Trong cuộc phỏng vấn với tạp chí Goethe, HLV Iwamasa Daiki tiết lộ về lý do nhận lời dẫn dắt Hà Nội FC, cùng tham vọng giúp lan toả lối chơi kiểm soát bóng ở Việt Nam.
– Cơ duyên nào đưa ông đến với Hà Nội FC dù đang dẫn dắt một CLB lớn ở Nhật Bản là Kashima Antlers?
– Tôi nhận được đề nghị từ Hà Nội sau khi quyết định rời Kashima Antlers từ đầu tháng 12/2023, nhưng phải đến tháng 1/2024 thì mọi thứ mới thật sự bắt đầu. Có người nói với tôi rằng tôi nên chờ đợi lời đề nghị khác. Tôi vừa giúp Kashima đứng thứ năm J-League 1, vì vậy nếu chờ đợi có thể sẽ nhận được lời đề nghị ở Nhật Bản trong sáu tháng hoặc muộn nhất là một năm.
Lúc ấy, tôi nghĩ nếu mình đang 50 tuổi thì sẽ nghỉ ngơi khoảng một năm, rồi nhận một lời đề nghị tốt. Nhưng ở tuổi 41, tôi nhận ra có nhiều thứ mình muốn thử nên ý tưởng nghỉ ngơi không phù hợp.
– Khi nhận được đề nghị từ Hà Nội FC, ông đã tìm hiểu gì về đội bóng này?
– Phong cách chủ đạo của bóng đá Việt Nam là phòng ngự chắc chắn và phản công. Hà Nội có lẽ cố gắng áp dụng phong cách khác với một HLV từ châu Âu (Bozidar Bandovic). Nhưng sau trận thua 0-6 trước Urawa Red Diamonds ở AFC Champions League, HLV này đã bị sa thải trước khi mùa giải quốc nội bắt đầu. Sau đó, một HLV người Việt Nam lên nắm tạm quyền, rồi có vẻ họ muốn thử sức với HLV người Nhật Bản nên cơ hội đến với tôi.
Trước khi đến làm việc, tôi đã xem nhiều trận đấu của đội và làm quen các cầu thủ. Tôi cảm thấy rằng họ có thể chơi thứ bóng đá mà tôi mong muốn, đó là kiểm soát bóng, đồng bộ trong phòng ngự lẫn tấn công và đẩy đối thủ lùi sâu về cuối sân.
– Hà Nội FC là một CLB lớn của Việt Nam và vừa dự AFC Champions League. Họ cũng khao khát chiến thắng mọi trận đấu như Kashima Antlers – đội bóng ông vừa dẫn dắt?
– Nếu không đạt kết quả tốt, bạn không thể trụ lại đây. CLB này khiến bạn phải chịu áp lực ngay từ những ngày đầu, với những cầu thủ chất lượng nằm trong top ba V-League.
Thách thức đối với tôi là liệu có thể sử dụng thứ bóng đá của riêng mình để giành chiến thắng hay không. Nếu hoạt động không hiệu quả thì tôi buộc phải thay đổi quyết định. Ngay cả khi không phải người giỏi nhất, một HLV trưởng như tôi phải vẫn có khả năng dẫn dắt những cầu thủ đẳng cấp hàng đầu đến chiến thắng.
– Nhưng ông đã không thể làm được điều đó ở Kashima Antlers?
– Đúng là tôi đã không làm được. Nhật Bản khác Việt Nam khi có nhiều đội trình độ cao nên rất khó để vô địch ngay mùa đầu tiên. HLV Ange Postecoglou của Tottenham cũng phải đến mùa thứ hai mới cùng Yokohama F.Marinos vô địch J-League 1 năm 2019.
– Ông đang theo đuổi phong cách chơi đặc trưng của Postecoglou là tấn công hiện đại nhờ pressing tầm cao và kiểm soát bóng?
– Bóng đá châu Âu có Pep Guardiola thì Nhật Bản có Postecoglou. Họ khiến bóng đá ở quốc gia đó chuyển biến lớn, thay đổi với nhiều đội học theo. Bóng đá Nhật Bản từng lập luận rằng tỷ lệ cầm bóng cao là lý tưởng, nhưng chưa đủ để chiến thắng cho đến khi Postecoglou đến. Ông ấy đã đi ngược dòng so với định kiến. Tôi mong mình cũng làm được điều đó ở Việt Nam.
– Đó là tham vọng của ông ở Việt Nam?
– Tôi không muốn làm điều khác thường mà muốn sáng tạo. Trong văn hoá Việt Nam, bóng đá phản công vẫn thắng thế. Chúng tôi phải duy trì kiểm soát bóng và pressing tầm cao, dồn ép đối thủ và ghi nhiều bàn thắng. Chưa ai làm được điều đó ở Việt Nam. Tôi nghĩ nếu ai làm được thì sẽ thay đổi cục diện bóng đá nơi đây.
