SEA Games 32 tại Việt Nam, ông chia tay Myanmar để chuyển sang dẫn dắt CLB Thanh Hoá. Với tiềm lực hạn chế, ông vẫn giúp đội bóng xứ Thanh lột xác trở thành tập thể chơi pressing hay nhất V-League, đồng thời, đoạt Cup quốc gia, Siêu cup Quốc gia và đứng thứ tư V-League 2023. |
Trung Thu
Nguồn tin: https://vnexpress.net/hlv-popov-bong-da-chau-a-doi-khi-khong-chap-nhan-tinh-chuyen-nghiep-4735125.html