Hiện tại, Việt Nam có sự thay đổi khi cựu HLV tuyển Nhật Bản Philippe Troussier đến dẫn dắt. Trong bối cảnh ấy, nếu có thể giành chiến thắng bằng lối chơi hiện đại thì quan điểm của nhiều người về bóng đá Việt Nam sẽ thay đổi. Nếu điều ấy xảy ra, tôi cảm thấy mình đã đóng góp cho Hà Nội FC, cho Việt Nam. Đó là kiểu HLV mà tôi muốn trở thành.
– Điều đầu tiên ông thay đổi ở Hà Nội FC là gì?
– Tôi đã cố gắng tạo ra các mô hình chuyển động và các điểm cần căn chỉnh. Sau khi trình bày, nó bắt đầu liên kết với cầu thủ và tôi dường như cảm thấy họ chơi dễ dàng hơn. Nhưng thất bại ở Kashima cũng cho tôi kinh nghiệm.
Triết lý của tôi là không tạo ra các khuôn mẫu trong quá trình ra quyết định. Khi ở Kashima, tôi trình bày nhiều về mô hình chuyển động. Các cầu thủ sẽ cảm thấy tích cực nếu đạt được kết quả. Nhưng kết quả không tốt khiến đội lạc lối và các cầu thủ không biết bắt đầu lại từ đâu. Tôi phải chịu trách nhiệm vì tạo ra nó. Đó cũng là lý do tôi phải làm mọi thứ rõ ràng hơn khi ở Hà Nội FC.
– Ông có nghĩ rằng sự huấn luyện của mình đã bắt đầu phát huy tác dụng ở Hà Nội FC?
– Mọi thứ ban đầu diễn ra tốt hơn tôi mong đợi. Qua một trận đấu tập, dữ liệu thể lực, số lần chạy nước rút của cầu thủ đã khác hoàn toàn so với trước đây. Trong bóng đá hiện đại, cự ly đội hình, tốc độ và sức mạnh được đề cao. Tôi cảm thấy cầu thủ Hà Nội đang thay đổi để phù hợp với cái gọi là bóng đá hiện đại.
Nó cộng hưởng từ nỗ lực của cầu thủ. Tôi cảm thấy những điều tôi muốn cầu thủ thay đổi bắt đầu thành hình qua rèn luyện hàng ngày. Ban đầu, Hà Nội vắng bảy cầu thủ do cùng đội tuyển quốc gia dự Asian Cup 2023 nên tôi đưa cầu thủ trẻ vào. Khi họ trở về, chúng tôi có thể định hình lối chơi. Cầu thủ Việt Nam có thái độ làm đúng những gì được yêu cầu như Nhật Bản.
– Sự khác biệt trong phong tục và văn hóa giữa Việt Nam và Nhật Bản có khiến ông bối rối không?
– 10 năm trước, tôi chơi cho BEC Tero Sasana FC của Thái Lan với tư cách cầu thủ. Tôi cảm thấy trải nghiệm đó giúp tôi có khả năng miễn dịch. Thái Lan và Việt Nam có điểm khác Nhật Bản về thời gian. Họ không có thói quen dự đoán và hành động theo nhiều hướng, vì vậy những bất ngờ thường xảy ra. Sự khác biệt còn trong cách chuẩn bị, tập luyện,… Vì vậy, tôi rất căng thẳng vào 10 năm trước.
Bây giờ, tôi có thể bình tĩnh chấp nhận sự khác biệt về văn hoá. Khi ở Thái Lan, tôi là cầu thủ, còn giờ tôi là HLV nên phải duy trì bầu không khí làm việc tích cực. Tôi không có bất kỳ mối liên hệ nào với Việt Nam và nó có thể giúp tôi làm HLV dễ dàng hơn.
– Ngôn ngữ là vũ khí quan trọng của HLV Iwamasa Daiki, nhưng khó thực hiện ở Việt Nam vì bất đồng ngôn ngữ. Ông đã giải quyết rào cản này thế nào?
– Những nước có nhiều HLV Nhật Bản làm việc như Thái Lan thì có nhiều phiên dịch viên kinh nghiệm về bóng đá. Nhưng ở Việt Nam thì rất khó kiếm. HLV Nhật Bản từng làm ở Việt Nam gần nhất chỉ có Masahiro Shimoda (Sài Gòn FC – nay đã giải thể) năm 2021 và Toshiya Miura (CLB TP HCM) năm 2018.
Những phiên dịch viên hồi ấy giờ đều đã có công việc ổn định nên tôi phải tìm người mới. Tôi đã phỏng vấn trực tuyến 10 người và lựa chọn dựa trên phong cách và cảm xúc khi nói chuyện. Phiên dịch viên hiện tại không có kinh nghiệm về bóng đá nên tôi đang phải dạy cả anh ấy, bên cạnh cầu thủ.
– Ông phải thay đổi phương pháp truyền đạt cho toàn đội ra sao?
– Tại các cuộc họp hay ngay cả khi tập luyện, tôi giả định mọi thứ không thể được truyền đạt tốt nhất đến cầu thủ ngay cả khi có phiên dịch viên. Vì vậy, tôi quyết định hạn chế dùng nhiều từ, giải thích mọi thứ bằng thuật ngữ đơn giản nhất có thể.
Tôi tập hợp một nhóm khoảng 30 từ khoá vào sổ tay để trình bày lối chơi và cách di chuyển vốn là chìa khoá trong chiến thuật. Tôi sử dụng những từ đó nhiều để chúng trở nên quen thuộc với cầu thủ. Hiện tại, tôi vẫn chưa dùng hết các từ. Tôi đang suy nghĩ thứ tự sử dụng, đồng thời nó còn phụ thuộc tuỳ vào cầu thủ trong sân.
– Năm 1992, Hans Ooft – HLV nước ngoài đầu tiên của đội tuyển Nhật Bản sử dụng cụm từ như xây dựng các tuyến “chặt chẽ” hay phối hợp “tam giác”. Bóng đá thật sự là môn thể thao đòi hỏi phải suy nghĩ rất nhiều?
– Bóng đá có thể được hiểu theo bất kỳ cách nào. Nếu không có từ khoá, bạn không thể hiểu rõ. Một số cầu thủ hiểu, trong khi người khác thì không. Nếu có những từ khoá, bạn sẽ thấy rõ cần tập trung và chú ý vào điều gì. Bằng cách gán từ, cầu thủ có thể coi nó là đích đến và chơi thứ bóng đá HLV mong muốn. Chúng tôi đang cố gắng vừa diễn đạt vừa quan sát cầu thủ thực hiện đến đâu.
– Ông dường như háo hức cùng Hà Nội FC thi đấu chính thức?
– Tôi mong chờ từng ngày. Tôi cảm thấy hạnh phúc qua mỗi ngày. Ở một khía cạnh khác, tôi không hiểu tiếng Việt và cũng không quen ai ở Việt Nam. Nó giống những cầu thủ ra nước ngoài thi đấu, vì khi bước vào thế giới ấy thì nó không còn là cuộc sống của riêng bạn nữa. Nếu không thành công, tôi không còn lựa chọn nào khác ngoài quay trở lại Nhật Bản. Tôi nghĩ rằng mình có thể làm việc với một sự quyết tâm khác so với khi ở Nhật Bản.
Mùa giải sẽ kết thúc vào tháng 6/2024. Tôi rất hiểu tầm quan trọng giữa việc thực hiện ý tưởng và đạt kết quả cuối cùng. Tuy nhiên, tôi không muốn khi mình rời đi mà đội vẫn chơi phòng ngự phản công.
Iwamasa Daiki sinh năm 1982, tốt nghiệp chuyên ngành Toán học, Khoa Giáo dục của Đại học Tokyo Gakugei. Sau giai đoạn bóng đá học đường, ông chính thức gia nhập Kashima Antlers vào năm 2004 và trở thành trung vệ trụ cột, giành ba chức vô địch J-League 1 liên tiếp từ năm 2007 đến 2009. Ở cấp đội tuyển quốc gia, Iwamasa thi đấu trong giai đoạn từ 2009 đến 2011, trong đó tham dự World Cup 2010 và vô địch Asian Cup 2011. Năm 2014, Iwamasa sang Thái Lan đá cho BEC Tero Sasana. Từ 2015, ông trở về Nhật Bản thi đấu ở hạng thấp cho Fagiano Okayama và Tokyo United, rồi giải nghệ vào năm 2018. Sự nghiệp huấn luyện của Iwamasa nổi bật với dẫn dắt Kashima Antlers, lần lượt đứng thứ tư và thứ năm J-League 1 năm 2022 và 2023. Ngày 11/1/2024, Iwamasa Daiki chính thức trở thành HLV trưởng Hà Nội FC. Cuộc phỏng vấn với tạp chí Goethe của Iwamasa diễn ra vào đầu tháng 2/2024, và được đăng tải trong ba ngày từ 18/2 đến 20/2. Ngày 18/2, ông có trận ra mắt Hà Nội FC ở vòng 9 V-League 2023-2024, với thất bại 0-2 trước Thanh Hoá. |
Hiếu Lương
Nguồn tin: https://vnexpress.net/hlv-nguoi-nhat-ban-muon-thay-doi-van-hoa-bong-da-phan-cong-cua-viet-nam-4713516.html